linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

PHÒNG NGỪA VÀ HƯỚNG XỬ LÝ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ Y TẾ TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG

Người bệnh tìm đến bác sĩ và chuyên gia y tế để được chẩn đoán chính xác, chăm sóc chất lượng và hy vọng sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi bệnh nhân đều đạt hiệu quả như mong muốn. Một số trường hợp nhân viên y tế được cho rằng, đã gây thêm thương tích cho bệnh nhân, thậm chí có trường hợp tử vong khiến bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân đâm đơn khởi kiện. Vậy ai phải chịu trách nhiệm cho những gì bệnh nhân phải chịu trong quá trình được chăm sóc và điều trị?

I. TỔNG QUAN

Một trường hợp pháp lý y tế: Là một trường hợp bị thương tích, bệnh tật hoặc tử vong trong bệnh viện cần được điều tra qua bởi các cơ quan thực thi pháp luật để xác định trách nhiệm liên quan đến nguyên nhân gây ra thương tích, bệnh tật hoặc tử vong nói trên. Nói cách khác, đây là một vụ án y tế có ý nghĩa pháp lý đối với NVYT, đa số đối với BS điều trị, sau khi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho một bệnh nhân, thấy rằng BN này cần được cơ quan thực thi pháp luật điều tra.
 
Nghề y là nghề có tiêu chuẩn đạo đức và quy tắc ứng xử chuyên biệt luôn được mọi nhân viên y tế (NVYT) áp dụng trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, một khi bệnh nhân hay gia đình nộp đơn khởi kiện nhân viên y tế về sai sốt y khoa gây hậu quả thương tật hoặc tử vong, lúc này chính các chuyên gia y tế hàng đầu lại là người được mời trong hội đồng thẩm định sai sót y khoa này, bởi các luật sư hay thẩm phán tòa án không được đào tạo về y tế một cách khoa học. Đó là lý do mà Tòa án sẽ căn cứ ý kiến của các chuyên gia trong hội đồng thẩm định chuyên môn. Tùy vào tính chất và mức độ của sai sót y tế, ý kiến các chuyên gia được đưa ra một cách thận trọng và hợp lý.Sai sót y tế có 3 mức độ: Rất nghiêm trọng (gross negligence, culpa lata); Nghiêm trọng (ordinary neglect, levis culpa); Nhẹ (slight neglect, levissima culpa)
 
Thẩm định mức độ sai sót y khoa tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ phụ thuộc vào thời gian và địa điểm xảy ra sai sót, bối cảnh xảy ra sai sót, tâm trạng, thái độ của NVYT trước khi xảy ra sai sót, độ phức tạp của vấn đề hay nguy cơ dẫn đến sai sót,… Tất cả các yếu tố trên đều được các chuyên gia y tế thảo luận một cách kỹ lưỡng trong buổi họp thẩm định nhăm có một kết luận khách quan, hợp tình hợp lý để NVYT, đặc biệt là bác sĩ (BS) không bị truy tố vì những lý do không thực tế.
 
Bản chất y khoa là một nghệ thuật đòi hỏi phải căn cứ trên nền tảng khoa học. Do đó, tính hợp lệ và độ tin cậy ý kiến của các chuyên gia y tế phải dựa vào các dữ kiện và ý kiến được suy luận một cách logic cũng như dựa trên kiến thức, niềm tin và kinh nghiệm của họ. Trong khi đó, một ví dụ về trường hợp thương tích do tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm thường là vấn đề thực tế.
 
Trong đa số trường hợp bệnh nhân và gia đình khởi kiện NVYT ra tòa đều xuất phát từ một số lý do: Bệnh nhân và người nhà có cảm giác rằng họ không được quan tâm, không được lắng nghe, không được đáp ứng ngay tức thì nhu cầu mà học đưa ra,… mặc dù NVYT đã và đang rất cố gắng thực hiện tốt nhật có thể các dịch vụ y tế cho họ. Vấn đề xảy ra ở chỗ quan hệ giữa NVYT và bệnh nhân, gia đình đang có vấn đề trở ngại chủ yếu trong giao tiếp dẫn đến phát sinh từ hiểu lầm này đến hiểu lầm khác.
 

