linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

BÀI DỰ THI MS36: NHỮNG KỶ NIỆM 16 NĂM TRONG NGHỀ

- Tên tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Thảo - Đơn vị: Trung tâm y tế Phú Vang – Thừa Thiên Huế
“Điều dưỡng”, hai tiếng thật thầm lặng, đơn điệu nhưng đã song hành cùng với bác sĩ cứu sống biết bao nhiêu sinh mạng của con người trong gang tấc, mang nụ cười đến nhiều gia đình trên mọi miền đất nước. Thấm thoắt đã là mười sáu năm kể từ ngày tôi quyết định theo đuổi ước mơ khoác chiếc áo blouse trắng, quyết định sẽ đối mặt với mọi khó khăn, thử thách của dịch bệnh, đối mặt với sự sống chết của một đời người. Thời gian mười sáu năm đó cũng không quá ngắn nhưng cũng không quá dài, đủ để tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc khi chăm sóc cho bệnh nhân, cho đến cái cảm xúc bồi hồi, kỳ lạ khi mới chập chững những bước chân non dại vào nghề. Nhớ lại những cảm xúc đó, dường như tôi cảm thấy yêu nghề và tự hào hơn!
 
Có làm bệnh án, chăm sóc bệnh nhân nhiều tôi mới cảm nhận rõ ràng hơn niềm vui sướng và tự hào mà tôi dành cho nghề. Với nghề này, tôi hiểu phải  tận tâm, tận tụy, cẩn thận, hết lòng để đáp ứng các nhu cầu của bệnh nhân, đặc biệt với là những bệnh nhân khó tính… Cứ thế dòng chảy của thời gian, của cảm xúc và kỉ niệm đột nhiên ùa về như thước phim đen trắng quay chậm…
 
Nhớ lúc mới tốt nghiệp, tôi  đã quyết định xin về tuyến huyện, một huyện nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày đầu tiên đi làm tôi đã đạp xe đạp 16 km đến chỗ làm. Trên đường, hai bên đường khá là ít xe, những cánh đồng dài tăm tắp cứ thế nối tiếp nhau. Tôi vừa đạp vừa lo sợ mình sẽ bị lạc đường, tôi cứ đi mãi, đi mãi… Một bệnh viện khá rộng, khá hoang sơ hiện ra trước mắt tôi. Sau khi chỉnh trang lại áo quần tôi được hướng dẫn đến khoa Nội, nơi mà hiện tại tôi đang công tác. Lúc đó sự bồi hồi, bâng khuâng của tôi cứ dâng lên, tôi cứ lo sợ là mọi người sẽ không thân thiện. Nhưng sự thật lại làm tôi bất ngờ, mọi người ở đây không những thân thiện mà còn tử tế nữa chứ! các anh chị đi trước hướng dẫn  tỷ mỹ cho tôi từng quy trình kỹ thuật bởi lẽ những kiến thức được đào tạo ở nhà trường đến thực tiễn cần có kinh nghiệm thực tế.
 
Tôi nhớ chiều nào các anh chị đồng nghiệp của tôi ai cũng tạm gác những quy  trình chuyên môn, tranh thủ cùng với đoàn thanh niên của bệnh viện cũng ra sức trồng cây, tưới nước và chăm sóc cây, đó là lúc các chị em đồng nghiệp thân thiết hơn, nay những cây đó đã mang lại bóng mát cho khoa phòng, đó là khoảnh khắc mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa.
 
Những người làm nghề này đều như con người bình thường, đều có vui, buồn, mắc lỗi lầm, bao gồm cả tôi. Nhưng sứ mệnh cao cả mà chúng tôi được giao phó, dung lượng mắc lỗi càng ít càng tốt. Tôi nhớ không lầm, một buổi tối phiên trực của tôi, có một bệnh nhân khi vào khoa tôi đang làm để khám thì sau khi có kết quả, người nhà luôn một mực đòi chuyển lên tuyến trên vì nói ở đây “nghèo nàn vật tư y tế”. Nhưng với sự ân cần của y bác sĩ và sự quan tâm tận tụy của tôi dành cho họ, họ đã đồng ý ở lại chữa trị, tối hôm đó tôi gần như thức trắng để theo dõi bệnh nhân đó, những cơn đau của bệnh nhân được xoa dịu làm cho tôi cũng đồng nghiệp của tôi phần nào quên đi những mệt nhọc khi trực gác. Trước khi về họ đã cám ơn tôi rất nhiều, đó là niềm vui không tả được trong bao nhiêu năm làm điều dưỡng, bởi lẽ để thuyết phục một  người nhà chấp nhận ở lại khoa không đơn giản, tôi phải đối mặt nhiều áp lực, đặt nhiều câu hỏi trong đầu nếu bệnh nhân trở nặng lên thì sẽ ra sao…nhưng với lòng yêu nghề, với trình độ chuyên môn của mình, tôi luôn xem nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của bản thân, chính những tiêu chí này đã giúp ích trong công việc của tôi hiện tại và sau này, đó là kỉ niệm đáng trân trọng trong cuộc đời làm điều dưỡng.
 
Với tôi, điều dưỡng là nghề khá vất vả, bởi lẻ bản thân tôi là nữ điều dưỡng ngoài đảm bảo công việc chu toàn ở cơ quan, tôi phải thực hiện tốt thiên chức làm mẹ, làm vợ, nhưng với lòng yêu nghề và sự nhiệt huyết trong người tôi. Tôi sẽ cố gắng hoàn tất nhiệm vụ của mình và “chung thủy” với nghề.
 
 
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team