linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Riêng về chất lượng bệnh viện, ISO thường bị nhầm lẫn thành tiêu chuẩn chất lượng y tế quốc tế, tuy nhiên sự thật không phải vậy

Có một xu hướng ở một số BV lớn/trung bình ở Việt Nam hiện tại đó là họ đã đang và sẽ theo đuổi hệ thống QLCL ISO 9001:2008 và mới nhất là chuẩn ISO 9001:2015 để áp dụng cho công tác quản lý chất lượng của bệnh viện mình. Riêng tác giả có một góc nhìn hơi khác về chuẩn ISO trong hệ thống bệnh viện, và mong muốn được chia sẻ với anh em trên diễn đàn chúng ta để cùng thảo luận, trao đổi về một số tiêu chuẩn chất lượng y tế HOT ở thời điểm hiện tại.
Ngược dòng lịch sử ta hãy thử tìm hiểu một chút về chuẩn chất lượng và con đường hình thành nên chuẩn JCI của Mỹ. Năm 1917, quá trình kiểm chuẩn chất lượng được khởi nguồn từ Mỹ với việc tổ chức đào tạo phẫu thuật viên Hoa Kỳ (American College of Surgeons) thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn để xác định các bệnh viện thích hợp cho việc đào tạo phẫu thuật và tiến tới mô tả nhu cầu chuẩn hóa các bệnh viện thông qua việc kiểm chuẩn chất lượng (accreditation). Đến năm 1951, Mỹ thành lập tổ chức kiểm chuẩn Joint Commission cho các tổ chức y tế, và từ đó phát triển nên các chương trình kiểm chuẩn quốc gia. Kể từ năm 1990 cho đến nay, cứ mỗi 5 năm thì số lượng các chương trình kiểm chuẩn trên thế giới lại tăng gấp đôi, và bây giờ thì việc kiểm chuẩn chất lượng bệnh viện đã thực sự trở thành một quá trình toàn cầu! (1)
 
ISQua (International Society for Quality in Health Care) là tổ chức công nhận/kiểm chuẩn chất lượng cho các bộ kiểm chuẩn chất lượng được áp dụng trên thế giới thông qua chương trình kiểm chuẩn chất lượng quốc tế IAP (international accreditation programme). Từ năm 1999 đến nay ISQua đã công nhận cho 125 Bộ tiêu chuẩn chất lượng Y tế, 62 tổ chức kiểm chuẩn chất lượng và 25 chương trình đào tạo giám sát viên trong phạm vi trên 40 quốc gia (chưa có tổ chức nào ở Việt Nam). Đặc biệt là họ sử dụng các tiêu chuẩn chăm sóc y tế và xã hội mà không hề sử dụng các tiêu chuẩn ISO! (2)
 
Câu hỏi đặt ra: tại sao chuẩn ISO là tiêu chuẩn quốc tế cho rất nhiều ngành nghề nhưng riêng trong y tế thì vẫn còn rất hạn chế ở các nước trên thế giới?
 
ISO là tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cho gần như tất cả các lĩnh vực, trong đó y tế cũng không phải là ngoại lệ. Tổ chức ISO phát triển một bộ các tiêu chuẩn (ISO 9000) vốn dĩ được thiết kế ra cho ngành công nghiệp sản xuất (ví dụ như sản xuất dược phẩm và trang thiết bị y tế) nhưng gần đây chúng cũng được sử dụng để đánh giá hệ thống quản lý chất lượng trong một số bộ phận đặc thù về y tế hoặc trong toàn bộ một bệnh viện/ một phòng khám. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn ISO hiện tại liên quan khá nhiều đến các quy trình quản lý, hơn là đến hiệu suất của bệnh viện, và các thuật ngữ trong chuẩn ISO cũng có vẻ không liên quan mấy đến ngành y tế dẫn đến muôn vàng các diễn giải khác nhau của các tổ chức chứng nhận ISO khi tiến hành hướng dẫn các bệnh viện trong việc cấp chứng nhận ISO. (3) Năm 1996, tiến sĩ Charles Shaw cũng đưa ra nhận xét tương tự: một số tiêu chuẩn ISO ví dụ như là về “xác định và nguồn gốc sản phẩm” thì lại rất dễ dàng áp dụng vào một số dịch vụ y tế như là xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh, nhưng lại đòi hỏi sự suy diễn sáng tạo khi áp dụng trực tiếp vào việc chăm sóc bệnh nhân. Các tiêu chuẩn ISO tập trung vào khả năng của tổ chức hơn là kết quả đầu ra, tập trung và chất lượng quá trình hơn là sản phẩm cuối cùng, và chúng đánh giá chất lượng sản phẩm cuối cùng thông qua sự hài lòng của khách hàng. Trong khi đó việc kiểm chuẩn chất lượng khác ISO cũng ghi nhận vai trò của sự hài lòng khách hàng, nhưng cũng đồng thời thấy được các điểm hạn chế của nó, cộng thêm các đánh giá về các quá trình và kết quả đầu ra ở bệnh nhân và cộng đồng (kể cả các biện pháp phòng ngừa), làm hài hòa giữa bệnh nhân, cộng đồng và các bằng chứng khoa học. (4) Tuy vậy, các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng khác còn tương đối thiếu sót so với ISO ở các vấn đề như: mua sắm, kiểm soát và hiệu chuẩn thiết bị, xác định và truy nguồn sản phẩm, kiểm soát thiết kế nghiên cứu và sản phẩm mới… Do đó, tiêu chuẩn ISO 15189 vẫn đặc thù hơn cho các phòng xét nghiệm và được ghi nhận là tiêu chuẩn quốc tế cho các phòng xét nghiệm y tế.
 
