linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Vài trao đổi về - chứng chỉ - Green Belt

Green belt – đai xanh trong cải tiến chất lượng. Thực chất không phải là một chứng chỉ (certificate) mà là một sự ghi nhận thành tích (achievement recognition).
Trong các tổ chức, để khuyến khích việc học tập và nỗ lực cải tiến chất lượng, người ta xây dựng một hệ thống ghi nhận dưới dạng “đai” (belt) , như học võ vậy: White – Yellow - Green – Black – Master Black.
 
Các đai không phải là một vị trí (position), các đai chỉ để cho thấy ai đó rất có kinh nghiệm, kiến thức, và đóng góp cho cải tiến chất lượng. Và các đai có ảnh hưởng đến thu nhập (vì có đóng góp tốt hơn).
 
Các tổ chức tự đưa định nghĩa về các đai này, và giám đốc (hoặc phó giám đốc phụ trách chất lượng) là người ký quyết định nâng đai.
 
Thông thường, việc phân định các đai như sau:
- White: biết sơ sơ về cải tiến chất lượng (chất lượng là gì, cải tiến chất lượng là làm gì…)
- Yellow: học được 1 số công cụ cải tiến (pareto, xương cá, 5 whys…) có tham gia cải tiến 1, 2 dự án cải tiến.
- Green: học được nhiều công cụ phức tạp hơn (lean, six sigma, phân tích thống kê, kiểm định thống kê…), và đã dẫn dắt thành công 2 dự án cải tiến thật sự cho tổ chức.
- Black: học chuyên sâu về cải tiến, có kiến thức sâu, đặc biệt là data mining, dẫn dắt thành công rất nhiều dự án (>20). Có khả năng làm mentor cho các dự án. Ai có khó khăn gì có thể hỏi, để đưa ra định hướng, cách giải quyết.
- Master black: một huấn luyện viên chuyên nghiệp làm việc fulltime. Công việc của người này là tổ chức các khóa huấn luyện, gặp gỡ hướng dẫn các nhóm dự án. Đặc biệt là các dự án khó, rất khó đòi hỏi nhiều thời gian công sức.
 
Với sự cạnh tranh và thu hút nhân tài hiện nay giữa các tổ chức. Người ta hay săn đầu người (head hunt) các đai này. Do đó, các đai này rất có "giá" trong CV của một người.

 
Vai trò của các trường đại học:
- Trường đại học không có cấp đai. Vì học ở trường đại học, tính thực hành không cao bằng làm thực tế các dự án cải tiến tại các tổ chức. 
- Trường đại học chỉ đóng vai trò đào tạo kiến thức để làm cải tiến cho các đai giúp cho tổ chức, mang tính chất outsourcing (thường việc đào tạo đòi hỏi 1 chút kỹ năng sư phạm). 
- Do đó, trường đại học chỉ cấp chứng nhận hoàn thành khóa học ở một cấp độ đai nào đó, chứ không phải là đai đúng nghĩa. Đai chỉ do tổ chức cấp.
- Trường đại học là nơi nghiên cứu và sản xuất tri thức, đưa ra nội dung và chương trình đào tạo. 
Do đó cái uy tín của trường đại học là bảo chứng cho chất lượng. Việc một trường đại học đưa ra chương trình đào tạo green belt, black belt là không nhất thiết phải được thẩm định bởi bất kỳ tổ chức nào nữa. Quan trọng nhất là người học có làm được việc không, từ đó hình thành uy tín. Và việc lựa chọn nơi nào là tùy vào đánh giá của tổ chức.
 
Kiến thức y khoa và kiến thức quản lý
- Kiến thức y khoa được quản lý bởi ngành y, ai đưa kiến thức vào dạy phải được thẩm định và cấp phép. Các chương trình CME trong y tế phải được cấp mã để thể hiện là đã được thẩm định. Đó là yêu cầu bắt buộc
- Tuy nhiên, các ngành khác họ không cần việc này. Kiến thức quản lý được các ngành khác xem như là công cụ giải quyết vấn đề. Nghĩa là những gì anh dạy có giúp chúng tôi giải quyết được các bài toán trong quản lý của chúng tôi không. Đó là thước đo cuối cùng. Những gì anh dạy giúp chúng tôi cải thiện được chất lượng thì tôi mời tiếp, không cải thiện được thì đi chổ khác chơi.
- Quản lý trong y khoa là một lĩnh vực liên ngành kết hợp giữa quản lý và đặc thù của y tế. Do đó, kiến thức quản lý trong y tế có phải được thẩm định và cấp phép hay không tùy thuộc vào quy định của ngành y. Và nếu có thì các đơn vị đào tạo phải làm hồ sơ để thẩm định và xin cấp phép.
 
Chương trình Lean Six Sigma for Hospital do Bách Khoa chúng tôi biên soạn dựa trên điều kiện các bệnh viện tại Việt Nam là dạng một chương trình “mã nguồn mở”. Chúng tôi không có ý định thương mại hóa (dạy để kiếm tiền). Vì chúng tôi ở không quá, không biết làm chuyện gì nên làm ra để tặng cho đời chơi cho vui. Ai dùng được thì dùng, không dùng thì cũng không sao. Đóng góp để phát triển thì rất cám ơn.
 
Trân trọng,
 
ThS. Huỳnh Bảo Tuân
Giảng viên Khoa Quản lý Công Nghiệp - ĐHBK TpHCM
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team