Cung ứng thuốc nói chung và cung ứng thuốc trong bệnh viện nói riêng giữ vai trò vô cùng quan trọng, mang tính quyết định đến chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân. Thực trạng cung ứng thuốc kém hiệu quả và bất hợp lý trong các bệnh viện đang là một vấn đề bất cập có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh, nó diễn ra không chỉ với các nước nghèo, nước đang phát triển mà ngay cả với các nước phát triển.
Ở Việt Nam, vấn đề cung ứng thuốc trong bệnh viện cũng đang tồn tại nhiều bất cập và được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Sự yếu kém này có thể xảy ra ở tất cả giai đoạn của chu trình cung ứng thuốc: trong lựa chọn thuốc là việc xây dựng danh mục thuốc không phù hợp với yêu cầu điều trị; trong cấp phát/tồn trữ là việc quản lý kho kém hiệu quả; trong giám sát sử dụng thuốc là kê đơn sai, không đảm bảo hợp lý an toàn...
Việc lựa chọn được một danh mục thuốc hợp lý là một trong các yếu tố mang tính quyết định trong việc sử dụng thuốc hợp lý an toàn trong bệnh viện. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng danh mục thuốc tại các bệnh viện thường không được quan tâm, đánh giá [42]. Hơn thế nữa, danh mục thuốc không hợp lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách thuốc. Vì vậy, trên thế giới quá trình lựa chọn thuốc luôn được các bệnh viện quan tâm. Trong sử dụng thuốc, kê đơn là một thành phần có khối lượng công việc lớn và kinh phí cao của hệ thống chăm sóc sức khỏe, là nơi cần phải xem xét để thay đổi trong mô hình thực hành. Kê đơn sử dụng một lượng lớn thông tin bởi vì sự gia tăng của số lượng thuốc, sự phức tạp của phác đồ điều trị, sự thay đổi các chỉ định và phản ứng có hại nên trí nhớ của người thầy thuốc không đủ sức để đảm nhận tất cả các công việc trên [74]. Vì thế, các sai sót kê đơn là điều không thể tránh khỏi.
Để cải thiện những bất cập trên, đã có rất nhiều giải pháp can thiệp đã được áp dụng trên thế giới như: can thiệp giáo dục các đối tượng có liên quan đến hoạt động cung ứng thuốc bệnh viện, áp dụng các biện pháp mang tính chất quản lý... đã mang lại những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kết hợp nhiều giải pháp can thiệp tỏ ra hiệu quả hơn việc chỉ sử dụng đơn thuần một giải pháp [52].
Trong bối cảnh thực trạng cung ứng thuốc còn nhiều bất cập nhưng việc áp dụng các giải pháp can thiệp còn hạn chế, những vấn đề trên đã đặt ra yêu cầu cho những nhà quản lý Việt Nam là phải áp dụng các giải pháp can thiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cung ứng thuốc trong bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện công lập.
Chính vì vậy, đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng thuốc tại Bệnh viện Nhân dân 115”, một nghiên cứu đa can thiệp, được thực hiện tại Bệnh viện Nhân dân 115 nhằm các mục tiêu sau:
- Đánh giá ảnh hưởng của giải pháp can thiệp lên việc xây dựng danh mục thuốc bệnh viện.
- Đánh giá ảnh hưởng của giải pháp can thiệp lên việc kê đơn, quản lý tồn kho và cấp phát thuốc tại bệnh viện.
Để từ đó đưa ra những bằng chứng khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về các giải pháp can thiệp cho các nhà quản lý nhằm cải thiện và nâng cao hoạt động cung ứng thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 nói riêng và các bệnh viện nói chung.
(Phần Đặt vấn đề của Luận văn "Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng thuốc tại Bệnh viện Nhân dân 115" - TS Huỳnh Hiền Trung)
CLB QLCL-ATNB