linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

BÀI DỰ THI MS40: CẢM NHẬN VỀ NGÀNH Y TRONG TIM TÔI

- Tác giả: Mai Thị Thùy Trang - Đơn vị: Bệnh viện ĐKKV Cai Lậy
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền tây sông nước, nơi có địa điểm du lịch khá nổi tiếng được nhiều du khách yêu thích “Chợ nổi Cái Bè”.  Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi mơ ước trở thành một cô giáo nhưng sự cố gắng của tôi không đạt nên phải thi vào ngành điều dưỡng. Trong tâm trí tôi chưa suy nghĩ ra ngành điều dưỡng sẽ làm những công việc như thế nào và mình sẽ ra sao… Tôi nhớ lúc 12 tuổi tôi nhập viện vì bị sốt xuất huyết, buổi chiều ra hành lang nhìn vào phòng trực của cô điều dưỡng xem cô đang làm gì, tự nhiên cô nhìn thấy tôi rồi cô bước ra cười với tôi, cô hỏi thăm em khỏe chưa, lúc đó trong lòng cảm thấy sao cô mặc đồ blouse trắng thật đẹp, nhìn cô thật dễ thương quá, một cảm giác thật gần gũi, tôi muốn nói chuyện với cô ấy nhiều hơn nhưng do công việc cô điều dưỡng đã vội bước đi.
 
Kết thúc 3 năm học ngành điều dưỡng. Đầu năm 2009 tôi được trúng tuyển vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy và phân công về công tác tại Khoa Ngoại từ đó đến nay. Thời gian thấm thoát qua nhanh, mới đây đã 11 năm rồi. Những niềm vui hay nỗi buồn đều có trong tôi. Khi đã bước vào ngành thì tôi mới cảm nhận hết được không phải ai cũng hiểu và thông cảm cho ngành điều dưỡng chúng tôi. Đặc thù chuyên môn của khoa ngoại nên công việc điều dưỡng khá vất vả và luôn tất bật hơn các khoa khác, vừa phải tiêm thuốc, thay băng, chuẩn bị tiền phẫu, chăm sóc sau mổ, rồi các y lệnh phát sinh khác.. Công việc đòi hỏi phải có sự tận tâm, chịu khó và ân cần đối với từng người bệnh. Có những hôm bệnh đông, chúng tôi phải làm quần quật ngoài trại bệnh từ 7h sáng cho đến 12h trưa, những giọt mồ hôi nhễ nhại, cứ tươm nườm nượp, không kịp uống ngụm nước, chỉ lo chạy tất bật vì công việc, vì bệnh nhân, chỉ lo làm việc cho hoàn thành mà không để ý đã hết giờ chưa nữa. Đến trưa khi bước vào văn phòng khoa thì bụng có cảm giác cồn cào, miệng thì khát, lưng đã mỏi, chúng tôi vội uống ngụm nước rồi nói chuyện vu vơ với nhau để tạo không khí vui vẻ, cảm thấy bớt mệt. Thế rồi cũng hết một ngày làm việc. Có những hôm trực bệnh khá đông chúng tôi không kịp ăn cơm, có lẽ đã quen dần với cử cơm trưa là 13h - 14h, những cử cơm chiều là 20h - 21h. Gặp những đêm bệnh diễn biến hay cần theo dõi chúng tôi cứ tăng dần những bước đi,  đi tới đi lui xem bệnh thế nào, thực hiện y lệnh và theo dõi bệnh, bắt từng nhịp thở, thấu những cơn đau, nghe những lời rên than của bệnh nhân…Đến lúc bệnh nhân và người nhà đã say giấc thì chân tay chúng tôi cũng mệt rã rời, mắt lờ đờ mệt mỏi, cúi đầu tạm vào cạnh bàn để lấy lại sức tiếp tục công việc của ca trực giữa đêm khuya. Nhiều lúc chợt nhớ đến câu nói của người xưa: nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề là đúng. Tuy công việc có vất vả nhưng chúng tôi luôn làm việc bằng cả trái tim, bằng tinh thần nhiệt huyết, mỗi khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe thì niềm vui được ùa về và chúng tôi lại tiếp tục gắn bó với nghề điều dưỡng của mình.
 
