linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Cải tiến Y tế - Vì sao tượng đài Washington bị bào mòn?

Khi đến thủ đô Hoa Kỳ, chúng ta chắc chắn sẽ ghé thăm tượng đài tưởng niệm tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington. Tượng đài này hình mũi tên chỉ lên trời, cao 170 mét, và là kiến trúc làm bằng đá cao nhất trên thế giới. Nhưng vì làm bằng đá tự nhiên, nên qua thời gian tượng đài này bị bào mòn. Cách đâu khoảng 10 năm, các kỹ sư giỏi nhất nước Mỹ được tập hợp để vắt óc tìm cách cứu tượng đài của "cha già dân tộc".
Và đây là một ví dụ rất hay về công cụ cải tiến có thể áp dụng trong y tế - đặt câu hỏi "vì sao" 5 lần để tìm nguyên nhân gốc rễ.
1. Vì sao tượng đài bị bào mòn? - Bởi vì các hoá chất tẩy rửa mạnh thường được dùng để làm vệ sinh bề mặt.
2. Vì sao phải dùng hoá chất mạnh? - Bởi vì tượng đài thường bị bao phủ bởi phân chim bồ câu.
3. Vì sao tượng đài có nhiều phân chim? - Bởi vì có nhiều nhện làm tổ trong kẻ hở giữa các phiến đá, và làm mồi cho chim ăn.
4. Vì sao lại có nhiều nhện trong tượng đài? - Bởi vì có rất nhiều con trùng, mà nhện thích ăn, bay đến tượng đài vào lúc hoàng hôn.
5. Vì sao có nhiều con trùng bay đến tượng đài vào lúc hoàng hôn? - Bởi vì tượng đài Washington là kiến trúc được bật đèn chiếu sáng sớm nhất ở trong thành phố, và các con thiêu thân bị thu hút bởi ánh sáng.
 
 
GIẢI PHÁP: Bật đèn chiếu sáng tượng đài Washington trễ đi 1 tiếng vào buổi chiều tối.
 
CHI PHÍ: Không tốn đồng nào (còn tiết kiệm tiền điện)
 
HIỆU QUẢ: Lượng con trùng và phân chim giảm 85%
 
KẾT LUẬN: Giải quyết các vấn đề không nhất thiết là tốn tiền. Nếu áp dụng Phương Pháp Phân Tích Nguyên Nhân Gốc Rễ, chúng ta có thể tìm ra các giải pháp triệt để tận gốc và rất hiệu quả kinh tế.
 
Dimitry Tran
 
Hỏi đáp - thảo luận trên CLB QLCL - ATNB về chủ đề này:
 
Nguyễn Mai Thanh Cốt lõi là phải tìm được nguyên nhân gốc rễ. 
Theo chủ thớt, để cải thiện nền y tế của chúng ta, nguyên nhân gốc rễ là gì?
 
Dimitry Tran Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi. Khi chúng ta phân tích nguyên nhân gốc rễ, bước đầu tiên là xác định vấn đề. Vấn để phải được miêu tả thật hẹp và thật cụ thể thì giải quyết mới hiệu quả. 
 
Ví dụ như vấn đề "các kiến trục cổ ở Washington bị bào mòn" là quá rộng. Chúng ta cần tập trung vào môt kiến trúc cụ thể - tượng đài Washington.
 
Trong y tế cũng vậy. Chúng ta có thể dùng công cụ này để phân tích vấn đề "bệnh nhân chờ lâu ở khoa khám bệnh của bệnh viện A". Chứ còn vấn đề "nền y tế Việt Nam" là quá rộng, nên mình e áp dụng sẽ không hiệu quả. 
 
Mình ước gì là có đũa phép thần hô biến giải quyết được tất cả các thách thức ở Việt Nam, như là việc bật công tắc đèn ở tượng đài Washington. 
 
Nhưng sự thật thì sự phát triển của nền y tế mỗi đất nước đều đến từ từng thay đổi nhỏ, từng ngày, từng biểu đồ xương cá, từng dự án 5S, ở từng khoa, tại từng bệnh viện, do từng NVYT góp gạch xây mà thành.
 
Bạn có thể tìm hiểu thêm về công cụ RCA này qua các video và bài viết trên trang CLB. Chúng bạn áp dụng thành công!
 
 
Hồng Vân Nguyên nhân gốc rễ muốn biết được người phân tích cần có nền tăng kiến thức tốt, bao phủ và cần chứng minh được quan điểm của mình. Vậy nếu giải sử khi phân tích nguyên nhân gốc của một vấn đề mỗi cá nhân nhìn theo một hướng khác nhau, ai cũng có lý về kết quả sự phân tích của mình vậy lúc đó mình có làm bài toán chọn ưu tiên và can thiệp từng cái không anh?
 
