Tôi nhớ và ấn tượng mãi chia sẻ của một chuyên gia QLCL y tế mà Tôi có dịp trao đổi khi đi học chứng chỉ JCI của Mỹ năm 2009: "Bác sĩ giỏi là người thu hút người bệnh đến bệnh viện nhưng Điều dưỡng giỏi là người giữ người bệnh ở lại".
Sau này càng đam mê đi sâu vào lĩnh vực này, Tôi càng thấy đúng. Anh Em đồng nghiệp thấy sao ??
Vậy có những cải tiến nào chúng ta có thể làm để giúp các đồng nghiệp điều dưỡng hài lòng hơn, đỡ stress hơn trong công việc ?? Anh Em cùng chia sẻ giúp nha. Tôi thử liệt kê vài ý mà các bạn đồng nghiệp hay đề cập nhất:
- Cải thiện thu nhập
- Bớt thủ tục hành chính
- Cải thiện mối quan hệ Bác sĩ - Điều dưỡng
Tháng 9 này Tôi có cơ hội gặp một chuyên gia về QLCL - ATNB người Úc - là một đồng nghiệp điều dưỡng. Tôi sẽ trao đổi và xin ý kiến về vấn đề này. Anh Em đồng nghiệp cùng chung tay chia sẻ ý tưởng nhé, nhất là các bạn đồng nghiệp điều dưỡng.
Đôi khi có những điều rất nhỏ bé có thể giúp các bạn đồng nghiệp đỡ stress hơn, hài lòng hơn, an bình hơn trong cuộc sống mà các Anh Chị Em đồng nghiệp xung quanh không biết, nếu mạnh dạn nói ra thì cơ hội được thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ từ các đồng nghiệp bên cạnh là có thể có/có thể không ( 50% ), vậy tại sao không nhỉ! Rất mong nhận được nhiều ý kiến từ Anh Em nhé!
Linh Phan
Xem thêm:
Thảo luận trên CLB QLCL-ATNB:
Tung Uong Trong các cuộc họp bệnh viện minh luôn nói: bs là người đưa khách hàng đến, điều dưỡng là người giữ và làm hài lòng khách hàng. Bv mình cũng đang xây dựng mối quan hệ bs và điều dưỡng hơn nữa.
Xuân Vỹ Trần Nâng tầm ĐD viên lên thêm một chút nữa, để họ ko phải là thợ, là giúp việc mà là một mắt xích quan trọng trong guồng quay tổng thể của bv. Người ta sẽ cảm lắm, yêu thương, chăm chút và giá trị hơn trong công việc...
Nguyễn Minh Trí Theo em, cải tiến chúng ta cần làm để các bạn đồng nghiệp điều dưỡng hài lòng hơn, đỡ stress hơn trong công việc được gói gọn trong 2 chữ " tôn trọng ". Sự tôn trọng này nên được đến từ 4 hướng :
- Thứ nhất : lãnh đạo bệnh viện đến quản lý cấp trung nên tôn trọng giá trị không thể thiếu của người điều dưỡng trong công tác khám chữa bệnh, vì nếu thiếu họ thì ngay cả Bs giỏi cũng ko thể làm được gì (phụ hồi sức cấp cứu, phụ chăm sóc vết thương, phụ giải thích cho bệnh nhân, phụ lấy kết quả,v.v...)--> qua đó xem xét các chế độ lương bổng trợ cấp phù hợp với từng vị trí của điều dưỡng viên (cấp cứu, nhận bệnh, dịch vụ,nội trú...). Hãy bỏ đi quan niệm điều dưỡng ko quan trọng bằng bs, đang có rất nhiều việc làm , dễ tuyển dụng , ko có người này cũng có người khác, mà quên mất BV đang có những viên ngọc quý trong tay( dĩ nhiên phải qua đánh giá, sát hạch), rủi ro và chi phí giải quyết rủi ro từ 1 bạn điều dưỡng mới toanh sẽ nhiều hơn rất nhiều rủi ro và chi phí "mài dũa" 1 viên ngọc sẵn có. Trong trường hợp này, người quản lý cấp trung (điều dưỡng trưởng tua, trưởng khoa,nhân sự điều dưỡng ) đóng vai trò quan trọng trong việc nhận ra các viên ngọc quý và loại bỏ những viên đá ko thể "mài dũa" được, vì chính những viên đá ko mài dũa được này cũng là những nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ và gây stress điều dưỡng!
