linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Bài toán nhân sự trong chống dịch COVID-19 rất cần được quan tâm !?

Thực tế hiện nay ở tất cả các bệnh viện, BÀI TOÁN NHÂN SỰ TRONG CHỐNG DỊCH COVID_19 RẤT CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM !?

Dưới đây là chia sẻ về vấn đề này của TS.BS. Đỗ Quốc Huy - Trưởng bộ môn Hồi sức cấp cứu và chống độc - ĐHYK Phạm Ngọc Thạch; Phó giám Đốc BV Nhân Dân 115 TPHCM; Phó Chủ Tịch Hội Hồi Sức Cấp Cứu - Chống Độc Việt Nam.

“Thực tế trong vụ dịch, các tài liệu cho thấy điểm nóng nhất là thiếu thốn nguồn lực cho chống dịch: từ chuyên khoa hồi sức đến truyền nhiễm và KSNK trong khi các chuyên ngành khác thì không có gì để làm vậy sử dụng nguồn lực sao cho hiệu quả là vấn đề rất cần được quan tâm !!

Ở bệnh viện anh đã thành lập 02 đội cơ động tăng cường cho khoa bệnh nhiệt đới (nhiễm) bao gồm 20% quân số của các khoa đang không có việc làm. Tổ chức huấn luyện cấp tốc 4 bài xong tung quân hỗ trợ thành lập khu cách ly điều trị Cho 50 giường Covid - 19 rất hiệu quả.

Các bác sĩ ngoại khoa, cận lâm sàng phân vào tổ sàng lọc, các bác sĩ khoa nội vào tổ điều trị Covid 19 nhẹ và vừa, nhóm bác sĩ Gây mê, cùng với hồi sức khác của tim mạch, thần kinh (biết thở máy) vào tổ điều trị Covid nặng !! “
 

Bác sĩ Võ Phạm Trọng Nhân đang công tác tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Tỉnh Bến Tre cũng chia sẻ về vấn đề nhân sự trong dịch: " Đây quả là một bài toán cực kỳ khó cho các cơ sở điều trị, giải quyết vấn đề này không thể là công việc của một phòng chức năng, mà toàn bộ ban tham mưu của bệnh viện phải chung tay, mỗi người một nhiệm vụ. Bởi gọi là bài toán nhân sự, nhưng thực ra nó liên quan đến tất cả các mảng khác trong công tác điều hành.  

Những kế hoạch, phân phối nhân lực, phối hợp hành động.... của bài viết này dựa trên nền tảng của một bệnh viện tuyến tỉnh, được phân công phụ trách khu điều trị cách ly Covid-19 với quy mô 20 giường bệnh. Bài viết cũng chỉ sẽ nêu các nguyên tắc chung, không cung cấp các văn bản đã có của đơn vị vì lý do bảo mật thông tin riêng tư.

Trước hết, cơ sở phải xây dựng một kế hoạch, trong đó có kịch bản của từng tình huống có thể gặp trong thực tế, kịch bản tình huống này càng chi tiết càng tốt. Phải hình dung ra cho được toàn bộ các tình huống theo mức độ nghiêm trọng tăng dần, từ cổng đón tiếp cho đến khu vực cách ly. Ở mỗi tình huống, sẽ xây dựng phương án đáp ứng phù hợp, phân công nhân lực dựa trên phương án đáp ứng, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phối hợp hành động của từng bộ phận.

Kịch bản của chúng tôi xây dựng các tình huống có thể gặp: phân luồng từ cổng, khám ca nghi ngờ, khám ca đã xác định, khám ở cấp cứu, tiếp nhận tại khu cách ly, điều trị < 5 bệnh, điều trị < 20 bệnh, hội chẩn chuyên khoa, xử lý các trường hợp bệnh nhân không tuân thủ, giám sát ở khu cách ly trong trường hợp có bệnh.

Dựa trên mỗi tình huống cũng như phương án đáp ứng của từng kịch bản, các bộ phận liên quan phải lập kế hoạch chi tiết, phân công nhân lực phụ trách và tập trung lại như là các phụ lục của bản kế hoạch khung.

