linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

An toàn người bệnh - các vấn đề thiết yếu

Khi vào một cơ sở y tế để khám chữa bệnh, cái vốn quí giá nhất của người bệnh là sức khỏe, được ủy thác cho đội ngũ nhân viên y tế, đổi lại người bệnh luôn mong đợi và kỳ vọng được chăm sóc và điều trị một cách an toàn, có chất lượng. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh là trách nhiệm của các cơ sở y tế, các nhà quản lý và cũng là sứ mệnh của mọi thầy thuốc và mọi nhân viên y tế.

An toàn người bệnh là một chương trình có sự khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, bởi vì nguy cơ của các sự cố y khoa luôn thường trực và có thể xảy ra bất cứ khi nào. Các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế phải triển khai chương trình quản lý an toàn người bệnh càng sớm càng tốt và luôn duy trì, cải tiến liên tục.

Các vấn đề thiết yếu nhất về an toàn người bệnh cần được triển khai tại các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế bao gồm:

XÁC ĐỊNH ĐÚNG NGƯỜI BỆNH

Xác định đúng một bệnh nhân chỉ mất một phút, nhưng có thể cứu cả một mạng người. Nhận diện sai người bệnh là một vấn nạn - một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro, sai sót trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh.

Một số lưu ý khi triển khai

-         Khi triển khai cần lưu ý phải trả lời được 4 câu hỏi: “Tại sao cần phải nhận diện người bệnh? Ai sẽ nhận diện? Nhận diện khi nào? Nhận diện như thế nào?”.

-         Sử dụng ít nhất hai yếu tố nhận dạng để nhận dạng người bệnh, không được phép sử dụng số phòng và số giường của người bệnh như là yếu tố nhận dạng.

-         Hỏi người bệnh các thông tin để nhận dạng: họ tên, tuổi, địa chỉ, số hồ sơ bệnh nhân. Cần lưu ý phải hỏi câu hỏi mở để bệnh nhân tự nói ra các thông tin, không hỏi các câu hỏi đóng và bệnh nhân trả lời đúng/sai.

-         Có thể dùng vòng đeo tay để nhận dạng người bệnh. Thông tin trên vòng đeo tay gồm: họ tên, địa chỉ, ngày sinh, cùng với số mã vạch.

-         Tên và thông tin về người bệnh trên các nhãn bệnh phẩm phải bảo đảm dán chặt lên lọ hoặc ống đựng bệnh phẩm trước, trong và sau khi làm xét nghiệm, nếu có sự hiện diện và tham gia của người bệnh lúc dán nhãn mẫu bệnh phẩm thì cố gắng phát huy tối đa.

-         Khi chăm sóc bệnh nhân rối loạn tâm thần - hành vi, không nhận thức được bản thân, có thể đính kèm ảnh bệnh nhân trong bệnh án để nhân viên y tế nhận diện.

-         Xác nhận người bệnh hôn mê: thân nhân (người nhà) phải xác định nhân thân cho họ. Nếu một người bệnh hôn mê được đưa đến bệnh viện bởi công an hoặc đơn vị dịch vụ cấp cứu và không có một chứng cứ nào về tên, tuổi để nhận diện; phải đặt cho người bệnh một cái tên tạm thời và số hồ sơ. Những yếu tố nhận dạng này sau đó có thể dùng để xác định bệnh nhân và để chắp nối với các công việc khác như dán nhãn xét nghiệm, y lệnh… Tiếp nhận một bệnh nhân hôn mê khó xác định nhân thân không phải là việc hiếm gặp, cần đưa vấn đề này vào qui định và buộc mọi người phải tuân thủ qui định một cách nhất quán.

TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ GIAO TIẾP GIỮA CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ

Y lệnh miệng / y lệnh qua điện thoại

Không khuyến khích y lệnh miệng. Tuy nhiên, ở hầu hết cơ sở y tế, xóa bỏ y lệnh miệng là điều không thể. Các sai sót rủi ro thường đến từ các y lệnh miệng.

