linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

CHIẾC RÈM - SỰ TINH TẾ

Hiện giờ tại bệnh viên anh chị còn tình trạng này không ?
20 năm trước, khi chuẩn bị qua Nhật chúng mình đã bắt buộc phải đi khám sức khỏe. Mình và cả nhóm, lúc đó là những học sinh chuẩn bị qua du học đều là các học sinh 19 tuổi với tâm hồn còn “như tờ giấy trắng”. Cho đến giờ vẫn không thể quên trải nghiệm “phải cởi áo” khi chụp X-quang. Mình vẫn còn nhớ như in hình ảnh dù chỉ vài phút tất cả tụi con gái chúng mình “lột đồ” đứng xếp hàng trong phòng chờ đến lượt chụp. Không vui vẻ và thú vị gì khi không nhận được một lời giải thích tại sao phải cởi đồ như thế, nhiều bạn còn lẩm bẩm và không muốn chụp.
 
✍ Có thể đối với các nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên phòng chụp X-quang thì đó là một việc hết sức bình thường và “đương nhiên” phải làm chăng? Cảm nhận lúc đó các “anh” nhìn tụi mình như sinh vật lạ kiểu như “có gì to tát đâu”. Dù nam nữ chụp riêng, nhưng đối với những đứa nhóc 19 tuổi khi đó thì việc này thực sự gây “ngượng nghịu” và không hề bình thường chút nào. Khi đó, chúng mình không hiểu lý do vì sao lại phải cởi áo, cũng chưa từng đứng cởi áo chung với những bạn khác nên vô cùng xấu hổ. Tuy nhiên, khám sức khoẻ thì chụp X-quang là bước không thể thiếu nên chúng mình vẫn làm theo đúng chỉ định. Sau này, cho tới khi đã trở thành một nhân viên y tế, những hình ảnh đó vẫn hằn sâu vào kí ức và mình vẫn luôn đặt ra câu hỏi rằng có thực sự cần thiết phải làm như vậy hay không, nếu có thì liệu có giải pháp nào tế nhị và bớt gây ngại ngùng cho người chụp chăng?
 
✍️ Nếu cho rằng việc làm này giúp tiết kiệm thời gian cho nhân viên y tế và người bệnh thì mình xin phép phản đối. Mình cho rằng, đây thực sự là một công tác chưa đủ tinh tế và có phần dễ khiến cho người bệnh cảm thấy thiếu tôn trọng, mà nếu có nhiều thời gian để suy xét về nó hơn thì thật tốt biết bao.
Tại Nhật, bảo vệ sự riêng tư cho người bệnh luôn được đề cao và được dạy dỗ kỹ từ khi còn là sinh viên. Trong bệnh viên tại các khoa hình ảnh, chụp cộng hưởng từ, chụp CT... thì đều có phòng để thay đồ chuyên dụng cho chụp chiếu.
Đơn giản nhất có thể đó chỉ là một phòng nhỏ được tạo ra bằng việc mắc một tấm rèm lớn nhưng vẫn đảm bảo được sự riêng tư cho người bệnh.
 
✍️ Mình cũng từng đi chụp CT ở bệnh viện nơi mình từng công tác. Do là người quen, và ngày hôm đó mình mặc áo không có cúc hay gọng kim loại nên khi mình hỏi kỹ thuật viên rằng:“EM CÓ CẦN THAY ĐỒ KHÔNG Ạ” ? Anh nhìn áo của mình trong có vẻ ổn liền tươi cười bảo: “không sao đâu.” Tuy nhiên, sau khi nằm nên bàn chụp anh đã soi và trước khi chụp CT, anh đã phát hiện bất thường và nói với mình rằng “hình như trên áo em có khoá phải không?”, mình kiểm tra lại thì đúng là áo có khoá cạnh sườn mà lúc đầu mình không để ý. Sau đó mình đi thay áo dành cho người chụp CT và tiến hành chụp như bình thường. Nên dù người bệnh là nhân viên y tế cũng nên tuân thủ đúng quy trình an toàn hơn cả.
Thông thường, khi chụp CT, X-quang, gần như 100% bệnh nhân đều được yêu cầu thay áo trước khi vào phòng chụp. Điều này vừa giúp đảm bảo tính chính xác cho kết quả, sự an tâm an toàn cho bệnh nhân, giúp việc chụp chiếu diễn ra suôn sẻ.
 