Một báo cáo năm 1998 bởi nhóm các chuyên gia tư vấn cho chính phủ Úc nhận xét rằng: “Việc đo lường và đánh giá chất lượng y tế dựa trên một bộ tiêu chuẩn cho tổ chức đã được hình thành bền vững ở Úc thông qua Tiêu Chuẩn ACHS (Australian Council on Healthcare Standards - Hội đồng về các tiêu chuẩn Y tế của Úc) trong hệ thống các bệnh viện và Chương trình kiểm chuẩn và các tiêu chuẩn y tế cộng đồng (CHASP) trong hệ thống các cơ sở y tế cộng đồng khác. Đồng thời có một xu hướng quan tâm đến các hệ thống quản lý chất lượng được sử dụng nhiều trong các ngành khác như sản xuất hoặc dịch vụ, có thể áp dụng được cho nhiều thể loại ngành nghề và được chứng nhận quốc tế, trong đó có ISO. Mặc dù ISO không có các tiêu chuẩn đủ tốt cho chất lượng lâm sàng, nhưng bù lại các tổ chức có thể thiết lập được hệ thống cơ sở hạ tầng của tổ chức cũng như văn hóa tổ chức để hỗ trợ cho các hoạt động lâm sàng. (3)
 
Riêng về phía người sử dụng dịch vụ, tác giả tìm thấy một nhận xét trên trang website khá nổi tiếng về du lịch cho các du khách ở các nước của Well Traveled: “Có một kiểm chuẩn chất lượng thường xuyên được quảng cáo trên các trang bảo hiểm sức khỏe du lịch mà Well Traveled không cho là có liên quan đến chất lượng chăm sóc y tế tốt - ISO. ISO thường bị hiểu nhầm là một chương trình kiểm định chất lượng y tế quốc tế, nhưng thực ra thì không phải vậy. Josef Woodman, tác giả cuốn “Bệnh nhân xuyên biên giới: Sổ tay hướng dẫn cho mọi người về bảo hiểm sức khỏe du lịch đẳng cấp thế giới và vừa túi tiền”, cho rằng: “ISO chủ yếu là về các cơ sở và vấn đề quản lý hành chính, không phải là quản lý các quy trình, những thực hành và phương pháp chăm sóc y tế. Điều đó làm hạn chế giá trị điều trị bệnh tật cho bạn!”. Cũng trên trang website này, bốn tổ chức kiểm chuẩn chất lượng được đánh giá rất cao trên thế giới và tương đương nhau, bao gồm: Accreditation Canada, Australian Council of Healthcare Standards (ACHS), Joint Commission International (JCI) và QHA Trent. (5)
 
Về bản thân của tác giả, với kinh nghiệm còn khá non trẻ trong lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn người bệnh với vỏn vẹn 3 năm công tác trong ngành, tác giả cho rằng Tiêu chuẩn ISO 9000 trong y tế còn nặng về mặt quản lý hành chính, quy trình cấp chứng nhận cho bệnh viện còn tương đối dễ dàng và mức độ ghi nhận của người sử dụng dịch vụ với chứng chỉ ISO là còn chưa rõ ràng, hiệu quả của áp dụng ISO vào các bệnh viện cũng chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, tất cả mọi con đường chất lượng nếu có quyết tâm, có động lực, tâm huyết vì người bệnh, vì tổ chức, thì việc áp dụng một tiêu chuẩn quốc tế nào cũng sẽ rất tốt cho cơ sở y tế, cho người dân. “All roads lead to Rome” – Tất cả mọi con đường rồi cũng sẽ về đến đích. Có điều, có những con đường mất 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Nhưng có những con đường tắt chỉ cần đến 3 năm, 5 năm là đã thấy được bầu trời, thấy được mục tiêu mà mình, mà tổ chức theo đuổi. Ước mơ của tác giả là một ngày chúng ta sẽ được HỘI NHẬP với nền chất lượng y tế của thế giới, có được các tổ chức chứng nhận kiểm chuẩn chất lượng y tế mang tầm quốc tế được ISQua công nhận, có được nhiều hơn nữa các bệnh viện Việt Nam được gắn nhãn chất lượng JCI của Mỹ, ACHS của Úc, Accreditation Canada… với giá cả dịch vụ của Việt Nam!
 
Chúc mọi người năm mới thành công, 2018 tiếp tục thúc đẩy cải tiến chất lượng y tế! Cải tiến thật, chất lượng thật, thành công rực rỡ!!!
 
TOGETHER, WE CAN!
 
Tài liệu tham khảo:
(1) L. O’Connor. Giám đốc Trung tâm chất lượng cho Hoạch định và Chất lượng Y tế. Các hệ thống kiểm chuẩn chất lượng khác nhau trong các hệ thống y tế khác nhau. 02/03/2010
(2) Video giới thiệu về chương trình kiểm định chất lượng quốc tế. Triona Fortune, Phó Giám đốc điều hành của Hiệp hội quốc tế về chất lượng y tế (ISQua). Đường link: https://isqua.org/accreditation-iap/what-is-the-iap. Truy cập ngày: 01/01/2018
(3) “Chất lượng và kiểm chuẩn chất lượng trong các dịch vụ y tế. Một báo cáo toàn cầu.” .Tổ chức y tế thế giới. WHO. 2003
(4) Tiến sĩ Charles Shaw. “Kiểm chuẩn chất lượng và ISO: sự hội tụ quốc tế về các tiêu chuẩn y tế”. Thư tham khảo cho ISQua. Tháng 10/1996.
(5) Một hướng dẫn đáng tin cậy về Các chuẩn chất lượng y tế quốc tế.
 Link: https://www.getwelltraveled.com/accreditation/. Truy cập ngày 01/01/2017.
 
Lê Gia Lộc
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team