linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Tư duy tích cực - Positive Thinking và Lean Six Sigma

Vì sao ta cần có tư duy tích cực trong quản lý, trong cải tiến chất lượng ... và thậm chí là trong cuộc sống Có một vài cách hiểu về tư duy tích cực mà tôi cho rằng chưa hiểu một cách thấu đáo về nó, tư duy tích cực không có nghĩa là lạc quan tếu, không phải là cười cho đời bớt khổ...càng không phải là hãy chấp nhận thực tại và buông bỏ (Phật giáo hay khuyên vụ này)
>> Tư duy tích cực là gì
Để hiểu tư duy tích cực là gì cần nhìn rộng ra một chút về hai chủ đề: Giải quyết vấn đề (problem solving) và Ra quyết định (decision making) 
 
Problem solving và decision marking là hai chủ đề nghiên cứu rất lớn của khoa học về con người (human science) với sự tham gia của rất nhiều lĩnh vực khoa học (discipline) như Tâm lý học, Toán, Công nghệ thông tin, Não học,... và đã có hàng chục giải Nobel trao cho hai chủ đề trên.
 
Cuộc đời của mỗi con người chúng ta là hàng ngàn những chuỗi dài giải quyết vấn đề và ra quyết định. Các nhà nghiên cứu cố gắng tìm cách giải thích cách con người đối diện và giải quyết nó như thế nào. Tại sao cùng đối diện với một vấn đề khó khăn có người vượt qua, có người không. Tại sao có người trong "nguy" nhìn thấy "cơ" có người không.
 
Khi nghiên cứu về rất nhiều những con người thành đạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, người ta phát hiện họ có một điểm chung đó là khi đối diện với khó khăn, những con người này luôn tìm kiếm "NHỮNG KHÍA CẠNH TÍCH CỰC TRONG MỚ HỖN ĐỘN ĐÓ" và quá trình đó giúp họ tìm ra được cách giải quyết rất khác cách bình thường (thinking out of the box) hoặc rất là đột phá, không ai ngờ tới (breakthrough)
 
Ví dụ 1, như đi làm việc bị trù dập, không được trọng dụng (do phe cánh), thậm chí bị đuổi việc. Về phản ứng cơ bản của cảm xúc là buồn chán, bi quan, dẫn đến mất tự tin, yếm thế...nếu ta để nó ngự trị trong đầu dẫn đến ta trở thành con người buông xuôi tất cả, bạc nhược hoặc thỏa hiệp để an thân...đó là cách nghĩ tiêu cực. Nhưng nếu ta tìm vài khía cạnh tích cực trong vấn đề này, ví dụ biết đâu đây lại là cơ hội cho mình có một khởi đầu mới, biết đâu nó giúp mình hoàn thiện kỹ năng và kiến thức hơn (nổ lực học tiếng Anh chẳng hạn). Khi tìm kiếm được nhiều khía cạnh tích cực nó mới giúp ta chuyển những bất lợi thành động lực, "biến đau thương thành sức mạnh", và khi ta vượt qua nó biết đâu ta lại cám ơn những người đã từng đối xử không tốt với mình.
 
Ví dụ 2, những người khởi nghiệp kinh doanh từ hai bàn tay trắng không ít lần đối diện với cảnh "chủ nợ dí", không có tiền trả lương cho nhân viên ...kinh doanh đầy những rủi ro mà ta không lường hết được. Nếu lâm vào cảnh này, ta mặc cảm, tự ti, cảm thấy vô dụng, lo sợ ...dể dẫn đến trốn tránh, nói dóc...và cuối cùng là trốn nợ, sống một cuộc đời chui rúc như chuột. Nhưng nếu ta nhìn vài khía cạnh tích cực, ví dụ chủ nợ chắc là không muốn ta chết, nhân viên không lúc nào cũng là những đứa "ăn cháo đá bát"...Nếu nghĩ được như vậy, ta sẽ mời chủ nợ đến, nói hết cho họ nghe những khó khăn của ta, và cùng họ bàn 1 cách thức trả nợ, biết đâu ta tìm được vài cách gán nợ khá là đơn giản mà do khi bị lo sợ ức chế ta không thể nghĩ ra. Ta sẽ mời nhân viên đến, nói cho họ về những khó khăn, biết đâu ta nhận được vài đề xuất thay đổi tình hình kinh doanh mà ta không ngờ tới.
 
