linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

KỲ 3: QUẢN LÝ BÁO CÁO SỰ CỐ TẠI NHẬT

Kỳ 3: ĐĂNG TẢI BÁO CÁO SỰ CỐ Y KHOA TRÊN TRANG WEB BỆNH VIỆN

 Bài chia sẻ số 44

 

Báo cáo sự cố y khoa tại Việt Nam
 
-Có dịp trao đổi với anh Thế Anh và được anh gửi rất nhiều tài liệu của Việt Nam. Mình cũng đọc hết các tài liệu anh gửi nên cũng hiểu được về báo cáo sự cố ở bệnh viện Việt nam. Phân cấp về mức độ cũng có khác đôi chút so với ở Nhật nhưng nhìn chung đều không có nhiều sai lệch.
 
-Ở Việt nam chúng ta chia mức độ về sự cố chắc anh chị hiểu rõ hơn, theo thông tư 43-2018 chúng ta có 9 cấp bậc. Cụ thể tổn thương nhẹ NC1 (mức độ 1-4), tổn thương trung bình NC2 (mức độ 5-6), Tổn thương nặng (mức 7-9) trong đó mức NC1,2 thì là báo cáo tự nguyện, mức nặng hơn là cần báo cáo bắt buộc.
 
-Ngược lại cách suy nghĩ ở Nhật là mong muốn chia sẻ báo cáo các sự cố nhỏ để phòng tránh các sự cố lớn, nghiêm trọng. Nhưng việc chia sẻ này nếu không có báo cáo thì không thể chia sẻ được. Mình tin chắc bệnh viện hay mỗi cá nhân là nvyt chắc chắn “Ngại, sợ viết báo cáo” nhưng thích được nghe, đọc thông tin về sự cố để mong không lặp lại sự số “đã xảy ra ở bệnh viện bạn, khoa khác trong viện”. Và việc này cũng được minh chứng ở Nhật. Tổ chức JQ - đơn vị đánh giá chất lượng bệnh viện độc lập tại Nhật 2006 bắt đầu chia sẻ báo cáo có gửi thăm dò ý kiến tới các bệnh viện thì có tới gần 2000 bệnh viện có nguyện vọng muốn được chia sẻ thông tin báo cáo của các bệnh viện. Đến 2015 có tới gần 6000 bệnh viện có nguyện vọng này, điều đó cho thấy việc “phòng chống sự cố y khoa – an toàn người bệnh là việc sống còn của các bệnh viện tại Nhật”. Trong buổi tọa đàm trực tuyến mình cũng có nói đến vấn đề này anh chị có thể xem lại video để biết thêm thông tin về vấn đề này từ phút thư 50 theo link https://youtu.be/KczrCoTc3Iw
 
Cách chia cấp độ của sự cố tại Nhật.
 
Đối với nvyt thì có lẽ việc viết báo cáo giúp ngấm vào máu và hiểu rõ về cấp độ trong phân loại sự cố . Cụ thể được phân thành 7 cấp độ. Trong đó 4 cấp độ 0-1,2,3a thì báo cáo dừng ở mức độ khoa, trên mức 3b thì chắc chắn là lên đến cấp quản lý bệnh viện. Quy trình báo cáo thời gian báo cáo mình sẽ chia sẻ ở bài khác. Hiểu sâu về phân cấp độ này là dựa trên 2 mục: mức độ ảnh hưởng, thời gian ảnh hưởng tới người bệnh và cụ thể như sau
 
-Mức độ 0: Trường hợp nhận ra rằng có điều gì đó không ổn trước khi tiến hành trên người bệnh.
 
-Mức độ 1: Trường hợp đã tiến hành một việc có sai sót nhưng người bệnh không có biến đổi gì.
 
-Mức độ 2: Trường hợp sự cố đó gây ra những biến đổi trên người bệnh, cần phải theo dõi tạm thời hay tiến hành những xét nghiệm để xác nhận an toàn nhưng không cần điều trị.
 
-Mức độ 3a: Trường hợp vì sự cố đó mà cần phải điều trị một thời gian cần làm thêm thêm xét nghiệm, kiểm tra ...
 
-Mức độ 3b: Trường hợp vì sự cố đó mà cần phải điều trị mang tính liên tục.
 
-Mức độ 4a: Trường hợp sư cố cần phải điều trị liên tục trong một thời gian dài, để lại di chứng nhưng không kèm theo thay đổi về hình dạng bề ngoài
 
-Mức độ 4b: Trường hợp hậu quả sự cố cần phải điều trị liên tục trong một thời gian dài, để lại di chứng kèm theo thay đổi về hình dạng bề ngoài
 
-Mức độ 5: Trường hợp tử vong
 
Mức độ này đã được chuẩn hóa trên toàn quốc nên khi nói báo cáo nvyt hay chỉ nói có bao nhiêu sự cố và ở cấp độ nào là đủ hiểu. Nhắc đến sau 3b là đã rất “to” rồi…nặng hơn nữa dễ liên quan kiện tụng, hòa giải gây tổn thất cho bệnh viện.

Anh chị nghĩ sao về cách chia mức độ ở Nhật? có khó hiểu không ạ?
 
