linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Khủng hoảng vaccin - Cách tiếp cận giải quyết từ THẤU HIỂU CẢM XÚC CỦA ĐÁM ĐÔNG

Trong cuộc khủng hoảng vaccin hiện nay, cuối cùng, những đứa trẻ vô tội sẽ gánh chịu hậu quả lớn nhất, chứ không phải người lớn chúng ta. Đó là lý do tôi viết bài viết này.

Khi một khủng hoảng (truyền thông) xã hội xảy ra, sự tương tác về nhận thức - thái độ- cảm xúc- hành vi... của những nhóm người là vô cùng phức tạp. Và đương nhiên, với những khác biệt trong đầu thì những nhóm người này sẽ tự đưa ra các giải pháp cho mình một cách mà mình cho là tốt nhất. Và từ đó xung đột bắt đầu và dẫn đến khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn. Đương nhiên, theo thời gian, mọi khủng hoảng sẽ kết thúc. Vấn đề là nó để lại hậu quả gì, nghiêm trọng đến mức nào.

 
ThS Huỳnh Bảo Tuân
 
Bước đầu tiên của xử lý khủng hoảng xã hội là phải nhóm cho được các nhóm người có cùng suy nghĩ, cùng cảm xúc. Kế đến thấu hiểu thực sự họ đang nghĩ gì, cảm xúc của họ là gì, tại sao, nguyên nhân gốc rễ nằm ở đâu. Sau đó mới thiết kế các nhóm giải pháp phù hợp nhất cho từng nhóm.
 
Điều tối kỵ nhất là không phân tích các bước trên mà đưa ra các giải pháp truyền thông, nội dung truyền thông không phù hợp, càng làm càng rối là vậy. Đám đông có cách nghĩ của đám đông. Đừng ảo tưởng dạy được đám đông. Đừng trách đám đông thiếu hiểu biết. Điều tồi tệ hơn nữa là chửi lại đám đông, hoặc xem đám đông là ngu ngốc.
 
Những nhóm người nào liên quan đến cuộc khủng hoàng vaccin này, và họ đang nghĩ gì, lo lắng điều gì.
 
Nhóm phụ huynh
Không ai trên đời này có thể chấp nhận rủi ro cho con cái mình. Họ có thể bất chấp tất cả, ngay cả sinh mạng của họ để ngăn ngừa rủi ro cho con cái. Cho dù một tỉ lệ 1/100 triệu tai biến đi nữa, họ cũng không bao giờ muốn con mình nằm trong số 1 của 100 triệu đó.
 
Nhưng nếu không chích ngừa thì con họ cũng gặp nguy do lây nhiễm bệnh tật. Sức ép này làm cho những người làm cha mẹ lo lắng tột cùng. Khi một con người rơi vào trạng thái lo lắng, việc đầu tiên là họ phải làm mọi cách thoát ra nó. Cho nên nếu có phải bỏ ra 100 triệu để thoát khỏi lo lắng đó cũng chẳng có gì là lạ. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện như thế, nên để giải tỏa lo lắng con người sẽ chửi rủa và trừng phạt ai làm cho họ lo lắng (khi có thể).
 
Không biết mọi người từng trãi qua tâm trạng ngồi chờ kết quả xét nghiệm HIV chưa. Bốn tiếng chờ kết quả đó là dài nhất trong cuộc đời mỗi người. Tâm trạng cha mẹ sẽ ra sao khi chích ngừa cho con rồi ngồi đó với ám ảnh trong đầu rằng không biết nó có lật ngang mà tím tái hay không. Không ai trên đời này chịu được cảnh đó, do đó, nếu có thể dùng tiền, hay cách nào đó để không phải đối diện với nó thì ai cũng sẳn sàng. Trừ khi người ta không hay không biết.
 
Thế thì những thông tin gì sẽ làm gia tăng sự lo lắng này. Ngành y với những nhà khoa học (có gì trong đầu thì nói ra cái đó) đã cho các bậc phụ huynh biết những cái chết của con họ (nếu có) là với tỷ lệ cho phép (chấp nhận chết thôi), sắp tới vaccin mà họ cần hết hàng rồi, cả thế giới này hết hàng rồi...Có phải các chuyên gia của ta đang đổ thêm dầu vào lửa không. Càng áp lực lên sự lo lắng, càng làm cho người ta phải tìm mọi cách để thoát ra sự lo lắng không. Càng làm cho mọi thứ hỗn loạn lên không.
 