Ở gốc độ cơ chế của não, khi ta buồn chán, lo sợ...các phần não về tư duy logic, tư duy sáng tạo sẽ bị tê liệt, không cách nào nghĩ ra được cái gì. Cho nên, khi giải quyết môt vấn đề ta cố gắng tìm kiếm các khía cạnh tích cực để nghĩ, nghĩa là ta giúp cho phần não, đặc biệt là phần não phải, nơi quyết định đến tư duy sáng tạo có cơ hội kết nối các nơron giúp ta bật ra được những ý tưởng, giải pháp. Não của con người tích lũy rất nhiều thông tin, kiến thức, hình ảnh, nhưng nó phải được kích hoạt thì mới bật ra được. Quá trình tìm kiếm (inquiry) giải pháp giải quyết vấn đề là một quá trình kết nối các dot nơron cho não. Nếu ta không inquiry ta không cách nào tìm được giải pháp.
 
>> Tại sao tư duy tích cực rất quan trọng trong cải tiến chất lượng
Hầu hết các vấn đề chất lượng là "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", chuyện những hàng dài chờ đợi ở bệnh viện có gì mới đâu. Khi tư duy của ta bị nhốt trong cái hộp: "muốn giải quyết nó khó lắm, phải có mặt bằng rộng, phải có người nhiều hơn, phải có hệ thống máy tính kết nối, phải có tự động hóa...", và những cái này là TIỀN, TIỀN và TIỀN..., cho nên giải pháp cuối cùng là "do nothing" vì không thể làm gì hết.
 
Nhưng khi tư duy ta tích cực,ta sẽ nghĩ "đừng cầu toàn, hôm nay thời gian chờ trung bình là 45 phút, ta tìm những giải pháp có thể làm được, ngày mai thời gian chờ giảm xuống còn 30 phút, ngày kia 15 phút". Và khi có khách hàng, có tiền tích lũy, thì lúc đó ta mới có tiền đầu tư hệ thống thông tin cho ngon lành... Và những giải pháp hết sức bất ngờ, là phần quà cho tư duy tích cực sẽ đến. Mọi người có tưởng tượng để giảm 30% thời gian chờ cho bệnh nhân tại 1 bệnh viện mà chúng tôi đang làm dự án ở đó, giải pháp là "GIẢM TÌNH TRẠNG MỔ CÒ" của bác sĩ, nhân viên y tế. Một toa thuốc "mổ cò" trung bình 2.5 phút, qua rất nhiều công đoạn lập đi lập lại "mổ cò" như vậy. Chỉ cần huấn luyện khả năng đánh máy nhanh hơn, 1 toa thuốc còn 30 giây (mà không sai sót) thì thời gian chờ của bệnh nhân đã giảm 30% rồi. Có tốn kém gì đâu.
 
Tư duy tích cực trong cải tiến là như vậy
 
 
 
>> Các công cụ trong Lean Six Sigma có 2 nhóm chính
- Công cụ về tư duy: đặc biệt là tư duy tích cực, tư duy sáng tạo. Khi áp dụng những công cụ này, nó giúp cho người làm về cải tiến chất lượng phát hiện ra những giải pháp "thinking out of the box". Nghĩa là học về Lean Six Sigma là bạn đang học về tư duy tích cực và tư duy sáng tạo đấy.
 
- Công cụ về data mining: dữ liệu nó biết nói, dữ liệu là thông tin, giúp ta hiểu rõ hơn việc gì đang diễn ra, và nguyên nhân gốc rễ đang nằm ở đâu. Do đó, rất nhiều công cụ phân tích dữ liệu giúp cho người làm cải tiến chất lượng "let's data talk" được tích hợp vào trong quá trình huấn luyện về Lean Six Sigma. 
 
ThS. Huỳnh Bảo Tuân
Giảng viên Khoa Quản lý Công Nghiệp - ĐHBK TpHCM
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team