II. PHÒNG NGỪA TRƯỜNG HỢP BỆNH NHÂN KHIẾU KIỆN

Một số vấn đề cơ bản NVYT cần thực hiện để không xảy ra một trường hợp BN khiếu kiện.
 
2.1. Hướng về bệnh nhân và gia đình
 
  • Thay đổi thái độ chính mình: Thay đổi là chân lý không thể thay đổi của con người. Khi NVYT sẵn sàng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, có nghĩa rằng họ có thể phòng ngừa được sai sót y tế và cải thiện chất lượng chăm sóc và điều trị.

                - Luôn làm tốt nhất: Bác sĩ điều trị không nên để tình trạng mệt mỏi hoặc bất cứ điều gì khác cản trở công việ. Mặc dù không ai là hoàn hảo, nhưng bằng cách tận tâm có thể tránh được sai sót y khoa.

                - Lời xin lỗi: Một khi sai sót y khoa đã xảy ra nhưng BS đã và đang rất trung thực nhận lỗi về minh và chân thành xin lỗi bệnh nhân, kết quả chi phí nói chung do sai sót y khoa sẽ giảm xuống đang kể. Thêm vào đó, bệnh nhân và gia đình nhanh chóng có được niềm tin trở lại với BS, với bệnh viện. Họ sẽ chọn lựa bệnh viện là nơi tiếp tục cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho họ.
                - Đồng cảm: Bệnh nhân luôn tin rằng căn bệnh của họ và chính họ là người quan trọng nhất trước bác sĩ họ sẽ gặp nên họ muốn bác sĩ phải tập trung 100% vào họ. Mặc dù điều này là không khả thi, nhưng nếu BS dành thời gian để suy nghĩ rằng chính mình cũng là bệnh nhân, BS sẽ hiểu hơn từ quan điểm của người bệnh, sẽ giúp BS trở nên đồng cảm hơn, để xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa bản thân BS và bệnh nhân. Khi bệnh nhân và gia đình thấy rõ mối quan hệ tích cực giữa họ và BS, họ sẽ có ít khả năng kiện BS ngay cả khi có sự cố xảy ra.
               - Luôn cập nhật: Đa số BS luôn quan tâm và cập nhật kiến thức trong các chương trình / hội nghị / hội thảo chuyên đề về y tế hay các chương trình đào tạo liên tục mới nhất, nhưng họ lại quên hoặc không quan tâm những vấn đề hay kiến thức y tế, phổ thông hay tin tức y tế đang diễn ra hằng ngày trên các báo, đài, internet hay mạng xã hội mà BN hay gia đình bệnh nhân hàng ngày được cập nhật. Do vậy, khi tư vấn sức khỏe, BS phải am hiểu và thảo luận những vấn đề mà bệnh nhân và gia đình đưa ra những câu hỏi họ có được từ những tin tức y tế nêu trên.
  • Không đối xử theo cảm tính, thương hại hoặc “xin-cho”. Không trả lời với bệnh nhân và gia đình một cách chung chung hoặc vòng vo. Trong vai trò BS hoặc Điều dưỡng có nhiệm vụ chăm sóc và điều trị, cần cho bệnh nhân và gia đình hiểu một cách rõ ràng về vấn đề sức khỏe của họ. Hãy chứng minh cho họ biết rằng BS hay ĐD đã hiểu rõ và đã hoặc đang cố gắng tốt nhất công việc thực hiện điều trị và chăm sóc họ. Kết quả tốt đạt được khi giải thích, đó là trong khi nói, cần giao tiếp với bệnh nhân, gia đình bằng mắt, cần có cử chỉ nhẹ nhàng, đặt bàn tay an ủi lên cánh tay người bệnh.
  • Giải thích một cách rõ ràng, cặn kẽ về khả năng cao nguyên nhân nào ảnh hưởng sức khỏe, chẩn đoán nghi ngờ ban đâu là gì. Cần làm gì để có chẩn đoán chính xác và kế hoạch điều trị như thế nào trước và sau khi chẩn đoán chính xác được xác định. Các phương thức điều trị chọn lựa, kể cả việc không điều trị và hậu quả của không điều trị. Tiên lượng gần và tiên lượng xa của bệnh như thế nào.
  • Tư vấn khả năng biến chứng: Nếu BS biết trước BN đang có nguy cơ có thể dẫn đến việc xuất hiện một hoặc hơn biến chứng quan trọng, BN cần đưiợc giải thích rõ ràng về các phương thức điều trị. Một khi BN chọn một trong các phương thức điều trị BS đã tư vấn, BN cần ký vào mẫu đơn đồng ý cho việc tự quyết định thực hiện phương thức điều trị của mình.
  • Thời gian càng lâu BS dành cho BN để giải thích về những lo lắng, quan tâm của BN, BS càng có cơ hội thể hiện sự quan tâm, đồng cảm và dễ mến của mình trong mắt bệnh nhân và gia đình. Một số nghiên cứu chứng minh, thời gian mà bác sĩ dành cho bệnh nhân càng lâu thì khả năng bác sĩ đó bị kiện càng ít.
  • Không cấp toa thuốc điều trị theo kiểu “vô thưởng vô phạt”. Cấp toa điều trị theo kiểu “cho có”, có nghĩa là lợi thì không có lợi mà hai cũng không có hại.
 
