linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Sự cố y khoa

Qua một số sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua tại Việt Nam ví dụ như sự kiện tử vong của 4 trẻ sinh non tại Bắc Ninh hay 8 bệnh nhân lọc thận tử vong tại Hoà Bình,…xin đề cập một số ý sau
1) Mỗi sự cố có những đặc điểm riêng mà thông thường chỉ những người trong cuộc mới có thể hiểu rõ nhất những vấn đề liên quan và nếu chỉ nắm bắt thông tin qua một số kênh truyền thông như báo đài,…thì có thể chưa đầy đủ và chính xác với thực tế. Vì vậy, trên các trang mạng xã hội, chúng ta nên thảo luận ở một mức độ phù hợp để tránh những quan điểm của một vài cá nhân có thể tác động lên kết quả điều tra một cách chưa chính xác và khách quan nhất. Bên cạnh đó, mong rằng các cơ quan truyền thông thu thập và đưa tin chính xác, khoa học, và khách quan nhất để giải quyết đúng người đúng tội, tránh oan sai.
 
2) Mỗi chuyên khoa, mỗi bộ phận nhân viên,…sẽ có từng đặc điểm riêng nên các phương pháp/hướng dẫn chỉ mang tính chất hướng dẫn chung cho số đông và cần điều chỉnh để phù hợp vào từng tình huống/cơ sở y tế cụ thể. Ví dụ là tỷ lệ tử vong của các khoa cấp cứu, nhi sơ sinh, sản khoa,…có thể sẽ cao hơn tỷ lệ tử vong của một số khoa khác. Hơn nữa, các phương pháp/hướng dẫn có thể chỉ đúng trong một thời gian nhất định vì thế phương pháp/hướng dẫn này có thể đúng tại thời điểm nhưng có thể chưa phù hợp ở thời điểm khác. Vì thế, nếu chúng ta may mắn được làm việc trong các lĩnh vực ít nguy cơ hơn thì hãy cùng đồng cảm và hỗ trợ các đồng nghiệp kém may mắn hơn để cùng nhau vượt qua khó khăn.
 
3) Nếu muốn giải quyết vấn đề một cách khách quan và chính xác nhất, cần thành lập các hội đồng điều tra độc lập với các nhóm chuyên môn riêng biệt như mô hình “tam quyền phân lập”. Ví dụ, nhóm thu thập thông tin chỉ có nhiệm vụ tìm hiểu, thu thập, phân tích và xử lý thông tin để gửi kết quả phân tích về cho hội đồng điều tra; nhóm tư vấn hình phạt sẽ dựa vào các qui định phạt để tư vấn các mức phạt tương ứng với các yếu tố liên quan (mức độ nghiêm trọng, độ khách quan,…) của vấn đề; hội đồng điều tra sẽ dựa trên thông tin từ các bên để cân nhắc và đưa ra quyết định cuối cùng. Tránh trường hợp “vừa đá bóng, vừa thổi còi” để tăng khả năng nhìn nhận vấn đề đa chiều và khách quan, đồng thời để giảm các yếu tố chủ quan, độc đoán, tham nhũng, hối lộ,…
 
4) Khi chưa xác định được nguyên nhân thì tránh những câu từ mang tính định hướng hoặc hình sự hoá y tế như “Các cơ quan chức năng thành lập hội đồng chuyên môn, điều tra làm rõ nguyên nhân. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án theo quy định pháp luật,…”. Trong đoạn này, câu trước mới đề cập đến việc tìm nguyên nhân thì ngay câu sau lại có dấu hiệu tội phạm, khởi tố,…Mong các cơ quan liên quan như cơ quan chỉ đạo điều tra, cơ quan báo đài,…nên thu thập và truyền đạt thông tin khách quan và chính xác nhất. Có thể có một số cán bộ y tế chưa tốt nhưng rất nhiều nhân viên y tế phải làm việc rất vất vả, chấp nhận rủi ro cao như những trường hợp như thế này,…nhưng những sai sót này vẫn có thể xảy ra.
 
5) Có thể tìm nguyên nhân dựa vào Fish born diagram (Sơ đồ xương cá) và kết hợp với 5Whys (5 lần hỏi tại sao) để đánh giá cẩn thận tất cả các yếu tố có thể dẫn đến sai sót liên quan đến nhân lực, trang thiết bị, thuốc-hoá chất, vật tư chăm sóc, môi trường xung quanh, cơ địa bệnh nhân,…Sau khi xác định được nguyên nhân thì cần phải tìm ra những giải pháp tương ứng để giải quyết các nguyên nhân này và cần có những kế hoạch dự phòng để hạn chế các nguyên nhân tương tự xảy ra trong tương lai.
 
