linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Tổng hợp nội dung Hội thảo Cung Cấp Thông tin cho Báo chí và Xử lý khủng hoảng truyền thông trong Y tế

Như chia sẻ của bạn Long Chan sau Hội thảo: “Như xem 1 siêu phẩm James Bond 007 series mới : Khởi đầu thật hứng khởi... ma mị. Đoạn giữa dành cho phụ nữ đầy cảm xúc... điểm nhấn. Đoạn kết cao trào... pha chút hài hước... kết phim thật mỹ mãn.. nhưng vẫn còn tiếc nuối”.

8h sáng ngày Chủ Nhật 27/12, những ngày cuối năm tất bật. Tại Trung Tâm Mắt Hải Yến –số 31A Đường Nguyễn Đình Chiểu, một hoạt động rất được mong chờ của các anh chị em CLB QLCL-ATNB đã được Ban Tổ Chức chuẩn bị chu đáo.

 
Hội thảo về “Cung Cấp Thông tin cho Báo chí và Xử lý khủng hoảng truyền thông trong Y tế”
 
Phòng hội thảo gọn gàng, trang trí cùng với một số hình ảnh vui nhộn tạo cảm xúc tích cực cho người đến dự. Hơn 50 anh chị em đến từ nhiều Cơ sở y tế trong khu vực TpHCM và Bình Dương – Đồng Nai đã tay bắt mặt mừng trong ngày họp mặt. Mặc dù trước đó đã ý ới trên FB suốt.
 
 
8:30 Hội thảo bắt đầu với phần chia sẻ của Thạc Sĩ Truyền thông – Nhà báo Phan Kim Sơn.
 
Anh Sơn mong muốn phần trình bày có thể “Giúp người nghe hiểu biết về báo chí nói chung và báo chí y tế nói riêng, từ đó xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với báo chí, biết cách ứng xử với giới truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông khi xảy ra sự cố y khoa”.
 
Với câu hỏi “Ở đây, có ai SỢ báo chí không?” , anh Sơn đã cho giúp mọi người nhìn thẳng vào vấn đề. Rất nhiều cánh tay giơ lên. Rồi thì “SỢ là SỢ cái gì?”, dân gian nghĩ gì về nghề - về người làm báo? Và vì sao báo chí phải giật tít? Và để thu hút người xem, để “tồn tại” được, nhiều tờ báo đã không ngại sử dụng “3S: Sex – Shock và Sến” như thế nào. 
 
 
Tuy vậy, báo chí vẫn phải chịu rất nhiều sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản,.. Và cũng đã có không ít trường hợp đã thắng kiện khi báo chí nói không đúng sự thật. Như vậy, khi cần có sự can thiệp vì những thông tin không đúng sự thật về cơ sở của mình, chúng ta cũng có thể tìm đến những cơ quan này.
 
Trong ngành y, sai sót – rủi ro dễ xảy ra như thế nào thì trong báo chí, sai sót khi đưa bài báo lên khuôn cũng vậy. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một bài báo kém chất lượng đến tay người đọc. 
 
Và khi đó, một cuộc khủng hoảng truyền thông có thể vô tình hay cố ý được kích hoạt.
 
Và với cách làm báo như hiện nay, nhiều người làm báo đang tập hợp với nhau thành những nhóm làm báo để chia sẻ thông tin. Như vậy, một tin “3S” sẽ ngay lập tức được chia sẻ, đăng tải một cách nhanh chóng trên nhiều tờ báo khác nhau.
 
Vậy thì, để tự bảo vệ mình, người nhân viên y tế, cơ sở y tế phải làm gì để tránh những sai lầm thường gặp khi làm việc với báo chí, để bảo vệ mình khi khủng hoảng truyền thông gọi tên mình?
 
Những nguyên tắc xử lý, những điều nên và không nên làm, những sai lầm thường gặp, và một số ví dụ thực tiễn về xử lý khủng hoảng truyền thông trong ngành y đã thực sự làm cho hội trường nóng lên với một số câu hỏi nhanh ngay sau đó.
 
 
Tiếp theo là phần chia sẻ của TS.BS Trần Hải Yến, Trung Tâm Mắt Hải Yến – Chủ nhà của Hội thảo.
 
Chị Hải Yến đưa ra một trường hợp cụ thể khi BV của chị đã từng phải đối diện với một cuộc khủng hoảng về truyền thông, liên quan đến sự cố về nhiễm khuẩn bệnh viện. 
 
 
Phần này thật sự hấp dẫn vì sự việc đã diễn ra rồi, diễn giả là người trong cuộc và bản thân chị cũng cố gắng đưa ra những phân tích, lý giải để nếu chẳng may một cơ sở y tế gặp phải hoàn cảnh tương tự, sẽ hiểu được trình tự, và những điểm cần quan tâm ở từng giai đoạn cụ thể.
 
Trong câu chuyện đó, mọi thứ chỉ thực sự ổn sau 2 năm rưỡi sóng gió. 
 
