linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Xử lý tình huống khó đỡ: Quyết sinh thường, không chịu mổ

Cám ơn anh Cuong Ho đã chia sẻ một case thực sự khó đỡ mà thực tế anh đã trải qua cùng với sự nhiệt tình trao đổi, mổ xẻ tình huống của các anh chị em trong câu lạc bộ. Nhờ vậy mà tình huống nan giải này đã có hướng giải quyết. Sau đây em xin tổng kết lại em tổng kết lại tình huống này cùng với hướng giải quyết của mọi người để chia sẻ đến mọi người.
Tình huống xảy ra:
 
Hai vợ chồng nhà ở xa bệnh viện(chỉ có hai vợ chồng), chị vợ có thai đã vào giai đoạn chuyển dạ, thai ước lượng cân nặng 3900g và khung chậu giới hạn. Dù BS giải thích kỹ càng như bên dưới lẫn mời BS thường trực ra sức thuyết phục nhưng vẫn kiên quyết để sinh thường, không chịu mổ sinh.
 
Khi xem tình huống trên, ngoài việc tôi bị “toát mồ hôi cục” vì tình huống quá khó tôi còn cảm nhận được thêm một điều đó là sự giải thích cặn kẽ, đầy kinh nghiệm của vị bác sĩ. Khi trao đổi với anh, tôi nhận ra thêm sự dày dạn, lẫn chuyên nghiệp trong cách tư vấn của vị bác sĩ này(Anh dùng cả những công cụ trực quan để giải thích những tai biến có thể gặp cho người nhà sản phụ này. Phải chăng do tôi không phải chuyên ngành ngoại sản nên với tôi đây là phần ký cam kết chi tiết nhất mà tôi đã từng được đọc .
 
Tổng hợp những ý kiến đóng góp của các anh chị, trong trường hợp này, chúng ta cần phải làm những việc sau
 
A/ Giải thích và tư vấn cho sản phụ lẫn người nhà: 
1/ Việc này rất quan trọng và cực kỳ cần thiết, chị Blacksea Nguyen và anh Nguyễn Quốc Tuấn đều nhấn mạnh chúng ta cần kiên quyết trong quá trình tư vấn. Anh Nguyễn Quốc Tuấn đã chia sẻ những cách “ép” họ khá hay mà chúng ta có thể học hỏi:
• Khẳng định với họ là mình biết nhiều hơn họ vì mình là bác sĩ và xử trí của người chuyên nghiệp sẽ tốt hơn những người không chuyên nghiệp (chắc chắn họ phải đồng ý điểm này và lắng nghe mình nói) VD: tôi không sửa được máy vi tính như anh, nhưng chắc anh cũng sẽ không trị bệnh được như tôi. Ngay cả trong nghành y chúng tôi cũng không thể biết hết các chuyên khoa nên chúng tôi phải mời "hội chẩn" với đồng nghiệp khi cần . Bây giờ tôi ví dụ: anh có vấn đề về sức khỏe anh sẽ tìm lời khuyên từ "sếp" anh hay là từ "bác sĩ" 
• Đồng ý với cách xử trí của họ nhưng nói thêm là cách này "lành ít, dữ nhiều". VD: tôi đồng ý với anh là bé 4 kg vẫn có thể sanh được, tôi đã từng đỡ những bé > 4 kg. Nhưng tôi cũng đã từng thấy những trường trường hợp không sanh được mà vẫn cố để sanh cuối cùng xảy ra nhiều biến chứng xấu cho mẹ và bé (dĩ nhiên những ca như vậy anh không bao giờ biết nên anh nghĩ sanh được, sanh thì được nhưng sau sanh thì bé và mẹ có khỏe không là 1 chuyện khác).
• Mổ lúc nào cũng có nguy cơ của nó chính vì thế "kẹt" lắm chúng tôi mới mổ, nếu mổ mà "khỏe" thì sản phụ vào chúng tôi mổ hết rồi theo dõi sanh chi cho cực. Nhưng ca này chúng tôi phải mổ vì nguy cơ để sanh cao hơn mổ. 
• Nên giải thích trước nhiều người bao gồm cả sản phụ, sau đó cho họ thời gian để thảo luận (thường là trong khoảng thời gian này người nhà sẽ tác động lên người chồng để thay đổi ý kiến).
 
