linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Sự chuyển mình của Y Tế và câu chuyện tiếp theo sẽ là gì?

Viết nhân ngày 27/2.
>> Bài toán 40 năm của y tế bao cấp
Giả định một ca sinh mổ có chi phí là 6 triệu, trong đó
- 1 triệu là tiền khấu hao trang thiết bị và dụng cụ phẩu thuật (hoàn vốn tiền đầu tư ban đầu)
- 1 triệu là vật tư tiêu hao, chống nhiễm khuẩn, …
- 2 triệu là thù lao ĐÚNG CÔNG SỨC của ê kíp phẩu thuật (gây mê, bác sĩ, điều dưỡng).
- 1 triệu là phần của bệnh viện để chi trả cho hệ thống hỗ trợ khác (chăm sóc khách hàng, bảo trì trang thiết bị…)
- 1 triệu là tích lũy để dự phòng và tái đầu tư (tạm gọi là lợi nhuận)
 
Nhưng với chi phí 6 triệu sẽ gây khó cho người nghèo, do đó ta buộc phải định một mức giá cho người nghèo tiếp cận được, tầm cở 1.5 triệu. Chuyện gì sẽ xảy ra với mức giá này
- Bỏ 1 triệu cho khấu hao trang thiết bị vì coi như nhà nước bao cấp đầu tư
- 1 triệu vật tư tiêu hao, chống nhiễm khuẩn…không bỏ được vì cái này không ai cho hết và VN gần như 90% là phải nhập khẩu.
- Cắt 2 triệu thù lao cho ê kíp phẩu thuật còn 500 ngàn, vì nhân viên y tế là công chức và đã nhận lương của nhà nước (bao cấp)
- Cắt 1 triệu của hệ thống hỗ trợ vì đã nhận lương của nhà nước (bao cấp)
- Không có tiền để dự phòng tái đầu tư và do đó hầu hết trông chờ vào nhà nước.
 
Những hệ lụy:
1. Không có quốc gia nào đủ tiền để bao cấp đầu tư cho toàn bộ hệ thống y tế. Do không có đủ tiền đầu tư, y tế ngày càng xuống cấp. Người giàu bỏ đi, người nghèo không được hưởng y tế chất lượng cao, nhân viên y tế không có tiền để nâng cao kiến thức mới và nuôi sống mình.
2. Nguồn lực ít ỏi nhưng phải phân bổ cho nhu cầu nhiều nơi, đó là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực. Nếu ngồi nói 3 ngày vẫn chưa hết những chuyện tiêu cực liên quan đến chủ đề ngày.
3. Nhân viên y tế không nhận được thù lao đúng công sức của mình trong một thời gian dài, buộc họ phải dùng quyền lực của mình để gia tăng thu nhập. Không quyền lực nào mạnh bằng quyền lực với sức khỏe và sinh mệnh con người. Hàng loạt hệ lụy đã diển ra trong 40 năm qua, lôi kéo bệnh nhân ra phòng mạch tư, gợi ý bồi dưỡng từ bệnh nhân, nhận huê hồng từ dược, vật tư y tế, thậm chí đến mức ăn cắp dụng cụ phẩu thuật, vật tư tiêu hao… Nếu ngồi nói 3 ngày vẫn chưa hết những chuyện tiêu cực liên quan đến chủ đề ngày.
4. Chúng ta nghĩ rằng kéo giá thấp xuống 1,5 triệu sẽ giúp cho xã hội, nhưng thực sự chi phí cho y tế không giảm đươc, vì tuy là chi ra 1,5 triệu để sinh mổ nhưng phải bồi dưỡng bác sĩ, lót tay hộ lý…tổng chi phí lại cũng không nhỏ hơn con số 6 triệu là bao.
5. Hậu quả rất nghịch lý đã xảy ra khi tổng chi phí mà người bệnh phải chi ra không hề thấp nhưng lại bị hưởng chất lượng dịch vụ rất kém. Nhìn vào thì thấy rẻ, nhưng cuối cùng không rẻ tí nào, đó là cái ảo tai hại tạo ác cảm cho nhân viên y tế trong con mắt của xã hội. Đó là lý do vì sao y tế là ngành cứu người nhưng lại bị xã hội ghét vì “miệng thì nói cứu người giúp đời, nhưng tay thì cầm phong bì mới trị”..
 