- Thứ 2: Bác sĩ cũng nên tôn trọng giá trị của người điều dưỡng, vì ko có họ, bs cũng ko làm gì được (ngoại trừ phòng mạch tại gia bs tự làm hết). Theo em, các bạn điều dưỡng sẽ rất vui nếu các bs thấy được giá trị của họ trong chuỗi công việc hàng ngày và phần nào chia sẻ với họ công việc hay nỗi bức xúc đến từ lãnh đạo (chế độ lương thưởng...) hay từ bệnh nhân (xúc phạm, ko tôn trọng...), hãy chia sẻ và bảo vệ họ mỗi khi có sự cố xảy ra(dĩ nhiên là họ ko làm sai thì mới bảo vệ được). Các bs hãy làm việc với tất cả sự tôn trọng với người phụ tá của mình thì môi trường làm việc sẽ đỡ ngột ngạt hơn và sẽ có nhiều tiếng cười hơn.
- Thứ 3: sự tôn trọng đến từ bệnh nhân cũng ko kém phần quan trọng . Điều này cực kỳ khó, vì xuất phát từ văn hoá , nhân cách cũng như nhận thức của người bệnh, dân quê lên Sài gòn khám bệnh khác dân thành thị có trí thức nhưng thiếu văn hoá tôn trọng đi khám bệnh, họ phàn nàn góp Ts đủ thứ kiểu, rồi xúc phạm người điều dưỡng đủ thứ cách,... Muốn cải tiến vấn đề này là cả 1 quá trình truyền thông thay đổi nhận thức của người bệnh khi bước vào 1 môi trường y tế thì phải như thế nào, ra sao,... Ngoài ra còn đến từ phía Lãnh đạo bệnh viện bảo vệ nhân viên của mình ra sao? Phải ko chị Linh Phan? Em thấy có mấy tấm hình chị Up lên CLB QLCL ANTN của bệnh viện Tim ơ Hà Nội đó: đại loại như "nhân viên chúng tôi có quyền làm việc trong 1 môi trường an toàn và không bị xúc phạm, ..." treo trước cửa các Khoa phòng!
- Thứ 4: sự tôn trọng trong chính bản thân người điều dưỡng. Em từng nghe 1 câu rất hay: " nếu mình không trọng mình thì ai sẽ trọng mình đây". Em nghĩ, người điều dưỡng cần nhận ra vị trí không thể thiếu của mình trong chuỗi công việc hàng ngày và làm tốt nhất công việc được giao thì dĩ nhiên là sẽ có được sự vui vẻ trong công việc, giảm stress , và nếu ko tìm được sự vui vẻ trong công việc thì hãy mạnh dạn...xin qua BV khác hoặc ...chuyển nghề, vì nếu không yêu nghề thì thật khó làm tốt vai trò điều dưỡng. Sự vui vẻ đến từ những gương mặt mừng rỡ, những cái bánh tét bánh ít, chùm nho quà biếu của bệnh nhân khi họ được điều trị và chăm sóc tốt, ... đến từ những lời động viên khen tặng của người bệnh khi được tư vấn nhẹ nhàng,...v.v...
Cuối cùng, nếu tổng hợp được cả sự tôn trọng đến từ 4 hướng này thì em nghĩ người điều dưỡng sẽ phần nào vui vẻ hơn, phần nào giảm stress hơn, và cuối cùng sẽ hài lòng hơn với công việc điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, 1 công việc không thể thiếu trong công tác y tế ở bất kỳ nơi đâu!
Hồng Vân Em lần thứ hai được đi học ở nước ngoài, được tiếp xúc với hai mô hình tổ chức y tế khác ngoài mô hình tổ chức y tế của nước mình. Ở đâu cũng có điểm mạnh, điểm yếu những thuận lợi và khó khăn riêng. Nhưng cả ba hệ thống đều có một điểm chung là mối quan hệ làm việc giữa nhân viên y tế với nhau nói chung và mối quan hệ giữa bác sĩ với các nhân viên y tế khác nói riêng còn phân tầng giai cấp. Nói đến đây không phải ý em chê trách gì đến việc tại sao bác sĩ được xã hội công nhận thành quả lao động mà người điều dưỡng chưa được tôn trọng như mong muốn. Em muốn đề cập đến việc tại sao việc này xảy ra, làm sao để cải tiến nó, làm gì để giúp cho mỗi người điều dưỡng ở mỗi vị trí của mình được tự tin tỏa sáng và luôn luôn yêu nghề.
