linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Làm thế nào để cải tiến chất lượng dịch vụ y tế hiệu quả?

Nhiều Anh Em đồng nghiệp làm Quản lý chất lượng - an toàn người bệnh hay chia sẻ với tôi rằng: họ xây dựng được giải pháp cải tiến hay, hữu ích dựa vào những khuyến cáo của Sở Y Tế, dựa vào các yêu cầu từ bộ chuẩn chất lượng của Bộ Y Tế, thậm chí là dựa vào những đo lường - đánh giá trước đó tại bệnh viện - có bằng chứng hẳn hòi.

 Nhưng khi triển khai vào trong thực tiễn, mọi người vẫn không theo, không tuân thủ. Các Anh Em đồng nghiệp sẽ đưa ra rất nhiều lý do để không thực hiện. Vậy là rõ ràng : Rất dễ để nói nên làm gì, nên cải thiện gì nhưng rất khó để điều đó thực sự xảy ra, để một cải tiến chất lượng được thực hiện.

 
Một số cách thức mà Tôi thấy các BV Việt Nam đã áp dụng và có hiệu quả ít nhiều, theo những trải nghiệm thực tiễn của Tôi trong 10 năm qua: 
- Công nhận sáng kiến, đóng góp của cá nhân tại bệnh viện, để họ có động lực làm cải tiến. 
- Phần thưởng rõ ràng, không chung chung : nếu đáp ứng một số tiêu chí chất lượng nhất định (có những chỉ số đo đạc rõ ràng), sẽ được khen thưởng về mặt tài chính 1-2% thu nhập. 
- Hướng các nhân viên y tế đến kết quả được công nhận chất lượng dịch vụ/ chuyên môn của mình là tốt theo một chuẩn mực - yêu cầu được thế giới công nhận. Có thể cho một mặt bệnh đặc thù, có thể cho một chuyên khoa, có thể cho cả tập thể bệnh viện 
—> Tất cả những giải pháp này Tôi cũng đã kiểm chứng lại xem có đề cập trong các tài liệu hướng dẫn triển khai QLCL hiệu quả trên thế giới không thì câu trả lời là CÓ. Kể cả trong các tài liệu của các chương trình đào tạo uy tín nhất về QLCL - ATNB trên thế giới hiện nay mà Tôi may mắn được bạn bè chia sẻ khi họ đang tham gia các khoá học này.
 
Tuy nhiên, để những giải pháp trên thực sự hiệu quả, bền vững, để tạo ra một văn hoá chất lượng thật sự tại bệnh viện, để tất cả nhân viên y tế đều hướng theo mục tiêu: cải tiến liên tục, làm mọi cách để khách hàng ( người bệnh - thân nhân ) và chính mình được an toàn hơn - hài lòng hơn mỗi ngày thì chúng ta phải quan tâm đến việc gỡ bỏ những rào cản dẫn đến việc những cải tiến chất lượng không thực sự diễn ra, không sống được, thậm chí là bị phải đối, bị bài xích, và chết yểu. Tôi xin phép chia sẻ một vài kinh nghiệm thực tiễn mà tôi góp nhặt được như sau:
 
1. Sự thiếu kiến thức/hiểu biết về QLCL - ATNB của nhân viên y tế là một rào cản lớn, đặc biệt trong thực tiễn hiện nay, Anh Em thấy làm cải tiến không được lợi ích gì mà còn thêm thủ tục hành chính - mất thời gian rắc rối, thêm việc, đối phó cho công tác kiểm tra. Chúng ta làm sao để có cách thuyết phục được họ qua các chương trình tập huấn, không phải chỉ là cung cấp kiến thức mà là cung cấp theo cách có thể tạo động lực, có thể thắp lửa được cho Anh Em làm, gỡ bỏ được các nhận định hiện tại của họ. Thực sự điều này rất thách thức vì: Nhân viên y tế đặc biệt là nhóm bác sĩ là làm khoa học, họ cần bằng chứng, ví dụ các bác sĩ muốn chúng ta chỉ ra được: họ mất thời gian thêm 5-10 phút cho một bệnh nhân để hoàn tất một checklist hoặc điền thông tin vào một biểu mẫu nào đó thì điều này thực sự giúp được bệnh nhân và họ như thế nào. Việc tìm bằng chứng, việc có những con số đo lường được không phải là dễ dàng cho các cải tiến chất lượng. Không giống như trong chyên môn chỉ cần thử nghiệm lâm sàng đối chứng là chỉ ra được một loại thuốc có hiệu quả hay không để thuyết phục bác sĩ.
 
