linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Phần 1: Lựa chọn chỉ số chất lượng để đo lường (Selection of Quality indicators - QI)

Việc đo lường QI khác với cách tiếp cận của việc đo lường các chỉ số mang tính theo dõi và đánh giá (Monitoring and Evaluation (M&E) Approach ) ở chỗ M&E được thiết kế và thiết lập hệ thống đo lường để sử dụng dữ liệu và mục đích báo cáo và không nhất thiết phải diễn giải các thử nghiệm (các giải pháp, đề xuất cải tiến) xem coi có hiệu quả, có thay đổi, tác động gì lên hệ thống sau khi triển khai hay không. Còn đối với QI, mục tiêu chính của việc đo lường trong nỗ lực cải tiến là làm sao định lượng được sự ảnh hưởng của các giải pháp, đề xuất cải tiến sau khi triển khai (kiểm tra tính hiệu quả của giải pháp)

Tiêu chí lựa chọn chỉ số, dựa vào đâu?

- Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị và kế hoạch, mục tiêu của BV
 
- Báo cáo sự cố nghiêm trọng/ đặc biệt nghiêm trọng
 
- Hoạt động đánh giá rủi ro
 
- Đáp ứng nhu cầu của BN, thân nhân, nhân viên và đối tượng khác (hỏi ý kiến, khảo sát)
 
- Tác động đến kết quả chăm sóc, an toàn, quyền và sự hài lòng người bệnh
 
- Sử dụng các bằng chứng dựa trên thực tế và các phác đồ điều trị, tiêu chuẩn lâm sàng, tài liệu khoa học và các thông tin dựa trên bằng chứng trong việc xây dựng phác đồ điều trị
 
- Quy trình/ thủ thuật có nguy cơ cao sau khi xem xét các rủi ro liên quan
 
- Các dữ liệu có sẵn khác tại BV
 
Một chỉ số tốt, nên là chỉ số đo lường quá trình, hoặc đo lường kết quả chăm sóc điều trị. Chỉ số được dùng để theo dõi và đánh giá chất lượng của các chức năng quản trị, quản lý, về chất lượng lâm sàng, các dịch vụ hỗ trợ lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, dược,…) ảnh hưởng đến kết quả đầu ra trên người bệnh, tổ chức.
 
Một mục tiêu có thể được đo lường thông qua nhiều hơn 1 chỉ số. Ví dụ: mục tiêu của khoa Nội tiết là tăng cường công tác chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường. Các chỉ số chất lượng được đo lường tương ứng với mục tiêu này có thể bao gồm:
 
- Chỉ số 1: Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường được điều trị đúng phác đồ điều trị
 
- Chỉ số 2: Tỷ lệ tuân thủ lịch tái khám của bệnh nhân đái tháo đường
 
Chỉ số dạng tỷ lệ và chỉ số không dựa trên tỷ lệ?
 
a. Chỉ số không dựa trên tỷ lệ (non-rate based indicators)
 
- Số ca phẫu thuật sai vị trí
- Số sự cố nghiêm trọng liên quan đến sử dụng thuốc
- Số ca té ngã của bệnh nhân nội trú
 
b. Chỉ số dạng tỷ lệ (rate based indicators)
 
- Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay
- Tỷ lệ tuân thủ lịch diễn tập phòng cháy chữa cháy của phòng mổ
- Tỷ lệ tuân thủ tiêm an toàn
 
Các khía cạnh đo lường của một chỉ số:
Cần Phân biệt chỉ số đo lường quá trình và kết quả đầu ra, ví dụ: mục tiêu phòng ngừa té ngã đối với bệnh nhân nội trú
 
- Chỉ số đo lường quá trình:
o Tỷ lệ tuân thủ bảng kiểm đánh giá nguy cơ té ngã
o Tỷ lệ tuân thủ tái đánh giá nguy cơ té ngã
o Tỷ lệ tuân thủ biện pháp can thiệp phòng ngừa té ngã
 
- Chỉ số đo lường kết quả:
o Tỷ lệ té ngã trên 1000 ngày nằm viện
o Tỷ lệ chấn thương do té ngã
 
