linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Bản mô tả công việc và ý nghĩa của nó trong công tác quản lý nhân sự

Bản mô tả công việc (BMTCV) BMTCV là một văn bản mô tả những công việc mà người được tuyển dụng cần phải thực hiện trong thời gian nhất định. Ngoài ra, BMTCV còn cung cấp thông tin về những yêu cầu năng lực và điều kiện liên quan đến vị trí công việc ấy.

 Ý NGHĨA CỦA BẢN MÔ TẢ CÔNG VIỆC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÂN SỰ.

BMTCV làm cơ sở cho các công tác chính trong quản lý nhân sự như sau:
 
 
1/ Ra quyết định lựa chọn và tuyển dụng nhân sự
Mình nhớ lúc mình còn là sinh viên năm 4, đi thực tập ở bệnh viện, mình có nghe một anh bác sĩ đàn anh tâm sự: "mấy em giờ sướng lắm rồi, bác sĩ giờ thiếu quá chừng chừng, ra là xin việc được ngay. Thời của bọn anh ra trường, nhà anh chả có chức, có quyền, cũng chẳng có tiền, xin việc hoài không được vì không thuộc diện COCC (con ông cháu cha), cha mẹ nuôi xong, tiền bạc làm gì có mà lót đường, anh về trồng cà phê hết mấy năm mới có việc..." Hồi đó, mình thắc mắc hoài, hổng lẽ tuyển nhân viên nhất thiết phải có các tiêu chuẩn đó?
Tới lượt mình cái thời vừa tốt nghiệp, chân ướt chân ráo ở Sài Gòn, mình cũng đi phỏng vấn dăm bảy bận và nhiều trận dở khóc dở cười "anh cần người biết làm cả A,B,C", anh cần người có X năm kinh nghiệm, "em làm cẩn thận, tư vấn bệnh nhân tốt đó nhưng... nhìn mặt em non quá, mất khách anh..." Rồi mình tự hỏi, giá như nhà tuyển dụng cho mình hay họ cần gì ở mình, mình còn thiếu tiêu chuẩn gì để ứng tuyển...?
Giờ thì yên tâm nhiều rồi nhé khi BMTCV giúp người tuyển dụng, thủ trưởng các cơ quan hiểu rõ mình cần cán bộ/ nhân viên như thế nào, có những yếu tố, tiêu chí tuyển dụng rất rõ, thậm chí khi mình không đạt yêu cầu như thiếu kiến thức, kỹ năng nào đó, dựa vào BMTCV họ sẽ có kế hoạch đào tạo mình để đảm đương công việc mới một cách hiệu quả nhất. Hơn nữa, mình nghĩ những yếu tố gây nhiễu trong quá trình tuyển dụng sẽ được giảm thiểu nhờ BMTCV.
 
2/ Bố trí nhân sự, sắp xếp phân công công việc và theo dõi thực hiện
Có bao giờ bạn được giao làm một việc mà bạn chẳng biết làm như thế nào? Không biết bắt đầu từ đâu không? Lúc đó, hẳn là bạn sẽ làm trong một tâm thế hoang mang và căng thẳng bạn nhỉ, công việc có thể hoàn thành nhưng hiệu quả chưa chắc đã cao.
Nói chi xa xôi, biết bao nhiêu anh chị học để làm việc lâm sàng và được điều làm công tác quản lý chất lượng với bao hoang mang, áp lực...
 
Nhờ BMTCV mà các sếp hiểu được phần nào năng lực, tố chất, sở trường, sở đoản của nhân viên mình mà phân công đúng người đúng việc, phát huy được năng lực cá nhân để góp vào việc củng cố, xây dựng nội lực cho tổ chức.
 
3/ Đánh giá hiệu quả công việc
Mỗi năm, cứ đến kỳ xét thi đua để duyệt mức thưởng luôn là giai đoạn sôi nổi, bao nhiêu thông tin thậm chí là trái chiều làm người nhân viên như mình còn lắm khi hoang mang, khó xử chớ đừng nói đến các sếp - người cầm cân nảy mực phê duyệt những gì liên quan đến lợi ích của trăm - nghìn người.
"T thấy nó chẳng làm gì, vậy mà sao được xếp thi đua hạng A vậy? À, à, nó là con ông X chủ tịch huyện mà..."
" Anh Y thấy năng nổ quá trời, tham gia quá trời hoạt động mà sao cuối năm chẳng có gì? M không biết hở, nó không được lòng sếp"
"Mấy ông bà ở trển suốt ngày ở không không hà, bày ra một đống chuyện bắt ở dưới này anh em làm muốn chết, ờ ờ tao thấy có làm gì đâu, toàn chắp tay sau đít đi lòng vòng..." 
Và còn bao nhiêu chuyện bên lề khác nữa, căn nguyên có thể là do chúng ta chưa phát huy tối đa lợi ích của BMTCV. 
Nhờ có BMTCV mà tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc rõ ràng, khách quan, công tâm,mọi người sẽ tâm phục, khẩu phục.
Nhờ có BMTCV mà từng nhân viên hiểu được công việc của từng vị trí, không so đo, phân bì. Còn gì tuyệt hơn khi từng người trong tổ chức hiểu được cái khó, cái khổ của nhau mà thông cảm và hỗ trợ lẫn nhau, mọi người nhỉ?
 
4/ Lập kế hoạch phát triển nhân lực, đào tạo và phát triển nghề nghiệp
Nhờ vào BMTCV mà phòng tổ chức cán bộ dễ dàng biết được tổ chức cần đào tạo thêm nhân lực chuyên về lĩnh vực nào, số lượng bao nhiêu và một tá thứ liên quan để lập nên kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo khoa học, công bằng và hiệu quả. 
Nhờ vậy, người học, người làm được đảm bảo để vừa củng cố nội lực của nhân viên, vừa đảm bảo công tác chuyên môn.
 
5/ Đánh giá giá trị công việc để xây dựng thang bảng lương.
Có một thực trạng mà mình nghe khá nhiều và dần dần tạo nên một sức ì khá nặng trong tư tưởng của người làm môi trường nhà nước "Làm cho lắm cũng mắm với cà, làm tà tà cũng cà với mắm", "bày ra nhiều, mệt làm nhiều mệt nhiều em ơi, lương cũng vậy mà", "tới ngày tới tháng bậc lương sẽ tăng, lo gì, từ từ khoai cũng nhừ"... Ngẫm nghĩ, họ nói cũng đúng chớ đâu có sai nhưng chỉ là sắp qua cái thời í rồi, mình nghĩ tới lúc các cơ sở y tế công lập tự thu, tự chi thì các sếp không dễ gì chi tiền lương cho một người làm việc không hiệu quả đâu. Nhờ vào BMTCV họ sẽ làm được điều ấy, vấn đề là sớm hay muộn.
Thực vậy, căn cứ vào trách nhiệm, khối lượng công việc, mức độ phức tạp trong công việc, cường độ, môi trường làm việc... BMTCV được dùng để đánh giá, so sánh và phân tích các nhóm người lao động. Những chức danh có cùng giá trị công việc được xếp vào một nhóm lương. Mọi thay đổi về trách nhiệm, khối lượng công việc đều được cập nhật và đánh giá lại theo đúng thực tế nhằm đảm bảo việc công bằng và khách quan trong việc trả lương.
 
Trên đây là cách nhìn mang tính chủ quan của người viết, rất mong được học hỏi qua những comment chia sẻ của các anh chị về nội dung này.
 
Lan Viên
Trung tâm nghiên cứu cải tiến y tế CHIR
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team