Nhân viên y tế bản chất là những người có lương tri, có tri thức, ai cũng muốn nhận được thu nhập bằng trí tuệ, nhưng tiếc rằng một thời gian quá dài họ phải sống hy sinh cho hai chữ bao cấp, và do đó không ít người đã phải chung tay với tiêu cực để tồn tại.
 
Làm gì để nhân viên y tế kiếm được thu nhập 1 cách xứng đáng với sự nổ lực đầu tư học hành của mình, làm gì để có thu nhập để tái đầu tư, để các bệnh viện ngày càng phát triển mà không phải trông đợi vào nguồn ngân sách nhà nước. Làm gì để người giàu và cả người nghèo được hưởng lợi từ sự phát triển của nền y học tiên tiến…
 
Tất cả mọi người đều muốn đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này.
 
>> Sự dịch chuyển của Dịch vụ y tế theo nguyên lý của kinh tế thị trường.
Rất nhiều suy nghĩ sai lệch về kinh tế thị trường trong dịch vụ y tế mà tôi ghi nhận được. Ví dụ: tiền nào của đó, nhiều tiền thì trị nhiều, ít tiền trị ít, không tiền cho chết luôn. Khách hàng là thượng đế, sự hài lòng khách hàng là không nên có trong ngành y, trong y tế mọi người phải bình đẳng, nên không thể có chuyện dịch vụ y tế theo kinh tế thị trường gì ở đây hết…
 
Những nguyên lý chung của kinh tế thị trường:
- Phân tầng thu thập trong xã hội là điều không tránh khỏi, sẽ có người giàu có hơn những người còn lại (do năng lực sáng tạo giá trị cho xã hội khác nhau).
 
- Nhu cầu, mong đợi, khả năng chi tiêu của những nhóm người có thu nhập khác nhau là khác nhau. Có người 100 triệu là một gia tài, nhưng cũng có người chi tiêu 100 triệu không đáng là bao miễn là họ cảm thấy đáng (value for money). Nghĩa là ta cần biết cách gia tăng giá trị để có thể lấy tiền người ta.
 
- Trong một xã hội, người giàu thường được hưởng những dịch vụ ưu việt TRƯỚC, từ đó người nghèo mới được hưởng SAU. Quá trình cạnh tranh (lành mạnh) sẽ thúc đẩy tiến trình cho người nghèo hưởng lợi nhanh hơn. Tại sao như vậy ?
 
o Thứ nhất, người giàu dùng trước, họ gánh chi phí khấu hao. Khi hết khấu hao, chi phí sẽ giảm mạnh và do đó người nghèo có cơ hội tiếp cân công nghệ cao với chi phí thấp. Nói nôm na, người giàu sẽ giúp ta có tiền mua máy, còn người nghèo được hưởng lợi chính từ người giàu dùng trước. Đó-chính-là-cơ-chế-tái-phân-phối-lợi-ích-của-kinh-tế-thị-trường. Nói theo ngôn ngữ của phim kiếm hiệp “lấy giàu giúp nghèo” là đây. Nhưng “lấy” ở đây không có nghĩa là “cướp” mà người giàu vui vẻ làm điều đó một cách tự nguyện nếu như ta biết cách tạo giá trị gia tăng cho dịch vụ.
o Thứ hai, cạnh tranh sẽ thúc đẩy người ta luôn tìm kiếm công nghệ mới, ưu việt mới để thay thể công nghệ cũ. Khi công nghệ mới xuất hiện thì công nghệ cũ sẽ rẻ đi. Quá trình này là nhanh hay chậm (người nghèo hưởng những ưu việt nhanh hay chậm) nằm ở quá trình cạnh trạnh lành mạnh để thu hút người có khả năng chi trả. Trong y tế TRẢI NGHIỆM NGƯỜI BỆNH (patient experience) là một công cụ cạnh tranh quan trọng giúp rút ngắn quá trình này. Một ca sinh mổ 20 triệu và 6 triệu không khác biệt về chuyên môn, nhưng rất khác biệt về trải nghiệm.
o Thứ ba, cạnh tranh sẽ thúc ép người ta cải tiến để giảm lãng phí, giảm sai lỗi, giảm tổn thất do sai lỗi gây ra (gọi chung là giảm tổn thất do chất lượng kém gây ra). Giảm lãng phí chứ không phải cắt giảm chi phí, quá trình này làm cho bệnh viện gia tăng chất lượng nhưng chi phí không tăng thậm chí còn giảm. Lean Six Sigma là công cụ quan trọng giúp bệnh viện giải quyết bài toán này.
o Thứ tư, cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo động lực để người ta sáng tạo tri thức, sáng tạo các mô hình sao cho người ta có thể tạo được một ưu thế nào đó (chi phí tốt hơn, hoặc công nghệ, phương pháp ưu việt hơn). Quản lý tri thức (knowledge management), hay quản lý đổi mới (innovation management) là câu chuyện trong tương lai ở các bệnh viên. Kết quả của các quá trình này là các bệnh viện giỏi hơn, người giàu vui vẻ chi trả (không bỏ ra nước ngoài nhiều), người nghèo được hưởng ưu việt sớm hơn (không phải chờ đến chết), đó là cơ chế của sự-thịnh-vượng-chung-cho-xã-hội.
 
