linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Con đường nghiên cứu khoa học

Dựa trên bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện Nghiên Cứu Garvan, Australia - người Thầy, nhà khoa học, xin trình bày lại từng phần (có tham khảo thêm các bài viết khác & ý kiến cá nhân Trung Huynhh) để các bạn tiện theo dõi. Cảm ơn bài viết mà Thầy Nguyễn Văn Tuấn đã cung cấp.
Phần 1. CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
 
Abstracts: nghiên cứu khoa học bắt đầu từ sự quan sát sự vật, hiện tượng xung quanh để rồi hình thành ra câu hỏi nghiên cứu. Câu hỏi nghiên cứu tốt phải đạt FINER
 
Câu hỏi nghiên cứu (research question) là một phát biểu mang tính bất định về một vấn đề. Vì mang tính bất định, nên nhà khoa học phải tìm hiểu những yếu tố nào dẫn đến sự bất định. Cần phải phân biệt một câu hỏi nghiên cứu tốt với một câu hỏi dở. Câu hỏi nghiên cứu tốt phải đáng ứng ít nhất 3 trong 5 tiêu chuẩn mà tôi tạm gọi là FINER.
 
• F là viết tắt của feasibility, tức tính khả thi. Một câu hỏi nghiên cứu tốt phải khả thi, tức nhà khoa học có kinh nghiệm chuyên môn, có thể tuyển dụng đầy đủ bệnh nhân hay đối tượng nghiên cứu, có phương tiện đo lường và thí nghiệm, v.v.
• I là interesting, tức thú vị. Một câu hỏi nghiên cứu tốt phải thú vị đối với nhà khoa học, xứng đáng để theo đuổi. Có nhiều nhà khoa học bỏ ra cả đời người chỉ theo đuổi một phân tử rất nhỏ.
• N là novelty, tức có cái mới. Làm nghiên cứu là một việc làm sản sinh ra thông tin mới, phương pháp mới, hay ý tưởng mới. Một nghiên cứu chỉ lặp lại y chang những gì người khác đã làm thì không có cái gì mới, và được xếp vào nhóm “me too”.
• E là ethics, tức đạo đức. Một nghiên cứu y khoa phải tôn trọng quyền con người, không làm hại người, phải bảo mật tuyệt đối (không được tiết lộ thông tin cá nhân ra ngoài). Một nghiên cứu y khoa còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn về y đức. Nếu không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức / y đức thì dù câu hỏi có thú vị cỡ nào cũng phải bỏ đi!
• R là relevant, tức liên đới. Thật ra, chữ “liên quan” ở đây có nghĩa là có ảnh hưởng. Một câu hỏi nghiên cứu mà nếu tìm được câu trả lời và có thể làm thay đổi chuyên ngành là một câu hỏi quan trọng. “Tác động” ở đây phải hiểu là có tác động tích cực đến thực hành lâm sàng, đến chính sách y tế của Nhà nước, hay có đóng góp một định hướng mới. Chẳng hạn như câu hỏi “Các chương trình truy tầm ung thư vú có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong?” là một câu hỏi tốt vì câu trả lời sẽ làm thay đổi nhận thức của phụ nữ và thay đổi chính sách y tế. Những câu hỏi nghiên cứu, mà nếu có câu trả lời cũng chẳng thay đổi gì cho chuyên ngành hay chẳng đóng góp thêm gì về thông tin thì không đáng theo đuổi.
 
 
Phần 2. NGUỒN GỐC CỦA CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
 
Abstracts: câu hỏi nghiên cứu đến từ: (i) Y văn, (ii) Thầy Cô, (iii) ý tưởng mới và kĩ thuật mới & (iv) tưởng tượng
 
Đối với một nhà khoa học có kinh nghiệm lâu năm, những câu hỏi nghiên cứu thường xuất phát từ những phát hiện và vấn đề mà họ đang theo đuổi. Nhưng câu hỏi nghiên cứu cũng có thể xuất phát từ các đồng nghiệp trong chuyên ngành. Nhưng một người mới vào nghiên cứu khoa học, thì chưa có những trải nghiệm đó, nên câu hỏi nghiên cứu thường đến từ ba nguồn chính: y văn, người thầy, kĩ thuật và công nghệ mới, và … tưởng tượng.
 
