linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Phần 6: Phổ biến chỉ số chất lượng (Data results Dissemination)

Các thông tin về chất lượng phải được công khai hóa một cách thường xuyên nhằm kích thích các thành viên nhận thức và quan tâm đến chất lượng, đôi khi cũng nhận thức được “cái giá phải trả do không có chất lượng”
Kết quả đo lường chỉ số chất lượng thông thường sẽ được trình bày thông qua
 
- Các cuộc họp hàng tháng của mạng lưới QLCL, KSNK,…
 
- Các cuộc họp hàng quý của hội đồng QLCL, KSNK,….
 
 
Các cuộc họp này thường chỉ cấp quản lý, trưởng khoa/ phòng tham gia. Vậy còn cách nào để những nhân viên bình thường cũng có thể được biết về những chỉ số chất lượng này hay không? Câu trả lời là CÓ. Và một công cụ đơn giản để làm việc
đó là thông qua “Bảng tin chất lượng” (Quality Storyboard)
 
“Bảng tin chất lượng” được sử dụng tại các khoa/ phòng để chúng ta biết mình đang làm gì và làm tốt như thế nào trong hoạt động chất lượng nhằm nâng cao an toàn người bệnh cũng như hiệu quả trong công tác chăm sóc và điều trị.
 
Phòng QLCL có thể tổ chức cuộc thi thiết kế bảng tin chất lượng và lồng ghép với cuộc thi sáng tác khẩu hiệu slogan chất lượng của khoa phòng theo yêu cầu của 83 tiêu chí.
 
Nội dung gợi ý cho một Bảng tin chất lượng:
 
- Kết quả đo lường chỉ số chất lượng cấp bệnh viện
 
- Kết quả đo lường chỉ số chất lượng của khoa/ phòng
 
- Dự án cải tiến chất lượng cấp bệnh viện
 
- Dự án cải tiến chất lượng của khoa/ phòng
 
- Khác: kết quả khảo sát văn hóa an toàn người bệnh, kết quả khảo sát hài lòng nhân viên, các tin tức cập nhật về y khoa, các hoạt động của khoa/ phòng, thư cảm ơn của bệnh nhân
 
- Tên và thông tin liên hệ của người chịu trách nhiệm quản lý bảng thông tin chất lượng của khoa/ phòng (Lý do: bảng này được để công khai, nghĩa là bệnh nhân, khách đến thăm có thể xem được, vậy các số liệu, thông tin trên bảng này phải đảm bảo chính xác và được cập nhật, người này sẽ chịu trách nhiệm công việc này và khi có bất cứ vấn đề gì liên quan đến bảng này, cũng có thông tin liên hệ người đó)
 
 
Bảng tin chất lượng không phải chỉ trang trí cho đẹp, mà mục đích chính là để làm sao tất cả các thành viên đều ý thức được hoạt động cải tiến chất lượng là trách nhiệm của tất cả mọi người, không phải của riêng Trưởng khoa/ phòng, cũng chẳng phải của riêng phòng QLCL.
 
Nếu tổ chức cuộc thi thiết kế bảng tin chất lượng, một số tiêu chí chấm điểm có thể cân nhắc đưa vào bao gồm:
 
- Vị trí đặt bảng tin phải ở khu vực mà nhân viên, bệnh nhân, khách có thể xem được
 
- Có đầy đủ các nội dung yêu cầu cần được thể hiện trên Bảng tin chất lượng (nên đưa ra mẫu cụ thể các nội dung cần có)
 
- Trình bày đẹp, sáng tạo, rõ ràng
 
- Chọn ngẫu nhiên 1 vài nhân viên của khoa đó để kiểm tra xem những nhân viên này có thể giải thích rõ ràng các thông tin
có trên bảng tin chất lượng không, ví dụ:
 
+ Bạn biết chỉ số chất lượng của BV là chỉ số gì không?
 
+ Bạn biết chỉ số chất lượng của khoa bạn là gì không?
 
+ Bạn biết vì sao tháng này chỉ số chất lượng của khoa bạn không đạt không? Vì sao tăng/ giảm?
 
Với cách làm này, hàng tháng khi cập nhật kết quả đo lường chỉ số chất lượng đến từng khoa, phòng QLCL cũng có thể hỏi ngẫu nhiên nhân viên của khoa một vài câu hỏi tương tự như vậy, một cách để xem hoạt động này được thông suốt đến từng nhân viên hay chỉ dừng lại ở các Trưởng khoa/ phòng hay có khi chỉ mình phòng QLCL biết?
 
Các nhân viên y tế thường không quen nhìn biểu đồ, có khi nhìn vô mò mẫn mãi vẫn chưa đọc được con số, dòng chữ trên biểu đồ nó nói gì, dò xem màu này là ký hiệu của cái gì, số này là số gì, của tháng mấy, rồi là khoa mình nằm đâu trên biểu đồ này... Vì vậy, khi tổng hợp, phân tích số liệu dưới dạng các biểu đồ, không nên sử dụng các loại biểu đồ quá phức tạp, tránh rơi vào bẫy tham vọng thống kê và trình bày quá nhiều thông tin, màu sắc phối màu trong các biểu đồ, cỡ chữ, vị trí các ký hiệu, chú thích, kể cả vấn đề chữ viết tắt cũng cần phải cẩn thận. Đừng để nhân viên đi ngang cái bảng tin chất lượng mà cứ nghĩ là đi ngang cái TV mất sóng, cứ thấy biểu đồ toàn cột ngang cột dọc, đủ màu, chữ chi chít, mà TV đã mất sóng thì thường bị tắt đài, nghỉ xem, khi nào TV hình ảnh, âm thanh rõ ràng rồi, bật TV lên xem thôi. Đó là lý do vì sao làm xong ra sản phẩm là một chuyện, mà sản phẩm có được dân chúng yêu thích và muốn xài hay không là một câu chuyện khác. Vì vậy, làm xong, phải hướng dẫn, phải hỏi lại xem NV có hiểu gì không, có góp ý gì không, nếu có thì phải tìm giải pháp, vấn đề ở chỗ mình trình bày rắc rối, rườm rà, hay mình làm cũng đơn giản mà cách mình hướng dẫn làm cho nó rối thêm thành ra NV không hiểu gì cả,... Tóm lại, làm chất lượng là không làm một mình, mà thật ra là làm cũng không nổi, mà cũng không giống ai. Có mấy khi có dịp nói chuyện với NVYT về chất lượng đâu, cứ lâu lâu vi hành xuống khoa mà nghe NV nói, mình cũng tiện giải thích, hướng dẫn, trao đổi qua lại, để mọi người cùng tham gia vào chất lượng. Có khi vỡ lẽ ra hóa ra trước giờ mình cứ nghĩ chắc ai cũng hiểu, thấy dễ hiểu mà, thấy đơn giản mà, mà khi hỏi ra ai cũng cười trừ không hiểu, không biết, mà không dám nói 😉.
 
Bài viết này kết thúc chuỗi bài viết về chủ đề chỉ số chất lượng, rất mong nhận được thêm những ý kiến đóng góp hoặc chia sẻ thêm kinh nghiệm của các anh/chị nhé.
 
Trân trọng,
FB Linh Ngoc Khanh Nguyen 
 
 
 
 
 
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team