- Kinh tế thị trường sẽ tạo ra sự phản cảm xã hội đó là người giàu được dùng trước những ưu việt. Nhưng ta phải chấp nhận quy luật này thì người nghèo mới có, nếu không, không ai được cái gì hết. Gia tăng giá trị dịch vụ để người giàu chịu bỏ tiền ra trước, từ đó ta mới có cơ hội cứu được người nghèo.
 
- Cạnh tranh là thứ không ai ưa (đứng ở gốc độ lãnh đạo bệnh viện), vì nó đòi hỏi phải nổ lực tư duy nhiều. Do đó xu hướng chung người ta sẽ muốn níu kéo một ưu thế độc quyền nào đó bằng cách can thiệp vào chính sách để tạo rào cản gia nhập thị trường để giữ vị thế độc tôn. Xu hướng này sẽ dẫn đến hàng rào kỹ thuật trong y tế sẽ ngày càng nâng cao. Và mọi tranh luận thường xoay quanh vấn đề này vì khó phân định đúng sai một cách rỏ ràng.
 
- Khái niệm “sự hài lòng khách hàng” (customer satisfaction), như tôi thường chia sẻ, khái niệm này từ thập niên 80 người ta đã bắt đầu thấy nó không ổn, và hiện nay không còn ai dùng. Chúng tôi đã không còn nghiên cứu về nó đã hơn 10 năm nay. Khoa học quản trị thay đổi rất nhanh. Năm 2017 người ta đang nói về những câu chuyện rất khác với năm 2000.
 
>> Sự phân tầng trong dịch vụ y tế.
 
Phân tầng trong y tế là đều không tránh khỏi. Có nhiều xu hướng phần tầng đang diễn ra
 
- Xu hướng thứ nhất - với gốc nhìn chuyên môn y khoa: phân tầng theo mức độ khẩn cấp của bệnh tật: bác sĩ gia đình, cấp cứu, đa khoa, chuyên khoa sâu, chuyên khoa cao cấp…
 
- Xu hướng thứ hai - với gốc nhìn từ người có nhu cầu về dịch vụ y tế: phân tầng theo thu nhập, thành phần địa vị xã hội…Người dân không phải ai cũng có kiến thức chuyên môn y khoa. Họ cũng chẳng quan tâm hệ thống y tế của một quốc gia được tổ chức thế nào, họ chỉ quan tâm tiền trong túi, cảm nhận về mức độ bệnh tật (nặng nhẹ), và những mong đợi cá nhân (khẳng định đẳng cấp…) 
 
Các yếu tố này ảnh hưởng đế hành vi lựa chọn của họ. Họ sẽ chọn nơi mà họ cảm thấy đáng đồng tiền.
 