Chúng ta còn nhớ gần 10 năm trước, miền Nam - vựa lúa cả nước, lại bị sốt gạo không. Đêm trước đó VTV phát 1 bản tin thời sự ở Mỹ người ta xếp hàng mua gạo. Ngày sau, ngay lập tức người dân suy luận rằng "ở Mỹ mà còn thiếu gạo thì VN chắc cũng sẽ thiếu". Có gia đình toàn Giáo sư tiến sĩ, bác sĩ, học thức uyên bác vẫn đi gom gạo trữ như thường. Có buồn cười không. Không, bởi các Giáo sư tiến sĩ này không phải là người trong ngành sản xuất lúa gạo, họ làm sao biết được không bao giờ có thể xảy ra chuyện đó.
 
Tương tự như vậy, nếu ta mặc định rằng xã hội này phải có kiến thức về tiêm chủng, vaccin như các chuyên gia thì có phải là 1 mặc định vô lý không. Đừng bao giờ mặc định rằng người ta phải có kiến thức và hiểu biết chuyên ngành rất sâu như mình. Xã hội này, mỗi người biết sâu 1 chuyện. Các chuyên gia y tế phải học bao lâu mới trở thành chuyên gia. Khá nhiều bài viết của anh chị làm trong ngành y cho rằng đám đông là ngu ngốc, thiếu hiểu biết, và cảm tính. Trời đất, 80 triệu dân VN này mà có kiến thức về y tế như mấy anh thì có phải là viễn tưởng không. Vậy thì có phải ông nông dân ở miền Tây cũng chê ông Giáo sư nào đó đi gom gạo như ví dụ trên là ngu ngốc và cảm tính không. Xin thưa, tất cả chúng ta từ GS TS đến anh xe ôm điều bị cảm xúc chi phối đến hành vi như nhau.
 
Câu chuyện hiện nay là không thể nổ lực trang bị một nền kiến thức về dịch tễ học cho người dân, việc đó là chuyện dài hạn 10-20 năm. Cho nên trong lúc dầu sôi lữa bỏng này càng giải thích theo khoa học gì đó là càng làm cho tình hình tồi tệ thêm. Bởi người ta không có suy luận logic gì cả, cái người ta cần là thoát khỏi lo lắng thôi. Và điều ta cần làm là giải tỏ sự lo lắng đó chứ không phải là làm cho người ta lo lắng thêm.
 
Khi người ta đang trong cảm xúc tiêu cực (lo lắng, tức giận) mọi thuyết phục về logic là vô nghĩa. Điều ta cần làm là phân tán sự lo lắng của họ bằng cách giúp người ta thoát khỏi sự sợ hãi.
 
Trên đời này không phải nói ra hết sự thật là tốt. Ta không nói sai sự thật, nhưng ta có thể không nói ra hết sự thật. Ngành y cũng có khái niệm giả dược mà, đôi khi cho ai đó biết họ bị ung thư cũng phải có cân nhắc chứ.
 
Nhóm các chuyên gia y tế và quản lý y tế
Tâm trạng chung là cảm thấy bất lực, cảm thấy tại sao mình làm đúng, nói đúng mà xã hội không tin. Mình đã làm hết trách nhiệm thậm chí là đã làm vô cùng vất vả mà xã hội không ghi nhận mà còn chửi quá chừng (kiếp sau không làm ngành y !).
Các chuyên gia y tế có thể không làm sai về khía cạnh chuyên môn dịch tể học gì đó. Nhưng các anh không phải đang ngồi ở trên bàn phản biện đề tài nghiên cứu khoa học, mà các anh đang điều hành xã hội. Nhiệm vụ các anh là làm cho xã hội không hỗn loạn nữa chứ không phải câu chuyện đúng sai về chuyên ngành. Muốn vậy các anh phải hiểu xã hội đang nghĩ gì chứ không phải mấy anh đang nghĩ gì về cái đúng sai đó. Không phải các anh cho rằng tôi không sai, xã hội hỗn loạn không phải tại tôi.
 
Điều tồi tệ hơn là ta đi đổ tội cho truyền thông, những câu từ thiếu kiềm chế của một số anh chị trong ngành y đang tạo ra sự đối đầu giữa y tế và truyền thông.
 
