linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

CẢI TIẾN CHẤT LƯỢNG TỪ GỐC - THAY ĐỔI TỪ ĐÀO TẠO

Không phải tự nhiên mà Canada là một trong các nước có dược lâm sàng phát triển mạnh nhất hiện nay và dược sĩ có phạm vi hành nghề rất rộng. Giáo dục là một trong những yếu tố nền tảng có tính quyết định. Lần trước mình đã chia sẻ về Kỹ năng giao tiếp và kỳ thi chuẩn hoá. Mình sẽ tiếp tục chia sẻ dần dần nhiều khía cạnh. Hi vọng có thể mang đến thay đổi tích cực nhất định trong giáo dục y dược trong tương lai. Cảm ơn DS. Phan Quang Khải, PharmD candidate đã chia sẻ thêm thông tin từ Mỹ.
Mình hay nghe các thầy cô ở VN nói về mong muốn cải tiến giáo trình đào tạo. Mình cũng từng nghe nhiều bạn sinh viên than thở về chất lượng giáo trình trong trường.
 
Mình xin chia sẻ trải nghiệm của mình. Để thi chuyển đổi lấy bằng dược sĩ ở Canada, những người như mình được gọi là sinh viên quốc tế - International Graduates Pharmcist (IPG) phải tự tìm cách học, kiểu “Học thế nào không cần biết. Miễn chứng minh ngang năng lực sinh viên Dược đang học ở Canada là được”. Việc tự tìm tài liệu từ con số 0 và tự học là khổ sở lớn nhất với tụi IPG, vì mình chả biết phải bắt đầu từ đâu và học cái gì, như thế nào!
 
Rồi mình tình cờ quen được vài người bạn đang học Dược tại University of Alberta (Chia sẻ ngoài lề: Canada chỉ có đúng 10 trường Dược được công nhận. Là nước có diện tích lớn thứ hai thế giới, một tỉnh bang như Ontario đã có diện tích gấp 3 lần cả Việt Nam, mà chỉ có 1 trường Dược, có tỉnh không có trường Dược nào!). Mình mừng huýnh vội hỏi xin giáo trình để học ké. Và một điều thật sốc với mình lúc đó, khi bạn nói rằng: CHẢ CÓ GIÁO TRÌNH CHUNG NÀO CẢ! (Slide bài giảng là khác nhen).
 
- Thế các bạn học kiểu gì? 
- Bọn mình tự tìm kiếm tài liệu mà đọc, mà học!
- WHAT?!!
 
Đó là điều vô cùng mới mẻ với mình lúc đó. Mình không thể hiểu nổi: như thế thì sinh viên học theo cái gì để thi, thầy cô dựa vào đâu để chấm?! —> vẫn tư duy HỌC ĐỂ THI CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐI LÀM!
 
Thế nhưng đến giờ, tư duy mình hoàn toàn thay đổi với lối học này. Bởi vì:
- Khi hành nghề, bạn sẽ tra cứu guideline để trả lời câu hỏi về điều trị, hay coi giáo trình dược lý? Muốn xem liều thuốc thì tìm trên hướng dẫn sử dụng thuốc gốc hay tra sách dược lý, dược động?
- Khi hành nghề, liệu có giáo trình “chuẩn” nào cho bạn tham khảo? Liệu có ai ngồi chỉ bạn, khi gặp vấn đề này thì phải đọc tài liệu nào? 
- Khi bạn phải ra quyết định, có ai cho bạn đáp án “ĐÚNG” hoặc “SAI”?
- Nghiên cứu công bố trên NEJM còn bị mổ xẻ trái chiều, guideline của Mỹ với Châu Âu còn đá nhau chan chát. Hướng dẫn thay đổi mỗi năm. Nghiên cứu mới công bố mỗi ngày. Thì tại sao sinh viên lại có thể chỉ học kiến thức từ 1 giáo trình chung được?
- Và như bạn PharmD học ở University of Alberta nhắn với mình “thực tế là, nếu dùng tài liệu hay bài báo do chính giáo sư giảng dạy thì sẽ bị chỉ trích, vì như thế là bị bias (thiên vị)”!
 
Với cách đào tạo này, mà dược sĩ - cũng như các nhân viên y tế khác - ở Canada, khi cầm bằng hành nghề là đã phải có đủ mọi năng lực theo chuẩn chung của tất cả những người đang hành nghề. Không phải “học ở trường khác, đi làm lại khác”. 
 
Sẽ chẳng bao giờ có giáo trình nào đủ thực tế cả. Vì căn bản, thực tế lâm sàng chẳng hề dựa trên giáo trình.
 
Thay vào đó, chúng ta cần tự trau dồi kỹ năng tự tra cứu tài liệu.
 
Khi bàn về chọn lựa thuốc điều trị tăng huyết áp thì phải biết tham khảo guideline. 
- Có bao nhiêu guideline uy tín hiện hành? Các guideline này giống và khác nhau ra sao? Ưu nhược điểm là gì?
- Bạn tra theo guideline của Mỹ hay Canada, Anh hay Úc cũng được, vấn đề là cách biện luận cho quan điểm của mình: tại sao guideline của Châu Âu vẫn còn khuyến cáo beta blocker khi khởi đầu điều trị tăng huyết áp, trong khi guideline của Mỹ lại không? Nếu vẫn muốn chọn beta blocker thì khi nào là hợp lý? Khuyến cáo của họ dựa trên chứng cứ nào? Mức độ chứng cứ cao hay thấp? Cái nào phù hợp với thực tế lâm sàng ở VN hơn? Đâu là điểm được đồng thuận cao trên lâm sàng? Đâu là vùng xám thiếu chứng cứ/ còn đang tranh cãi?
 
Đây chẳng phải mới là những gì chúng ta làm trên thực tế hay sao? 
 
Một tư duy khác biệt nữa ở đây, đó là mọi nhân viên y tế là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình - health PROFESSIONALS. Mà chuyên gia thì phải có riêng PROFESSIONAL JUDGEMENT - khả năng đánh giá chuyên môn dựa trên lý lẽ và bằng chứng thuyết phục. Vì không ai có thể “định đoạt” thay cho chính chuyên gia cả.
 
Tự tra cứu và biện luận, chính là tự xây dựng professional judgement từ ghế nhà trường. Thầy cô là người gợi mở, không phải người định đoạt.
 
FB: Trang Tran Thu Pham
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team