2. Triển khai các hoạt động cải tiến trong thực tiễn thường đòi hỏi gánh nặng hành chính. Thường không giống như cái lý tưởng chúng ta nói đến là làm cho công việc/cuộc sống của nhân viên y tế dễ dàng hơn, ít mất thời gian hơn, thậm chí đi vào thực tiễn có thường là ngược lại: MẤT THỜI GIAN HƠN . Trong điều kiện thực tiễn hiện nay, chúng ta lại chưa giải quyết được bài toán quá tải, nhân viên y tế không đủ thời gian để cung cấp những những dịch vụ tốt nhất, những giải thích chu đáo cho người bệnh như họ mong muốn. Vậy cách nào để họ có nhiều thời gian hơn mà không phải là mất thêm thời gian khi thực hiện cải tiến !? Một trong những cách thức chúng ta phải hướng đến là TINH - GỌN trong cách làm việc, trong quy trình làm việc hàng ngày, làm sao để ít mất thời gian hơn mà hiệu quả cao hơn !?
 
3. Khi chúng ta đến thuyết phục nhân viên y tế thay đổi, thực hiện cải tiến để tốt hơn, thì cũng là lúc chúng ta nói với họ là họ làm chưa tốt. Nhân viên y tế cảm thấy bị đe doạ, họ sẽ có phản ứng phòng thủ chống đối như một bản năng tự nhiên. Chúng ta cần biết để lưu ý, để có cách nói, cách dẫn dắt hiệu quả, gỡ bỏ rào cản này.
 
4. Triển khai cải tiến chất lượng phải dẫn đến hiệu quả về kinh tế, phải tiết kiệm được tiền, cải thiện thu nhập cho Anh Em là suy nghĩ của hầu hết nhân viên y tế. Nhưng trong thực tiễn thường không phải cải tiến nào cũng có kết quả này, thậm chí trước mắt là thấy tốn kém. Và sâu thêm một chút nữa, vào tận ngóc ngách của vấn đề thì: làm cải tiến chất lượng - rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân sẽ giảm thu nhập của bệnh viện; hoặc cải tiến chất lượng - tiết kiệm được nguồn lực - vật tư tiêu hao nhưng bảo hiểm xuất toán - không chi trả, không có lợi gì cả.
 
Với những hiểu biết, góp nhặt từ thực tiễn như vầy, Tôi nghĩ chúng ta phải cùng nhau tiếp tục tìm tòi những cách thức mới, những phương pháp mới để giúp chúng ta làm được cải tiến chất lượng hiệu quả - làm thật.
 
Tôi sẽ đến với hội thảo: Những bước tiến mới trong cải tiến chất lượng y tế: tư duy thiết kế và kinh tế học hành vi vào ngày 23.12.2018 của CLB phối hợp BV Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ chức, lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia, trao đổi thảo luận với Anh Em để tiếp tục học hỏi, tìm tòi những hướng đi mới, nhưng phương cách mới để làm, để thành công hơn. Chúng ta hãy đi cùng nhau trên hành trình này, đích đến sẽ gần hơn, thành quả sẽ lớn hơn khi mỗi người chúng ta đi một mình. We can 💪💪 !!
 
 
 
Linh Phan
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team