Thế thì theo các anh chị, truyền thông giờ nên làm gì và nói gì. Tiếp các anh giải thích cho xã hội biết cái tỷ lệ tai biến cho phép gì đó à. Tôi nhắc lại, càng nói về điều này là càng tạo ra khủng hoảng trầm trọng hơn. Hay tiếp các anh cho người dân biết không cho con họ đi chích ngừa sẽ chết nhiều hơn, như phân tích ở trên, chúng ta làm điều này là càng càng gia tăng áp lực lo lắng và càng làm cho tình hình rối ren thêm.
 
Chúng ta không thể cấm truyền thông đưa tin về tai biến được, ta cũng không thể cấm truyền thông đưa tin về vụ vaccin này được, làm thế là che dấu thông tin, là có tội. Truyền thông chỉ là cầu nối thông tin, trong chuyện này tôi thấy họ không làm gì sai cả, họ không có dựng chuyện vu khống ngành y. 
 
Ta không thể đổ tội cho truyền thông trong khủng hoảng này.
 
Khủng hoảng này là do ta đưa ra thông điệp không tốt. Còn họ, truyền thông, chỉ làm cái việc của họ thôi.
 
>> Một vài định hướng giải quyết khủng hoảng
Bước đầu tiên là phân tán cảm xúc lo lắng của đám đông.
 
1. Đừng nhắc gì đến vaccin Quinvaxem nữa. Đừng nói gì đến cái tỷ lệ tai biến chết chóc đó nữa. Đừng cố công đem cái khoa học dịch tễ gì đó ra mà giải thích cho toàn dân nữa. Cái đó là quan trọng, nhưng không phải lúc này. Cái đó chỉ thích hợp cho vào các sách giáo khoa phổ thông sau này.
 
2. Đừng thành thật khai báo rằng sắp cạn vaccin Pentaxim nữa. Đâu có ai kêu chúng ta phải tuyên bố cung ứng đủ 100% vaccin Pentaxim, mà chỉ đơn giản rằng chúng ta đừng nên nói đến điều đó, hoặc chúng ta chỉ cần đưa ra thông điệp rằng ta đang nổ lực tìm nguồn cung ứng cho đủ.
 
3. Mời các chuyên gia của các hãng dược (nơi bào chế vacccin), và các chuyên gia y tế của thế giới (WHO chẳng hạn, nếu Mỹ thì tốt) tới làm một khảo sát đánh giá gì đó trong vòng 1 tháng, và sau đó để họ đưa ra những thông điệp truyền thông. Với sự chuyện nghiệp của các chuyên gia WHO, tôi nghĩ họ sẽ biết cách nói sao cho tốt. Các chuyên gia VN, quan chức y tế VN, vui lòng đứng qua 1 bên và đừng nói gì nữa hết. Xin lỗi, các anh đừng tự ái, vì những đứa trẻ vô tội, xin các anh thiệt thòi 1 chút về danh dự. Lúc này không phải là lúc nói chuyện đúng sai, lúc này là lúc phải làm cho mọi thứ không hỗn loạn nữa.
 
Tóm lại, mọi truyền thông bây giờ nên dành cho chuyên gia nước ngoài nói. (xin đừng hỏi tôi là tại sao)
 
Bước tiếp theo là xóa dấu vết
 
4. Nếu được, đàm phán với nhà sản xuất đổi tên vaccin Quinvaxem đi, kèm theo 1 số cải tiến nào đó (thế hệ mới ..an toàn hơn..). Đây có thể là việc nhiều người cho rằng lừa đảo, thiếu đạo đức...nhưng cho bệnh nhân uống giả dược cũng có thể xem là 1 hành động thiếu đạo đức, đúng sai là tùy góc nhìn. 
 
Nếu không được thì đành phải chấp nhận tạm thời để yên nó ở đó, vì chỉ khoảng 30% dân chúng biết về câu chuyện này thôi. Vaccin này vẫn có thể dùng được ở vùng sâu vùng xa.
 
5. Tăng nguồn và quyền lựa chọn loại vaccin cho người dân. Tiêm chủng là bắt buộc- một đạo luật tốt, nhưng tư duy quản lý xã hội một cách tập trung (ta nghĩ là tốt, hóa ra không tốt chút nào) là cần phải thay đổi. Đám đông con người chứ không phải bầy vịt, muốn lùa đi đâu là lùa theo ý ta. Thậm chí, lùa vịt mà không biết cách lùa cũng lùa không xong. Có sự việc ngày hôm nay là do cách ta tổ chức tiêm chủng bắt buộc không phù hợp mà ra.
 
ThS Huỳnh Bảo Tuân 
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ đào tạo QTDN, 
Trường Đại học Bách Khoa TPHCM
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team