Một số lưu ý khi triển khai

-         Phải tuân thủ nguyên tắc “viết xuống - đọc lại” khi bác sĩ cho y lệnh miệng hoặc thông báo kết quả xét nghiệm quan trọng: người nhận thông tin phải viết xuống hồ sơ các thông tin nhận được, sau đó đọc lại cho người cho y lệnh hoặc thông báo kết quả xét nghiệm. Người cho y lệnh / thông tin phải xác nhận lại là chính xác.

-         Lưu ý, người nhận y lệnh về thuốc cần phải đọc lại tên thuốc và liều lượng cho người ra y lệnh thì nên đọc đánh vần như sau “B trong quả bóng”, “P trong phở”; đánh vần từng con số, ví dụ: “0,2g” phải được đọc là “ không - phẩy - hai - gam” để tránh nhầm lẫn. Thận trọng với các loại thuốc đọc nghe giống nhau. Trong vòng 24 giờ, bác sĩ phải ký nhận vào hồ sơ xác nhận mình đã cho y lệnh này.

Chuẩn hóa danh mục các từ rút gọn, từ viết tắt

Danh mục từ rút gọn hoặc viết tắt cần có sự tham gia xây dựng và thống nhất của các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh và các nhân viên y tế khác để tránh những hiểu nhầm có thể dẫn đến các sai sót đáng tiếc.

Một số lưu ý khi triển khai

-         Thống nhất danh mục các từ viết tắt được phép sử dụng tại cơ sở cung cấp dịch vụ y tế và các qui định khi viết tắt. Cần hạn chế tối đa việc viết tắt nếu có thể.

-         In danh mục từ viết tắt trên giấy bìa cứng màu sáng và treo ở nơi thuận tiện để nhắc nhở mọi người hoặc in danh mục từ viết tắt ngay ở góc dưới các tờ điều trị hoặc phiếu theo dõi.

-         Lưu danh mục viết tắt lên mạng nội bộ để dễ tra cứu.

-         Tiến hành một cuộc khảo sát thử để kiểm tra kiến thức nhân viên về danh mục từ viết tắt.

-         Xúc tiến chính sách “không dùng từ viết tắt của tháng”.

-         Đánh giá sự tuân thủ của nhân viên với danh mục từ viết tắt thông qua kiểm tra hồ sơ bệnh án, bảo đảm tỉ lệ tuân thủ 100%.

BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG DÙNG THUỐC

Thuốc có nguy cơ gây hại cao và thuốc “nhìn giống nhau” hoặc “nghe giống nhau”

Cần có qui trình quản lý và hướng dẫn sử dụng để tăng cường và bảo đảm tính an toàn khi sử dụng thuốc có nguy cơ gây hại cao và thuốc “nhìn giống nhau” hoặc “nghe giống nhau”.

Một số lưu ý khi triển khai

-         Xem xét và xây dựng danh mục thuốc có nguy cơ gây hại cao và thuốc “nhìn giống nhau” hoặc “ nghe giống nhau” tại bệnh viện đồng thời xây dựng qui trình hướng dẫn quản lý và sử dụng các loại thuốc này để tránh tối đa các sai sót trong quá trình sử dụng.

-         Nhân viên của cơ sở y tế phải được thông tin đầy đủ về danh mục thuốc này.

-         Khi trao đổi thông tin về các thuốc nói trên yêu cầu phải viết và đọc lại tên thuốc và nên có sự kiểm tra chéo.

-         Các thuốc “nhìn giống nhau và gọi tên giống nhau” - không nên để gần nhau. Các thuốc nguy cơ gây hại cao nên để ở tủ có khóa. Nên có nhãn mác khác với các nhãn mác thông thường để cánh báo và nhắc nhân viên thận trọng khi sử dụng.

-         Nhân viên phải tuyệt đối tuân thủ qui trình an toàn sử dụng thuốc khi cung cấp các thuốc này cho người bệnh.

