linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Nhận dạng người bệnh - khi nào?

Theo tổ chức San Diego’s Heath Care Leader thì hoạt động nhận dạng người bệnh được chú trọng tới mức, họ gọi đây là “Always Event”!
Trong các bài viết trước, chúng ta đã hiểu được tầm quan trọng của việc nhận dạng người bệnh. Cũng đã hiểu được cách thức mà nhân viên y tế họ nhận dạng chúng ta. Vậy thì câu hỏi sau cùng là: KHI NÀO? Khi nào chúng ta cần các nhân viên y tế phải nhận dạng cho đúng?
 
Theo tổ chức San Diego’s Heath Care Leader thì hoạt động nhận dạng người bệnh được chú trọng tới mức, họ gọi đây là “Always Event”!
 
Cho nên, việc nhận dạng này được xem là việc LUÔN LUÔN PHẢI LÀM. Bất cứ khi nào người bệnh mình nhận một dịch vụ từ nhân viên y tế là mình cần phải biết mình đã được nhận dạng đúng: trước khi chích=> khoe tên của mình; trước khi chụp X-Quang => lại khoe tiếp; trước khi tiểu vào trong cái lọ=> ngó coi trên cái lọ có ghi tên mình không, có ghi thì có nước tiểu, không thì thôi; trước khi thanh toán viện phí cũng phải khoe tên mình cái cho chắc, chẳng may trả thay cho ông nào nằm viện lâu hơn cả mình nữa thì cũng mất vui; nói chung, khoe khoang tên tuổi ở những thời điểm này là điều cần phải làm.
 
Về phía nhân viên y tế thì đương nhiên, ai cũng phải làm chứ không riêng gì Bác Sĩ với Y tá, cứ muốn làm gì đó cho người bệnh thì phải biết người đó có đúng là đối tượng mình cần cung cấp dịch vụ hay không!
 
Có một số “chiêu” có thể giúp người bệnh tránh được việc bị nhận dạng nhầm như sau:
 
Cần phải gây chú ý cho nhân viên y tế về tên tuổi – đặc điểm cá nhân của mình ngay lần gặp đầu tiên. VD: hỏi sao cô y tá xinh thế :) hay hỏi “sao ở BV kia người ta có vòng cho bệnh nhân, ở đây không có vậy? Lỡ nhầm tôi với người khác thì sao cô?”..vân vân và vân vân :) Cái này, tùy kinh nghiệm và khả năng của mỗi người. Ai có trò gì hiệu quả thì cho Bệnh Nhân Vui Tính em xin nhé.
 
Luôn quan sát để biết xung quanh mình có những bệnh nhân có tên giống, ngang tuổi cùng giới tính,.. Vào phòng nhiều người là phải “soi” ngay xem có ai trùng tên, trùng tuổi hoặc nhìn dáng giống giống mình không. Có là phải nhắc ngay cho nhân viên y tế khi có dịp: “phòng này có Bà Z đằng kia trùng tên, trùng tuổi với tôi luôn đó nghe cô!”.
 
Hay việc cứ nói tên mình trước khi nhận dịch vụ cũng là một cách.. gây chú ý cao rồi, vì có mấy người bệnh làm như mình. J
Nhân đây, hãy xem thử ở Mỹ, người ta hay bị nhầm chỗ nào nhất nhé:
 
-Chẩn đoán hình ảnh nhầm người bệnh
-Cho thuốc nhầm người bệnh
-Xét nghiệm nhầm người bệnh
-Người bệnh đăng ký tên sai khi nhập viện
 
Và Các nguyên nhân chính dẫn đến cái sự nhầm:
-Sử dụng số phòng để nhận diện
-Thay vì hỏi người bệnh tên gì, nhân viên y tế lại hỏi “bạn có phải tên đó đó ko?”
-Nhân viên y tế bị quá tải, bị cắt ngang việc đang làm, nên bỏ qua những bước cần thiết trong quy trình nhận dạng người bệnh
 
 
Bệnh Nhân Vui Tính xin được phép trích đoạn một số câu đối đáp VUI VUI giữa Y tá và nhà Quản lý nhé:
 
Y tá: Em làm Y tá 10 năm nay, chưa sai sót trong nhận diện người bệnh lần nào.
QL: Hầu hết những người gây ra lỗi nhận diện nhầm người bệnh được ghi nhận là LẦN ĐẦU PHẠM PHẢI!
Kết luận cho người bệnh: đừng tưởng y tá giàu kinh nghiệm thì sẽ an toàn.
 
 
Y tá: thực hiện việc kiểm tra đi kiểm tra lại đối với một bệnh nhân đã “quen mặt” thì mất thời gian quá
QL: Việc nhận diện sai người bệnh vẫn xảy ra ngay cả khi người bệnh đã quen mặt. Việc thực hiện nhận diện người bệnh theo quy trình sẽ giúp hình thành thói quen tốt. Khi vội vã thường người ta sẽ làm theo thói quen. Do vậy cần duy trì thói quen nhận dạng người bệnh mọi lúc mọi nơi.
Kết luận cho người bệnh: việc nhắc nhân viên y tế nhận dạng mình mọi lúc mọi nơi là cần thiết, và bản thân người bệnh cũng dần hình thành thói quen tốt này. Sẽ có lúc nó cứu mạng mình!
 
 
Y tá: Việc nhận dạng này cứ lặp đi lặp lại có thể bị khách hàng (người bệnh) than phiền hoặc không hài lòng vì không được xem như khách VIP hoặc nghe xa lạ quá. Giống như em quên tên người bệnh nên cứ phải hỏi đi hỏi lại vậy, nên họ tưởng mình không quan tâm tới họ.
QL: Có thể có, nhưng hãy giải thích cho khách hàng hiểu sự quan trọng của việc này. Chúng ta phải tuân thủ quy trình này vì an toàn của chính người bệnh.
Kết luận: vào viện thì không cần y tá nhớ tên nhớ mặt như vào quán ăn.
 
 
Y tá: Em mà gọi tên người bệnh sai, họ sửa em ngay
QL: Chắc gì họ nghe rõ tên của họ
Kết luận: tự mình nói tên mình, cũng phải cố gắng nói cho rõ, nếu được thì xem luôn tên tuổi trên cái hồ sơ mà nhân viên y tế đang cầm là chắc ăn nhất.
 
 
Y tá: Chị y tá trưởng đưa em tới gặp người bệnh, thì chị ấy phải nhận dạng rồi chứ. Em chỉ việc chích thôi.
QL: Cứ phải tự mình làm mới chắc, vì có thể chia kia quên hoặc chưa kịp làm.
Kết luận: tự mình nói tên mình, cũng phải cố gắng nói cho rõ, nếu được thì xem luôn tên tuổi trên cái hồ sơ mà nhân viên y tế đang cầm là chắc ăn nhất.
Tới đây, nằm viện mà nhớ chừng này thứ cho việc nhận dạng là.. quá nhiều nhỉ? Hãy nhớ một điều đơn giản nhất cho phần này thôi: “Trước khi nhận bất kỳ dịch vụ y tế nào, Hãy cho nhân viên y tế biết mình là ai, bất kể họ có hỏi mình hay không vì mình có thể chết nếu họ.. NHẦM mình với người khác!!!”
 
Phần kế tiếp và kết thúc cho câu chuyện về nhận dạng: trong phòng mổ liệu có bị nhận dạng nhầm không?
 
Bệnh Nhân Vui Tính
 
Tài liệu tham khảo:
– Patient Identification – http://www.sharp.com/b2b/students/upload/NURSING-ALWAYS-EVENTS-PATIENT-ID-2.pdf
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team