linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Bạo lực trong bệnh viện - nhìn từ bên ngoài

Điều tôi muốn nói là từ góc nhìn của mình, làm sao để giảm bớt bạo hành với nhân viên y tế, những người đáng ra phải được làm việc trong môi trường an toàn về thân thể và tinh thần.

 Cháu tôi bị vấp té trong lúc chạy vội từ sân ra vườn, bị bong gân cổ chân và tự đến phòng cấp cứu của một bệnh viên lớn gần nhà, tại thành phố Melbourne của Úc. Cháu phải chờ hơn 6  giờ mới được gặp bác sỹ. Bố cháu, một bác sỹ mới từ Việt nam sang chơi nói đùa: nếu ở Việt nam bác sỹ bị “táng” là chắc. Chuyện ở đây là vậy, bệnh nhẹ, điều dưỡng phân loại ưu tiên, đo chỉ tiêu sống, nếu không có gì quan trọng, ngồi chờ mệt nghỉ. Có bệnh nhân nào la lối, các chú bảo vệ (security) lừng lững đến kéo vào buồng riêng ngồi đợi.

 

Những câu chuyện về bác sỹ bị người nhà bệnh nhân tấn công xảy ra nhiều lần trong các bệnh viện ở Việt nam.
Ngành y là một ngành cao quí có nhiều điều tốt đep. Nhưng, làm việc với bệnh nhân và người nhà khó tính, thiếu văn hoá ứng xử, bị ảnh hưởng của chất kích thích, có triệu chứng tâm thần...là một phần không tránh khỏi của công việc chăm sóc sức khoẻ. Ở đâu cũng có những người như vậy, cả ở Úc và Việt nam. Dù vậy, khó khăn đó không thể ảnh hưởng đến trách nhiệm của nhân viên y tế là chữa bệnh và chăm sóc cho mọi bệnh nhân với điều kiện tốt nhất có thể, với sự tôn trọng bệnh nhân và gia đình, với kỹ năng chuyên môn tiêu chuẩn.
 
HƯỚNG TỚI SỰ MINH BẠCH TRONG HỆ THỒNG ĐIỀU TRỊ
Là người trong nghành, tôi biết, ưu thế của nhân viên y tế đối với bệnh nhân gần như tuyệt đối vì bệnh nhân yếu ớt phải phụ thuộc vào từng hành động, thái độ của bạn. Bệnh nhân đến bệnh viện hay gọi cấp cứu trong đau đớn và sự lo lắng của cả gia đình. Mọi sự chần chừ, gây khó dễ, gây sức ép của nhân viên y tế để trục lợi từ bệnh nhân là tội ác. Nhân viên y tế chỉ có một trách nhiệm là cứu người với hết khả năng và phương tiện có sẵn. Tính toán chi phí và cách thanh toán là trách nhiệm của nhân viên tài vụ. Người nào việc đó. Trước đây đã có một vụ um xùm trên mạng về hành vi của điều dưỡng, nhưng cái mà tôi không chịu nổi lại là cách họ thay mặt tài vụ để đòi tiền viện phí.
 
Không thể nói rằng lương của bác sỹ ít, công việc nhiều và quá tải mà làm việc trái mục tiêu nghề nghiệp đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, đòi hỏi có lương phù hợp, khối lượng công việc hợp lý và điều kiện làm việc an toàn của bạn là chính đáng, vô cùng chính đáng. Chỉ có điều, bạn phải đòi “ông bà chủ”, “người” thuê bạn. Đó là chính phủ và bộ trực tiếp quản lý. Chính phủ sẽ tìm ra tiền nếu cắt giảm các chi tiêu không quan trọng và coi trọng sức khoẻ của dân hay vì dân.
 
Chỉ trong một hệ thống điều trị minh bạch thì quan hệ giữa nhân viên y tế với bệnh nhân mới là quan hệ chuyên nghiệp và bệnh nhân mới yên tâm khi nằm viện. Sự khuất tất sẽ gây ra thiếu lòng tin, tạo căng thẳng, hiểu lầm và hành hung có thể xảy ra. Hơn nữa, nhân viên y tế cần có kỹ năng giao tiếp tốt và có sự trợ giúp tích cực và hiệu quả từ đồng nghiệp và tổ chức bệnh viện.
 