1)Thứ nhất là y văn (literature) là những bài báo khoa học trong chuyên ngành. Những bài báo này được công bố trên các tập san khoa học quốc tế có bình duyệt. Trước khi bắt tay làm nghiên cứu, nhà nghiên cứu cần phải am hiểu lĩnh vực mà mình sắp làm. Do đó, việc làm quen với các dữ liệu và các công trình nghiên cứu trước trong ngành là cực kì quan trọng. Nên nhớ rằng đọc (vâng, đọc) là một yếu tố rất quan trọng trong việc hình hành văn hóa học thuật và là một kĩ năng không thể thiếu được của một học giả và nhà khoa học. Trong thời đại ngày nay, nhà khoa học có thể bắt đầu đọc những bài tổng quan (review), những công trình phân tích tổng hợp (meta-analysis) để có thể có những thông tin nhanh và khá toàn diện. 
 
Ngoài y văn ra, các nguồn khác như báo cáo của các cơ quan và tổ chức quốc tế cũng có ích trong việc làm quen với lĩnh vực nghiên cứu. Các báo cáo của các nhóm như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), OECD, Ngân hàng Thế giới, và các nhóm phi chính phủ có liên quan đến nghiên cứu là những tài liệu cung cấp một “bức tranh” tổng quát cho lĩnh vực nhà nghiên cứu quan tâm.
Qua đọc y văn và làm quen với thông tin chuyên ngành, nhà nghiên cứu cũng có thể biết thêm những “diễn viên” quan trọng. Ai là những người đứng vào hạng “thinker” (nhà tư tưởng), ai là “opinion leader” (nhà khoa học có ảnh hưởng), hoặc ai là những “sao” trong chuyên ngành và hiện nay ai là người có những nghiên cứu tiền phong.  
Qua y văn, nhà nghiên cứu còn có thể biết được những khác biệt về cách tiếp cận nghiên cứu trong quá khứ, và nhận ra lĩnh vực mà các đồng nghiệp trong ngành đang quan tâm hay theo đuổi. Nói cách khác, nhà khoa học phải biết đường đi trong chuyên ngành.
 
2) Vai trò người thầy cô. Nhưng dù đọc nhiều cỡ nào thì cũng không thay thế cho kinh nghiệm và phán xét cá nhân. “Cá nhân” ở đây là những người hướng dẫn nghiên cứu, thầy, cô, mà tiếng Anh gọi chung là mentor – người dìu dắt chúng ta trên con đường khoa học. Một người có tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh là người đã có “tên tuổi” trong chuyên ngành, hiểu theo nghĩa đã được đồng nghiệp quốc tế trong chuyên ngành biết đến qua những công trình nghiên cứu có ảnh hưởng trên các tập san quốc tế, và có chương trình nghiên cứu riêng.  
 
3) Nguồn thứ ba là những ý tưởng mới và kĩ thuật mới. Ngoài thầy cô và y văn, hội nghị cũng là một nguồn ý tưởng tốt. Nhà nghiên cứu cần phải đi dự những hội nghị cấp quốc tế và quốc gia để tìm hiểu và theo dõi các công trình nghiên cứu được trình bày trong các hội nghị. Cá nhân tôi thấy những thảo luận sau mỗi bài báo cáo cũng là một nguồn cảm hứng cho nhiều ý tưởng có ích và thú vị. Ngoài ra, gặp gỡ và trao đổi với tác giả báo cáo cũng nảy sinh ra ý tưởng hoặc một câu hỏi nghiên cứu mới. Sinh viên cần phải xóa bỏ mặc cảm thấp kém và tính mắc cở để mạnh dạn trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế, vì đó chính là cơ hội rất tốt để học hỏi từ họ và tìm ý tưởng cho chính mình.
 
Kĩ thuật mới là một nguồn quan trọng để hình thành ý tưởng nghiên cứu. Ứng dụng các công nghệ mới thường cung cấp cho chúng ta những kiến thức sâu hơn, những câu hỏi đặc sắc hơn về những vấn đề lâm sàng thông thường. Những tiến bộ mới về kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh, về sinh học phân tử, về phân tích gien đã cho ra đời hàng loạt nghiên cứu lâm sàng rất quan trọng trong quá khứ. Một vấn đề cũ có thể trở thành mới khi ứng dụng một công nghệ mới. Tương tự, một khái niệm mới hay một phát hiện mới trong một lĩnh vực khác có thể áp dụng cho lĩnh vực nhà nghiên cứu quan tâm có thể dẫn đến nhiều câu hỏi nghiên cứu quan trọng. Chẳng hạn như mật độ xương cao có thể là một marker phản ảnh nồng độ estrogen của nữ giới, và áp dụng khái niệm này vào các bệnh liên quan đến xương, chúng tôi đã chứng minh rằng phụ nữ có estrogen cao cũng là những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao. Do đó, kĩ thuật mới và khái niệm mới có thể là nguồn gốc cho những câu hỏi và ý tưởng nghiên cứu mới.
 