2/ Chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ có những quyết định “nguy hiểm” như vậy, có thể là:
- Gia đình anh chồng muốn sinh nhiều để tìm con trai nối dõi
- Hai vc lớn tuổi muốn sinh con liền liền
- Hoặc cha mẹ anh chồng lớn tuổi/ bệnh hiểm nghèo muốn thấy mặt cháu đích tôn nhưng đợt này muốn sinh tiếp
- Ám ảnh bởi gia đình có người sinh mổ bị tai biến.... 
- Khó khăn về tài chính nên quyết định để sinh thường
- Vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng và dân tộc cũng cần phải lưu ý vì có một vài tôn giáo, dân tộc không đồng ý can thiệp phẫu thuật, phá thai dù thai bị dị tật hoặc có nguy cơ về sức khỏe
 
Vấn đề này cần tiếp xúc tế nhị,đầy thấu cảm vì có thể nguyên nhân rất riêng tư do đó người bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn ngoài nắm vững về kiến thức chuyên môn, họ còn cần được:
- Huấn luyện các kỹ năng: kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng đàm phán…Trong đó, cần lưu ý đến những công cụ trực quan ( tranh ảnh, video để dễ giải thích những tai biến y khoa cho người nhà)
- Cần phải được tạo điều kiện về mặt thời gian
 
Tuy nhiên, việc tư vấn cho bệnh nhân và người nhà trong trường hợp này còn khó khăn ở chỗ tai biến sản khoa rất khó lường và phụ thuộc vào trình độ tiếp nhận của người nghe.
 
B/ Cần phân loại bệnh cấp cứu hay không cấp cứu để có hướng giải quyết tốt nhất
1/ Trong trường hợp cấp cứu:
 
Theo chia sẻ của anh Thong Huynh, theo Điều 32 Luật Dân sự: Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể có quy định
… “Việc thực hiện phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể một người, việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép bộ phận của cơ thể phải được sự đồng ý của người đó; nếu người đó chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người trên thì phải có quyết định của người đứng đầu cơ sở y tế”.
Điều đó có nghĩa là sau khi chúng ta giải thích cặn kẽ cho thân nhân, bệnh nhân, họ cần phải ký cam kết. Trong cam kết đồng ý thực hiện phương pháp chữa bệnh do NVYT khuyến cáo, chúng ta cần hướng dẫn chi tiết, rõ ràng và theo luật.
- Nếu họ đồng ý => Điều trị
- Nếu họ không đồng ý => Cần hội chẩn với lãnh đạo cơ sở y tế để từ chối điều trị hoặc chuyển tuyến trên. Trong trường hợp này cần lưu ý đến vấn đề an toàn của bệnh nhân trong quá trình chuyển tuyến. “Trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người trên thì phải có quyết định của người đứng đầu cơ sở y tế” (Điều 32 – Luật Dân sự)
 
2/ Trong trường hợp không cấp cứu mà họ không đồng ý điều trị thì cần hội chẩn với lãnh đạo để chuyển tuyến trên
C/ Hướng giải quyết lâu dài: 
Theo chia sẻ của anh Thong Huynh,các bệnh viện nên:
1/ "Mã hóa" các case kiểu này thành một tình huống chính thức 
2/ Huấn luyện nhân viên xử lý chuyên nghiệp
3/ Lập sẵn mẫu phiếu giải thích tình trạng với một bên là những cột ghi rõ các thông tin mà BV muốn thân nhân biết rõ, và một bên là cột để họ ghi rõ "Tôi đã được giải thích rõ", cuối cùng trong phiếu có ô ghi quyết định của họ và cam đoan. Việc có một mẫu phiếu chuyên nghiệp cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc kéo dãn thời gian ra quyết định của thân nhân và giúp họ ra quyết định có tính cân nhắc hơn. Anh chia sẻ đã học được điều này từ "công nghệ giao tiếp" của Đại sứ quán Mỹ khi xử lý từ chối thị thực nhập cảnh
 
Những ý kiến của các anh chị trong câu lạc bộ:
 
Phạm Thanh Tùng Trong đạo đức y khoa thì quyền tự chủ của bệnh nhân luôn được đặt lên hàng đầu, tuy là nó có thể mẫu thuẫn với việc là bác sỹ phải luôn nghĩ cách để làm tốt nhất cho bệnh nhân. Tranh cãi về quyền tự chủ của bệnh nhân hầu hết chỉ xoay quanh quyền được chết không đau đớn (khi bệnh quá nặng) chứ hầu như không có tranh cãi về quyền từ chối điều trị của bệnh nhân
 