Mặt khác, bệnh nhân, hay tất cả chúng ta, thường có tâm lý “chen hàng”. Tôi ít thấy ai vào bệnh viện công mà người nhà không tìm cách “gửi gắm” cho bác sỹ là họ hàng, người quen, bạn bè, bạn của bạn của bạn... và lúc nào cũng sợ bị “quên” mà phài dùng tiền để nhắc nhở nhân viên y tế. Hãy nghĩ lại một chút: người nhà mình rất quan trọng nhưng người nhà của người cạnh mình cũng quan trọng không kém. Chen lấn khi đi ngoài đường sẽ làm kẹt đường, gây tai nạn giao thông. Chen lấn khi đi chơi còn gây thảm họa cho hoa cỏ. “Chen lấn” trong trường học bằng tiền hối lộ gây bất công phản giáo dục. Còn chen lấn trong xếp hàng cấp cứu/chữa bệnh sẽ có thể gây những cái chết oan uổng.
Hãy để tiền chi phí cho bệnh nhân (nếu cần) lên bàn một cách minh bạch.
 
GIAO TIẾP HIỆU QUẢ VỚI BỆNH NHÂN VÀ GIA ĐÌNH.
Vấn đề then chốt để phòng hành động quá khích từ phía bệnh nhân hay người nhà là kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế. Bạn phải bình tĩnh vì người ta tấn công không phải vì họ thù hằn cá nhân bạn từ trước mà xuất phát từ sự lo lắng cho người nhà và sự chậm trễ hay sự im lặng của bạn. Khi nhân viên y tế thể hiện được thiện chí và hành động hết sức mình, thông cảm với nỗi đau và lo lắng của họ bằng đối thoại và kỹ thuật chuyên môn hiệu quả thì sự căng thẳng sẽ giảm đi nhiều.
Có lẽ chúng ta còn chưa có một hệ thống điều trị/chăm sóc được tiêu chuẩn hóa trong cả hệ thống bệnh viện nên còn nhiều sai sót dễ gây mất lòng tin.
 
Tuy nhiên, khi gặp tình huống có nguy cơ “bùng nổ”, bạn phải nhận ra nó và tìm cách hóa giải. Bạn không cần đôi co tranh cãi nhưng cần ôn tồn giải thích phương pháp cấp cứu/điều trị của mình với tinh thần tôn trọng bênh nhân và gia đình. Nếu thấy cần, bạn phải kêu thêm người hỗ trợ.
 
Tuy nhiên, phải kiên quyết đưa ra giới hạn của mình, phải nói thẳng rằng: nếu bị cản trở, nhân viên y tế sẽ không giúp bệnh nhân được và sẽ bỏ đi nếu bị hành hung. An toàn của nhân viên Y tế là quan trọng bậc nhất.
Thường thì các bệnh viện nơi tôi làm việc có đội giải cứu (code black team). Đội này gồm nhân viên an ninh, bác sỹ, điều dưỡng và lãnh đạo bệnh viện. Nhân viên y tế ở khoa cấp cứu và vài khoa liên quan đến các bệnh tâm thần đều có thiết bị báo động nhỏ mang theo người , khi cần chỉ bấm vào là được trợ giúp ngay. Hành hung từ phía người nhà sẽ phải gọi cảnh sát.
 
THÁCH THỨC NGHỀ NGHIỆP.
Các bạn ạ, nếu có sự cố xảy ra, đừng để cho sự căng thẳng, bực bội và lo lắng làm hỏng sự nghiệp của bạn. Nếu chúng ta làm việc vì bệnh nhân, tôn trọng nhân phẩm họ để điều trị và chăm sóc như người thân của mình, thì dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng có đủ sưc mạnh và kỹ năng để giải quyết. Những “ ca khó” này là thách thức lớn về lòng cảm thông, kỹ năng giao tiếp và sự kiên nhẫn. Đừng để thách thức này hạ gục bạn
 
Nguyễn Thị Nhuận
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team