Những rủi ro, nguy cơ gặp phải trong việc giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh, cụ thể là việc sử dụng những thuật ngữ chuyên môn dễ làm cho bệnh nhân hiểu sai hoặc không hiểu dẫn đến những sai sót sự cố đáng tiếc.
Bài của chị Linh Phan về câu chuyện Nguy Cơ/Rủi Ro chuẩn bị cho hội thảo vào ngày 15.10 tại Bệnh viện Trưng Vương.
"Mình đang đeo đuổi chuyên đề Giao tiếp - hướng dẫn - cung cấp thông tin cho người bệnh - thân nhân/ Patient and Family Education nên từ lâu nhìn thấy một yếu tố nguy có rất lớn có thể dẫn đến việc điều trị không hiệu quả, thậm chí là gây ra sự cố rủi ro cho người bệnh, đó là: DÙNG THUẬT NGỮ Y KHOA trong quá trình giao tiếp ứng xử với người bệnh thân nhân. Thực tiễn ở Việt Nam đang còn rất rất phổ biến. Và sợ nhất là người bệnh - thân nhân không hiểu nhưng vẫn gật đầu, vẫn nói hiểu, không dám hỏi lại, về nhà làm sai.
--> Anh Em có cùng nhìn thấy nguy cơ này không ? Có thể chia sẻ thêm góc nhìn của mình nhất là các ví dụ thực tiễn !!
--> Giải pháp khắc phục có thể là gì !? Anh Em cùng đề xuất nha. Tôi thử đề xuất vài hoạt động:
- Làm rõ nguy cơ để thuyết phục Anh Em đồng nghiệp tìm cách hạn chế/ không dùng thuật ngữ y khoa.
- Khảo sát đánh giá mức độ hiểu của người bệnh - thân nhân để cải tiến."
Trước tiên mình muốn nhấn mạnh rằng trong những sai sót sự cố xảy ra thì nguyên nhân chiếm đa số chính là giao tiếp kém/giao tiếp thất bại giữa nhân viên y tế với nhau và giữa nhân viên y tế với khách hàng của bệnh viện. Các nghiên cứu tiến hành tại Mỹ và Canada đã báo cáo tỷ lệ dao động trong khoảng 40-50% số ca xảy ra sai sót sự cố là liên quan đến lỗi giao tiếp, truyền đạt thông tin. Một báo cáo ở Mỹ năm 2016 đã công bố: lỗi giao tiếp trong y tế đã gây ra thiệt hệ ước tính là 1,7 tỷ Đô la, ảnh hưởng đến mạng sống của hơn 2000 bệnh nhân. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng: 44% sai sót sự cố do lỗi giao tiếp xảy ra với bệnh nhân nội trú, bệnh nhân ngoại trú là 48% và 8% ở những bệnh nhân cấp cứu. Hơn thế nữa, sai sót sự cố do lỗi giao tiếp giữa 2 hoặc nhiều nhân viên y tế với nhau là 57%, giữa nhân viên y tế và người bệnh là 55%, phức hợp giữa nhân viên y tế với nhau và với người bệnh là 12%. Đặc biệt, 80% số ca sự cố nghiêm trọng do sai sót trong quá trình chuyển bệnh là liên quan đến vấn đề giao tiếp và truyền đạt thông tin với nhau. Một vài con số để Anh Chị Em mình có thể thấy cái sự ảnh hưởng của vấn đề giao tiếp truyền đạt thông tin trong thực hành hằng ngày ẩn chứa những mỗi nguy cơ rất lớn và hệ lụy cũng khá nghiêm trọng mà mỗi chúng ta cần phải cải thiện và phòng tránh nó.
Trở lại với vấn đề chính mà Chị Linh Phan đưa ra thảo luận thì khi nhân viên y tế sử dụng quá nhiều các thuật ngữ chuyên môn và dẫn đến không giao tiếp thành công với bệnh nhân, hậu quả đầu tiên quan trọng nhất cần phải nhắc đến là: tổn thất chi phí. Các chi phí cho việc người bệnh chịu đau đớn không cần thiết, trong những trường hợp tử vong trong, trong kết cục sức khỏe (kết quả điều trị) kém, trong việc kéo dài bệnh tật và bằng nhiều cách khác gây hại cho bệnh nhân và chúng ta phải bồi thưởng tổn thất nhiều mặt, chăm sóc dài hạn cho bệnh nhân. Chi phí mất mát này sẽ lặp đi lặp lại với việc tần suất giao tiếp kém hiệu quả diễn ra một cách thường xuyên do thói quen sử dụng ngôn ngữ chuyên môn của nhân viên y tế diễn ra đều đặn mang tính lặp đi lặp lại.