Trong trường hợp này thì do cả bệnh nhân và người nhà đều còn năng lực hành vi dân sự, vì thế không ai có quyền thực hiện can thiệp khi bệnh nhân không cho phép. 
Chuyện này em cũng có đọc nhiều case study về medical ethics ở nước ngoài, có một số tôn giáo và dân tộc kiên quyết không muốn sử dụng phẫu thuật. Bác sỹ vẫn phải tôn trọng quyết định của họ dù biết kết quả ra sẽ không hề tốt đẹp gì
 
Mình chỉ có thể cố gắng giải thích được thôi ạ
 
Cuong Ho Cũng có tôn giáo không cho phá thai mặc dù là thai dị tật nặng hoặc nhiều tình huống bn làm hỗ trợ SS mà có thai 3, thai 4. Mặc dù giải thích là nếu không giảm bớt thai thì nguy cơ sinh non không nuôi được đứa nào nhưng vẫn kiên quyết không giảm thai và cuối cùng hậu quả thì rõ ràng rồi. Đúng là đụng vô tôn giáo là quá khó rồi.
 
Đúng vậy, cho nên nếu không có vấn đề cấp cứu, không nguy hiểm đến tính mạng thì NVYT cũng có quyền từ chối điều trị vì BN và người nhà không hợp tác. Điều này luật cho phép nha. Và tuyến trên là cứu cánh cuối cùng của ta và cứu cả BN luôn.
 
Lan Vien Phan Bạn nói cũng có ý đúng nhưng mình nghĩ khi bệnh nhân, người nhà đã vào bệnh viện họ rất dễ rối trí, khó có quyết định sáng suốt. Mình là nhân viên y tế, mình có chuyên môn, hơn nữa mình là người ngoài cuộc nên sáng suốt hơn họ và họ cần mình giúp. Mình nghĩ đúng là quyết định thuộc về bệnh nhân và người nhà nhưng mình cũng cần tư vấn cho họ cặn kẽ vì họ cần điều ấy.
 
Mình không hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn về người chồng. Nếu ảnh chưa hiểu mà quyết định vậy là do mình tư vấn chưa đến nơi, nếu ảnh đã hiểu mà vẫn bất chấp sự nguy hiểm tính mạng vợ con thì có thể anh ta có vấn đề thiệt
 
Nguyễn Quốc Tuấn Theo mình sẽ có nhiều cách để "ép" họ thay đổi ý kiến. 
1. Khẳng định với họ là mình biết nhiều hơn họ vì mình là bác sĩ và xử trí của người chuyên nghiệp sẽ tốt hơn những người không chuyên nghiệp (chắc chắn họ phải đồng ý điểm này và lắng nghe mình nói) VD: tôi không sửa được máy vi tính như anh, nhưng chắc anh cũng sẽ không trị bệnh được như tôi. Ngay cả trong nghành y chúng tôi cũng không thể biết hết các chuyên khoa nên chúng tôi phải mời "hội chẩn" với đồng nghiệp khi cần . Bây giờ tôi ví dụ: anh có vấn đề về sức khỏe anh sẽ tìm lời khuyên từ "sếp" anh hay là từ "bác sĩ" 
2. Đồng ý với cách xử trí của họ nhưng nói thêm là cách này "lành ít, dữ nhiều". VD: tôi đồng ý với anh là bé 4 kg vẫn có thể sanh được, tôi đã từng đỡ những bé > 4 kg. Nhưng tôi cũng đã từng thấy những trường trường hợp không sanh được mà vẫn cố để sanh cuối cùng xảy ra nhiều biến chứng xấu cho mẹ và bé (dĩ nhiên những ca như vậy anh không bao giờ biết nên anh nghĩ sanh được, sanh thì được nhưng sau sanh thì bé và mẹ có khỏe không là 1 chuyện khác).
 3. Mổ lúc nào cũng có nguy cơ của nó chính vì thế "kẹt" lắm chúng tôi mới mổ, nếu mổ mà "khỏe" thì sản phụ vào chúng tôi mổ hết rồi theo dõi sanh chi cho cực. Nhưng ca này chúng tôi phải mổ vì nguy cơ để sanh cao hơn mổ. 
4. Nên giải thích trước nhiều người bao gồm cả sản phụ, sau đó cho họ thời gian để thảo luận (thường là trong khoảng thời gian này người nhà sẽ tác động lên người chồng để thay đổi ý kiến).
 
