Trong buổi thảo luân về cách báo tin xấu cho bệnh nhân do VietMD và CHIR VN tổ chức, BS Từ Thanh Từ Quốc Thanh nói có những trường hợp người BS phải che dấu sự thật hoặc phải nói dối nhưng có ích cho người bệnh (tiếng Anh gọi là white lie).
Vậy thì BS thật sự có nên nói dối với BN không?
BS Andrew Neuschatz, BS xạ trị ung thư ở Arizona, Hoa kỳ, đã có một cái nhìn sâu sắc về vấn đề nầy như sau. Lẽ dĩ nhiên đây là một quan điểm hoàn toàn Mỹ.
Câu trả lời của ông đầu tiên là không được nói dối, nó không đúng với đạo đức y học. Nhưng trong tận đáy lòng thì câu trả lời lại là “tùy trường hợp”. Thế nào là tùy trường hợp? Nó khá phức tạp, và tùy thuộc đối tượng để ta nói dối.
Đối tượng thứ nhất và là trung tâm, đó là người bệnh. Ta không thể nói dối trắng trợn với người bệnh được. Nếu trên MRI cho thấy sự di căn ung thư, thì trước sau gì sự thật phải được nói ra (đây là điều luật ở Mỹ chứ không chắc ở VN, nhưng ta có bài bản về kỹ thuật nói, hy vọng CHIR sẽ triển khai trong thời gian sắp tới đây). Về mặt nghệ thuật, nó giống như nửa ly nước. Làm sao cho người bệnh thấy còn nửa ly, thay vì đã cạn nửa ly. Do đó thái độ lạc quan và gieo niềm hy vọng (có cơ sở) sẽ quan trọng hơn là chăm chú vào từng chi tiết của sự thật.
Tình huống khó nhất là nói chuyện với BN mất bình tĩnh (ai lại không?) hay trình độ tri thức không bắt kịp các chi tiết phức tạp của thông tin. Phần lớn các BN không hiểu gì các con số thống kê. Họ chỉ cần ta trả lời “Cái đó có cần không?”, hay “Cái đó có trị hết không?” Dĩ nhiên là ta phải trả lời nửa vời rồi. Sự thật là khách quan, mà ý kiến chúng ta là chủ quan. Tiếc thay ta không bao giờ có hết sự thật vì có thể có những bằng chứng trái ngược nhau. Khó mà có thái độ trung dung. Ắt hẳn trong đời hành nghề của chúng ta rất nhiều lần chúng ta nghiêng về điều trị hoặc không điều trị với các lý lẽ bảo vệ nó, mà ở các BS khác có thể có ý kiến trái ngược. Đây không phải là nói dối, mà nói “mạnh” hơn một chút, “nghiêng” về một bên một chút.
BS Neuschatz đã gặp nhiều ca bệnh BN người châu Á. Gia đình họ luôn xin BS nói dối trong trường hợp người thân của họ mắc bệnh ung thư. Ông từ chối, và không bao giờ dùng thân nhân người bệnh để thông dịch. Vì người thân có thể dịch sai hay dấu đi các chi tiết quan trọng do mục đích riêng của họ. (Có thể ông quá khó hay quá nguyên tắc không?)
Đối tượng thứ hai là với đồng nghiệp. Khi ta chuyển bệnh, hay xin tư vấn khẩn, hay yêu cầu điều trị gấp, ta có khuynh hướng làm cho bệnh nặng nề thêm để đồng nghiệp ta đồng ý. Hay ngược lại, không ít khi ta nhận bệnh chuyển đến gấp vì tình trạng xấu, mà khi BN xuất hiện lại không đến nỗi như ta tưởng! Hồi tôi còn làm Khoa Ngoại tại BV Đa Khoa Trung Tâm An Giang (khoảng năm 1987), có một lần được mời hội chẩn để mổ khẩn cấp một bệnh xuất huyết tiêu hóa từ khoa Nội. Khi tôi đến, theo đánh giá của mình, BN chưa phải cần can thiệp ngoại khoa, và tôi ở đó suốt buổi để theo dõi qua nước đá lạnh ống thông dạ dầy, cuối cùng bệnh nhân ổn. Vậy mà khi ra khỏi khoa Nội, tôi có cảm tưởng như mình vừa ra khỏi hang cọp!
Đối tượng thứ ba là bảo hiểm y tế. Đây thật sự là sự tranh đấu giữa một bên là người bệnh và người chữa bệnh, còn bên kia là cơ quan chi trả. Tôi nghĩ ai cũng tìm cách linh động hóa các mã số để người bệnh được nhờ (bên Mỹ và bên VN đều vậy, cứ hỏi các Coder bên Mỹ thì biết).
Cho nên, chúng ta không nên nói dối, nhưng nói thêm hay nói nửa sự thật có khi là nói dối rồi.
Nguồn trích dẫn: Neuschatz A. The Little White Lies We Tell in Oncology - Medscape - Oct 08, 2018
Dinh - Van Nguyen