Công tác hậu cần của HCQT, VTTB để đảm bảo cơ sở vật chất của khu cách ly điều trị là điểm quan trọng cần lưu ý. Các phòng bệnh của khu cách ly phải được lắp camera phục vụ cho việc theo dõi bệnh, giảm tiếp xúc, tiết kiệm đồ bảo hộ. Phòng nghỉ của đội điều trị phải được trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ chuyên môn, sinh hoạt và giải trí: máy tắm nước nóng, máy giặt, tivi, tủ lạnh, máy tính, wifi, tủ sách, các công văn hướng dẫn điều trị, các quy trình chuyên môn của bệnh viện xây dựng....Cũng phải có kế hoạch cung cấp suất ăn cho đội điều trị theo phân luồng riêng. Nếu không chú ý đến công tác hậu cần này, sẽ rất khó động viên tinh thần của đội ngũ trực tiếp điều trị.

Nhân sự để phục vụ dịch sẽ bao gồm hai nhóm: nhóm gián tiếp và nhóm trực tiếp. Khi phân công nhân sự, thường các bạn hay bỏ quên nhóm gián tiếp này, nên không có các hướng dẫn và tập huấn phòng ngừa cụ thể, đây sẽ là nguồn lây lan mầm bệnh nhiều nhất. Nhóm gián tiếp gồm: nhân viên phòng HCQT, vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, vật tư y tế, dược, canteen. Nhóm trực tiếp trong khu cách ly sẽ có bộ khung chủ yếu là nhân viên của khoa Nhiễm, HSTCCĐ, dự trù bổ sung Nhi nếu có bệnh nhi. Các bệnh lý nền sẽ được hội chẩn từ xa chứ không cần nhân sự trực tiếp. Các tình huống cần đến chuyên môn sâu sẽ có một đội ngũ riêng, được huy động khi có tình huống.

Bệnh viện chúng tôi xây dựng khu cách ly 20 giường nằm cạnh khoa Nhiễm gồm 4 giường ICU, 4 giường bệnh nặng, 12 giường thường, khi cần thiết sẽ mở rộng quy mô 40-60 giường. Ngoài ra, ở khu vực khoa PTGMHS cũng phải có phòng mổ, phòng hậu phẫu dành riêng cho Covid-19.

Về nhân sự, sẽ phân công hai đội điều trị trực tiếp, mỗi đội 8 người gồm 1 bác sĩ Nhiễm, 1 bác sĩ HSTCCĐ, 1 bác sĩ Nhi, 4 điều dưỡng của Nhiễm, HSTCCĐ, 1 điều dưỡng làm công tác xử lý sơ bộ chất thải. Ngoài hai đội này, có thêm hai đội dự bị cũng với thành phần như trên. Ngoài 4 đội điều trị, còn phân công 1 đội ngũ gồm đầy đủ các chuyên khoa sâu trong bệnh viện, lưu ý tới các chuyên khoa có thể xảy ra bệnh lý cần can thiệp cấp cứu và phải thăm khám trực tiếp: Ngoại, Sản. Với nhóm này, lưu ý phân công các bác sĩ có thể làm được siêu âm và thực hiện phẫu thuật để tiết kiệm nhân lực. Lưu ý phân công KTV Xquang trong đội chuyên khoa này. Các bác sĩ trong đội chuyên khoa sâu này cũng sẽ nằm trong nhóm điều trị lưu động, sẽ hội chẩn hoặc hỗ trợ điều trị tại chỗ khi có yêu cầu từ tuyến dưới.

Ban chỉ đạo gồm các thành viên của BGĐ, trưởng phòng KHTH, TCCB, trưởng khoa Nhiễm sẽ có lịch thường trực, điện thoại liên kết với đường dây nóng Covid-19 của bệnh viện trong ngày trực. Các thành viên khác trong đội điều trị cũng phải để điện thoại hoạt động 24/24, không đi khỏi nơi ở, có một túi đồ sinh hoạt cá nhân đủ trong 1 tuần để có thể điều động bất cứ thời điểm nào.

Tất cả các trường hợp điều động đều phải đảm bảo về pháp lý bằng các quyết định điều động của phòng TCCB và lãnh đạo đơn vị, để có chế độ bồi dưỡng theo đúng quy định." 

THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team