Trước tiên em nhìn từ hệ thống đào tạo và phân cấp trong y tế đã cho thấy sự chênh lệch giữa hai hệ thống, ngày nay hệ thống điều dưỡng đã nỗ lực rất nhiều để mang lại cho anh chị em nhiều quyền lợi từ đào tạo đến chính sách nhưng việc đánh giá và phân chia cấp độ thực hành cho điều dưỡng cũng như chuẩn hoá chương trình đào tạo vẫn chưa được thực hiện. Do đó, trong khi thực hành người điều dưỡng sẽ dễ mắc những sai lầm do việc đào tạo bị hổng kiến thức, do Bv không có quy trình chuẩn, do quá tải, do rất nhiều lý do mà cái chính là họ vừa bận việc của mình vừa bận làm luôn cho việc của người khác.
Cách đây vài năm em đã có sự tranh luận gay gắt về việc điều dưỡng mất quá nhiều thời gian để sao chép mạch nhiệt độ huyết áp của nb vào tờ trình của bác sĩ bởi vì Bs không đến đầu giường xem hoặc đọc chỉ số dd đã đo mà họ muốn dd ghi cho họ trong ba. (Một nội dung mà trong hồ sơ lặp lại 3 lần). Việc cải tiến hồ sơ ba tại thời điểm này chưa mạnh như bây giờ. Ai cũng nói việc đó chủ nhiệm khoa quyết định nên phải làm. Không cãi. Vậy câu hỏi đặt ra là, cứ mỗi việc nhỏ đó chồng lên đôi vai bé nhỏ của họ thì có gây nặng cho dd hơn không? Có ai quan tâm đến lên danh sách những việc không tên mà người điều dưỡng phải làm thêm mỗi ngày? Vậy thời gian đâu mà tìm tòi nghiên cứu cải tiến, thời gian đâu mà học hành nâng cao trình độ để bằng người bằng bạn?
Ở đây bao nhiều phần trăm gia đình Bs có đủ điều kiện cho họ ăn học, bao nhiêu phần trăm gia đình điều dưỡng có đủ điều kiện cho họ ăn học lên đại học? Tỷ lệ điều dưỡng nữ chiếm phần lớn nên sau khi kết hôn, sinh đẻ, nuôi con,... thời gian chăm sóc mình còn khó nói gì đến ăn học cho lên kiến thức.
Nhưng trên thực tế hàng ngày làm việc họ luôn bị chê là thế này thế kia rồi lâu lâu có sự cố thì vài người bị đưa ta thí chốt vì trình độ lý luận không có, vì họ không cãi được, vì không ý thức được việc mình làm là sai, vì chưa có ai giúp họ được "an toàn" trong thực hành cũng như chính bản thân họ chưa biết đến làm thế nào để tạo sự an toàn cho nb và cho chính bản thân mình.
Mối quan hệ giữa Bs và điều dưỡng không gì khác là quan hệ đồng nghiệp, bình đẳng. Tuy nhiên, đâu đó chính người điều dưỡng đã tạo cho đồng nghiệp mình cái quyền được hơn họ về mọi mặt mà thiếu đi ánh nhìn tôn trọng mình. Tỷ lệ Chủ nhiệm Khoa quan tâm phát triển đào tạo cho điều dưỡng rất ít mà người điều dưỡng trưởng cần phát huy vai trò của mình để hỗ trợ cho đồng nghiệp điều dưỡng hoàn thành công việc chứ không phải chạy theo hỗ trợ nhu cầu của bác sĩ. Ai cũng có việc của mình. Ai cũng bận. Ai cũng có trách nhiệm của mình hết cho nên cần có giới hạn rõ ràng trong phân định phạm vì công việc. Bận thì có thể nhờ người khác làm nhưng xung đột sẽ xảy ra khi sai lỗi xuất hiện. Hiện nay, điều dưỡng tại phòng khám đánh máy giùm bác sĩ, khi sai lỗi xảy ra lỗi về người ký là bác sĩ nhưng mà sẽ có vết nứt trong mối quan hệ hai bên cho dù đó là việc làm không cố ý.
Hôm nay, với chủ đề làm sao giúp người điều dưỡng cải tiến công việc của mình và tìm kiếm những cơ hội tốt hơn cho bản thân. Em chỉ có vài chia sẻ như vậy và với mỗi việc mỗi hiện tượng cũng mong mọi người có cái nhìn thẳng thắn tích cực để giúp nhau hoàn thiện, tốt hơn chứ không chỉ trích nhau.