2.2. Sự tuân thủ của nhân viên y tế
 
  • Hướng dẫn lâm sàng: Tuân thủ các hướng dẫn lâm sàng là một cách hiệu quả không những cải thiện chất lượng mà còn làm giảm sự khác biệt trong chăm sóc và điều trị. Các hướng dẫn lâm sàng đã được xây dựng một cách có hệ thống trên toàn quốc và thế giới để hỗ trợ việc thực hành y học dựa trên bằng chứng. Trước tòa án, các khiếu nại về sai sót y tế luôn được xem xét, đối chiếu với các hướng dẫn lâm sàng này. Chúng được coi là tiêu chuẩn quy phạm tại thời điểm xảy ra sự kiện sai sót y tế để đánh giá mức độ thực hành có phù hợp hay không phù hợp với các tiêu chuẩn được chấp nhận bởi cấp quản lý y tế quốc gia (Bộ Y tế) hoặc phù hợp y văn thế giới.
  • Quy trình – chính sách bệnh viện: Tuân thủ áp dụng các quy trình bệnh viện, là các hướng dẫn về chuyên môn được hội đồng cố vấn chuyên môn xây dựng và ban Giám Đốc bệnh viện phê duyệt, nhằm phù hợp với vai trò, chức năng và danh mục kỹ thuật của bệnh viện được Bộ Y Tế cấp phép hoạt động, phù hợp với mô hình bệnh tật của bệnh viện,… Nếu BS tuân thủ quy trình và chính sách của bệnh viện về phương pháp điều trị, về phác đồ, họ sẽ ít gặp rắc rối hơn. Nếu BS không tuân theo các quy định và nội quy bệnh viện trong việc quản lý bệnh nhân, bệnh viện khó có nhiều khả năng bảo vệ họ.
  • Ghi chép tài liệu, hồ sơ bệnh án: Nếu bác sĩ điều trị không ghi lại những công việc đã và đang thực hiện hay ghi chép lại điều gì đó đã xảy ra, rất khó để chứng minh nó đã xảy ra. Tuân thủ điền đầy đủ các hạng mục và chi tiết, lập biểu đồ chính xác và kỹ lưỡng,… có thể giúp hiểu được những gì đã xảy ra với bệnh nhân. Ngoài ra, nó sẽ giúp trả lời trước Tòa các câu hỏi được nêu ra về nghĩa vụ chăm sóc và điều trị vài tháng hoặc nhiều năm sau sự cố xảy ra. Trí nhớ không được áp dụng. Tài liệu, hồ sơ bệnh án ghi chép càng chi tiết, kỹ lưỡng và đầy đủ, chi phi do đền bù cho BN và án phí nếu BN khởi kiện sai sót y tế ra tòa càng thấp.
  • Khả năng bệnh nhân sẽ khởi kiện: Bác sĩ nên coi tất cả bệnh nhân đều có thể khởi kiện mình để tự giữ mình luôn tỉnh táo trong việc tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn chăm sóc y tế theo quy định và tránh bất kỳ nỗ lực mạo hiểm nào. Bác sĩ không nên bỏ qua bất kỳ than phiền hay cáo buộc nào của bệnh nhân và gia đình dưới bất kỳ hình thức nào (bằng miệng hoặc bằng văn bản) và BS phải có khả năng xử lý các than phiền hay cáo buộc đó một cách rõ ràng, trung thực, thông minh, khéo léo trên tình thần cảm thông và thấu hiểu.
  • Quản lý rủi ro: Khi bác sĩ cảm nhận một bệnh nhân có khả năng khởi kiện y tế, BS nhanh chóng phải thông báo cho bộ phận quản lý rủi ro của bệnh viện. Quản lý rủi ro xem xét việu liệu có thuê các luật sư chuyên về sơ suất y tế tư vấn. Luật sư sẽ giúp bác sĩ và giúp BS hiểu về sự chuẩn bị, sẵn sàng cho những gì sắp tới sẽ xảy ra để giúp BS giảm bớt lo lắng.