Tuy nhiên, theo chị, thật không dễ dàng gì để “người bệnh, thân nhân, luật sư và nhất là báo chí” sẽ “tha cho mình”. Nên sự chuẩn bị tốt nhất để có thể vượt qua được khủng hoảng chính là sự chuẩn bị từ những việc nhỏ nhất hướng đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
 
Và theo chị Hải Yến, để cân bằng thì khi họ (các nhà báo) có kênh truyền thông của họ thì mình (cơ sở y tế) cũng phải có kênh truyền thông cho mình.
 
 
Sau cùng là phần chia sẻ của TS Huỳnh Văn Thông - Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông – Trường ĐH KHXH và NV – Đại học Quốc gia TpHCM.
 
 
Anh Thông – lần đầu ra mắt diễn đàn CLB, tuy nhiên anh cũng đã nhiều lần chia sẻ, hướng dẫn về chủ đề “Kỹ năng truyền thông và Quan hệ báo chí” cho những người đứng đầu của các cơ sở y tế.
 
Với anh, có thể tóm tắt về truyền thông ở thời điểm này qua một chữ “KHÓ LƯỜNG”. Khủng hoảng truyền thông bây giờ có thể không đến từ báo chí truyền thống nữa, mà có thể đến từ “truyền thông xã hội” khi mà mỗi người – ai cũng có điện thoại di động thông minh và thích nói gì là nói – chẳng có ai kiểm soát họ. Trong nhiều trường hợp, báo chí sẽ “chộp”những thông tin này và khủng hoảng bắt đầu.
 
Vẫn với câu chuyện làm thế nào để một cơ sở y tế vượt qua khủng hoảng truyền thông, Anh Thông đã đưa ra nhiều ví dụ cụ thể như trường hợp đang nóng bỏng là Tân Hiệp Phát, hay tổng thống Obama đối mặt với sự kiện xả súng ở Mỹ, và những sự cố ở một số cơ sở y tế,..
 
Anh chia sẻ cụ thể từng cách phát biểu, nội dung, thái độ của người đứng đầu tổ chức trong việc “định hướng cảm xúc” của xã hội. 
 
Và anh đã cung cấp nhiều tình huống “mẫu” để một tổ chức cần phải “phát ngôn”, đưa ra thông điệp như thế nào là tốt nhất, có lợi nhất cho hình ảnh của tổ chức. 
 
Với cách chia sẻ dí dỏm, anh Thông đã làm cho hội trường sôi động hơn, những nội dung nghe có vẻ khó hiểu trở nên gần gủi hơn.
 
 
Hỏi Đáp
 
Với những chia sẻ thật sự rất chất lượng của cả ba diễn giả, phần thảo luận sau đó cũng sôi nổi khi Thạc Sĩ Huỳnh Bảo Tuân đưa ra vấn đề “Trảm tướng có giúp vượt qua khủng hoảng không?”.  Và ý tưởng “một tổ chức hướng đến việc xử lý con người – thí chốt là một tổ chức đang suy thoái” đã làm cho mọi người có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này.
 
Kết thúc hội thảo lúc 12:00, ai cũng háo hức mong chờ đến ngày hội ngộ tiếp theo vào cuối tháng 2/2016 khi anh Nguyễn Thành Trung – Chủ tịch HĐQT của Bệnh Viện Đa Khoa Mỹ Phước – Bình Dương tuyên bố đăng cai hội thảo và chính thức gửi lời mời tham dự đến các diễn giả, các bạn tham gia hội thảo và toàn thể thành viên CLB QLCL-ATNB.
 
 
 
Tóm lại
 
Truyền thông là “một hoạt động liên tục được lên kế hoach nhằm nỗ lực thiết lập và duy trì uy tín, tình cảm sự hiểu biết lẫn nhau giữa một tổ chức và công chúng”. 
 
Nên hãy thường xuyên cung câp thông tin về phía mình cho báo chí, cho công chúng chứ không phải đến khi có chuyện mới làm truyền thông thì "ai mà cứu cho nỗi"..
 
Kết
 
 
Ai cũng hy vọng, CLB càng ngày càng có nhiều hơn những hội thảo hay - bổ ích để mọi người cùng có thêm kiến thức.
 
Một lần nữa, xin được cảm ơn ba diễn giả, những người đi trước - có nhiều kinh nghiệm về truyền thông đã tận tình chia sẻ lại kiến thức, và đặc biệt là đã đồng ý kết nối tiếp tục hỗ trợ CLB QLCL-ATNB trong thời gian tới.
 
Cảm ơn các anh chị trong CLB đã dành thời gian của ngày cuối tuần cho một hoạt động tập thể của CLB. Cùng nhau trao đổi - chia sẻ kiến thức về truyền thông.
 
Và đặc biệt, cảm ơn Chị Hải Yến cùng các anh chị trong BTC của Trung Tâm Mắt Hải Yến đã tổ chức một buổi hội thảo rất ấm cúng, chuyên nghiệp.
 
Chủ Nhật 27/12 – Một ngày thật vui và học thêm được nhiều điều bổ ích.
 
Thế Anh
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team