linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Tổng kết hội thảo Quản trị Bệnh viện

Ngày 20.10.2015 Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã tổ chức hội thảo về Quản trị bệnh viện do các Giáo sư, chuyên gia của Đại học Flinders (Úc) thuyết trình. Nội dung hội thảo gồm 3 phần, do lý do về bản quyền và ngày 23.10 tới còn có 1 Hội thảo tương tự được tổ chức tại HCM nên không thể đưa lên diễn đàn tài liệu hội thảo.
Xin được chia sẻ tóm tắt 1 số điểm mà cá nhân tôi thấy thú vị trong các bài thuyết trình:
 
 
1. Bài Vai trò của giám đốc điều hành trong bệnh viện:
- Khái niệm về "Điểm quá độ" trong nghề nghiệp: Hầu hết chúng ta được thăng chức lên làm nhà quản lý là do giỏi ở 1 vài điểm nào đó, ví dụ giỏi chuyên môn, thông minh, giao tiếp tốt... Nhưng sớm muộn cũng sẽ đạt tới điểm quá độ, khi mà các kỹ năng cũ không còn đủ. 80% nhà quản lý khi đạt tới giới hạn trở nên bị dồn ép, vượt quá khả năng của họ. Khi đó xảy ra 3 tình huống: Lạm dụng kỹ năng cũ và trở nên trì trệ; ép người khác và đổ lỗi cho người khác; ép chính bản thân mình và "cháy rụi"
- Các nhà lãnh đạo "quá đà" về những việc mà họ giỏi: Đôi khi phải giảm thông minh đi 1 chút, giảm định hướng kết quả, giảm tự cung tự cấp; chậm lại và lắng nghe
- 4 phong cách lãnh đạo thường gặp:
+ phong cách "anh hùng":khuôn mẫu lý tưởng hóa, sự ảnh hưởng là 1 phía,
+ phong cách "phân tán": chia quyền, giao quyền, ủy quyền
+ phong cach "biến đổi": sáng tạo, học hỏi, phát triển cá nhân trong tổ chức...dẫn đến "cầu toàn hóa" mục tiêu của tổ chức
+ phong cách "độc đoán": dễ gặp 3 đặc điểm cá nhân: Chủ nghĩa cá nhân, thủ đoạn nham hiểm, biến thái nhân cách
- 1 hội thảo viên hỏi diễn giả về 5 tiêu chí hàng đầu của 1 nhà lãnh đạo BV, GS Arthur đã trả lời: 
1. Chất lượng và an toàn người bệnh. 
2. Đạt mục tiêu của tổ chức theo KH (hợp đồng) đặt ra. 
3. Tầm nhìn xa, trông rộng về chiến lược phát triển của tổ chức. 
4. Quản lý nhân sự tốt: thu hút, duy trì, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. 
5. Quản trị thông tin
- Trả lời câu hỏi làm gì với 1 nhà điều hành tồi, Gs cho biết ở Úc hiện nay, hợp đồng GĐ chỉ có 2 năm. Trong hợp đồng có nêu rõ các thành quả cần đạt theo từng mốc thời gian nhất định. GĐ sẽ bị sa thải khi không đạt các thành quả đó kể cả trong trường hợp vì lý do khách quan
 
