linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Bàn về kỹ năng làm Cải tiến chất lượng

Làm sao quá trình cải tiến chất lượng không đụng chạm tự ái người khác; Làm sao hạn chế va chạm đến các vấn đề tiêu cực, lợi ích nhóm trong bệnh viện; Làm sao để các phòng ban họp tác không chống đối cản trở,...
Những ưu tư vừa nêu có lẽ người làm chất lượng nào cũng phải trải qua và nó làm cho ta dễ Xì – Trét.
 
>>> Quan điểm với tiêu cực
Tiêu cực, nhóm lợi ích,.. ở đâu cũng có, ngành nghề nào cũng có, môi trường nào cũng có, bất kể là công hay tư, VN hay nước ngoài. Nơi nào có con người, nơi đó có lòng tham và con người làm việc vì động lực lợi ích cá nhân hay lợi ích tổ chức là do thể chế quyết định. Thể chế tốt làm cho con người phải vì lợi ích chung trước, rồi mới tới lợi ích của mình. Trong cái lợi ích chung đó có phần riêng cho mỗi người. Cái hay của một tổ chức phát triển là họ xây dựng được thể chế mà ở đó con người phải nổ lực là cho cái chung thịnh vượng trước rồi mới tới cá nhân thịnh vượng. Còn ngược lại, ở những tổ chức không phát triển, đôi khi cá nhân rất thịnh vương nhưng cái chung thì lụi tàn.
 
Quan điểm của người làm chất lượng là nhận diện tiêu cực, nhưng không đối đầu mà tìm cách đi vòng qua nó. Đừng cố làm Bao công. Cải tiến chất lượng không làm chuyện “đội đá vá trời” được.
 
Suy nghĩ như vậy sẽ bớt stress hơn. Đừng tự tạo áp lực cho mình khi làm cải tiến chất lượng.
 
>>> Quan điểm với sự tự ái của con người
Con người, đặc biệt là người tri thức, luôn tự tôn về việc mình đang làm. Cải tiến chất lượng đôi khi chỉ ra những điểm làm chưa tốt, và do đó đụng chạm đến tự ái người ta.
 
Sự cầu thị, và cởi mở với cái mới là một hành trình thay đổi tư duy của con người. Không phải là chuyện một ngày một bữa. Và người làm chất lượng phải trang bị kỹ năng này.
 
Sự chống đối hay cản trở việc cải tiến chất lượng là một biểu hiện bên ngoài. Người làm chất lượng cần nhận diện nguyên nhân tiềm ẩn bên trong từng con người một để có đối sách phù hợp.
 
 
>>> Một vài nguyên tắc chung để vượt qua nó.
1. Nhìn việc không nhìn người.
 
2. Làm việc trên dữ liệu và dữ kiện, không suy đoán chung chung và chủ quan. Mọi nghi vấn phải có số liệu hỗ trợ.
 
3. Ra thông điệp rõ ràng cho việc cải tiến: mục tiêu cụ thể, các bước đi cụ thể và luôn hướng đến lợi ích khách hàng và lợi ích tổ chức.
 
4. Trong trường hợp lợi ích một nhóm hay một cá nhân nào đó bị đe dọa do quá trình cải tiến gây ra và họ phản kháng quyết liệt thì tốt nhất là tìm chuyện khác mà làm, đừng đối đầu vô ích. Đừng nóng vội. Muốn nhanh là phải từ từ trong trường hợp này.
 
5. Luôn luôn làm việc nhóm. Tránh liên hệ đến ý kiến của 1 cá nhân nào đó. Các quyết định, các đề xuất, các phân tích là của nhóm. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ bạn trước các nhóm lợi ích. Hoặc sự hiềm khích cá nhân.
 
6. Đừng lấy sếp ra dọa trong trường hợp phải thuyết phục ai đó. Việc đó không giải quyết được vấn đề mà làm vấn đề trầm trọng hơn. Mà nên dùng công cụ benchmarking để lay chuyển lòng tự trọng của con người. Nghĩa là luôn cho người ta thấy ở đâu đó đã làm rất tốt việc này, họ đã làm như thế nào, liệu ta có làm tốt hơn họ được không. 
 
7. Dùng áp lực từ bên ngoài để thúc đẩy sự cải tiến. Các quy định nhà nước, các tai tiếng ở đâu đó.
 
8. Luôn đo lường việc trước và sau cải tiến. Điều gì đã được tốt hơn, đã tạo ra được kết quả gì. Để làm người ta tự hào hơn với việc mình làm.
 
9. Và cuối cùng là ghi nhận sự nổ lực. Lưu ý, ghi nhận chứ không phải là khen thưởng. Hai việc này là khác nhau. 
Có nhiều hình thức để ghi nhận. Nhưng khen thưởng không khéo đôi khi lại làm cho xung đột gia tăng.
 
Quản lý chất lượng là quản lý sự thay đổi. Mục tiêu và đích đến của quản lý chất lượng là thay đổi văn hóa chất lượng trong từng cá nhân, từng nhóm người. Nó là một hành trình không đơn giản. Cần một sự kiên định và kiên trì với sự thay đổi.
 
Chúc thành công
Trân trọng
 
ThS Huỳnh Bảo Tuân
Giảng viên Khoa Quản lý Công Nghiệp - ĐHBK TpHCM
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team