III. NÊN VÀ KHÔNG NÊN LÀM KHI NHÂN VIÊN Y TẾ BỊ KHỞI KIỆN

3.1. Việc nên làm
 
  • Thông báo ngay lãnh đạo bệnh viện và công ty bảo hiểm nghề nghiệp: Công ty bảo hiểm thay mặt bệnh viện và BS càng sớm càng tốt nghĩa là bệnh viện và BS sẽ có đại diện pháp lý càng hanh càng tốt. Luật sư của công ty bảo hiểm sẽ trực tiếp thảo luận với BN, sẽ tư vấn cách mà BS và bệnh viện cần chuẩn bị,… trước khi vụ kiện được đưa ra xét xử tại tòa án.
  • Kiểm tra chính sách bảo hiểm và hợp đồng công việc: NVYT cần xem lại chính sách của công ty bảo hiểm quy định về sai sót y tế để biết chính xác những gì được bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, quyền và trách nhiệm của công ty bảo hiểm. Bên cạnh dó, NVYT cần xem lại hợp đồng tuyển dụng để xác định trách nhiệm của chính NVYT và của người sử dụng lao động.
  • Luôn hỏi: Nhân viên y tế luôn đặt ra những câu hỏi gởi luật sư đặc biệt hỏi về quá trình từ lúc bị khởi kiện đến lúc xét xử sẽ mất thời gian bao lâu, các bước cho quá trình này thực hiện như thế nào, bao gồm những gì,… và hỏi bất kỳ câu hỏi nào khác mà NVYT có.
  • Tham vấn, trao đổi với BS tâm lý nếu thấy cần thiết: Bị kiện vì sai sót y tế là một cú sốc về tinh thần tinh thần và cảm xúc. NVYT rất khó hoặc không thể chia sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp hay người thân trong gia đình khiến NVYT càng tạo áp lực và căng thẳng. Lúc này NVYT cần tìm đến một chuyên gia tâm lý để cùng trò chuyện và được tư vấn.
  • Cư xử đúng mực với người khởi kiện: Một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 10% bệnh nhân, mặc dù gởi đơn khởi kiện NVYT, nhưng họ hoặc gia đình họ vẫn tiếp tục chọn bệnh viện hay BS mà họ khởi kiện để được nhận dịch vụ chăm sóc y tế. Đối với những trường hợp này, bệnh viện hay BS phải cẩn thận trong việc cung cấp cho họ dịch vụ chăm sóc sức khỏe với những điều kiện hoàn toàn không liên quan đến vụ kiện. Việc bệnh viện hay BS lơ là hay bỏ mặc bệnh nhân có thể được coi là sự thừa nhận lỗi sai sót y tế thuộc về bệnh viện và bác sĩ.
 