2. Bài Quản lý nguồn nhân lực:
- Quy trình tuyển dụng bao gồm các bước:
+ Xác định kỹ năng và năng lực thông qua bảng mô tả công việc cho vị trí cần tuyển dụng: việc này ở BV công của VN không được quan tâm 1 cách bài bản
+ Xác định tiêu chí lựa chọn: bằng cấp, trình độ, kỹ năng, khả năng, kiến thức và cách cư xử (không phải là đặc điểm) của ứng viên
+ Hội đồng lựa chọn: phải có sự tham gia của thành viên khoa, phòng có vị trí cần tuyển dụng. (Ở BV VN mình thấy HĐ thường chỉ có BGĐ và TP TCCB)
+ Thực hiện phỏng vấn: Cần sử dụng các câu hỏi hành vi đánh giá kinh nghiệm chứ không phải đánh giá cách nhìn nhận; đề phòng các "định kiến", căn cứ "trực giác" ban đầu; quan sát ngôn ngữ cơ thể... sự "tương hợp" với người đồng sự cũng rất quan trọng (điều này ở VN rất ít được quan tâm). Tóm lại các thành viên HĐ không phải "tìm kiếm 1 người bạn thân mới mà tìm 1 nhân viên đáng tin cậy, có tài năng và làm việc hiệu suất cao"
+ Tham vấn và quyết định 
- Trong việc duy trì, thúc đẩy nhân viên, diễn giả đưa ra nhiều thuyết (thuyết 2 nhân tố, thuyết bình đẳng, thuyết kỳ vọng, thuyết đặt mục tiêu) với mỗi ưu thế của từng thuyết. Trong đó mình thấy tâm đắc với mấy điểm
+ LĐ cần cố gắng giảm thiểu sự bất bình đẳng trong động viên nhân viên (công bằng về phân phối chủ yếu liên quan đến thành quả của tổ chức, công bằng thủ tục có liên quan nhiều nhất đến sự hài lòng, niềm tin, thành tích, hành vi của nhân viên)
+ LĐ cần biết có những việc cụ thể, trong hoàn cảnh nào đó thì dù có cố gắng đến đâu cũng không thể cải thiện thành tích mà ta mong đợi
+ Thay vì đưa ra những mục tiêu quá cao cho nhân viên thì đưa mục tiêu đồng thời phải hỗ trợ để họ có thể đạt được mục tiêu
- Quản lý thành tích của nhân viên: 
+ Cần phải có kỳ vọng rõ ràng, được hiểu rõ; phương pháp hoặc hệ thống quản lý tốt; phản hồi kịp thời
+ Phương pháp quản lý: xem xét 3 tiêu chí: trách nhiệm, chỉ số và mục tiêu
+ 1 số sai lầm trong quản lý thành tích: Thành kiến, thiếu mục tiêu, không công bằng, GĐ không biết về công việc, không phản hồi (nhân viên muốn nhận phản hồi dưới hình thức hướng dẫn kèm theo kế hoạch cải thiện rõ ràng), đưa ra chỉ trích ("đưa ra chỉ trích mang tính xây dựng, ngay cả khi nó là chính xác, có thể gây ra suy giảm thành tích từ từ do phản ứng xúc cảm của nhân viên") 
- Quản lý những cá nhân thành tích kém thế nào?: 
+ Can thiệp sớm thì gần như luôn luôn tích cực
+ Đầu tư thời gian, kiên nhẫn, kiên định, theo sát, tôn trọng
- Xác định nguyên nhân vì sao một người trở nên "tồi"
+ Yếu tố bên ngoài: bệnh tật, rối loạn nhân cách...
+ Thất bại đã gặp: bất bình không giải quyết được, căng thẳng, xung đột cá nhân
+ Người đặt không đúng chỗ
+ Chịu áp lực
 
3. Bài thứ 3 về quản trị tài chính
Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là trong bối cảnh sắp phải tự chủ theo lộ trình nghị định 85 của chính phủ. Nhưng đây cũng là lĩnh vực các nhà quản lý BV công (thường là các nhà chuyên môn y tế thuần túy) ít kiến thức và kinh nghiệm nhất. 
 
Nội dung này được 2 chuyên gia về kinh tế của trường Đại học Flinders, Ts. Mark Mackay & Ths. Ian Walton trình bày chủ yếu tập trung vào vấn đề Phương thức chi trả theo ca bệnh. 
Các nhà quản lý y tế của chúng ta cũng giống như ở Úc trước đây hầu hết đã được đào tạo làm cán bộ y tế, thường có xu hướng chú trọng vào lâm sàng. Họ thiếu bất kỳ hiểu biết thực tế nào về quản lý tài chính nhưng có nhu cầu thực sự để làm điều đó.
 
1. Các diễn giả đã trả lời câu hỏi: Tại sao QL tài chính trong các bệnh viện ở Úc lại được coi trọng:
- Chi phí Y tế tăng nhanh hơn nhiều chi phí khác.
- Bệnh viện đại diện cho một cấu phần đáng kể trong ngân sách y tế - vì thế là trọng tâm của chính phủ trong tìm cách cải thiện chi phí.
- Chi phí y tế là "chi phí cơ hội", nghĩa là
+ $1 tiêu cho y tế là $1 không tiêu cho các lĩnh vực khác
+ $1 tiêu cho một dịch vụ y tế nhất định là $1 không tiêu cho một dịch vụ y tế khác
- Quản lý tài chính là cấp bách đặc biệt khi nguồn lực là có hạn
 