Dimitry Tran Cám ơn câu hỏi của Hồng Vân, khi bắt đầu phân tích nguyên nhân. Chúng ta sẽ làm brainstorm để thu thập ý kiến của mọi người. Tất cả các ý kiến này đều là "giả thuyết", cho đến khi được chứng minh.
 
Trong ví dụ sau, mà CLB có chia sẻ trong hội thảo về an toàn chạy thận tuần trước, chúng ta có thể thấy việc BV Minnesota thu thập dữ liệu để chứng minh, hay phủ nhận các giả thuyết.
 
Khi các giả thuyết đã được lọc lại, và được chứng minh bằng dữ liệu thì như anh Ho Manh Tuong có nói, mình có thể dùng biểu đồ Pareto để xếp thứ tự ưu tiên.
 
Một công cụ nữa để chọn xem nên áp dụng can thiệp nào là biểu đồ PICK (PICK Chart). Biểu đồ này rất dễ dùng. Mình đưa các ý tưởng can thiệp lên một đồ thị hai trục: MỨC ĐỘ HỮU HIỆU và ĐỘ KHÓ TRONG VIỆC ÁP DỤNG. Các việc nên ưu tiên làm là những việc vừa dễ mà lại vừa có hiệu quả cao trong việc giải quyết vấn đề.
 
 
Chúc bạn áp dụng thành công!
 
Hồng Vân Em cảm ơn hai anh. Em đã áp dụng được brainstorm và chứng minh quan điểm bằng con số, tuy nhiên bước xếp thứ tự ưu tiên em còn cảm thấy chưa chắc chắn. Vấn đề của em có câu hỏi như sau: 
1. Tại sao điều dưỡng bệnh viện thiếu chuyên nghiệp
Tại vì họ chưa được chuẩn hóa quy trình làm việc 
Tại vì họ chưa được chuẩn hóa kiến thức cơ bản
Tại vì bệnh viện chưa có quy trình chuẩn trong thực hành
Tại vì môi trường làm việc quá tải về thể chất và tinh thần 
Tại vì họ bị áp lực tâm lý quá lớn mà không có khả năng chống đỡ 
Vậy áp dụng 5 why để chia nhỏ vấn đề có phải sẽ chuyển góc nhìn nhỏ hơn để đặt câu hỏi và giải quyết: 
Tại sao điều dưỡng thực hành thiếu thống nhất về quy trình, tại sao điều dưỡng giao tiếp chưa uyển chuyển, tại sao điều dưỡng có thái độ chưa đúng mức với nb và thân nhân,....từ đó giải quyết từng góc độ nhỏ để được cái chung lớn hơn đúng không ạ?
 
Dimitry Tran Hi bạn Hồng Vân. MÌnh xin chia sẻ hai gợi ý như sau nhé:
 
1. Mình nghĩ khâu định nghĩa vấn đề của bạn còn hơi rộng. "Tại sao điều dưỡng bệnh viện thiếu chuyên nghiệp?" có thể hiểu theo rất nhiều cách. Điều dưỡng khoa nào? Thiếu chuyên nghiệp trong việc gì? Hậu quả / sự cố / vấn đề là gì?
 
2. Sau khi định nghĩa vấn đề hẹp hơn (ví dụ như "các điều dưỡng khoa ICU chưa tuân thủ bảng kiểm an toàn khi đặt cather và gây ra tỉ lệ nhiễm trùng máu (bloodstream infection) cao"), bạn có thể gộp các giả thuyết của mình vào 8 nhóm nguyên nhân cho dễ quản lý (xem hình). Mình đặc biệt lưu ý yếu tố Đo Lường (bạn đo lường việc "thiếu chuyên nghiệp" / chưa tuân thủ checklist bằng cách nào? việc đo lường có xác tín không?)
 
Bạn có thể xem thêm slide 39-59 của hội thảo Văn Hoá An Toàn của CLB mình tuần trước nhé. Vào tháng 8 CLB mình sẽ có họp mặt trực tiếp, hi vọng có dịp trao đổi thêm với bạn. 
 
Chúc bạn thành công!
 
 
Lê Minh Thuận Mọi chuyện đều có nguyên nhân gốc rễ. Nhưng ai sẽ là người tìm ra nó?
 
Dimitry Tran Cám ơn câu hỏi của bạn. Nhân Viên Y Tế tuyến đầu, áp dụng công cụ RCA, sẽ là người tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Lãnh đạo, hay chuyên gia đều không thể làm được.
 