1. Giúp điều dưỡng tự tin bằng việc nâng cao kiến thức -- xây dựng hệ thống đào tạo online để họ tự thu xếp thời gian học
2. Hỗ trợ xây dựng hệ thống bảng mô tả công việc
3.Kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp
4. Hình thành nhóm tình nguyện có kiến thực tốt về quản lý chất lượng làm người hỗ trợ cho điều dưỡng tại các Bv làm các đề tài cải tiến
5. Hoạt động năng cao ngoại ngữ
6. Ứng dụng Cntt trong công việc
7. Nâng cao kiến thức Nghiên cứu khoa học cho điều dưỡng, ứng dụng nckh trong thực hành
8. Tư vấn thiết kế mô hình thực hành an toàn về môi trường và trang thiết bị y tế
Em mới nghĩ đến đây. Mong các anh chị thảo luận thêm để em có cơ hội được học hỏi và nâng cao kiến thức của mình.
Linh Linh Từ một điều dưỡng bị Stress trong công việc cũng như trong cuộc sống của người phụ nữ nhiều lúc em tưởng mình gục ngã từ bỏ nghề vậy mà giờ vẫn đi tiếp và cảm thấy con đường mình đi không sai.
Em đã từng nghĩ phải làm như thế nào để cái nghề điều dưỡng này nó không bạc như nhiều người nói " làm dâu trăm họ".Em chỉ có những điều đang làm và cố gắng sẽ làm để chính bản thân mình và các bạn đồng nghiệp giảm bớt căng thẳng khi làm việc:
1 Tạo một môi trường làm việc an toàn, không áp lực:
- Không có các chế độ chế tài, khuyến khích báo cáo sự cố, hoặc khi có sự cố xảy ra, thì cùng nhau giải quyết, không quy phạm lỗi cá nhân khi chưa có quy trình chuẩn, tạo cơ hội cho nhân viên khắc phục sửa đổi. Thường xuyên đưa ra những tình huống có thể xảy ra khi điều dưỡng làm việc mà thiếu tập trung, nhắc nhở để khi có sự cố họ có thể giải quyết tốt.
- Tạo cơ hội cho họ tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề.
- Phối hợp với CNTT hỗ trợ, giảm bớt những thủ tục hành chính. CNTT là nơi sản xuất theo đơn hàng bạn đặt ra. Nhu cầu của bạn cần làm gì, để giảm tải, để công việc nhanh chóng, để quản lý rủi ro là do bạn yêu cầu. Đừng chờ CNTT hỗ trợ khi bạn không nói lên mong muốn của mình vì chính bạn là người làm, là người sử dụng. ( ở đây em biết có nhiều người cứ nói, sao IT không làm này, Sao IT không làm thế kia.... mà bạn không cùng họ giải quyết thì có 10 năm nữa IT cũng không biết bạn muốn gì...)
2 Tạo một sân chơi trong môi trường làm việc :
- Phát động các phong trào thi đua trong khoa, Khuyến khích nhân viên tham gia, như em đã làm, phong trào thi đua " Sắc màu 5S" hay " Nhân Viên xuất sắc hàng tháng". Có trao giải thưởng. Đương nhiên giải thường không nhiều những cũng là tinh thần động viên.
- Khoa cùng nhau đưa ra những cải tiến mới giúp cho công việc hành chánh giảm lại, có lợi cho NB, Có ích cho BV, Nguồn bệnh càng đông thì sẽ báo với Lãnh Đạo xem xét khen thưởng nóng. ( em đang trên đường làm bước này).
Một trong những cách cải thiện thu nhập. Tuy không nhiều nhưng cũng mang lại cho nhân viên về mặt tinh thần. Ít ra họ cũng cảm thấy được công sức họ bỏ ra được Quản lý và Lãnh Đạo quan tâm.
3 Tạo mối quan hệ giữa BÁc Sĩ và Điều Dưỡng, giữa điều dưỡng và quản lý.
- Điều dưỡng là một nghề chứ không phải là trợ lý của Bác sĩ. Điều dưỡng phối hợp với BS để việc điều trị và chăm sóc cho người bệnh được tốt hơn.
