Nếu anh chị đọc lướt qua tiêu đề của bài viết này, anh chị sẽ ngạc nhiên vì thấy nó chẳng liên quan gì với nhau. Quá trình tìm hiểu về sự hình thành các phán đoán dựa trên trực giác của một bác sĩ, tôi nhận thấy nó liên quan nhau một cách mật thiết.
>>> Phán đoán dựa vào trực giác của chuyên gia y tế.
Trong công việc, chuyên gia y tế là người thường xuyên ra quyết định. Các quyết định điều trị, xử lý cấp cứu, xử lý tình huống khi phẫu thuật…
Đôi lúc, với áp lực thời gian và thiếu thông tin. Chuyên gia y tế buộc phải ra quyết định ngay lập tức. Lúc đó các phán đoán mang tính trực giác ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định này. Nghĩa là họ hành động nhanh hơn suy nghĩ, họ không có thời gian cho việc cân nhắc cặn kẽ, thấu đáo mọi vấn đề, không có thời gian cho hội chẩn…bác sĩ phẩu thuật, gây mê, cấu cứu…là những người thường trải qua quá trình ra quyết định dựa trên các phán đoán từ trực giác.
Sự xung đột trong độ ngũ làm chuyên môn y tế thường đến từ 2 nguồn:
- Ranh giới giữa sự sai lầm do phán đoán trực giác sai và sự bất cẩn, tắc trách thật mong manh, chỉ có người trong cuộc mới biết.
- Phán đoán mang tính trực giác của từng người khác nhau sẽ dẫn đến các quyết định xử lý khác nhau. Phán đoán trực giác khó có những minh chứng, thực chứng rõ ràng, nên sức thuyết phục lẫn nhau gặp khó khăn. Nói nôm na, nếu trực giác bạn đúng bạn là người hùng.
Nếu trực giác bạn sai, bạn là tội đồ, vì không ai tin trực giác của bạn. Sự nghiệp của một bác sĩ đôi khi được quyết định trong những giây phút tích tắc.
>>> Sự hình thành phán đoán trực giác và làm sao để rèn luyện tư duy trực giác đúng.
Chủ đề này hiện nay đang là một dòng nghiên cứu rất mạnh của các chuyên gia thần kinh học, sinh học thần kinh… giải mã được nó sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn với con người. Vì hầu như ai cũng phải ra quyết định, một nhà quản lý, một tay chơi chứng khoán, một cầu thủ thể thao, một bác sĩ ngoại khoa...
Chuyên gia càng lão luyện, càng làm việc bởi sự dẫn dắt của trực giác. Và đương nhiên, thường là trực giác của họ đúng nhiều hơn, do đó họ mới là bậc thầy.
Đừng nhẫm lẫn, phán đoán trực giác không phải là PHÁN LIỀU
Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy trực giác con người được hình thành từ cấp độ học tập của tế bào não, đặc biệt là học tập từ những sai lầm. Quá trình nghiền ngẫm những sai lầm là quá trình dạy cho các tế bào não học, lập trình các mô hình dự đoán ở cấp tế bào. Các quá trình này con người không nhận biết được. Nhưng khi ta rơi vào một tình huống nào đó, các tín hiệu sẽ được tế bào não tiếp nhận và xử lý nhanh hơn cả khi ta kịp nhận biết ra nó. Có những tình huống não phải xứ lý và ra quyết định hành động trong vòng 1/4s, chúng ta không kịp nhận biết quyết định của chính chúng ta.
Đương nhiên, học tập sai lầm không có nghĩa là học từ chính mình, mà có thể học từ người khác.
>>> Báo cáo sự cố tự nguyện
Làm sao để các phán đoán và xử trí sai lầm trong y khoa được đem ra phân tích và cho người khác học quá trình ra quyết định trong tình huống đó. Thử đặt mình trong tình huống đó mình sẽ làm sao, và có cách nào làm hay hơn không.
“Người có phán đoán sai lầm” thực sự là người ơn của chúng ta, có họ ta mới có nhiều thứ để học, đừng chế giễu họ.
Làm sao để “Người có phán đoán sai lầm” vượt qua được áp lực tâm lý (hổ thẹn, sợ bị xem thường, mặc cảm, tự ti…) để phân tích và trình bày một bài học cho người khác.
Làm sao để quá trình chia sẻ này được thuận tiện, nhanh chóng.
Báo cáo sự cố tự nguyện, viết ra những phán đoán sai lầm và phân tích nó, là những hoạt động cần khuyến khích trong bệnh viện hiện nay.
>> Viết một báo cáo sự cố tự nguyện hay
Mô tả chi tiết theo dòng suy nghĩ, những gì mình quan sát, ghi nhận. Đặc biệt những gì đã tác động vào tâm trí mình và ảnh hưởng đến các quyết định của mình, và điều gì đã tạo cho mình những phán đoán sai lệch.
Khi bạn ngồi nghiền ngẫm những điều đó, chính là lúc bạn đang huấn luyện sự phán đoán trực giác ở cấp độ tế bào não cho mình. Và những ai đọc được cũng được trải nghiệm ra quyết định tương tự và cũng được hình thành khả năng phán đoán tương tự.
Lời kết
Sai sót y khoa, liên quan đến sự phán đoán sai lầm của trực giác là một loại sai lỗi khó phân xử trắng đen. Có lẽ, làm nghề y, vinh hay nhục là ở ranh giới này.
Không nên xem sai lỗi dạng này là biểu hiện của sự yếu kém
Bài viết này không có ý cổ xúy cho việc ra quyết định liều lĩnh. Bạn muốn có 1 trực giác tốt, sự rèn luyện vô cùng quan trọng, phương pháp rèn luyện tốt nhất là phân tích kỹ những báo cáo sự cố tự nguyện (nếu có).
Và ở cấp độ quản lý bệnh viện, chúng ta cần tạo điều kiện và cơ chế để khuyến khích việc này. Không chỉ giới hạn trong khoa, phòng, trong phạm vi một bệnh viện, mà cả những bệnh viện trong hệ thống.
Câu nói của Daniel Kahneman (Nobel 2002), tôi nghĩ, rất phù hợp với ngành y:
“Trực giác chuyên môn đúng là học được từ kinh nghiệm lâu dài với thông tin phản hồi tốt về những sai lầm.”
ThS. Huỳnh Bảo Tuân
Giảng viên Khoa Quản lý Công Nghiệp - ĐHBK TpHCM