linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Bệnh nhân rất hài lòng, và một giờ sau thì tử vong

Việc đặt mục tiêu của ngành y tế là sự hài lòng của bệnh nhân (Patient Satisfaction) được áp dụng triệt để ở Mỹ trong 10 năm gần đây. Đỉnh cao là bộ luật Bảo Hiểm Y Tế năm 2012 (Affordable Care Act) yêu cầu là 1% tổng chi trả BHYT cho mỗi BV sẽ bị “treo" lại, và chỉ có những BV có mức hài lòng cao mới được nhận lại. Ngành y tế Việt Nam cũng đang theo xu hướng này và các tiêu chí chất lượng của BYT yêu cầu đo đạc mức độ hài lòng của BN.
Tương tự như một phương trình bậc hai có hai nghiệm - âm và dương, việc làm BN hài lòng có thể làm theo hai cách. Cách tích cực bằng PhươngPháp7E, lấy nhân viên y tế làm gốc để cải tiến thực chất, như mình đã có đề cập trong hai bài viết trước.
 
 
 
 
 
Cách thứ hai, cũng làm bệnh nhân hài lòng, nhưng theo hướng tiêu cực. Năm 2012, hai giáo sư Đại Học Y California UC Davis đăng trên tạp chí Y Khoa Mỹ (JAMA) một nghiên cứu lớn (N=51 946) cho thấy: bệnh nhân càng hài lòng thì chi phí điều trị và mức độ tử vong càng cao. Những bệnh nhân hài lòng nhất cũng là những người có nguy cơ tử vong đặc biệt cao trong bốn năm sau đó.
 
Lý do là hầu hết các BV ở Mỹ gây áp lực với NVYT để làm BN hài lòng thông qua đánh giá kết quả làm việc và ảnh hưởng đến lương thưởng, nhưng lại không cung cấp công cụ và điều kiện để NVYT giáo dục BN (Patient Education) và cải tiến qui trình (Quality Enhancement).
 
Kết quả là NVYT tập trung “chiều ý” BN thay vì điều trị hiệu quả. GS. Fenton cho biết, NVYT càng bị gây áp lực về hài lòng BN, thì càng dùng nhiều thuốc kháng sinh, càng làm nhiều xét nghiệm, càng ít khuyên BN bỏ thuốc lá. Vì vậy chi phí điều trị và tỉ lệ tử vong cùng tăng.
 
Trong ngành y, luôn có lúc NVYT phải từ chối yêu cầu của BN (v.d. có cholesterole cao nhưng lại đòi ăn xúc xích). Một giảng viên lâm sàng ở bang Missouri nói: “Nhiều khi chúng tôi phải từ chối BN, dù biết chắc họ sẽ không hài lòng. Như vậy còn tốt hơn là cứ chiều ý để họ rất hài lòng, nhưng một giờ sau tử vong.”
 
Mục tiêu làm hài lòng BN là mục tiêu đúng, nhưng cần có cách tiếp cận tích cực và có chiều sâu. Nếu nhà quản lý y tế đòi hỏi Patient Satisfaction một cách cực đoan thì sẽ có các hiệu ứng tiêu cực.
 
Trong bài viết trước CLB chúng ta đã bàn về việc “BN không phải là khách hàng”, vì BN không hiểu hết (information asymmetry) và không luôn luôn đúng. Trong môi trường y tế thương mại hoá hoàn toàn, một BV có thể kiếm doanh thu cao từ mức độ hài lòng tốt, bằng cách "chiều BN" nhưng kết quả điều trị kém và làm trái với y đức.
 
Trên con đường hướng tới sự hài lòng của BN, rất mong rằng ngành y tế ở Việt Nam chúng ta tránh được vết xe đổ này. Và sẽ thật sự làm cho bệnh nhân hài lòng một cách tích cực.
 
Xem bài nghiên cứu >>ở đây<<
 
Dimitry Tran
 
Ý kiến chia sẻ của các Anh Chị trên diễn đàn CLB:
 
Bui Chi Thuong: Đây là bài viết rất hay của một chuyên gia liên quan về y tế, có dẫn chứng rõ ràng các dữ liệu đông tây kim cổ cho thấy rằng: nếu chúng ta quá chú trọng để làm hài lòng bệnh nhân, sẽ làm tăng chi phí và dễ nguy cơ bệnh tật do hậu quả của sử dụng thuốc kháng sinh... 
 