2. Các báo cáo viên đưa ra vài con số về chi tiêu y tế ở Úc: 
- So sánh chi tiêu về y tế năm 2013 giữa các quốc gia:
+ Mỹ đứng đầu với con số 17,1% GDP
+ Úc đứng gần cuối các nước phát triển với con số 9,1% 
+ Việt nam dẫn đầu các quốc gia châu Á với 6% trong khi Trung quốc, Thái Lan, Sinhgapo lần lượt là 5,6; 4,6; 4,6%
- Hồ sơ chi tiêu của bệnh viện công tại Úc 2011-12 cho thấy chi phí dành cho thuốc chỉ chiếm 5% tổng chi phí của các bệnh viện. Trong khi con số này tại các bệnh viện Việt Nam lớn hơn rất nhiều. Tại bệnh viện Đống Đa vào khoảng 25 - 30%. Các đồng nghiệp có thể chia sẻ con số này ở các đơn vị khác?
 
3. Phương thức chi trả theo ca bệnh - Casemix:
- Ý tưởng về phương thức này là: Phân bổ nguồn kinh phí dựa trên một giá chuẩn. Chi trả thống nhất cho các hoạt động giống nhau – đồng nhất
- Bản chất của Casemix:
+ Phân loại: Bệnh nhân được phân loại theo các nhóm thích hợp về lâm sàng, và đồng nhất về chi phí (ví dụ, tất cả các bệnh nhân sử dụng thủ thuật mổ thay thủy tinh thể có thể được coi là một nhóm). Phân loại này dựa trên mã bệnh ICD-10. Với hơn 10.000 bệnh được liệt kê theo ICD-10, ở Úc khi làm Casemix đã nhóm lại còn 768 nhóm chẩn đoán có liên quan (DRG)
+ Tính phí: Chi phí cho một mẫu các bệnh nhân được thiết lập. Thông tin này được sử dụng cho mô hình định giá.
+ Định giá: Mô hình định giá quyết định số tiền phải trả cho một bệnh nhân trung bình. Có thể có các điều chỉnh cần thiết ví dụ cho trẻ em... 
+ So sánh: So sánh kết quả với những đơn vị, bệnh viện khác (chuẩn). Điển hình là so sánh về thời gian nằm viện được thực hiện.
+ Mục đích: thúc đẩy "Hiệu quả chuyên môn"
- Casemix đã được áp dụng ở Úc 1 cách "chậm chạp", không phải tất cả các bang và vùng lãnh thổ đều áp dụng tại cùng 1 thời điểm. Và ban đầu Úc nhập khẩu nó từ mô hình Yale của Mỹ rồi qua thời gian mới điều chỉnh cho phù hợp với Úc.
 
Ở Việt Nam, tôi được biết Bộ y tế và BHYT cũng đang tiến hành nghiên cứu để triển khai phương thức thanh toán theo ca bệnh. Có lẽ cần bàn đến ở đây là cách tính toán, áp dụng như thế nào? 1 hội thảo viên cho biết anh nằm trong nhóm nghiên cứu của BYT (?). Anh nói "chỉ mất 1 ngày" để tính chi phí cho mỗi nhóm DRG của 1 bệnh viện. Chia sẻ này của anh không được các diễn giả ủng hộ. Các ông cho biết việc tính toán nó là rất phức tạp và cần thận trọng
- Các diễn giả cũng trao đổi về các tính chi phí DRG từ chi phí "sổ cái", chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, trọng số dịch vụ, dữ liệu bệnh tật... với nhiều thuật ngữ tài chính chuyên sâu mà bản thân tôi cũng như các hội thảo viên thấy ù tai. Xin phép không đưa ra các công thức tính toán ở đây nhưng đủ để hiểu rằng muốn áp dụng Casemix ở VN cần phải có sự đầu tư nghiêm túc và có lộ trình. 
 
Tuy nhiên phải khẳng định tính ưu việt của phương thức thanh toán này so với cách thanh toán "thực thanh thực chi" của chúng ta hiên nay. Về vấn đề này tôi đã có chia sẻ 1 số ý kiến trong comment bài viết về Hội thảo "Kinh tế y tế - Quản lý bệnh viện" của bạn Linh Phan trong mục HỌC MỖI NGÀY ngày 21/10.
 
Xin được tiếp tục chia sẻ, trao đổi với các bạn đồng nghiệp về vấn đề quản lý tài chính bệnh viện vào dịp khác.
 
 
ThS Nguyễn Thị Bích Vân
BV Đa Khoa Đống Đa
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team