Ngoài ra, khi xây dựng một chỉ số, hãy cân nhắc 1 vài đặc điểm sau đây: tính hiệu quả, tính khả thi và mức độ nỗ lực cần thiết để thu thập thông tin. Ví dụ: Tỷ lệ tuân thủ bảng kiểm an toàn phẫu thuật: Kiểm tra thực tế tại phòng mổ? Kiểm tra qua camera phòng mổ? Kiểm tra hồ sơ bệnh án đóng? Mỗi phương pháp giám sát đều có ưu nhược điểm, cần cân nhắc lựa chọn, tránh trường hợp quá cầu toàn, lựa chọn quá nhiều chỉ số, phương pháp đo lường tốn kém, khó thu thập, thiếu thực tế dẫn đến không ai muốn làm.
 
Nói tóm lại, chỉ số chất lượng cần xây dựng 1 nhóm chỉ số cấp bệnh viện (hospital-wide quality indicators) nghĩa là tất cả các khoa/ phòng đều phải tham gia vào các chỉ số này, thể hiện mục tiêu chung muốn hướng đến của cả tổ chức, 1 nhóm chỉ số cấp khoa phòng (department-wide quality indicators) thể hiện mục tiêu chất lượng riêng đặc thù của khoa nhưng vẫn align với mục tiêu chung của tổ chức.
 
Lựa chọn chỉ số đo lường cấp bệnh viện là trách nhiệm của lãnh đạo BV dựa trên quyết định những lĩnh vực được xác định cần ƯU TIÊN để đo lường trên toàn BV. Do hạn chế về nguồn lực, không phải mọi quy trình trong bệnh viện đều có thể đo lường và cải tiến cùng một lúc, do đó phải có sự ưu tiên. Ví dụ, đo lường, giám sát sự tuân thủ 6 mục tiêu an toàn người bệnh quốc tế (6 IPSGs)
 
- IPSG1: đảm bảo xác định chính xác người bệnh
 
Gợi ý chỉ số IPSG1: Tỷ lệ tuân thủ định danh người bệnh
 
- IPSG2: đảm bảo giao tiếp hiệu quả
 
Gợi ý chỉ số IPSG2: Tỷ lệ sử dụng chữ viết tắt không được phép sử dụng trong hồ sơ bệnh án, Số sự cố bất lợi xảy ra cho NB liên quan đến quá trình bàn giao, Tỷ lệ tuân thủ quy trình bàn giao, y lệnh miệng
 
- IPSG3: đảm bảo an toàn sử dụng thuốc
 
Gợi ý chỉ số IPSG3: Tỷ lệ sai sót thuốc, tỷ lệ sai sót thuốc liên quan đến thuốc cảnh báo cao
 
- IPSG4: đảm bảo an toàn phẫu thuật (đúng vị trí, đúng phương pháp và đúng người bệnh)
 
Gợi ý chỉ số IPSG4: tỷ lệ tuân thủ bảng kiểm an toàn phẫu thuật, thủ thuật
 
- IPSG5: kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
 
Gợi ý chỉ số IPSG5: tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay
 
- IPSG6: Giảm nguy cơ và hậu quả do ngã
 
Gợi ý chỉ số IPSG6: tỷ lệ té ngã trên 1000 ngày nằm viện
 
Một buổi họp giữa lãnh đạo BV và các trưởng khoa/ phòng dưới sự điều phối của phòng QLCL là cần thiết để xác định đâu là cái cần được ưu tiên lựa chọn để đo lường, có dữ liệu, có căn cứ, có tham khảo, phản biện, ý kiến đóng góp, trao đổi thống nhất thì chỉ số chất lượng cấp bệnh viện mới có giá trị và phản ảnh đúng cái mà tổ chức mình đang quan tâm hơn là đem bộ chỉ số chất lượng của nơi khác về áp cho BV mình. Tương tự đối với chỉ số chất lượng của khoa/ phòng, ưu tiên của tổ chức đã được xác định, vậy từng khoa từng phòng mới ngồi suy nghĩ xem, vai trò của khoa mình, phòng mình sẽ làm gì để cùng chung 1 chí hướng, góp phần vào việc đạt mục tiêu chung của BV.
 
Trân trọng,

FB: Linh Ngoc Khanh Nguyen
 

 

THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team