ĐĂNG TẢI BÁO CÁO SỰ CỐ Y KHOA TRÊN TRANG WEB BỆNH VIỆN
 
-Theo mình vấn đề về sự cố y khoa liên quan trực tiếp đến cuộc sống và đôi khi đe dọa mức dộ hành nghề của chính chúng ta.Một bệnh viện được đánh giá dựa trên cả việc quản lý rủi ro, an toàn người bệnh dựa trên số ca báo cáo sự cố minh bạch. Trước là trong cộng đồng bệnh viện thì nay là đối với cả người bệnh. Chúng ta công khai minh bạch về vấn đề này tới mức nào giúp người bệnh có dữ liệu đánh giá và lực chọn tới thăm khám làm khách hàng trung thành của bệnh viện hay không.
 
-Tại bệnh viện Thành phố ATSUGI mỗi năm có hơn 1000 ca sự cố được báo cáo, cấp độ 0 cũng hơn 300 sự cố, được báo cáo phần phân loại cụ thể. Vì vậy may mắn thay trong suốt nhiều năm không có sự cố gây tử vong chăng. Với quy mô bệnh viện chưa đến 400 giường mà thực tế số ca báo cáo đã 1000 ca/ năm ...vậy thử hỏi khi bệnh viện nói “không có sự cố” thì chắc chắn nên đặt dấu chấm hỏi phải không ạ. Chắc chắn hệ thống kích hoạt báo cáo chưa được "ấn nút". Đây cũng là số liệu khách quan để chúng ta đánh giá ở viện mình. Không chỉ tại bv công khai số liệu này cũng tương đồng ở nhiều bệnh viện tại Nhật.
 
-Khi công khai về sự cố bệnh viện cũng giải thích rất rõ ràng là: công bố các kết quả tổng hợp báo cáo nhằm mục đích tăng tính minh bạch hoạt động chăm sóc y tế, xây dựng mối quan hệ tin cậy với người dân và ngăn ngừa các sự cố y khoa tiếp theo tại viện.
 
Suy ngẫm
 
-Ở VN đã có bệnh viện nào đăng tải số ca sự cố y khoa nên trang WEB của bệnh viện hay không? Tại Nhật thì đã có những bệnh viện tiến hành từ 2014. Điều này giúp tăng thêm uy tín của bệnh viện, giúp nhân viên ý thức hơn trong thực hành thăm khám, chăm sóc, điều trị an toàn đối với người bệnh. Khi hệ thông báo cáo sự cố y khoa được kích hoạt chúng ta có cơ hội làm việc ở môi trường an toàn và khi đó lỗi cá nhân được thay thế bằng lỗi của hệ thống, lỗi của tập thể. Lỡ không may sai sót chính chúng ta sẽ là người được bảo vệ, đôi khi là bảo vệ “trước quan tòa” .
 
-Mỗi nước có thời kỳ phát triển y tế khác nhau, nhưng đóng góp mạnh mẽ trong sự phát triển đó chính là các nhân viên y tế chúng ta. Bên cạnh việc nâng cao chuyên môn thì ý thức và tham gia vào công cuộc cải tiến vì an toàn của người bệnh là giúp chính chúng ta được hành nghề ngày một an tâm hơn.
 
-Mong sẽ có nhiều bảo hiểm nghề nghiệp hợp với “ví tiền” để chúng ta có thể mua bảo hiểm bảo vệ bản thân và gia đình trong trường hợp bị khởi kiện. Mình từng chia sẻ ở Nhật không tính hòa giải đã có tới hơn 1000 vụ kiện mỗi năm và bệnh viện thua kiện tỷ lệ khoảng 15%, dù thắng kiện cũng vẫn rất tốn kém cho các phí tổn nên bảo hiểm nghề nghiệp là một lựa chọn đáng cân nhắc.
 
 
-Rất mong CHIR đẩy mạnh hơn nữa vấn đề này tới các bệnh viện.
 
-Rất mong nhiều anh em nvyt quan tâm đến vấn đề này.
 
-Rất mong chính anh em nvyt đề nghị với khoa phòng, bệnh viện thực thi hiệu quả.
 
-Rất mong CHIR sớm thực hiện được “chuẩn hóa cách báo cáo nhanh gọn, mẫu báo cáo chuẩn...ít ra thông nhất được ở những bv CHIR đã hỗ trợ. Giúp sớm có báo cáo chia sẻ như tổ chức JQ đã làm tại Nhật.
 
-Rất mong tiếp tục cảm hứng viết bài để chia sẻ tiếp tục tới anh em.
 
Về chủ đề này còn rất rất nhiều điều có thể chia sẻ tới anh chị. Hẹn gặp lại ở các bài trong mục #chiasetuNhatBan ở các lần tới. Anh chị có nguyện vọng cụ thể ở mục nào xin hãy bình luận thêm.
 
Tokyo sau giãn cách số ca COVID đã giảm, bắt đầu tiêm phòng và Nhân viên y tế tuyến đầu đẵ chính thức “phải tiêm” phòng đó ạ. Hơn 144 triệu liều đã được đặt hàng cho 125 triệu dân...Có người phản đối có người đồng tình với tiêm phòng nhưng đó là chuyện “CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA” khỏi bàn ạ.
 
Tokyo những ngày bớt lạnh
 
19/02/2021 Hayashi Huệ
 

 

THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team