linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

GIÁO DỤC SỨC KHOẺ VÀ HỌC THUYẾT THAY ĐỔI HÀNH VI

Mình rất thích đọc và tìm hiểu các học thuyết điều dưỡng cũng như các học thuyết chăm sóc sức khoẻ. Một học thuyết mà mình có cơ hội tìm hiểu từ nhưng năm 2011 và vẫn ứng dụng đến bây giờ trong quá trình giảng dạy sinh viên và sau này là giáo dục sức khoẻ cho ngừoi bệnh là “Học thuyết thay đổi hành vi” và “Thuyết học tập xã hội”.

 Những ngày qua, đọc bài chia sẻ của chị Lan Vien Phan và bài chia sẻ của các anh chị trong câu lạc bộ về chủ đề “Giáo dục sức khoẻ” – Mình cũng mong muốn viết một bài, để được chia sẻ và học tập thêm từ quý anh/chị đồng nghiệp.

 
Học thuyết chỉ ra rằng quá trình học tập để thay đổi một hành vi có hại cho sức khoẻ cần trải qua cả một quá trình. Do đó, bản thân người điều dưỡng cần phải hiểu rất rõ quá trình thay đổi hành vi này để hỗ trợ, hướng dẫn ngừoi bệnh thay đổi những hành vi không tốt, có hại cho sức khoẻ của mình. Quá trình này phải trải qua 6 giai đoạn cơ bản: (1) nhận ra hành vi của mình là không tốt, (2) quan tâm đến hành vi mới, (3) đặt ra mục đích phải thay đổi, (4) làm thử và tự đánh giá, (5) quyết định thực hiện hay từ chối để quay lại quan tâm đến hành vi mới khác, (6) cuối cùng là duy trì hành vi mới.
 
Trong những giai đoạn đầu: giai đoạn nhận ra hành vi của mình là không tốt, quan tâm đến hành vi mới, đặt ra mục đích cần phải thay đổi – đây là là 3 giai đoạn đơn giản, người điều dưỡng chỉ cần hướng dẫn người bệnh, kiên nhẫn, cung cấp các thông tin để người bệnh/ khách hàng tự nhận thức và quyết định lựa chọn. Ở đây, điều quan trọng là cần phải để khách hàng, ngừoi bệnh tự nhận ra vấn đề của mình, và có quyết tâm thay đổi, người hướng dẫn (điều dưỡng, nhân viên y yế) không được áp đặt suy nghĩ của mình lên người bệnh.
 
3 giai đoạn còn lại là 3 giai đoạn khó khăn và mang tính quyết định mà người điều dưỡng cần phối hợp với người bệnh để thực hiện. Lúc này, người điều dưỡng cần phối hợp với ngừoi bệnh để có một kế hoạch chi tiết dựa trên điều kiện và tình trạng ngừoi bệnh, để có thể tạo điều kiện và có mặt đúng lúc, đúng nơi để khuyên nhủ và nâng đỡ người bệnh trong quá trình làm thử, làm thật và duy trì được hành vi mới. Lúc này, những kế hoạch chi tiết, sự hỗ trợ của môi trường xung quanh, và ngừoi hướng dẫn là rất quan trọng, ngoài ra cần tạo động lực để người bệnh thực hành hành vi mới. 
 
Việc duy trì hành vi sức khoẻ mới là rất quan trọng, Trong bất kỳ quá trình thay đổi hành vi nào, thì việc tái diễn lại thói quen, hành vi cũ là một hiện tượng thường gặp. Khi trải qua giai đoạn này, đôi khi ngừoi bệnh có thể sẽ trải nghiệm cảm giác thất bại, mất hy vọng và mất phương hướng. Vì vậy, việc lên kế hoạch làm sao để đối phó với bất kỳ yếu tố cám dỗ nào trong tương lai, và những hành động cụ thể để có thể tạo được hành vi mới, duy trì hành vi mới, bỏ đi thói quen cũ luôn đóng vai trò quan trọng.
 
Chỉ khi nào người bệnh duy trì được hành vi mới (hành vi có lợi cho sức khỏe) thì lúc này quá trình thay đổi hành vi mới thành công, và cần phải có thời gian đủ dài để không lập lại các hành vi, thói quen cũ có hại; tiếp tục duy trì thói quen mới là quan trọng (nhiều học thuyết được đưa ra với thời gian là 21 ngày).
 
Và việc sử dụng Mind map trong việc thiết lập một kế hoạch chi tiết trong việc thay đổi một hành vi có hại cũng được xem là một phương pháp hiệu quả (một phương pháp mình cũng rất thích áp dụng khi dạy sinh viên, đặc biệt với chủ đề “Thay đổi hành vi”).
 
Trân trọng,
Quyên Trương
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team