4) Cần tưởng tượng. Người nghệ sĩ hay mơ mộng, nhưng nhà khoa học cũng cần có mộng mơ. Einstein từng nói “nếu có logic bạn có thể đi từ A đến B; nhưng nếu có tưởng tượng, bạn có thể đi bất cứ nơi nào”. Tưởng tượng ở đây dĩ nhiên không có nghĩa là hoang tưởng, nhưng là đặt ra những câu hỏi sáng tạo mà người khác chưa suy nghĩ đến. Một đặc điểm của khoa học là sáng tạo, cho nên nhà khoa học cần có trí tưởng tượng phong phú.
Sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Để thuyết phục cơ quan tài trợ và các đồng nghiệp, nhà nghiên cứu cần phải tưởng tượng đến những câu trả lời mới cho những câu hỏi [có thể là] kinh điển. Nhà khoa học còn phải có đức tính kiên trì, sẵn sàng theo đuổi những ý tưởng mới cho đến khi cảm thấy thoải mái với những ý tưởng này. Một số ý tưởng mang tính sáng tạo nảy sinh trong những cuộc trao đổi thân mật với đồng nghiệp trên bàn tiệc hay bữa ăn trưa, nhưng cũng nảy sinh trong những cuộc đấu trí.
 
Tưởng tượng từ những quan sát cẩn thận. Quan sát một cách chi tiết trên bệnh nhân đã từng dẫn đến nhiều nghiên cứu mô tả và là nguồn của nhiều câu hỏi nghiên cứu. Giảng dạy cũng là một nguồn cảm hứng tuyệt vời; vì những ý tưởng nghiên cứu thường hiện ra trong lúc soạn thảo bài giảng hoặc trong lúc thảo luận với những sinh viên ham học và … ham hỏi. Cứ mỗi lần soạn bải giảng tôi thường ghi lại những khoảng trống tri thức trên giấy nháp để sau này xem lại, và đó cũng là nguồn ý tưởng để thảo luận trong các buổi hội thảo sau.
 
 
PHẦN 3. CÁC LOẠI CÂU HỎI (vấn đề) NGHIÊN CỨU   
Hi đồng nghiệp, con đường nghiên cứu KH là con đường "khổ hạnh" (khổ nhưng...hạnh phúc) vì dù đầy chông gai, sỏi đá nhưng xa xa ở cuối con đường là hoa thơm, trái ngọt. Chúng ta dừng khá lâu ở bước khởi đầu này vì "đầu xuôi" thì "đuôi lọt". Rút kinh nghiệm bản thân: các nghiên cứu không chuẩn mực vì vội vã ở bước đi này...
 
Abstract: có 3 loại câu hỏi nghiên cứu
a/ Câu hỏi thuộc loại thực nghiệm.
b/ Câu hỏi thuộc loại quan niệm hay nhận thức.
c/ Câu hỏi thuộc loại đánh giá.
 
Bản chất của quan sát thường đặt ra những câu hỏi, từ đó đặt ra “vấn đề” nghiên cứu cho nhà khoa học và người nghiên cứu. Câu hỏi đặt ra phải đơn giản, cụ thể, rõ ràng (xác định giới hạn, phạm vi nghiên cứu) và làm sao có thể thực hiện thí nghiệm để kiểm chứng, trả lời. Thí dụ, câu hỏi: “Có bao nhiêu học sinh đến trường hôm nay?”. Câu trả lời được thực hiện đơn giản bằng cách đếm số lượng học sinh hiện diện ở trường. Nhưng một câu hỏi khác đặt ra: “Tại sao bạn đến trường hôm nay?”. Rõ ràng cho thấy rằng, trả lời câu hỏi này thực sự hơi khó thực hiện, thí nghiệm khá phức tạp vì phải tiến hành điều tra học sinh.
 