Lan Vien Phan Trường hợp này quả là không dễ chút nào, em đọc đi đọc lại những lời ký cam kết của đôi vợ chồng nọ lại càng thấy nan giải. Với tư cách là người dân lẫn nhân viên y tế, em nghĩ tất cả đều muốn một cuộc sinh nở kết thúc có hậu " mẹ tròn con vuông". Vậy tại sao họ vẫn kiên quyết đến cùng với quyết định mà nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé quá cao? Em nghĩ chắc có lý do. Nếu em là người BS trong tua trực em nghĩ em sẽ:
1/ Gặp cả hai người để hỏi kỹ hơn về lý do vì sao cả hai kiên quyết sinh thường trong trường hợp này. Vấn đề này cần tiếp xúc tế nhị và đầy khéo léo vì có thể nguyên nhân rất riêng tư ví dụ như: 
- Gia đình anh chồng muốn sinh nhiều để tìm con trai nối dõi
- Hai vc lớn tuổi muốn sinh con liền liền
- Hoặc cha mẹ anh chồng lớn tuổi/ bệnh hiểm nghèo muốn thấy mặt cháu đích tôn nhưng đợt này muốn sinh tiếp
- Ám ảnh bởi gia đình có người sinh mổ bị tai biến.... : 
Tất cả cần có thời gian và tiếp cận bằng sự thấu cảm... => RẤT KHÓ vì cần kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thuyết phục và đàm phán của bác sĩ, thời gian của BS( nếu trực một người mà bệnh vào tới tấp -> khó), kiến thức và trình độ của cặp vợ chồng nọ. Đặc biệt còn khó ở chỗ có những tai biến sản khoa không lường trước được
Nếu tìm được nguyên nhân hi vọng sẽ dễ hơn
2/ Nếu không hỏi được dù BS vận hết nội công để thuyết phục thì cứ theo dõi sát sao, sau đó nếu cần thì mổ cấp cứu hoặc chuyển viện kịp thời. Tất nhiên, chuyện ký cam kết, giấy trắng mực đen đã rõ, nhưng trong trường hợp cần đưa ra quyết định để cứu mẹ, cứu con em nghĩ mình vẫn sẽ quyết định mổ hoặc chuyển viện nếu nó có thể an toàn hơn cho mẹ và bé, em nghĩ trong trường hợp khẩn cấp thì sẽ làm theo những điều lương tâm cho phép. Lỡ mà cuộc mổ gặp tai biến gì họ thắc mắc thì đúng là...sao quả tạ chiếu em rồi. Nói chung là ca này khó quá
 
Hang Bui Theo em có lẽ cần giải thích trực tiếp mọi nguy cơ với người vợ và nếu chị ta hiểu rõ về những nguy cơ cao của mình thậm chí là tử vong chắc chị ấy không dám đùa với tính mạng. Mặt khác cần tìm hiểu tại sao người ta lại bất chấp nguy cơ thậm chí là tử vong để sinh thường. Cũng cần loại trừ việc người vợ muốn mổ song lại sợ chồng. Cần huy động thêm cha mẹ bệnh nhân những người thân khác để tác động
 
Thực tế em chưa gặp. Em nghĩ chẳng ai đùa với mạng sống của mình đâu ạ. Vẫn có những ông chồng coi thường mạng sống của vợ. Thế nên nếu oái oăm vậy thì key là người vợ. Bác sĩ cần giải thích hết sức. Nếu vẫn không suy chuyển hội chẩn rộng rãi lãnh đạo nếu nguy cơ tử vong mười mươi thì chúng ta xử trí mà không cần sự đồng ý ạ
 
Cuong Ho  Trong sản khoa cái khó là không thể tiên lượng hết được tai biến. Lấy ví dụ biến chứng kẹt vai trong sản khoa thì rất khó để mà tiên lượng, đến khi kẹt vai rồi thì... hỡi ôi không thể khắc phục được hậu quả...
 
Hang Bui Dạ vậy nên phải tùy tình hình cụ thể thôi ạ. Chứ nếu mọi chuyện xuôi hết anh em chúng ta không gặp dở khóc dở cười rồi. Mắc vai là tai biến do bác sĩ không tiên lượng được khác hẳn với tình huống anh nêu là chúng ta tiên lượng nhưng người bệnh và người nhà không theo. Trường hợp này cuối cùng vẫn cần giấy trắng mực đen. Nếu không là chúng ta bị kiện như chơi dù là do phía họ. Thầy dùi nhiều lắm anh
 
BS. Phan Lan Viên (tổng hợp)
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team