Trong quản lý, việc đặt mục tiêu cho tổ chức (organisation goal) rất quan trọng, vì nó quyết định cách chúng ta phân bổ nguồn lực con người và tài chính và định hướng suy nghĩ của cả tổ chức.
Khi xem đề án chiến lược (strategic plan) của các tổ chức y tế, chúng ta thường thấy hai khái niệm “chất lượng” (quality) và “giá trị” (value).
Chúng thường đi chung với nhau và đôi khi được dùng như là từ gần nghĩa. Trong bài viết ngắn hôm nay, mình xin chia sẻ quan điểm về hai khái niệm "tuy gần mà xa” này.
GIÁ TRỊ
Những năm gần đây cụm từ "value-based medicine" (y học theo giá trị) càng ngày càng được dùng nhiều trong quản lý y tế ở các nước phương Tây. Các bạn nghiên cứu "y tế tinh gọn" (lean healthcare) chắc đã từng gặp khái niệm này trong sách và bài viết của Mỹ.
Một trong những người tiên phong của phong trào value-based medicine là giáo sư Michael Porter của đại học Harvard. Sinh viên môn chiến lược kinh doanh, từ cấp cử nhân đến MBA đều phải học qua mô hình Ngũ Lực (5 Forces) của Michael Porter về đánh giá tiềm năng của thị trường. Trong 10 năm gần đây, Micheal Porter đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu áp dụng chiến lượng kinh doanh vào thị trường y tế. (Trong post tới mình sẽ dịch bài viết "7 chiến lược để thay đổi y tế" của Michael Porter).
Giá Trị trong y tế được định nghĩa là "Kết Quả” (outcome) chia cho "Chi Phí” (cost). Nói nôm na theo tiếng Việt là “đáng giá”. Kết Quả là sự tiến triển về sức khoẻ của người bệnh từ trước và sau khi điều trị. Điều quan trọng là Kết Quả được đánh giá từ quan điểm người bệnh (không phải từ bác sĩ). Ví dụ như người bệnh có đỡ đau, phục hồi thêm chức năng, khôi phục gần được chất lượng cuộc sống trước khi mắc bệnh.
Chi Phí thì dễ hiểu hơn. Nó là tổng tất cả các số tiền mà người bệnh và xã hội phải chi để đạt được kết quả trên.
Công thức value-based medicine được người trả tiền (payors như là quỹ bảo hiểm công và tư) ưa chuộng vì nó yêu cầu người điều trị phải nghĩ xem mỗi phương hướng điều trị, viên thuốc, ca mổ có “đáng đồng tiền bát gạo" không?
Tuy nhiên, công thức giá trị lại đặt người điều trị - bác sĩ và y tá - vào vị trí khó khăn, vì trong đa số trường hợp họ không biết hoặc không kiểm soát trực tiếp được cả Chi Phí. Ví dụ như một ca mổ bao gồm rất nhiều yếu tố vật tư tiêu hao, khấu hao thiết bị v.v. Bác Sĩ và Y Tá muốn tối ưu hoá Giá Trị khó lòng mà biết bắt đầu từ đâu.
Việc tập trung vào Kết Quả cũng có vấn đề tương tự. Trong y khoa luôn có xác xuất nhất định những bệnh nhân không tiếp ứng với hướng điều trị chuẩn. Nếu chỉ dựa trên công thức Kết Quả chia cho Chi Phí thì những ca này có Giá Trị thấp, bất kể việc đội ngũ điều trị làm việc hết mình.
CHẤT LƯỢNG
Công Thức Chất Lượng (xem hình trên) được phát triển bởi bệnh viện Virginia Mason Hospital - một trong những nhà tiên phong về lean healthcare khi CEO mang đội ngũ bác sĩ và quản lý sang Nhật năm 2000 để học phương pháp value-stream, kaizen, 3P và 5S từ nhà máy xe hơi Toyota. (Những phương pháp này đã có nhiều bạn đề cập trong CLB nên mình không đi sâu trong bài này).
Công thức chất lượng này bao gồm bốn yếu tố:
(1) Điều Trị Phù Hợp (đúng phương pháp và đúng lúc)
(2) Kết Quả cho Người Bệnh (tương tự như công thức Giá Trị)
(3) Chất Lượng Dịch Vụ (tôn trọng bệnh nhân, thông tin kịp thời, chất lượng ăn ở phù hợp với điều kiện)
(4) Giảm Lãng Phí (loại bỏ 7 loại phí phạm trong y tế)
Chúng ta có thể thấy Công Thức Chất Lượng của Virgnia Mason Hospital mang tính bao quát hơn.
- Nó đề cao yếu tố thượng tôn của y học, đó là Điều Trị Phù Hợp (chẩn đúng bệnh, điều trị kịp thời, mổ đúng bên). Vì đây là phương trình toán học, nên nếu yếu tố này = 0 (đau bên phải mà mổ bên trái), thì cả phương trình Chất Lượng sẽ = 0.
- Nó hướng sự tập trung của nhân viên vào giảm lãng phí hơn là giảm chi phí. Có những điều trị có chi phí cao nhưng không lãng phí vì nó hiệu quả. Nhưng 7 loại lãng phí thì nhân viên nào cũng có thể xác định và tham gia loại bỏ.
- Nó đề cập đến Chất Lượng Dịch Vụ, nhắc nhở nhà quản lý và cả nhân viên rằng người bệnh cũng là khách hàng. Cung cách và môi trường dịch vụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Chất Lượng. Một bác sĩ giỏi nhưng hay lớn tiếng với bệnh nhân thì không thể có Chất Lượng tối ưu được.
- Trong Công Thức này đương nhiên Kết Quả cho Người Bệnh cũng rất quan trọng. Nhưng nó thể hiện sự công nhận công bằng của nhà quản lý với đội ngũ bác sĩ và y tá, là Điều Trị Phù Hợp đôi khi cũng không có kết quả như ý muốn.
LỜI KẾT
Công Thức Chất Lượng là một công cụ quản lý hữu dụng để giải thích và xây dựng văn hoá Chất Lượng trong đội ngũ nhân viên. Virginia Mason Hospital đã dùng nó để trở thành bệnh viện lean healthcare hàng đầu thế giới. Chúc các bạn trong CLB áp dụng thành công.
ThS Trần Đặng Minh Trí