3.2. Việc không nên làm
 
  • Không hoảng sợ: Bị kiện là chuyện không hiếm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tỷ lệ có lợi nghiêng về bệnh viện hay bác sĩ cũng không nhỏ. Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên Archives of Internal Medicine cho thấy hơn một nửa vụ kiện do bệnh nhân hay khách hàng gởi đã bị tòa bác bỏ. Phần còn lại, hầu hết được giải quyết và 80% phán quyết có lợi nghiêng về bác sĩ.
  • Không nói chuyện với bất kỳ ai ngoài luật sư đại diện. Đây là quy tắc quan trọng nhưng khó thực hiện bởi bản tính con người luôn muốn chia sẻ để vơi bớt tâm trạng nặng nề lo lắng. Tuy nhiên, các trò chuyện với những người không liên quan vụ kiện có thể bị phát hiện và có thể tạo ra suy luận bất lợi rằng NVYT đang tìm kiếm những lý do nào đó từ người khác nhằm giảm trách nhiệm pháp lý.
  • Không làm thay đổi hồ sơ, bệnh án: Thay đổi nội dung hồ sơ bệnh án là một việc làm rất nguy hiểm. Các luật sư của nguyên đơn sẽ phát hiện bất kỳ thay đổi nào và coi đó là yếu tố chứng minh BS nỗ lực che giấu hoặc tiêu hủy bằng chứng. Trong trường hợp cần thay đổi, những thay đổi đó cần được ghi ngày tháng tại thời điểm thay đổi, ghi lý do thay đổi, họ tên người thay đổi kèm chữ ký. Tuy nhiên, một khi bệnh nhân hay gia đình đã khởi kiện, hồ sơ bệnh án của họ phải được niêm phong để hạn chế nghiêm ngặt nhiều người tiếp cận hồ sơ bệnh án đó.
  • Không tự điều tra: Động thái tự nhiên khi bị kiện, NVYT quay lại và xem xét vụ việc, tìm kiếm lỗi, sửa hồ sơ hoặc bổ sung không đầy đủ, tìm sự liên quan hoặc trách nhiệm của các đồng nghiệp khác, v.v. Điều này có thể liên quan đến việc nói chuyện với đồng nghiệp, nhân viên và những người khác liên quan hay không liên quan đến vụ việc,… có thể được coi là một nỗ lực để ngăn chặn cuộc điều tra của cơ quan chức năng hoặc che đậy hành vi sai trái.
  • Không nói chuyện với phía nguyên đơn: Luật sư của nguyên đơn rất hay gọi điện hoặc gửi email đến bác sĩ bị đơn để yêu cầu cung cấp hồ sơ hoặc thông tin liên quan vụ kiện. Không trả lời những yêu cầu hoặc không nói chuyện với luật sư hoặc bất kỳ ai ở phía nguyên đơn vì các cuộc trò chuyện đó có thể được phía nguyên đơn sử dụng để chống lại bệnh viện và bác sĩ. Chỉ có luật sư phía bị đơn là bệnh viện, bác sĩ xử lý các yêu cầu của nguyên đơn là phía bệnh nhân. Và tất nhiên, luật sư của bị đơn sẽ không thỏa thuận hoặc đưa ra một giải pháp dàn xếp nào.
  • Không sử dụng luật sư cá nhân: NVYT không sử dụng luật sư cá nhân của mình trừ khi một NVYT hay BS bị kiện thường xuyên và luật sư riêng của họ là một chuyên gia am hiểu rất sâu về sai sót y tế, sẽ an toàn hơn nếu so với luật sư của công ty bảo hiểm nếu đại diện cho thân chủ của mình.
  • Không tự mình dàn xếp: Hầu hết các trường hợp sai sót y tế đều được giải quyết ngoài tòa án. Bệnh viện và BS không tự dàn xếp, thỏa thuận nếu không có lời đề nghị của tòa án. Những sự tự dàn xếp sẽ khiến phía nguyên đơn hiểu lầm phía bị đơn thừa nhận có lỗi.