-         Tất cả các dung dịch có nồng độ đậm đặc (ví dụ: kali clorua 5%) chỉ cung cấp với số lượng hạn chế ở các khoa và chịu sự kiểm tra giám sát của khoa dược. Bệnh viện phải xây dựng một hạn mức cho phép về số lượng các thuốc trên tại khoa.

-         Phải kiểm soát việc sử dụng các dung dịch này và phải có biện pháp phòng ngừa thích hợp để tránh việc các dung dịch đậm đặc bị dùng nhầm với những loại thuốc có bao bì giống với bao bì của dung dịch (ví dụ: ống nước cất và dung dịch KCl 5%).

-         Phải có nhãn cảnh báo dễ nhìn, dễ thấy ở nơi để thuốc.

AN TOÀN TRONG PHẪU THUẬT, THỦ THUẬT

Để bảo đảm an toàn trong phẫu thuật phải đảm bảo: đúng người bệnh, đúng vị trí phẫu thuật và đúng loại phẫu thuật dự kiến thực hiện cho người bệnh.

Một số lưu ý khi triển khai

Cơ sở y tế phải xây dựng qui trình nhằm loại bỏ việc phẫu thuật sai người bệnh, sai vị trí phẫu thuật và sai loại phẫu thuật:

-         Cần đánh dấu vị trí mổ: đánh dấu vị trí phẫu thuật phải làm rõ việc phân biệt bên phải / bên trái, các cấu trúc giải phẫu nhiều thành phần (ngón tay, ngón chân, đốt xương sống…). Qui định đánh dấu phải nhất quán trong mỗi cơ sở y tế. Việc sử dụng dấu “X” hiện nay ít áp dụng vì ý nghĩa mập mờ, “X” có thể hiểu là phẫu thuật ở đây hay không phẫu thuật ở đây. Một vạch chỉ vị trí phẫu thuật hoặc chữ “YES" là những cách được chấp nhận để đánh dấu vị trí phẫu thuật. Nếu vị trí phẫu thuật liên quan đến X-quang, kiểm tra xem phim có trong phòng mổ hay chưa. Kiểm tra xem tên của bệnh nhân có giống với tên trên phim và có giống với tên trên bìa kẹp hồ sơ hay không. Nếu có một vết thương ở vị trí phẫu thuật, không cần phải đánh dấu. Tuy nhiên, nếu có nhiều vết thương hoặc vết xước và chỉ có vài vị trí sẽ được phẫu thuật, cần đánh dấu các vị trí này.

-         Cần có một bảng kiểm tra trước mổ bảo đảm các dụng cụ và các chuẩn bị cần thiết cho ca mổ đã sẵn sàng: bệnh án và tài liệu liên quan phải sẵn sàng trước.

-         Thực hiện việc giao - nhận người bệnh trước mổ.

-         Cần một bảng kiểm trước khi bắt đầu gây mê để bảo đảm đúng người bệnh, đúng phương pháp gây mê…

-         Cần thực hiện Time-out bởi toàn bộ ê kíp mổ ngay trước thời điểm phẫu thuật viên bắt đầu ca mổ: đọc và xác định lại vị trí; phương pháp phẫu thuật và tên người bệnh.

-         Cần một bảng kiểm trước khi bệnh nhân rời khỏi phòng mổ: để bảo đảm các chăm sóc quan trọng cho bệnh nhân được ghi nhận, mẫu bệnh phẩm được ghi nhận tên đầy đủ.

GIẢM NGUY CƠ NHIỄM KHUẨN LIÊN QUAN ĐẾN NHÂN VIÊN Y TẾ

Đây là vấn nạn trong y tế. Nhiễm trùng bệnh viện sẽ gây tốn kém rất nhiều cho việc điều trị và đôi khi là sự nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Một số lưu ý khi triển khai

-         Toàn bộ nhân viên y tế phải tuân thủ vệ sinh tay, rửa tay đúng lúc và đúng cách.

-         Mọi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải cung cấp đủ các phương tiện cần thiết để bảo đảm vệ sinh tay và có sẵn dung dịch sát khuẩn để vệ sinh tay trên các bàn khám bệnh, các xe tiêm, xe làm thủ thuật, lối ra vào phòng bệnh.

