Trong lĩnh vực chất lượng y tế có vô vàn những thuật ngữ và số liệu.
Chúng được thu thập tại nhiều điểm chăm sóc, do nhiều đối tượng khác nhau cung cấp. Mỗi nơi, mỗi cơ quan lại có những yêu cầu khác nhau.
Làm sao chúng ta quản lý cho hiệu quả?
Với bài viết này, CHIR xin chia sẻ một góc nhìn tổng quan về vấn đề số liệu chất lượng trong y tế.
1. Gần đây CLB của chúng ta bàn rất nhiều về khái niệm Hài Lòng Người Bệnh, hay còn gọi là PREM (Patient-Reported Experience Measure - đánh giá chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh từ góc nhìn của người bệnh).
2. Trong khi đó, những nước phương Tây bên cạnh đo lường PREM, còn bắt đầu đo lường PROM (Patient-Reported Outcome Measure - đánh giá KẾT QUẢ CHĂM SÓC từ góc nhìn của người bệnh).
3. Những việc đo lường này thường được gắn với các bộ tiêu chí chất lượng. 83 Tiêu Chí của BYT hay ACHS của quốc tế, đều có những yêu cầu về đo lường chỉ số lâm sàng (Clinical Indicator Program).
4. Một góc nhìn khác là những cơ sở dữ liệu Ghi Nhận Chất Lượng Lâm Sàng (Clinical Quality Registry) cho từng nhóm bệnh lý (disease registry), nhóm thuốc (drug registry), và nhóm kỹ thuật và thiết bị can thiệp (device and intervention registry). Đây là cơ sở để nghiên cứu khoa học và thực hiện so sánh chất lượng lâm sàng, trong từng nhóm chuyên khoa, giữa các nhân viên y tế và cơ sở y tế.
5. Và chúng ta cũng không thể bỏ qua ý kiến của "ông" Bảo Hiểm Y Tế. Những chương trình Kiểm Tra Lâm Sàng (Clinical Audit) thường được do BHYT khởi xướng, nhằm tăng cường việc chuẩn hoá chăm sóc và tuân thủ quy trình điều trị.
6. Việc phân tích và trình bày dữ liệu cũng rất quan trọng. Mỗi nhóm người bệnh, mặt bằng dân trí và thu nhập cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự hài lòng và kết quả chăm sóc y tế (social determinant of health). Ở những nơi chữa bệnh nhân nặng hơn, và nghèo hơn, thì kết quả hài lòng và kết quả lâm sàng, không thể so sánh trực tiếp với bệnh viện tư chăm sóc người bệnh nhẹ hơn và giàu hơn. Do vậy, các số liệu cần được điều chỉnh về rủi ro (risk-adjusted) và hoàn cảnh (demographic-adjusted) trước khi công bố.
Qua các hình vẽ trong bài, CHIR mong làm rõ những khái niệm này nhằm rộng đường thảo luận.
CHIR kiến nghị rằng:
- Mỗi nhóm lợi ích trong ngành y tế đều có yêu cầu riêng về việc định nghĩa, thu thập, phân tích, và trình bày dữ liệu chất lượng.
- Ngành y tế Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để kiến tạo một cơ sở hạ tầng dữ liệu chung (common data infrastructure).
- Hạ tầng này cần tương thích với các tiêu chuẩn có sẵn của quốc tế, nhằm hỗ trợ việc so sánh, cải tiến và nghiên cứu khoa học.
Ths. Trần Đặng Minh Trí