linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

CẢI TIẾN GIẢM CHỜ ĐỢI KHI RA VIỆN

Đầu tuần bác sĩ Linh có chia sẻ chuyện chờ đợi khi ra viện mà chắc hẳn đây là vấn đề chung của rất nhiều bệnh viện. Bệnh nhân chờ thì nhân viên y tế cũng không vui, áp lực từ người bệnh người nhà. Mình chia sẻ phía bệnh viện Nhật bản có những cải tiến gì để giảm thiểu chờ đợi khi ra viện.

 Dù chuyển viện, sau ra viện trở về gia đình hay về cơ sở chăm sóc thì các đầu việc cũng không có gì khác nhau và có thể liệt kê đầu việc cần làm cụ thể như

 
     - Y lệnh ra viện và thuốc mang về khi ra viện.
     - Hẹn tái khám hoặc tái nhập viện
     - Giấy giới thiệu của bác sĩ cho bệnh viện tại địa phương hoặc cơ sở chăm sóc
     - Giấy tóm tắt của điều dưỡng cho bệnh viện tại địa phương hoặc cơ sở chăm sóc
     - Tính toán chi phí và hình thức chi trả
     - Liên hệ các bộ phận trong bệnh viện
     - Liên hệ với bên liên quan ngoài bệnh viện
 
1. Y lệnh ra viện và thuốc mang về : Y lệnh ra viện phải được nhập đầu tiên. Bác sĩ cũng kê đơn thuốc ra viện và thông thường khoa Dược sẽ chuẩn bị cho bệnh nhân từ hôm trước, nhưng nếu bệnh nhân có thêm vấn đề mới, cần thuốc mới và sáng hôm đó BS phải viết thêm đơn thuốc lại thêm xác nhận với khoa Dược để thêm, bớt thuốc thì bệnh nhân sẽ phải chờ nên điều dưỡng cũng rất cùng bác sĩ lưu ý vấn đề này khi truyền đạt xuất viện.
 
2. Giấy hẹn tái khám hoặc tái nhập viện: Tại Nhật bác sĩ sẽ làm việc cả với bệnh nhân nội trú và có 1-2 ngày khám ngoại trú nên chính bác sĩ đó sẽ phụ trách khám tiếp tục bệnh nhân mình đã điều trị.Thông thường đa số bệnh nhân sẽ tái khám 1 lần tại sau xuất viện sau đó có thể chuyển tới bệnh viện gần nhà. Đặt ngày giờ tái khám giúp bệnh viện bác sĩ có kế hoạch cụ thể và quản lý thời gian hiệu quả.
 
3. Giấy giới thiệu của bác sĩ phụ trách: bs sẽ viết giấy tới bv tại địa phương để tiếp nối điều trị có tóm tắt quá trình điều trị. Mặc dù có form mẫu sẵn nhưng vẫn cần thời gian để viết vì vậy đa số sẽ cố gắng cho ra viện có kế hoạch trước một vài ngày. Khi bệnh viện sử dụng quy trình chuyên môn theo dõi liên thông giữa các bệnh viện thì tái khám tại viện hay viện khác cũng giúp người bệnh được chăm sóc liên tục và lại càng cần giấy giới thiệu chi tiết. Khi người bệnh ra viện xong chỉ khám tái khám tại viện Bs sẽ có thể bỏ mục thư từ này đỡ mất thời gian soạn thư. Các Bs Nhật rất chu đáo trong soạn thư giới thiệu và đã thành lệ.
 
4. Giấy tóm tắt chăm sóc của điều dưỡng: Tóm tắt quá trình chăm sóc và lưu ý từ phía điều dưỡng gửi điều dưỡng bệnh viện tiếp nhận, điều dưỡng nhân viên ở cơ sở chăm sóc, điều dưỡng chăm sóc tại nhà: Giống như bác sĩ điều dưỡng cũng giao tiếp với nhau qua thư từ với đánh giá chi tiết việc về cuộc sống và các vấn đề bệnh nhân đang vướng mắc. Giấy này cũng có mẫu sẵn và chỉ nhìn vào đó thì phía tiếp nhận cũng đã có bức tranh toàn cảnh về người bệnh: thông tin và vấn đề của người bệnh, mức độ cần chăm sóc, y lệnh, mức độ cần hỗ trợ chăm sóc khi về nhà hay cả vấn đề phục hồi chức năng, các lưu ý về ăn uống, tắm rửa,...đôi khi là cả vấn đề gia đình nếu có điều đặc biệt cũng được ghi kỹ để truyền đạt với mục đích phía tiếp nhật sẽ nối tiếp chăm sóc dễ nhất.
 
