linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

BÀI DỰ THI MS42: NHỮNG CON NGƯỜI THẦM LẶNG

- Tên tác giả: Vương Huỳnh Đức - Đơn vị: Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt
Nói về ngành y, thì ai cũng nghĩ và biết đó là ngành nghề cao cả, được mọi người ca ngợi ví von: “Như những thiên thần áo trắng”, cứu chữa và đem lại sức khỏe cho mọi người. Để có được sự thành công trong một ca khám và chữa bệnh thì Bác sĩ, Điều dưỡng đa khoa được “nhắc công” nhiều nhất. Ít ai biết rằng, còn rất nhiều người đóng góp phần vào thành công ấy là các Kỹ thuật viên Xét nghiệm thầm lặng.
 
 
Nhắc tới bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt người ta thường nhớ đến các nhân viên y tế với tác phong làm việc chuyên nghiệp, thân thiện và hết lòng đối với bệnh nhân với phương châm “ tất cả vì người bệnh” . Là một thành viên của đại gia đình Hoàn Mỹ tôi rất tự hào vì điều này. Nhớ những ngày đầu bước chân vào khoa Xét nghiệm đối với một sinh viên mới ra trường như tôi thì luôn có cảm giác bỡ ngỡ và bị áp lực trước các phong cách làm việc nhanh nhẹn và chính xác của khoa. Nhưng nhờ sự giúp đỡ và dạy bảo tận tình của các anh chị nhân viên của Khoa mà tôi đã dần quen với công việc và ít sai sót hơn trong quá trình làm việc.
 
Đối với các kỹ thuật viên Xét Nghiệm hằng ngày tiếp xúc và “làm bạn” với vi khuẩn và bệnh phẩm như máu, phân, nước tiểu, mủ, đàm, dịch …  đã trở thành đặc thù của công việc. Người bình thường sẽ không khỏi “ớn lạnh” khi nhìn thấy các bệnh phẩm nói trên. Tiếp xúc hằng ngày với bệnh phẩm, những người làm nghề ít nhiều bị “trơ”, cảm giác ghê rợn cũng giảm đi theo thời gian. Thường xuyên tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm của các loại dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm của nhân viên xét nghiệm cũng không ít. Trước đây khi quyết định chọn ngành này thì tôi cũng nghe một số định kiến về nghề như nghề này nguy cơ lây nhiễm cao và độc hại nhưng cứ nghĩ, không có người dọn rác thì làm gì có đường phố sạch sẽ để hiểu rằng, không có người hằng ngày tiếp xúc với bệnh phẩm dơ bẩn và nguy hiểm thì làm sao bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh được. Nhờ sự tiến bộ trong y học mà nhiều máy học hiện đại ra đời không chỉ giúp công việc nhanh hơn, cho kết quả chính xác hơn, máy móc còn góp phần hạn chế rủi ro nghề nghiệp cho chúng tôi. 
 
Khâu trả kết quả xét nghiệm cũng là một khâu căng thẳng không kém gì các quy trình xét nghiệm khác vì chúng tôi phải kiểm tra các chỉ số xét nghiệm có khớp với chẩn đoán của bác sĩ hay không. Kết quả xét nghiệm không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối, do máy móc xuống cấp, nguồn điện không ổn định, hóa chất, hay lỗi kỹ thuật nhỏ trong quy trình. Với không ít trường hợp, chúng tôi phải làm đi làm lại nhiều lần, bởi trực giác của mình thấy kết quả không phù hợp với mẫu bệnh phẩm. Mỗi lần như thế, chúng tôi đề nghị bác sĩ chỉ định làm lại với bệnh phẩm được lấy vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Trên mỗi tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm, thường có dấu (+) chỉ kết quả dương tính, hay dấu (-) chỉ kết quả âm tính. Hai kết quả chỉ khác nhau ở một dấu xổ thẳng xuống, nhưng lại có ảnh hưởng hoàn toàn trái ngược đến diễn biến sức khỏe của người bệnh. Vì thế, người làm xét nghiệm phải thật sự chịu khó, nhẫn nại, tỉ mỉ. Chỉ cần bỏ qua một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm, tác động trực tiếp đến việc điều trị bệnh nhân, đôi khi là cả mạng người.
Ở Khoa tôi còn học được đó là sự đoàn kết để cùng nhau giải quyết một vấn đề khó khăn, tinh thần giúp đỡ học hỏi lẫn nhau để đưa chất lượng của Khoa ngày càng đi lên và cuối cùng là sự điềm tĩnh khi tiếp xúc với bệnh nhân khó tính hay làm máu cho các bệnh nhi. 
 
Năm 2020 được chọn là năm được Tổ chức Y tế thế giới chọn là năm của Điều dưỡng - Hộ sinh - Kỹ thuật viên đối với tôi đây là thể hiện sự đánh giá cao và biết ơn sự phục vụ quan trọng của y tá, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên trong việc cải thiện sức khỏe và cứu sống bệnh nhân, đồng thời ghi nhận sự đóng góp thầm lặng của họ trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team