Trong cuốn sách kinh điển "Lãnh Đạo Trên Tiền Tuyến: làm sao để sống sót qua các hiểm nguy của việc lãnh đạo" (Leadership on the Line: Staying Alive through the Dangers of Leading) Giáo Sư Ronald Heifetz của trường chính sách công Đại Học Harvard nói:
"Thất bại lớn nhất trong việc lãnh đạo là tìm cách giải quyết một THÁCH THỨC THÍCH ỨNG (adaptive challenge) như thể nó là một VẤN ĐỀ KỸ THUẬT (technical problem)." (xem hình)
 
Vấn Đề Kỹ Thuật là những vấn đề dễ nhận diện, có giải pháp rõ ràng và dễ chấp nhận. Chúng có thể được xử lý thông qua các "chỉ đạo" từ người làm quản lý hoặc các chuyên gia. Vấn đề tượng đài Washington bị bào mòn là một ví dụ của Vấn Đề Kỹ Thuật. 
 
 
Ví dụ như vấn đề về lối đi cho BN trong BV. Nhà quản lý và chuyên gia có thể chỉ đạo thành lập bảng thông tin và vạch sơn lối đi trên sàn nhà - chỉ cần đầu tư ngân sách và giám sát việc thực hiện là xong. NVYT không cần hiểu hết vấn đề, giải pháp hay thay đổi thói quen làm việc.
 
Nhưng chúng ta biết đa số các vấn đề trong y tế không đơn giản như vậy. Đây là những Thách Thức Thích Ứng không có lời giải dễ dàng (no easy answers) - ví dụ như việc giảm thời gian chờ trong khoa cấp cứu. Nếu một nhà quản lý nếu tiếp cận thách thức này như một vấn đề kỹ thuật, cô ấy sẽ chỉ đạo tăng số lượng nhân viên và quầy khám. Nhưng với ngân sách hạn hẹp, đây không phải là giải pháp bền vững.
 
Việc giải quyết các Thách Thức Thích Ứng đòi hỏi cả đội ngũ NVYT tham gia tìm tòi và thử nghiệm các giải pháp khác nhau. Các nhà quản lý và chuyên gia chỉ có thể tư vấn và hỗ trợ, nhưng không thể chỉ đạo hay làm thay NVYT được.
 
Bạn có thể đọc thêm ở post này "Tại sao 70% các dự án cải tiến bị thất bại" của CLB nhé. Chúc bạn áp dụng thành công!
 
Nguyen Phuong Nam Tìm ra được gốc rễ, có dám giải quyết nó không?
 
Dimitry Tran Cám ơn câu hỏi của bạn Phương Nam. 
 
Công cụ RCA thường được dùng để giải quyết các vấn đề an toàn và hài lòng bệnh nhân. Trong môi trường y tế tự chủ tài chính, ngày càng cạnh tranh, thêm vào đó là áp lực của BHYT, BYT và truyền thông (như sự cố Hòà Bình), thì động lực để giải quyết vấn đề sẽ ngày càng cao.
 
Mong bạn Nguyen Phuong Nam có thể chia sẻ thêm những tình huống khó khăn để mọi người cùng bàn bạc chia sẻ nhé.
 
Hoàng Công Điền 1. Vì sao tượng đài bị bào mòn? - Bởi vì các hiện tượng mưa acid làm tăng phá hủy các cấu trúc vô cơ có calci.
2. Vì sao có hiện tượng mưa acid? - Bởi vì khí hậu thế giới đang bị biến đổi theo hướng nóng lên.
3. Vì sao khí hậu thế giới bị biến đổi theo hướng nóng lên? - Bởi vì các quốc gia công nghiệp hóa sử dụng nhiều nguyên liệu hóa thạch mà không chịu thỏa thuận cắt giảm khí thải.
4. Vì sao lại không chịu thỏa thuận cắt giảm khí thải? - Bởi vì Đỗ Năm Chăm đã hủy bỏ hiệp ước Paris.
5. Vì sao vì Đỗ Năm Chăm hủy bỏ hiệp ước Paris? - Bởi vì ổng là tổng thống Mỹ.
GIẢI PHÁP: cách chức tổng thống của Đỗ Năm Chăm.
Khà khà khà
Sorry vì đã troll một ví dụ rất hay của bạn Dmitri Tran. Tuy nhiên trong thực tế khi ứng dụng RCA, 5W chúng ta rất dễ bị dẫn dắt theo hướng đi tới những "lỗi cơ chế", "lỗi hệ thống", một thuật ngữ đang được dùng tràn lan để che lấp những vấn đề cụ thể mà người trong cuộc có thể đứng ra giải quyết được. Đây là một lối mòn rất hấp dẫn, vì chỉ cần chỉ tay lên trời hay xuống đất là xong, nhiệm vụ đã hoàn thành!! Vì vậy người điều hành cuộc họp RCA phải hết sức chú ý tránh đi vào lối mòn này, phải xác định cho được ranh giới của gốc rễ vấn đề ở trong giới hạn mà chúng ta có thể và buộc phải giải quyết trong ranh giới đó.
 
CLB QLCL-ATNB
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team