Theo cá nhân tui: tui chưa bao giờ đánh giá việc tươi cười, thân thiện, cúi đầu, bắt tay bệnh nhân (gọi là đức) là yếu tố quan trọng nhất làm bệnh nhân hài lòng, mà tui cho rằng việc giải thích cặn kẽ, tác phong chuyên nghiệp, quyết đoán (yếu tố tài) là không kém phần làm bệnh nhân hài lòng. Thực tế lâm sàng cho thấy bệnh nhân không hài lòng chủ yếu do thái độ: không giải thích (do quá tải hoặc không biết gì giải thích), hoặc giải thích không hiểu hay giải thích mỗi người mỗi kiểu (thật ra giải thích cũng cần có nghệ thuật và phải sử dụng từ ngữ gần gũi, dân dã thì người đời mới thấm)
 
Nhân đây tui cũng nhắn gửi rằng: có lẽ văn hóa xin cho hay gửi gắm ăn sâu, nói thật là rất đúng trong các ngành khác như xin việc hay chứng giấy tờ mà có gửi gắm, quen biết mới nhanh. Tuy nhiên, trong ngành y thường là có hại: ví dụ, một thai phụ chuyển dạ sanh vào bệnh viện, nói là quen Thành ủy hay UBNDTP nên được giám đốc hay trưởng khoa gửi gấm, thì người đó có nguy cơ chẩn đoán quá tay (overdiagnosis) hay điều trị quá tay (overtreatment như dễ cho đi mổ lấy thai) vì nhân viên ai cũng sợ trách nhiệm: thường phải nâng niu thai phụ kéo dài (để cho hài lòng) mệt mỏi mà lỡ thai có vấn đề là chết cả lũ. Vì vậy xin các chị hạn chế lạm dụng nhé vì tưởng nó oai nhưng hậu quả mình lãnh mà mình không có biết"
 
Nguyen Ha Em xin phép chia sẻ một quan điểm khác khi theo đuổi sự "Hài Lòng".
Trong Marketing (MKT), việc theo đổi "Hài Lòng" của khách hàng luôn được đặt trong việc đáp ứng "Nhu Cầu" của khách hàng. Và khi đưa vào khung "Nhu Cầu", sự đáp ứng theo "Nhu Cầu" sẽ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên và điều kiện đáp ứng của nguồn lực.
Hay nói một cách đơn giản, "Nhu cầu" hàng đầu sẽ được đáp ứng rồi mới đến các nhu cầu kế tiếp. Ví như đối với người bệnh, nhu cầu tiên quyết là sức khỏe sau đó mới đến các nhu cầu khác.
 
Đáp ứng "Nhu Cầu" hay làm "Hài Lòng" khách hàng là một hình thức quản trị mang tính chiến lược nhằm tạo ra lợi ích tối ưu nhất, chứ không phải việc theo đuổi nụ cười hay cái gật đầu tức thời. Và cũng chính dựa trên giá trị cốt lõi này, MKT đã có nhiều cơ hội định hướng tiêu dùng, định nghĩa tiêu dùng ... trong nhiều ngành sản phẩm khác.
 
Vậy thì, việc làm "Hài Lòng" khách hàng không mang tính "chiều chuộng theo ý kiến cá nhân, chủ quan" của khách hàng, mà là việc cung cấp "lợi ích tốt nhất" cho khách hàng trên nguồn lực cho phép, và "hướng dẫn khách hàng" về lợi ích này.
 
Và như vậy, việc định nghĩa, hướng dẫn NVYT thực hiện các công tác đem lại "Hài Lòng" cho khách hàng sẽ đem đến kết quả là NVYT sẽ chọn lựa đáp ứng "Nhu Cầu" nào, và phản ứng ra sao trước "Thái Độ Phản Đối" của khách hàng, là một trong những điểm mấu chốt quan trọng, nhằm làm "Hài Lòng" khách hàng mà không giảm đi hay đánh mất "Lợi Ích" của khách hàng.
 
"Cái giá của sự hài lòng" - đó là cần phải có sự hiểu đúng của cả NVYT lẫn Khách Hàng về "Giá Trị Sức Khỏe" & "Lợi ích Sức Khỏe" mà NVYT đang cung cấp và khách hàng đang nhận được.
NVYT cung cấp dịch vụ chăm sóc, chữa trị về mặt sức khỏe trên cơ sở kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm được chứng nhận và theo quy trình đã được quy định, chứ không phải thực hiện một công việc chăm sóc cá nhân theo ý kiến cá nhân của người trả tiền.
 
Em xin phép chia sẻ quan điểm của mình.
 
CLB QLCL-ATNB
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team