Cách đặt câu hỏi thường bắt đầu như sau: Làm thế nào, bao nhiêu, xảy ra ở đâu, nơi nào, khi nào, ai, tại sao, cái gì, …? Đặt câu hỏi hay đặt “vấn đề” nghiên cứu là cơ sở giúp nhà khoa học chọn chủ đề nghiên cứu (topic) thích hợp. Sau khi chọn chủ đề nghiên cứu, một công việc rất quan trọng trong phương pháp nghiên cứu là thu thập tài liệu tham khảo (tùy theo loại nghiên cứu mà có phương pháp thu thập thông tin khác nhau). 
 
Phân loại “vấn đề” nghiên cứu khoa học
 
Sau khi đặt câu hỏi và “vấn đề” nghiên cứu khoa học đã được xác định, công việc tiếp theo cần biết là “vấn đề” đó thuộc loại câu hỏi nào. Nhìn chung, “vấn đề” được thể hiện trong 3 loại câu hỏi như sau: 
 
a/ Câu hỏi thuộc loại thực nghiệm.
b/ Câu hỏi thuộc loại quan niệm hay nhận thức.
c/ Câu hỏi thuộc loại đánh giá.
 
Chúng ta lần lượt xem qua 3 loại câu hỏi này:
 
a/ Câu hỏi thuộc loại thực nghiệm 
 
Câu hỏi thuộc loại thực nghiệm là những câu hỏi có liên quan tới các sự kiện đã xảy ra hoặc các quá trình có mối quan hệ nhân-quả về thế giới của chúng ta. Để trả lời câu hỏi loại nầy, chúng ta cần phải tiến hành quan sát hoặc làm thí nghiệm; Hoặc hỏi các chuyên gia, hay nhờ người làm chuyên môn giúp đở. Câu hỏi thuộc loại nầy có trong các lãnh vực như sinh học, vật lý, hóa học, kinh tế, lịch sử,… Thí dụ: Cây lúa cần bao nhiêu phân N để phát triển tốt? Một số câu hỏi có thể không có câu trả lời nếu như không tiến hành thực nghiệm. Thí dụ, loài người có tiến hóa từ các động vật khác hay không? Câu hỏi này có thể được trả lời từ các NCKH nhưng phải hết sức cẩn thận, và chúng ta không có đủ cơ sở và hiểu biết để trả lời câu hỏi nầy. Tất cả các kết luận phải dựa trên độ tin cậy của số liệu thu thập trong quan sát và thí nghiệm. Những suy nghĩ đơn giản, nhận thức không thể trả lời câu hỏi thuộc loại thực nghiệm nầy mà chỉ trả lời cho các câu hỏi thuộc về loại quan niệm. 
 
b/ Câu hỏi thuộc loại quan niệm hay nhận thức 
 
Loại câu hỏi này có thể được trả lời bằng những nhận thức một cách logic, hoặc chỉ là những suy nghĩ đơn giản cũng đủ để trả lời mà không cần tiến hành thực nghiệm hay quan sát. Thí dụ “Tại sao cây trồng cần ánh sáng?”. Suy nghĩ đơn giản ở đây được hiểu là có sự phân tích nhận thức và lý lẽ hay lý do, nghĩa là sử dụng các nguyên tắc, qui luật, pháp lý trong xã hội và những cơ sở khoa học có trước. Cần chú ý sử dụng các qui luật, luật lệ trong xã hội đã được áp dụng một cách ổn định và phù hợp với “vấn đề” nghiên cứu. 
 
c/ Câu hỏi thuộc loại đánh giá 
 
Câu hỏi thuộc lọai đánh giá là câu hỏi thể hiện giá trị và tiêu chuẩn. Câu hỏi này có liên quan tới việc đánh giá các giá trị về đạo đức hoặc giá trị thẩm mỹ. Để trả lời các câu hỏi loại nầy, cần hiểu biết nét đặc trưng giữa giá trị thực chất và giá trị sử dụng. Giá trị thực chất là giá trị hiện hữu riêng của sự vật mà không lệ thuộc vào cách sử dụng. Giá trị sử dụng là sự vật chỉ có giá trị khi nó đáp ứng được nhu cầu sử dụng và nó bị đánh giá không còn giá trị khi nó không còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng nữa. Thí dụ: “Thế nào là hạt gạo có chất lượng cao?”.
 