IV. KẾT LUẬN

Trong xã hội đầy tranh tụng hiện nay cùng với sự thiếu tin tưởng lớn giữa bệnh nhân và ngành y tế, đã và đang hình thành khoảng cách ngày càng lớn, bác sĩ hoặc nhân viên y tế trong thực hành lâm sàng phải luôn tỉnh táo nhằm nhận thức được mối đe dọa tiềm tàng của việc bị kiện. Để có được sự bảo vệ b trong những tình huống không mong muốn như vậy, ngoài tính chuyên nghiệp, bác sĩ hoặc nhân viên y tế cần thể hiện tính chính trực. Nếu bệnh nhân hoặc gia đình có ý kiến bất lợi cho đồng nghiệp của mình: không phê bình bác sĩ hay nhân viên y tế khác trước mặt bệnh nhân và gia đình mà thay vào đó là những câu cần nói như: Cô ấy hay anh ấy đã làm tốt nhất những gì có thể làm được. Câu nói này ít ra sẽ xoa dịu tình hình căng thẳng hoặc không hài lòng của bệnh nhân và gia đình ở một mức độ nhất định. Lỗi y tế sẽ không gây nên sai sót y tế nếu nó được nhận ra kịp thời và có biện pháp khắc phục ngay lập tức.
 
Parthapratim Gupta, Khoa phẫu thuật của Viện chăm sóc sức khỏe trẻ em Kolkata, West Bengal, India đã ví von: “Thực hành lâm sàng để điều trị, chăm sóc sức khỏe y tế giống như lái xe qua đường cao tốc, rất dễ xảy ra tai nạn và cũng không đoán trước được tai nạn sẽ xảy ra lúc nào. Đảm bảo rằng người lái xe có năng lực (chuyên môn cao), hệ thống đánh lửa xe tốt (đồng thuận của bệnh nhân), bộ máy hoạt động tốt với dầu động cơ và nhiên liệu đủ cho hành trình (tài liệu, hồ sơ bệnh án), thiết lập GPS (liên lạc), và hệ thống phanh tốt (biết khi nào nên dừng) sẽ tránh được tai nạn”.
 
References:
 
1. Bevinahalli N. Raveesh, Ragavendra B. Nayak, and Shivakumar F. Kumbar. Preventing medico-legal issues in clinical practice. Ann Indian Acad Neurol. 2016 Oct; 19 (Suppl 1): S15–S20.
 
2. Sonny Bal, MD, MBA. An Introduction to Medical Malpractice in the United States. Clin Orthop Relat Res. 2009 Feb; 467(2): 339–347.
 
3. Femi Oyebode. Clinical errors and medical negligence. Med Princ Pract. 2013;22(4):323-33. doi: 10.1159/000346296. Epub 2013 Jan 18.
 
4. James F. Sweeney. What to do if you are sued for malpractice. Medical Economics: Volume 97, Issue 4 February 18, 2020
Parthapratim Gupta. Avoiding Litigation in Clinical Practice. J Indian Assoc Pediatr Surg. 2019 Jul-Sep; 24(3): 158–161.
 
TS.BS Lê Thị Thu Thảo
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team