-         Khuyến khích bệnh nhân, gia đình họ yêu cầu nhân viên y tế vệ sinh tay trước khi chăm sóc, làm thủ thuật cho người bệnh.

-         Dán các bảng hướng dẫn cách rửa tay tại các bồn rửa tay.

-         Giám sát tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế và phản hồi với người phụ trách về việc thực hiện của nhân viên hoặc theo dõi số lượng cồn sát khuẩn tay dùng cho mỗi 1.000 ngày điều trị.

-         Thực hiện một chương trình về vệ sinh tay và làm cho các hoạt động vệ sinh tay trở thành một ưu tiên của cơ sở y tế.

-         Tuân thủ các phòng ngừa cách ly trong các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế: thực hiện các thực hành về phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa lây nhiễm theo đường tiếp xúc, theo đường giọt bắn, theo không khí.

-         Tuân thủ các qui định về vô khuẩn khi làm thủ thuật xâm lấn: dụng cụ y tế phải đảm bảo vô khuẩn cho tới khi sử dụng trên người bệnh, tuân thủ các kỹ thuật vô khuẩn trong khi tiến hành các thủ thuật xâm lấn, thực hiện đúng qui trình khử nhiễm, làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế.

-         Thực hiện các giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện: giám sát người bệnh nhiễm khuẩn, giám sát vi khuẩn kháng thuốc, giám sát sử dụng kháng sinh hợp lý.

GIẢM TÉ NGÃ CHO NGƯỜI BỆNH

Giảm té ngã cho người bệnh là một trong những mục tiêu bảo đảm an toàn cho người bệnh. Người bệnh té ngã có thể bị những tổn thương từ nhẹ đến nặng, thậm chí là tử vong.

Một số lưu ý khi triển khai

-         Đánh giá nguy cơ dẫn đến té ngã của từng người bệnh: liên quan đến tuổi, tình trạng bệnh, thuốc, phương pháp điều trị và có các hành động can thiệp hiệu quả khi nguy cơ được nhận diện.

-         Triển khai chương trình kiểm tra chủ động, đánh giá các khu vực có nguy cơ té ngã trong bệnh viện để can thiệp và triển khai các biện pháp phòng ngừa té ngã chủ động như: lắp đặt chuông báo động tại giường, trong các nhà vệ sinh, lối ra vào, hạn chế việc mở cửa sổ, huấn luyện bệnh nhân và gia đình về phòng ngừa ngã khi vào viện, sử dụng giường thấp và có thanh chắn giường cho những người bệnh có nguy cơ ngã, có lối đi riêng, nhà vệ sinh riêng cho người có hạn chế vận động, người khiếm thị...

-         Cần có qui trình hướng dẫn xử trí cho các tình huống té ngã xảy ra tại cơ sở để bảo đảm người bệnh được kiểm tra, đánh giá tổn thương và xử trí kịp thời, đồng thời triển khai các biện pháp cải tiến để ngăn ngừa các trường hợp tương tự trong tương lai.

 

Phan Thị Ngọc Linh

 

TAI LIỆU THAM KHẢO

1.     A guide to implementation of the WHO - Multimodal Hand Hygiene Improvement Strategy (2009). World Heal Organization.

2.     Good Practices in Preventing Patient Falls (2007). A Collection of Case Studies. Joint Commission Resources.

3.     Infection Control Workbook (2006). Joint Commission Resources.

4.     Joint Commission International Accreditations Standards for Hospital (2014). 5th Edition, by the Department of Publications Joint Commission Resources.

5.     Meeting the International Patient Safety Goals (2007). Joint Commission International.

6.     Patient Safety - Essentials for Health Care (2009). 5th Edition, Joint Commission Resources.

7.     Patient Safety Pocket Guide. Joint Commission Resource.

8.     Reducing the Risk of Falls in Your Health Care Organization (2005). Joint Commission Resources.

9.     The Essential Guide for Patient Safety Officers (2009). Joint Commission Resources. Institue for Healthcare Improvement.

THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team