Trong công việc ai cũng sẽ gặp rất nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn, tôi xin chia sẽ một vài câu chuyện làm tôi cảm thấy bồi hồi xúc động trong thời gian gần đây. 
 
Câu chuyện thứ nhất: Xin được kể về 1 bệnh nhân bị tai nạn giao thông, anh ta còn rất trẻ, là con trai út trong gia đình có 2 con, cuôc sống rất khó khăn, nhưng do mê uống rượu, buổi sáng tan ca bốc vác, anh không về nhà mà uống say cùng bạn bè, vì không đội nón bảo hiểm lái xe nhanh té đập đầu xuống đất bất tỉnh, khi người nhà hay đưa anh vào viện, do uống khá nhiều nên từ sáng đến chiều tối anh mới tỉnh, khi tỉnh dậy thì anh đã không ngồi được, liệt 2 tay 2 chân lúc đó bác sĩ khám hội chẩn chuyển viện tuyến trên. Bà mẹ già lớn tuổi chạy tới chạy lui, nghe bác sĩ nói bệnh nặng mà nước mắt rưng rưng. Lúc đó tôi cảm thấy buồn cho bà mẹ và giận anh thanh niên ấy, chỉ vì một phút vui chơi quá chén mà cả đời trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, rồi cha mẹ già không ai lo.. Đó là lời cảnh tỉnh cho những ai thích uống rượu, rồi lái xe, không nghĩ tới tính mạng bản thân mình và người thân.
 
Câu chuyện thứ hai tôi cũng chia sẽ vì đó là một kỷ niệm đẹp và ấn tượng trong tôi. Thường thì khi bệnh nhân xuất viện có thể hiện qua lời nói, qua nét mặt, hoặc cái gật đầu của bệnh nhân hoặc người nhà “ Cám ơn các cô nhiều lắm” là trong lòng chúng tôi đã cảm thấy vui lắm rồi. Từ lúc công tác đến nay, tôi chưa bao giờ được lời khen tặng cho điều dưỡng bằng những vần thơ. Bệnh nhân là người Thầy của các anh chị thế hệ trước nên chúng tôi không hề biết, chỉ biết thầy là một bệnh nhân nhập viện, có phẫu thuật và chăm sóc sau mổ. Thời gian nằm điều trị tại khoa, có lẽ thầy đã quan sát và cảm nhận từng thao tác, hành vi, lời nói của điều dưỡng. Đến khi hoàn tất thủ tục xuất viện, chúng tôi rất bất ngờ, thầy cầm một quyển vở với những vần thơ tặng cho chúng tôi, như lời thầy chia sẽ “Thầy để ý từng chút, từng chút một về cách làm việc của các em điều dưỡng, từ cách gọi tên mời bệnh nhân cho đến khâu tiêm thuốc, thay băng …thầy nghĩ mình phải làm gì đó…” Tuy đơn giản nhưng rất ấm áp, chất chứa trong tôi một cảm giác khác lạ, một món quà tinh thần giúp chúng tôi thêm động lực vượt qua những khó khăn, áp lực trong công việc và làm việc với cả cái “tâm” của nghề mình hơn. 
 
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế điều dưỡng, tôi xin được chia sẻ bài thơ này đến với tất cả các anh chị đồng nghiệp điều dưỡng đã và đang công tác, như một lời chúc mừng hạnh phúc và niềm vui. 
 
Bài thơ mang tên: “Từ mẫu”
 
Em là ai đỗ dài mềm mại
Thật dịu dàng thân ái với người đau
Xa em rồi lòng thương cảm biết bao
Tôi xin được gọi em là từ mẫu
 
Đây là lần đầu tiên tôi đến tham gia cuộc thi viết như thế này. Tôi chia sẻ đây không phải là than vãn gì về công việc của người điều dưỡng, mà chia sẻ với tận đáy lòng những cái mà chúng tôi đã và đang làm hàng ngày, và mong gắn kết nhiều hơn giữa người bệnh và nhân viên y tế . Có những lúc thật khó khăn và vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua với nhiệm vụ cao cả là chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và bản thân tôi rất tự hào khi mình công tác trong ngành y vì đã học được cách chăm sóc bản thân, gia đình và xã hội, sống biết quan tâm đến những nỗi đau của bệnh và đặc biệt là sẽ mãi giữ được cái tâm ấy trong tim.
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team