linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

CHIA SẺ VỀ HOẠT ĐỘNG DƯỢC LÂM SÀNG TẠI CANADA - Kỳ 1: TỔNG QUAN VỀ DƯỢC SĨ LÂM SÀNG

#chiasetuCanada
Có thể nói, Canada là một trong những nước rất mạnh về dược lâm sàng, dược sĩ được đào tạo chuyên sâu và có phạm vi hành nghề rất rộng. Mình xin chia sẻ đôi nét về hoạt động dược lâm sàng ở Canada.
 
Khác với VN là dược sĩ lâm sàng hầu như chỉ làm ở bệnh viện, ở Canada thì đã là dược sĩ = làm lâm sàng. Nếu không làm lâm sàng thì không được gọi là dược sĩ. Nói cách khác, “pharmacist” hay “registered pharmacist” là danh xưng có bảo hộ, tức phải có giấy phép hành nghề (license) với Ban quản lý nghề nghiệp (College Board). 
 
Dù có bằng Dược mà không có giấy phép và không làm lâm sàng, chẳng hạn làm giảng dạy hay nhà máy xí nghiệp, công ty Dược thì không được gọi là “pharmacist”. Tương tự, dược sĩ thực tập (pharmacist intern) và dược tá (pharmacy technician) cũng là danh xưng có bảo hộ.
 
Cũng như bác sĩ, dược sĩ là bậc sau đại học và “pharmacist” tức PharmD hoặc Bpharm là bậc đào tạo để hành nghề về lâm sàng. Còn tiến sĩ (PhD) là theo hướng nghiên cứu. Chứ không phải dược sĩ học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ như VN.
Nên ở Canada, cả dược sĩ bệnh viện và dược sĩ cộng đồng đều làm lâm sàng. Chỉ khác nhau chủ yếu ở:
 
👉 ĐỐI TƯỢNG LÀM VIỆC: 
 
- DS bệnh viện gặp bác sĩ, y tá, các nhân viên y tế khác trong BV là chính hơn là với bệnh nhân.
- DS cộng đồng gặp trực tiếp bệnh nhân và giao tiếp với bác sĩ chủ yếu qua điện thoại, fax.
 
👉 THUỐC: 
 
- DS bệnh viện làm việc chủ yếu với thuốc tiêm truyền, thuốc đặc trị trong bệnh viện.
- DS cộng đồng làm việc với các thuốc ngoại viện, các bệnh mãn tính là chính.
 
👉 ÁP LỰC CÔNG VIỆC: có lẽ khác VN là DS cộng đồng làm cực hơn DS bệnh viện, xét ở góc độ business:  
 
- Tuỳ chỉ tiêu của nhà thuốc mà phải làm liên tục không nghỉ, có thể làm 10-12 tiếng, ít nghỉ phép nghỉ bệnh vv...
- Cạnh tranh nhiều hơn.
- DS bệnh viện có team hỗ trợ mạnh hơn DS cộng đồng: các nhà thuốc thuốc cộng đồng thường chỉ có 1-2 dược tá hỗ trợ hoặc có khi không có ai, 1 dược sĩ phải lo hết. 
- DS cộng đồng không phải trực đêm, nhưng cũng có nhà thuốc mở 24 giờ thì có thể làm ca đêm.
Tất nhiên đây là so sánh mặt bằng chung, còn cụ thể mỗi nơi mỗi khác tuỳ nhà thuốc. 
 
👉 CHUYÊN MÔN: không ai cao hơn ai, mà là tập trung vào các mảng đặc thù khác nhau. 
 
- DS bệnh viện có thể có chuyên khoa nhất định, phối hợp bác sĩ trong việc ra phác đồ điều trị và mạnh về tính toán dược động học - pha chế vì chủ yếu làm thuốc tiêm truyền. 
- DS cộng đồng thì làm các chăm sóc lâm sàng trực tiếp với bệnh nhân như: kê toa (một số tỉnh mới cho phép), duyệt và điều chỉnh toa thuốc, theo dõi và xem xét điều trị nhất là các bệnh mãn tính (gọi là medical review/care plan), tư vấn tiêm chủng khi đi du lịch, tiêm chích dưới da, tư vấn cai thuốc lá, yêu cầu và phiên giải xét nghiệm, thực hiện nhiều xét nghiệm nhanh tại nhà thuốc như strep test, A1C, flu test, COVID test, đo huyết áp ... Nhiều hoạt động phải học và thi chứng chỉ mới được cấp phép làm (certified).
 
👉 THU NHẬP: DS cộng đồng cao hơn DS bệnh viện. Nhưng bù lại DS bệnh viện có nhiều lợi ích khác như ngày phép, lương hưu, làm ít giờ hơn, công việc ổn định hơn...
 
Còn lại về phạm vi hành nghề (scope of practice), chuyên môn lâm sàng, hiểu biết không có khác biệt. Chỉ là thực tế cũng tuỳ sự học hỏi và mong muốn phát triển bản thân của mỗi dược sĩ nữa.
 
Ngoài ra, còn có dược sĩ gia đình, dược sĩ tại các nhà dưỡng lão...
 
Tran Thu Trang Pham - Registered Pharmacist, Ontatio, Canada.
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team