Y tế VN đang đan xen giữa các xu hướng phân tầng này. Và vấn đề càng phức tạp hơn khi hai hệ thống công tư cùng đan xen hỗn hợp ở cả hai xu hướng này.
 
Bài viết này sẽ không bàn đến câu chuyện hệ thống y tế VN nên được tổ chức như thế nào vì đây là chuyện của các nhà làm chính sách. Và chúng ta không can thiệp để thay đổi được.
 
Ở góc độ quản lý, điều cần suy nghĩ là làm gì để thích nghi với hệ thống này, làm gì để tồn tại và phát triển, làm gì để nuôi sống hàng trăm nhân viên y tế, để họ yên tâm mà làm tốt công việc chuyên môn.
 
Cho dù là bệnh viên công hay tư việc tìm một chổ đứng rỏ ràng trong nhận thức của người dân trong mạng lưới y tế rất phức tạp hiện nay là việc mà nhà quản lý cần làm - đó là quá trình định vị.
 
>>> Những gợi ý cho chiến lược định vị.
Có lẽ các chiều kích (dimension) mà tôi sắp trình bày ở đây khác nhiều với những cách định vị truyền thống của dịch vụ y tế. Coi như mở thêm 1 vài góc nhìn để tìm kiếm một con đường phù hợp.
 
1. Khác biệt về trải nghiệm
Có thể bệnh viện của bạn không nổi trội vượt bậc hơn nơi khác về chuyên môn, nhưng rất khác biệt về trải nghiệm.Trở lại bài toán ca sinh mổ 6 triệu bên trên, để gia tăng mức độ chi trả, có thể có những gia đình chấp nhận chi trả 20 triệu cho một ca sinh mổ. Vấn đề là ta cần làm gì để họ cảm thấy đáng với chi phí này. Gia tăng giá trị bằng cách nào?
- Ở gốc độ chuyên môn, khó tạo sự khác biệt (đẻ không đau, da kề da đã dần phổ biến…).
- Chỉ có thể khác biệt ở yếu tố trải nghiệm (phòng nội trú sạch hơn, yên tĩnh hơn, an toàn hơn, nhân viên giao tiếp chuyên nghiệp hơn, tôn trọng sản phụ hơn…). Môi trường giao tiếp ngày càng chuyên nghiệp hơn, dần dần ai cũng làm được. Yếu tố khác biệt mang tính cạnh tranh hiện nay là MÔI TRƯỜNG AN TOÀN NGƯỜI BỆNH MỘT CÁCH CHUYÊN NGHIỆP.
 
Vậy khi gia tăng chi phí từ 6 triệu -> 20 triệu, ta được gì
- Nhân viên y tế nhận thù lao đúng công sức hơn, có tích lũy được thì mới đầu tư được cho việc học hành để nâng cao kiến thức chuyên môn (chuyên khoa cấp II bây giờ cũng hơn 500 triệu rồi, đó là chưa kể chi phí cơ hội do mất đi thu nhập trong lúc học).
- Tích lũy để tái đầu tư nhiều hơn, có tiền mới tiếp cận với khoa học công nghệ mới hơn
 
2. Tiên phong về kỹ thuật, công nghệ mới trong điều trị
Đầu tư để tiên phong về kỹ thuật và công nghệ mới trong điều trị là một đầu tư tốn kém. Nó phải trên nền tảng của nghiên cứu khoa học. Nghĩa là bệnh viện như là một trung tâm nghiên cứu xuất sắc trong một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó. Vừa thực hiện điều trị cho bệnh nhân, vừa thực hiện chuyển giao công nghệ cho bệnh viện khác, thậm chí doanh thu từ chuyển giao công nghệ có thể cao hơn doanh thu từ bệnh nhân tại bệnh viện.
 
Quản lý công nghệ (technology management), R&D (research & development), Marketing công nghệ (technology marketing) là những năng lực quan trọng mà một trung tâm nghiên cứu xuất sắc cần có.
 