5. Tính toán chi phí và hình thức chi trả. Thông thường khi nhập viện đều có thu giữ tiền đặt cọc khi ra viện bệnh nhân sẽ trả tiền mặt tại quầy, trả qua thẻ, trả sau nếu ra viện vào ngày nghỉ. Bv Nhật thường chỉ bộ phận hành chính kế toán nắm rõ cụ thể các mức phí nên khi có y lệnh xuất viện bệnh nhân cũng muốn biết “hết khoảng bao nhiêu” và điều dưỡng sẽ liên hệ giúp hỏi và thông báo “áng chừng” hết bao nhiêu giúp người bệnh gia đình chuẩn bị đủ số tiền phải trả vào ngày ra viện.
 
6. Liên hệ các bộ phận trong bệnh viện: Liên hệ hành chính để thanh toán, liên hệ dược sĩ để giải thích về thuốc, liên hệ chuyên gia dinh dưỡng để hướng dẫn ăn uống sau xuất viện... Khi dùng bệnh án điện tử thì mọi việc đều hiện lên nhưng thông thường điều dưỡng vẫn liên hệ qua điện thoại tới các bộ phận liên quan để mọi việc suôn sẻ.
 
Liên hệ với bên liên quan ngoài bệnh viện: Điều dưỡng phối hợp với nhân viên y tế xã hội – Medical Social Worker thực hiện liên hệ bên liên quan ngoài bệnh viện.
 
     - Ưu tiên trước hết liên hệ tới gia đình thông báo hay cả điều chỉnh xuất viện ngày phù hợp thuận tiện cho cả gia đình, hỏi  kế hoạch đưa bệnh nhân về nhà như thế nào, giờ người nhà tới đón, phương tiện gì và có khi là ai sẽ phụ đón ở nhà.
 
     - Liên hệ tới bệnh viện nếu là chuyển viện để thông báo lưu ý và hình thức chuyển viện, thường ưu tiên giờ tới bệnh viện nơi chuyển đến để quá trình tiếp nhận thuận lợi. Nếu xe cấp cứu thì bs hay điều dưỡng đi kèm, nếu về cơ sở chăm sóc thì thông thường như về nhà, trường hợp phải gọi xe đặc biệt như “tacxi chăm sóc”, dịch vụ xe đặc biệt này phải hẹn trước mới có thể sử dụng và thông thường có trợ cấp hỗ trợ chi phí.
 
     - Liên hệ tới người lập kế hoạch chăm sóc - Care manager: Bảo hiểm chăm sóc là một phần gắn liền với đời sống của người cao tuổi nên người phụ trách nên kế hoạch - Care manager vô cùng quan trọng để giúp điều chỉnh hợp lý cách sử dụng dịch vụ chăm sóc sau xuất viện.
 
     - Liên hệ tới người quản lý phúc lợi địa phương nếu người bệnh đang sống nhờ trợ cấp của chính phủ... giúp người bệnh được tiếp tục hỗ trợ sau khi ra viện.
 
Cải tiến ra sao? cải tiến mục gì?
 
Tại bệnh viện Nhật có những cải tiến cụ thể qua các mục sau:
 
1. Thông báo trên trang Web cụ thể về quy trình từ khi bệnh nhân bắt đầu nhập viện đã hiểu rõ từ khi nhập viện đến khi ra viện cần gì, thời gian ra viện giờ nào hay cả những sinh hoạt lưu ý tại viện...Ngó trang WEB thì 100% đều ghi rất cụ thể, điều này giúp đỡ người bệnh chuẩn bị tốt và có sẵn thông tin giúp giảm bớt giải thích không cần thiết. Khi nhập viện trong khi chờ điều dưỡng cũng để người nhà đọc trước các lưu ý này. Thông thường các bệnh viện sẽ điều chỉnh để bệnh nhân có kế hoạch ra viện vào khoảng 10 giờ sáng và nhập viện khoảng 11 giờ. Đủ thời gian để có thể chuẩn bị thu dọn phòng sau ra viện sạch sẽ, sẵn sàng tiếp đón người bệnh nhập viện, tăng mức độ sử dụng giường bệnh để đem lại hiệu quả kinh tế.
 