6) Ngành y tế có những đặc thù riêng so với các ngành khác và một trong những đặc thù quan trọng nhất của ngành y tế đó là nhân sự y tế. Có thể có những qui trình hoạt động rất hiệu quả như trong các ngành sản xuất như phương pháp LEAN trong ngành sản xuất ô tô ở các tập đoàn như Toyota, Ford,…nhưng nếu áp dụng các qui trình này vào trong y tế mà chưa có sự điều chỉnh phù hợp thì có thể kết quả không giống nhau. Một số ngành tự động hoá cao như sản xuất oto thì nhân tố tác động trực tiếp lên sản phẩm robot, máy móc,…thì chỉ cần lập trình ban đầu và giám sát phù hợp thì các robot này sẽ gần như có thể thực hiện đúng giống ý định của người lập trình. Tuy nhiên, nhân tố tác động trực tiếp lên sản phẩm của ngành y tế là con người có cảm xúc và bị chi phối nhiều từ môi trường xung quanh. Các nhân viên y tế hoặc không phải y tế tham gia chăm sóc bệnh nhân là những con người có cảm xúc (mà robot có thể chưa có), họ vui buồn trước nỗi vui buồn của người khác; họ bị căng thẳng khi phải làm việc trong một môi trường độc hại, cơ sở y tế quá tải, chất lượng thuốc và vật tư y tế đôi lúc chưa đúng,…; họ phải lo toan khi phải nhận lương thấp và suy nghĩ về các công việc làm thêm,…; họ còn bị tác động bởi môi trường bên ngoài công việc như gia đình, xã hội,…Vì thế, đối với lĩnh vực y tế, nếu các qui trình tốt, nhưng các phương diện khác, đặc biệt là đội ngũ nhân sự, chưa được quan tâm đúng mức thì khó có thể mang lại hiệu quả tối ưu.
 
7) Trong quá trình xử lý sự cố, nên lưu ý là cần khu trú các thiệt hại và giải quyết cấp bách những tình huống khẩn cấp ngay từ ban đầu để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất và tránh lây lan qua các khu vực khác. Ví dụ, nếu sự cố xảy ra tại khoa nhi thì chỉ những cá nhân và cơ quan liên quan được biết thông tin để giải quyết vấn đề, tránh những trường hợp thông tin bị bóp méo (distorted) và lan truyền ra những khoa khác gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của cơ sở y tế. Việc này tương tự như điều trị lâm sàng là cố gắng điều trị khu trú tại bộ phận bệnh lý và giảm tối đa tác dụng phụ lên các cơ quan khác vì các cơ quan này cần được khoẻ mạnh để giúp cho cơ thể tiếp tục sống và phát triển.
 
Nói tóm lại, “nhân bất thập toàn”. Tốt nhất là nên hạn chế tần suất xảy ra các sự cố y khoa đến mức thấp nhất bằng các kế hoạch quản lý nguy cơ cho mọi lĩnh vực (nhân sự, trang thiết bị, tài chính, IT, truyền thông, sự cố y khoa, phòng cháy chữa cháy,…) liên quan đến cơ sở y tế để mọi việc luôn được tầm kiểm soát.
 
Chúc may mắn và bình an
 
Ths.BsCk1 Anthony Phúc Lê
COO Hai Yen Eye Care
 
Chia sẻ của các Anh Chị trên diễn đàn CLB QLCL-ATNB:
 
Huong Giang Nguyen Bài viết rất hay và nhân văn, giải quyết một sự cố cũng rất cần có phương pháp để tránh gây thêm sự cố khác.
 
Dinh-van Nguyen Sự cố y khoa tổng quát có 2 mức độ: nghiêm trọng gây chết người (như anh Anthony Phuc Le vừa nêu) thì bên đây thường sẽ xảy ra kiện tụng, các tình tiết phải được giải bày trong tòa án. Bên bị (tức BV hay cơ sở y tế) lúc nào cũng có đội ngoại vụ gồm chuyên gia, luật sư giải quyết vấn đề kiện tụng đồng thời có đội nôi vụ chuyên quản lý phòng chống sự cố cả lớn và nhỏ, vả phải làm thường xuyên. Tôi chỉ nói về các sự cố ít nghiêm trọng, không chết người, xảy ra nhiều hơn, nhiều khi bị dấu nhẹm bởi cá nhân hay tập thể nhỏ trong BV. Trong sự cố loại 2 nầy có mấy điểm mấu chốt để làm tốt (1) khuyên kích nhân viên báo cáo sự cố trên cơ sở vì sự an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế, bảo vệ người báo cáo (whistle-blower) (2) phê bình CÁCH LÀM SAI, không phê bình CÁ NHÂN làm sai (3) khi phê bình cách làm sai, phải đề ra được cách làm đúng, và tái huấn luyện cách làm đúng, không nhắc lại tên cá nhân làm sai.
 
GoHan Goal Chính vì chính sách, chính vì quá tải, chính vì các vấn đề nổi trội hiện nay mà vấn đề chất lượng đang được xem là rất bức thiết. Đơn giản, cái gì "nổi trội" lên là cái đó đang được quan tâm, được chú ý. Đây cũng là cơ hội để chính chúng ta nhìn vào từng chức năng nhiệm vụ của mình mà có các đánh giá tổng thể các nguy cơ và đề xuất giải pháp tương ứng, căn cứ hậu quả và mức độ ảnh hưởng của nó (risk register program and safety strategy). Sau đó họp khoa và nên cho phòng quản lý chất lượng và ban giám đốc thấy rõ vấn đề. Nên nhớ có những điều không thể thỏa hiệp hoặc lơi là, nhất là an toàn cho bệnh nhân là tối thượng không được vì vấn đề kinh phí mà bỏ qua, vì đôi khi không làm gì còn tốt hơn làm mà không chất lượng.

CLB QLCL-ATNB
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team