Trong tương lai, những trung tâm nghiên cứu xuất sắc dạng này trong y khoa sẽ có sự đóng góp nhiều hơn từ khối tư nhân. Vì khối tư nhân mới có động lực và dùng tiền hiệu quả hơn cho nghiên cứu. Ngân sách nhà nước sẽ dành nhiều hơn cho nghiên cứu cơ bản, vì lĩnh vực này tư nhân không đầu tư được.
 
Nhiều trung tâm nghiên cứu xuất sắc trong y khoa của khối tư nhân đã xuất hiện tại VN. Hy vọng nó sẽ trở thành những đầu tàu quan trọng tron tương lai của nền y học quốc gia
 
3. Dẫn đầu về chi phí
Bệnh viện của bạn có thể không có trải nghiệm đặc biệt, không tiên phong về chuyên môn. Nhưng bạn có thể dẫn đầu về chi phí. Nghĩa là với cùng một loại bệnh tật cần điều trị, bệnh viện bạn là nơi có chi phí điều trị thấp nhất.
 
Xin lưu ý chi phí chứ không phải là giá, giá là một câu chuyện khác, nó phù hợp vào phân khúc khách hàng mà bệnh viện bạn lựa chọn.
 
Xin lưu ý, mô hình chi phí thấp không phải là mô hình làm từ thiện, hoạt động phi lợi nhuận, hay chất lượng kém, ...
 
Nguyên lý chung của các mô hình chi phí thấp trên thế giới hiện nay là chia sẻ nguồn lực, hoặc tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Ví dụ như UBER hay GRAB taxi, bản chất là các mô hình chia sẽ nguồn lực mà thế giới đang gọi với cái tên nền kinh tế chia sẻ (sharing economy).
 
Muốn dẫn đầu về chi phí, những tiết kiệm chi phí, những cải tiến của Lean Six Sigma không phải quyết được. Mà nó đòi hỏi một cấp độ cao hơn đó là đổi mới mô hình hoạt động – Healthcare business model innovation.
 
Theo ghi nhận của tôi hiện nay tại VN chưa có một mô hình đổi mới hoạt động mang tính đột phá để có thể thực sự tạo ra đột phá về chi phí. Đây là cơ hội.
 
Câu hỏi đặt ta, một bệnh viện có thể đeo đuổi cùng lúc 3 định vị như trên không. Câu trả lời là được, nhưng tôi e chúng ta không đủ nguồn lực để cùng một lúc đeo đuổi quá nhiều mục tiêu trong ngắn hạn. Do đó, cần có một lộ trình phù hợp.
 
>>> VÀI LỜI KẾT
Ngành y đang chuyển mình một cách mạnh mẽ. Cạnh tranh sẽ làm cho chúng ta đau đầu hơn, nhưng có cạnh tranh (xin nhấn mạnh là cạnh tranh lành mạnh), xã hội mới thịnh vượng. Muốn tồn tại và phát triển, muốn đời sống nhân viên tốt hơn, bạn phải thực sự xuất sắc trong ít nhất ở một định vị nào đó. Công hay tư cũng vậy.
 
Chúng ta đi nước ngoài nhiều, nhìn thấy nền y tế của họ thịnh vượng, tất cả chúng ta đều ao ước được như họ. Nhưng nếu chúng ta không bắt tay vào làm thì không bao giờ có được những thứ như họ có.
 
Suy nghĩ mà tôi thường gặp trong y tế “tôi biết hết những chuyện phải làm, tại tôi không có tiền thôi. Cho tôi tiền đi, tôi làm cho mà xem” hay “chuyện của tôi là lo chuyên môn, phải cấp tiền cho tôi, tôi mới làm được”. Suy nghĩ này là một hệ lụy của nền y tế bao cấp, tiền từ trên trời rơi xuống, y tế là phúc lợi xã hội, tiền phải được nhà nước đầu tư rót xuống. Điều này phải được thay đổi. 
 
Thể chế liên quan đến ngành cũng sẽ thay đổi. Mọi thứ sẽ thay đổi trong tương lai, và sự thay đổi đó là tích cực.
 
Trân trọng tri ân ngày thầy thuốc Việt Nam.

ThS. Huỳnh Bảo Tuân
Giảng viên Khoa Quản lý Công Nghiệp - ĐHBK TpHCM 
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team