2. Lên sẵn quy trình, trình tự làm gì trước làm gì sau ai làm việc gì vào ngày ra viện...: khi nhận y lệnh thì ưu tiên đầu tiên là liên lạc với gia đình để hỏi ngày xuất viện phù hợp không. Tiếp đến hoàn thành thủ tục liên hệ trong và ngoài viện. Ngày xuất viện việc đầu tiên là thanh toán, kết thúc thanh toán người bệnh cầm giấy đã thanh toán tới phòng hành chính thông báo đã hoàn tất thanh toán. Tiếp đến điều dưỡng liên hệ để dược sĩ tới giải thích phát thuốc, điều dưỡng cùng kiểm tra có quên đồ đạc không, cắt vòng đeo tay, trao các giấy tờ và ra về.
 
3. Sử dụng bảng kiểm để đồng bộ chất lượng và không bỏ sót: đa số các khoa mình từng làm đều có bảng kiểm và có điều chỉnh theo tính chất từng khoa nhưng không có sự sai lệnh nhiều. Có nơi thì in luôn tờ check list đó có nơi lại tái sử dụng bằng cách sử dụng bút tích xóa được. Trường hợp người bệnh có thuốc để tủ lạnh, có gửi đồ, quên đồ...nếu làm theo bảng kiểm sẽ tránh được các lỗi. Khi dùng bệnh án điện tử thì giấy tờ, tính toán chi phí, đặt hẹn...đều nhanh, giảm bớt nhiều thời gian thao tác công việc cho tất cả nhân viên y tế liên quan. Hy vọng nhiều bv VN sớm hoàn thiện bệnh án điện tử và ổn định nâng cấp có thêm nhiều chức năng tiện lợi trong công việc.
 
4. Thông báo để bệnh nhân hiểu thời gian ra viện: ra viện có kế hoạch thì tới ngày gần ra viện team điều trị chăm sóc cũng đã ý thức và nhắc nhở còn gì chưa đủ cho trong bảng kiểm, giúp ra viện được đúng giờ. Nếu sau buổi thăm khám buổi sáng gấp gáp bệnh nhân có thể ra viện và bác sĩ đồng ý cho xuất viện, trường hợp này sẽ phải chờ lâu hơn. Điều dưỡng cũng giải thích thời gian có thể xuất viện và thường điều chỉnh ra viện sau bữa ăn trưa. Thông báo này cụ thể ra sao có ảnh hưởng lớn đến sự hài lòng của người bệnh. Dù vậy nhiều khoa cũng cố gắng hạn chế tối thiểu việc “ra viện đột xuất”.
 
5. CẢI TIẾN VÀ ĐƯỢC THU PHÍ: Bộ y tế Nhật đã cho phép các bệnh viện làm tốt và thực hiện đầy đủ quy định được thu phí hỗ trợ cho mục hỗ trợ nhập viện, ra viện. Hy vọng tới đây các bệnh viện VN cũng sẽ được thu phí khoản này. Quy định để thu phí cũng có các hạng mục cụ thể rõ ràng giúp các bệnh viện hoạt động hợp lý và phấn đấu làm tốt. Mẫu giấy tờ và nội dụng họp bàn hỗ trợ ra viện đa số các bệnh viện đã xây dựng nội dung cũng đồng bộ ở nhiều bệnh viện. Nội dung họp bàn hỗ trợ ra viện gồm 18 mục được họp bàn và ghi chép đầy đủ như hình minh họa.
 
