linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Giáo Dục Người Bệnh Và Thân Nhân (Patient and Family Education – PFE)

Giáo dục/hướng dẫn người bệnh và thân nhân để họ có các kiến thức và kĩ năng để cùng tham gia vào quá trình chăm sóc điều trị hoặc các quyết định điều trị của nhân viên y tế là yêu cầu hết sức bức thiết cho quản lý – nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và an toàn người bệnh. Chuẩn chất lượng JCI của Mỹ dành hẳn một chương riêng để đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên hiện nay ở các cơ sở y tế Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm và triển khai thật sự hiệu quả.
Khi triển khai nội dung này, cần lưu ý một số điểm sau:
 
1. Mỗi bệnh viện dựa trên các dịch vụ y tế mà bệnh viện mình cung cấp và đặc điểm đối tượng người bệnh của bệnh viện để xây dựng một kế hoạch/quy trình triển khai để đảm bảo rằng mỗi người bệnh đều nhận được sự hướng dẫn/giáo dục cần thiết. Nội dung giáo dục phù hợp- thiết thực và nguồn lực nhân viên y tế cung cấp việc hướng dẫn giáo dục kịp thời.
 
2. Khi xây dựng quy trình cần lưu ý đến vấn đề “đánh giá nhu cầu cần được giáo dục/hướng dẫn” của từng người bệnh, nên có ghi nhận trong hồ sơ bệnh án. Bởi vì lâu nay nhân viên y tế chúng ta cung cấp nhiều thông tin cho người bệnh thân nhân, nhưng đó có thể chỉ là những thông tin rất chung chung giữa nhân viên y tế và người bênh, chúng ta cần tập trung vào các kiến thức và kĩ năng cụ thể mà người bệnh và thân nhân cần để đưa ra các quyết định liên quan đến chăm sóc, tham gia vào việc chăm sóc và tiếp tục việc chăm sóc tại nhà. Vì thế cần quy định rõ hoạt động đánh giá này, cách thức đánh giá, ghi nhận. Thường là người điều dưỡng sẽ thực hiện bước đánh giá này. Dựa vào kết quả đánh giá này giúp nhân viên y tế lên kế hoạch và cung cấp việc giáo dục/hướng dẫn. Ví dụ hướng dẫn về phẫu thuật, gây mê, chăm sóc sau mổ, về trang phục, về cách ăn uống, dùng thuốc.. vv. Khi chúng ta đánh giá và có ghi nhu cầu hướng dẫn giáo dục đã được xác định trong hồ sơ bệnh án, các êkip nhân viên y tế chăm sóc khác nhau sẽ phối hợp đồng bộ và hiệu quả hơn.
 
3. Chúng ta cũng cần đánh giá năng lực tiếp thu và khả năng sẵn sàng học hỏi của người bệnh – thân nhân. Rất nhiều nhân viên y tế thực hiện hướng dẫn giáo dục nhưng không hiểu quả, người bệnh thân nhân không hiểu, không hợp tác, kết quả điều trị không tốt, thậm chí là gây hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta phải đánh giá ít nhất là những yếu tố sau: hiểu biết/học thức của người bệnh và thân nhân, bao gồm hiểu biết về chăm sóc sức khỏe, trình độ học vấn và ngôn ngữ; các rào cản và động lực liên quan đến vấn đề tâm lý; các giới hạn về thể chất và nhận thức..
 
Khi đánh giá được các yếu tố này, chúng ta sẽ quyết định lựa chọn phương pháp hướng dẫn-giáo dục hiệu quả nhất cho từng đối tượng và từng dịch vụ mình cung cấp, bảo đảm có đủ sự tương tác giữa họ và nhân viên y tế. Nên chọn phương pháp phù hợp với mức độ hiểu và ý thích của họ. Phương pháp lý tưởng nhất là nên có sự tương tác – trao đổi, đặt câu hỏi cho họ, trực quan sinh động và cuối cùng thì củng cố bằng văn bản nhằm nâng cao khả năng tiếp thu. Có thể mạnh dạn cung cấp các nguồn tham khảo để tiếp tục hướng dẫn – giáo dục họ trong tương lai.
 
4. Cần lưu ý một vấn nạn hay tồn tại trong việc giáo dục hướng dẫn người bệnh – thân nhân hiện nay là sự không đồng bộ thông tin hướng dẫn giữa các nhân viên y tế. Mỗi nhân viên hướng dẫn một cách khác nhau làm cho người bệnh – thân nhân rất hoang mang. Cần phải có một cách thức để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các nhân viên y tế để thông tin cung cấp đến người bệnh kịp thời, phù hợp, hiệu quả tối đa. Nhân viên y tế cũng cần được huấn luyện cách thức hướng dẫn, có quy định ghi nhận vào hồ sơ những nội dung mình đã hướng dẫn. Một số tổ chức còn xây dựng phiếu thông tin giáo dục người bệnh và bệnh nhân – thân nhân có thể kí nhận vào sau khi đã được hướng dẫn.
 
Tóm lại đây là một nội dung hoạt động rất quan trọng. Cần làm sao để cả nhân viên y tế cùng ý thức được tầm quan trọng của nó trong việc nâng cao chất lượng – hiệu quả điều trị và an toàn người bệnh để cùng thực hiện nó một cách hiệu quả nhất.
 
Tài liệu tham khảo
1. Joint Commission International Accreditations Standards for Hospital, 5th Edition, by the Department of Publications Joint Commission Resources, 2013
2. Management Handbook for Health Care Organization, Fith Edition, Roberta Carrloll and Peggy L.B. Nakamura, American Hosptial Publishing, 2006 
3. Accreditation Issues for Risk Managers by the Department of Publications Joint Commission Resources, 2004
4. Understanding and Preventing Sentinel and Adverse Events in Your Health Care Organization by the Department of Publications Joint Commission Resources, 2008
 
Linh Phan
 

 

THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team