 
PHẦN 4. GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU (nhớ là "giả THUYẾT" chứ không phải "giả THIẾT")
 
Đừng nản nhé bạn, hãy cùng tôi đi tiếp vì con đường phía trước đầy chông gai, nhưng phía cuối con đường có nhiều hoa thơm, quả ngọt. Bạn hãy tin là như vậy!
 
Abstracts: Giả thuyết xuất phát từ câu hỏi nghiên cứu. Giả thuyết khoa học khác với giả thuyết thống kê. Giả thuyết thống kê chỉ là một cách phát biểu giả thuyết khoa học để tiện cho việc kiểm định thống kê. 
Ví dụ:
- Giả thuyết KH: “bệnh nhân tiểu đường có tỉ trọng mỡ cao hơn người không bị tiểu đường”
- Giả thuyết thống kê: “bệnh nhân tiểu đường có tỉ trọng mỡ bằng người không bị tiểu đường” (Ho: null hypothesis)
Một trong những nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là dùng dữ liệu để bác bỏ giả thuyết vô hiệu (Ho).
 
Giả thuyết đối với nhà khoa học rất khác với câu hỏi nghiên cứu. Giả thuyết xuất phát từ câu hỏi nghiên cứu. Câu hỏi nghiên cứu xuất phát từ quan sát thực tế. Một câu hỏi nghiên cứu tốt sẽ dẫn đến giả thuyết khoa học hay. Giả thuyết khoa học là một phát biểu mang tính tiên lượng giữa hai hay nhiều biến. Hai chữ tiên lượng ở đây rất quan trọng! Một phát biểu như “Có mối liên hệ giữa ung thư vú và loãng xương” không phải là giả thuyết vì không có tính tiên lượng. Nhưng một phát biểu như “Bệnh nhân ung thư vú có nguy cơ loãng xương thấp hơn bệnh không bị ung thư vú” thì được xem là một giả thuyết khoa học (vì có tính tiên lượng).
 
Cũng nên phân biệt giả thuyết khoa học với giả thuyết thống kê. Giả thuyết thống kê chỉ là một cách phát biểu giả thuyết khoa học để tiện cho việc kiểm định thống kê. Nếu giả thuyết khoa học là “bệnh nhân tiểu đường có tỉ trọng mỡ cao hơn người không bị tiểu đường”, thì giả thuyết thống kê là “bệnh nhân tiểu đường có tỉ trọng mỡ bằng người không bị tiểu đường”. Giả thuyết thống kê vừa đề cập còn có khi gọi là giả thuyết vô hiệu Ho (null hypothesis). Bên cạnh giả thuyết vô hiệu, nhà khoa học còn phát biểu một giả thuyết đảo HA (alternative hypothesis): bệnh nhân tiểu đường có tỉ trọng mỡ khác với người không bị tiểu đường. Một cách nghiêm túc, không có giả thuyết vô hiệu thì tất cả phân tích thống kê gần như vô nghĩa (bởi vì phần lớn các phương pháp thống kê được phát triển lấy giả thuyết vô hiệu làm chuẩn). Một trong những nhiệm vụ của nhà nghiên cứu là dùng dữ liệu để bác bỏ giả thuyết vô hiệu (và bác bỏ giả thuyết vô hiệu là gián tiếp chấp nhận giả thuyết đảo), bởi vì theo nhà triết học khoa học Karl Popper, chúng ta không thể nào chứng minh được một giả thuyết khoa học.
 
Ví dụ về mối quan hệ vấn đề (câu hỏi nghiên cứu) & giả thuyết:
Vấn đề: Trẻ hư tại ai?
Các giả thuyết:
- 1.1: trẻ hư tại mẹ?
- 1.2: trẻ hư tại ba?
- 1.3: trẻ hư tại bà?
Từ đây bạn hãy đặt ra giả thuyết thông kê và tìm dữ kiệu để bác bỏ giả thuyết vô hiệu Ho nhé...
 
http://pdaotao.duytan.edu.vn/uploads/Mark/giao%20trinh%20phuong%20phap%20nckh.doc
(tham khảo từ tài liệu GS. Ts Nguyễn Văn Tuấn - Viện Nghiên Cứu Garvan - Australia)
Nguyễn Văn Tuấn, Cách viết đề cương nghiên cứu khoa học.
 
TS. Huỳnh Hiền Trung
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team