6. Cải tiến với các bệnh nhân nhập viện ngắn ngày: Tại BV Nhật số ngày nhập viện trung bình của tất cả bệnh nhân ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu. Tùy theo từng khoa, bệnh mà có số ngày cụ thể nên các bệnh viện hay đan xen các ca nhập viện ngắn ngày theo gói điều trị như: cắt polip đại tràng, thông tim, làm các xét nghiệm kiểm tra cần nhập viện 2-4 ngày để giảm ngày nhập viện trung bình của toàn bộ bệnh nhân ngắn lại. Trong trường hợp nhập viện theo kế hoạch ngắn ngày thông thường mọi thứ đã xây dựng theo gói mà thông dụng là sử dụng quy trình chuyên môn, người bệnh có thể ra về lúc 8:30-9:00 hoặc thanh toán trước để có thể về sớm hơn và đi làm bình thường. KOKORO MEDICAL cũng mong có thể kết hợp để có những Quy trình chuyên môn hướng dẫn người bệnh hiệu quả. Mong sẽ cùng triển khai cụ thể những dự án thiết thực hỗ trợ anh em.
 
7. Phân tích việc cần hỗ trợ xuất viện ngay sau khi nhập viện: Để ra viện thuận lợi các bệnh viện cũng đã phân loại người bệnh có cần hỗ trợ ra viện ngay từ khi nhập viện hay không và lập quy trình, phổ cập quy trình tới các NVYT có liên quan để hỗ trợ ngay sau khi nhập viện. Sau 1 tuần có bảng kế hoạch hỗ trợ ra viện và BS, Dd, dược sĩ, hồi phục chức năng, dinh dưỡng, Medical Social Worker...họp bàn hỗ trợ. Mọi thành viên đều là mắt xích quan trọng, thể hiện lấy người bệnh làm trung tâm ngay cả trong vấn đề hỗ trợ ra viện.
 
8. Cố gắng tận tâm người bệnh ra viện phù hợp nhất: Kế hoạch ra viện cần phối hợp nhiều khâu phức tạp nhưng tất cả NVYT đều cố gắng để người bệnh được ra về sớm nhất. Để thuận lợi họp bàn quy định cố gắng quyết định bàn bạc xuất viện trước vài ngày, các điều dưỡng sẽ phải tất bật để kết nối các ban phòng trong và ngoài viện. Tại Nhật ra viện nhiều khi mới là bắt đầu lại cuộc sống nên chuẩn bị tốt cho ra viện tương ứng tránh tái nhập viện. Vì vậy việc liên hệ với gia đình, hướng dẫn sau ra viện, lưu ý chăm sóc sau ra viện đều chứng minh sự tận tâm với người bệnh.
 
9. Khảo sát về thời gian chờ đợi để cải tiến: các đầu việc cần làm, thời gian cần làm trình tự cần làm đã hiểu nhưng vẫn phải chờ vậy thì cải tiến ra sao chắc hẳn chúng ta cần biết mất thời gian khâu nào? Hiểu được vấn đề đang khúc mắc mới có thể cải tiến rút ngắn và làm việc hiệu quả. Bệnh viện anh chị tốn thời gian ở đầu việc nào?
 
10. Lấy ý kiến người bệnh: Tại BV nhật lấy ý kiến trải nghiệm trong quá trình nhập viện được tiến hành định kỳ. Qua đó nâng dần chất lượng dịch vụ. Lấy ý kiến khảo sát cũng thường được tiến hành vào sáng ngày ra viện. Nội dung mình từng chia sẻ ở diễn đàn trước đây.
 
✍Hy vọng với các thông tin này giúp chúng ta có thêm thông tin để cải tiến giảm chờ đợi cho người bệnh.
 
Nhật với số lượng người bệnh COVID tăng mạnh đặc biệt khu vực thành phố lớn Tokyo, Osaka và lân cận. Nhưng nhìn chung các bệnh viện nếu có bn COVID điều trị thì ảnh hưởng đến thăm khám thông thường và hệ lụy là ảnh hưởng đến nguồn thu. Thực tế khi quá tải thì thì số người không được cứu sẽ tăng mạnh. NVYT chúng ta vẫn cần cố gắng chiến đấu tiếp và còn chưa rõ ngày kết thúc.
 
Nhật đang là những ngày đông giá với nhiều vùng có tuyết rơi kỷ lục trong vòng 70 năm.
 
Chúc anh chị cuối tuần vui vẻ
 
Tokyo 15/01/2020 
Hayashi Huệ

 

THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team