linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Chống nhầm lẫn người bệnh

Nhận dạng sai người bệnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sai sót, rủi ro trong y khoa. Hậu quả có thể từ nhẹ đến nặng, nhẹ như tính tiền sai, phát nhầm đồ ăn , nhưng cũng có thể rất nặng nề như chích nhầm thuốc, truyền nhầm nhóm máu, phẫu thuật sai, trả nhầm Em bé cho gia đình vv.
Một báo cáo ở Anh từ tổng kết từ tháng 11.2003 đến tháng 7.2005 ghi nhận 236 sự cố liên quan đến nhận diện sai người bệnh, dù đã có sử dụng vòng đeo tay.
 
Tại Việt Nam, vấn đề nhận diện sai người bệnh dẫn đến những sai sót là rất thường gặp, nhất là với tình hình người bệnh trùng tên, trùng ngày tháng năm sinh, đôi khi trùng địa chỉ nhà vvv. Dù chưa có con số thông kê cụ thể, nhưng gần như cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nào cũng phải đối diện với nguy cơ nhầm lẫn người bệnh, mỗi ngày.
 
Hiện tại vấn đề nhận dạng đúng người bệnh đang được cả thế giới quan tâm, tổ chức y tế thế giới ( WHO ) và nhiều tổ chức về An Toàn Người Bệnh đưa mục tiêu nhận dạng đúng người bệnh lên làm mục tiêu an toàn hàng đầu. Bộ Y Tế - Sở Y Tế cũng rất quan tâm. BYT đã đưa nội dung này vào trong Thông tư 19/2013/TT/BYT “ 
 
Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện” , trong tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Sở Y Tế TP Hồ Chí Minh cũng đưa nội dung này vào trong “Khuyến cáo triển khai hoạt động an toàn người bệnh tại các bệnh viện” .
 
 
 
 
Các nguyên tắc chung trong xác định ( nhận dạng) người bệnh:
- Xác định đúng người bệnh bao gồm xác định chính xác cá nhân người bệnh và cả những gì liên quan đến người bệnh như hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, phiếu xét nghiệm, máu chế phẩm máu, bệnh phẩm xét nghiệm vv.. Có thể nhấn mạnh một nguyên tắc chung: trước khi cung cấp bất kì dịch vụ gì cho người bệnh, cần phải xác nhận đúng người bệnh.
 
- Khi xác định người bệnh, phải sử dụng ít nhất 3 trong 5 yếu tố nhận dạng người bệnh như : họ tên đầy đủ, tuổi (ngày tuổi/ tháng tuổi/ hay tuổi theo năm), giới tính, địa chỉ (tên tỉnh, nếu ở Tp.HCM thì dùng quận/ huyện) và số hồ sơ. Lưu ý số giường và số phòng không phải là thông tin phù hợp để xác định đúng người bệnh.
 
- Khi xác định người bệnh, phải sử dụng câu hỏi mở đối với người bệnh/ thân nhân bệnh nhân (trong trường hợp người bệnh không thể nói được, không tỉnh táo, em bé không thể cung cấp thông tin chính xác) để kiểm tra chính xác thông tin người bệnh. 
 
- Trường hợp người bệnh nằm cách ly, không có thân nhân bên cạnh, việc xác định đúng người bệnh nên dựa vào vòng đeo tay trên người bệnh.
 
Poster Chống nhầm lẫn người bệnh của BV Quận 2:
 
 
- Lưu ý: vòng đeo tay, Barcode, bảng tên vv là các phương tiện giúp cho quá trình nhận dạng người bệnh, không phải là yếu tố nhận dạng, khi sử dụng cũng phải chắc chắn các thông tin nhận dạng người bệnh trên các phương tiện này là chính xác. Ví dụ: ở thời điểm đeo vòng đeo tay cho người bệnh, cần tuân thủ nguyên tắc nhận dạng người bệnh để bảo đảm đeo vòng cho đúng đồng thời giải thích cho người bệnh và thân nhân ý nghĩa của vòng đeo tay để họ hợp tác trong suốt quá trình điều trị.
 
 
Tham khảo thêm loạt bài về Nhận diện đúng người bệnh - trên góc nhìn của người bệnh:
 
Phan Thị Ngọc Linh
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team