Khoa em đã từng đấu tranh việc BS phòng khám phải đánh máy. Nhưng không phải đấu tranh thi tất cả những BS đều phải đánh máy. Khi bệnh nhân quá tải , ĐD sẽ hỗ trợ hoặc những BS lớn tuổi thì ĐD vẫn phải phụ giúp. Mục đích chỉ giúp an toàn cho NB về những sai sót khi nhập thuốc, nhập chỉ định CLS. hạn chế những vết nứt giữa BS và ĐD, khi ĐD nhập thuốc sai, BS là người ký và chịu trách nhiệm trên toa thuốc đó.
- Nếu bạn là nhà quản lý, bạn phải hiểu nhân viên mình như thế nào? Phân công công việc phù hợp cho từng nhân viên. Công nhận những ý kiến đóng góp, và xây dựng tốt cho toàn khoa, không lấy đó là thành quả cá nhân của mình và bạn chính là người phải là người phát động, khuyến khích tạo môi trường làm việc tốt, tạo sân chơi hay, và tạo một mối quan hệ đoàn kết, chia sẽ.
Em xin chia sẽ một số vấn đề. Cũng mong nhận được nhiều chia sẽ từ các bạn đồng nghiệp vì tỷ lệ điều dưỡng bị stress và bão hòa công việc đang rất nhiều
Giang Pham Thực tế, trong bệnh viện các nước tiên tiến không có cảnh bệnh nhân và thân nhân ngồi ùn ùn trong phòng chờ để được khám bệnh.
Nhớ lại khi xưa mỗi khi khám bệnh ngoài giờ hoặc khám bệnh ngoại trú, vai trò của người điều dưỡng rất lớn. Cùng làm việc với người điều dưỡng có kinh nghiệm, thạo việc là công việc trôi chảy thuận lợi. Có lần điều dưỡng trưởng phòng khám ngoài giờ phải nghỉ vì bệnh, người khác ra thay là buổi khám đó rối bù lên, giảm độ hài lòng của bệnh nhân cũng như của nhân viên thấy rõ. Anh bác sĩ đàn anh nói với tôi rằng " Công nhận , chị Di ( điều dưỡng trưởng) nghỉ một cái là rối liền".
Bởi vậy, trong cái công cụ hướng dẫn xử thế với bệnh nhân ở VN, và trong việc nâng cao chất lượng điều trị, thì tinh thần phối hợp đồng đội ( team work) phải được đưa lên hàng đầu.
Tho Nguyen Sy thực ra điều dưỡng phải làm quá nhiều việc từ thủ tục hành chính cho đến chăm sóc trực itiếp người bệnh bên cạnh đó họ cũng phải làm cả những phần việc của BS. những điều đó họ sẵn sàng thực hiện cái mà điều dưỡng mong muốn là sự tôn trọng và chia sẻ của đồng nghiệp nhất là BS, bởi hiện nay nhiều Bs vẫn quan niệm điều dưỡng là Y tá và chỉ có nhiệm vụ thực hiện y lệnh
Từ Thanh Kinh nghiệm ở khoa mình:
1. Tạo 1 môi trường làm việc vui vẻ, thoải mái, hòa đồng, mọi người luôn tôn trọng, thương yêu nhau. Cố gắng đừng nghĩ BS là cấp trên, ĐD là cấp dưới hay phụ tá. Ở đây có vai trò rất lớn của Ban chủ nhiệm khoa, ĐD trưởng. Trong công việc mọi người cố gắng làm hết mình; rồi tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ thì đi chơi chung, ăn uống, nhậu nhẹt chung. Trong công việc thì có thể giữ khoảng cách, cấp trên cấp dưới, nhưng khi đi chơi ăn uống là hòa đồng bạn bè, anh em. Tăng cường các hoạt động xả stress ngoài bệnh viện.
2. Tạo cơ hội cho ĐD tăng thu nhập bằng các hoạt động chăm sóc tại nhà, chia sẻ các nguồn tài trợ...
3. Giúp đỡ ĐD nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính, các kỹ năng mềm: tạo điều kiện cho đi học, chỉ dẫn, huấn luyện tại chỗ...
4. Ban chủ nhiệm khoa, ĐD trưởng phải làm gương trong mọi mặt; hành xử có lý, có tình; dám làm, dám chịu trách nhiệm vì tập thể khoa mình; biết thương yêu, gần gũi, chia sẻ, động viên, khích lệ, khen thưởng nhân viên; hình thành 1 văn hóa tổ chức tốt đẹp ở khoa.
CLB QLCL-ATNB