Ở Mỹ người ta dùng thuật ngữ "health literacy – hiểu biết về y tế/sức khỏe” để đưa ra lời cảnh báo cho nhân viên y tế trong việc giao tiếp với người bệnh nhằm quản lý những rủi ro do việc sử dụng các từ ngữ hoặc nội dung giao tiếp vượt qua ngoài giới hạn "health literacy – hiểu biết về y tế/sức khỏe” của người bệnh. "Health literacy – hiểu biết về y tế/sức khỏe” là một con đường hai chiều. Không chỉ những kỹ năng/thông tin mà bệnh nhân mang lại cho cuộc gặp bác sỹ, mà còn là kỹ năng/thông tin của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và khả năng của hệ thống để truyền đạt thông tin chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh. Một chia sẻ của một bác sỹ người Mỹ rằng: “cách đây 20 năm khi anh ấy đang đi học, anh ấy đã được dạy nhận thức việc sử dụng ngôn ngữ phổ biến hơn là thuật ngữ y khoa”. Hiện thực ngày nay đã khác: bác sỹ bây giờ cần nên tự ý thức rằng mình gần như không hiểu những gì mình đang nói với bệnh nhân khi giao tiếp với bệnh nhân. Tức là chúng ta cần cố gắng đặt vị trí của mình vào vị trí của người bệnh nhân và tự vấn rằng: nếu mình giải thích như vậy thì “mình” có hiểu không?
Trên giảng đường đại học hoặc thực hành hướng dẫn cho nhân viên y tế chúng ta có thể nói theo một cách chuyên môn, học thuật. Nhưng khi chúng ta giao tiếp với người bệnh chúng ta nên nói với họ bằng “living-room language” tạm dịch nôm na là ngôn ngữ giao tiếp khi trò chuyện trong phòng khách. Làm sao để thực hành điều này? Chúng ta hãy cố gắng ngồi xuống và viết ra mỗi ngày những “living-room language” về một chủ đề sức khỏe mà chúng ta đang thực hành và giao tiếp với bệnh nhân. 3 điểm quan trọng mà chúng ta cần chú ý trong thực hành để cái thiện chính là: (1) sắp xếp các thông tin sao cho thông tin quan trọng được nhấn mạnh trước tiên; (2) gỡ bỏ những thuật ngữ phức tạp thay thế bằng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu; (3) sử dụng các ngôn ngữ thông thường để diễn giải một cụm hoặc một nôi dung chuyên môn. Mình có thử liệt kê một số ví dụ mà chúng ta có thể dùng để nói chuyện với người bệnh theo hướng “living-rom language”. Mọi người xem trong hình số 2 của bài viết này nhé. Đây chỉ là ví dụ mình lấy minh họa nên nếu có sai sót mong mọi người góp ý và điều chỉnh nha.
Để giảm thiểu những rủi ro trong chủ để này là một tiến trình phức tạp vì rất khó để tìm thấy sự đồng điệu giữa nhân viên y tế và người bệnh do sự khác biệt lớn về văn hóa, nhận thức và thái độ, kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, cố gắng đơn giản hóa ngôn ngữ bạn đang sử dụng và thông điệp của cuộc giao tiếp cần được xác định đúng .Ví dụ: Khi bạn đang tư vấn cho bệnh nhân về điều trị ung thư hoặc các phương pháp điều trị khác, chúng ta xác định rõ rằng chúng ta muốn giải thích để bệnh nhân hiểu được khái niệm về rủi ro và đưa ra các quyết định dựa trên thông tin được cung cấp cho họ. Chứ không đơn thuần là chỉ liệt kê ra những cụm từ chuyên môn về những hệ quả hệ lụy của mỗi phương pháp điều trị mà người bệnh kết cuộc không nắm được thông điệp và nội dung chính yếu mà chúng ta muốn truyền tải để đưa ra quyết định đúng đắn cho cuộc điều trị ung thư của họ. Điều cuối cùng những cũng rất quan trọng đó chính là hạn chế tối đa việc áp dụng “ngoại ngữ” trong giao tiếp với người bệnh nhé. Cố gắng làm sao chuyển ngữ và giải thích để người bệnh hiểu dù là những thuật ngữ tiếng nước ngoài mà chúng ta cho là phổ biến và ai ai cũng có thể dễ dàng hiểu.

Tài liệu tham khảo:
Liên quan đến vấn đề này, mình có một chủ để muốn mọi người có thể chia sẻ thêm đó là: nếu trong trường hợp giao tiếp với bệnh nhân “khó” giao tiếp đơn thuần như: người nước ngoài, người già, người mù chữ, người khiếm khuyết về nhận thức thì sao? Những rủi ro nào có thể xảy ra? Chúng ta nên làm gì? Và thực tế tại các cơ sở y tế mà Anh Chị Em mình đang công tác đang làm như thế nào?
Nguyễn Quang Vinh