✍️ Cá nhân mình khi trải qua những điều này thì cảm nhận sâu sắc được việc giữ được sự riêng tư và trao đi những cử chỉ ân cần nhẹ nhàng cho bệnh nhân là một hành động vô cùng có giá trị trong công tác điều trị. Không chỉ các khoa hình ảnh hay chụp chiếu nói chung mới có điều này. Tại các phòng bệnh chung 4 người hay 6 người tại Nhật cũng luôn được thiết kế rèm kéo để tạo ra không gian riêng cho mỗi người bệnh và cả người nhà trong môi trường sinh hoạt chung.
Đặc biệt hơn nữa, tại các khoa sản hay bệnh viện, phòng khám sản thì việc giữ không gian riêng và bảo vệ sự riêng tư của mỗi người bệnh là một việc làm vô cùng được chú trọng. Dù là trẻ em gái, vị thành niên, trung niên hay cao niên thì đã đi khám sản, khám thai, theo dõi định kì, tầm soát….v..v…. thì việc phải để lộ phần cơ thể nhạy cảm là một việc không thể tránh khỏi. Do đó, tấm rèm trong khoa sản có một ý nghĩa hết sức to lớn. Mặc dù chỉ là tấm rèm mỏng giúp người bệnh không phải nhìn trực tiếp bác sĩ hay nhân viên y tế, nhưng lại là một việc “cứu cánh” hết sức tinh tế, vừa giúp cả đôi bên (bệnh nhân và bác sĩ) cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình thăm khám . Mình thiết nghĩ rằng nếu như trong các khoa sản hay phòng khám đều có trang bị những tấm rèm như vậy thì thực sự là một điều tuyêt vời.
 
💐 Ở bệnh viện phòng khám sản của Việt Nam hiện giờ có những tâm rèm không ạ?
Nếu chưa có rất mong hãy đề nghị làm! Hành động nhỏ và không tốn kém này sẽ làm người bệnh cảm động, sự tinh tế và cả sự tiện lợi cho chúng ta làm việc.
 
✍️ Những tấm rèm nhìn bình thường được thiết kế trong các bệnh viện Nhật cũng có những yêu cầu nhất định. Vậy những yêu cầu cơ bản đó là gì?
-Rèm phải đảm bảo được sự thoáng khí ( rèm có lỗ ở trên,…).
-Vật liệu rèm phải là vật liệu khó cháy hơn rèm thông thường, nhẹ.
-Lắp rèm không được quá lỏng dễ gây tai nạn, nhưng cũng không được lắp quá chắc. Lý do là đã từng có bệnh nhân treo cố bằng rèm nên việc này hết sức được chú ý.
 
✍️ Có những vật, những điều tưởng chừng rất đơn giản nhưng nó lại thể hiện được sự tinh tế trong dịch vụ chăm sóc người bệnh của một bệnh viện hay phòng khám y khoa bất kì nào đó. Chiếc rèm bảo vệ không gian riêng tư chính là một trong số vô vàn những điều đơn giản ấy.
 
Mình hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều và nhiều hơn nữa những sự thay đổi, giúp cho dịch vụ chăm sóc bệnh nhân được nâng cao hơn nữa, để những cô bé, cậu bé 19 tuổi ngày nào không còn phải “ngượng nghịu” khi đến khám. Tokyo đã chính thức vào hè. Gần 40 độ, nóng và dân tình đang trong tuần lễ nghỉ “tảo mộ” nhưng năm nay mọi người không có cơ hội đi du lịch nước ngoài và khá nhiều gia đình ở nhà phòng dịch. Hè 2019 có tới 74,350,000 người đi du lịch trong nước và 2,990,000 người đi du lịch nước ngoài. Đủ hiểu ít nhiều là đi tới đâu cũng sẽ thấy có người Nhật đi du lịch.
 
Năm ngoái mình đã ở VN 1 tháng hè công tác, du lịch và nghỉ dưỡng. Rất hy vọng lại sớm được về VN để có dịp tới thăm bệnh viện của các anh chị giao lưu và học hỏi.
 
Mong các anh chị tuyến đầu chống dịch luôn mạnh khỏe!
 
14/08/2020 Hayashi Huệ
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team