Câu chuyện tình cờ chỉ được nghe ở hành lang bệnh viện. Một bác lớn tuổi đi khám cột sống gọi điện về cho con: Con ơi, bác sĩ bảo mẹ bị thoái hóa đốt sống ngực. Mà con ơi ngực mẹ sao lại có cột sống.
Một bà mẹ khác đưa em bé từ quê lên Hà Nội khám, nghe bác sĩ nói xong thì ra ngoài hỏi lại: Dung ơi nhưng chị không hiểu bác sĩ nói gì là, thế tóm lại bé nhà chị bị bệnh gì. Bác nói khí quản, phế quản phế nang gì đó chị không hiểu mà không biết nó nằm ở đâu.
Chúng tôi cho chị làm xét nghiệm này để loại trừ thực thể. Ủa thực thể là như thế nào vậy. Bác sĩ bảo tá tràng, đại tràng, trực tràng gì gì đó mà nghe nhanh quá tôi không hình dung được.
Nhiều câu chuyện ở hành lang bệnh nhân nói với nhau vậy đó. Nhiều khi bác sĩ thì bảo tôi đã giải thích rõ rồi, sao cứ gọi điện hỏi lại nhiều thế, hay là sao tôi bảo thế này, mà anh chị lại làm thế kia. Không cần biết lỗi là ở đâu, nhưng rõ ràng rằng, trong các trường hợp đều không đạt được mục tiêu giao tiếp, bệnh nhân không hiểu rõ thì chưa tin, có khi lại không làm theo.
Khi giảng dạy về Tiếng Anh chuyên ngành và Tiếng anh giao tiếp với bệnh nhân, mình luôn luôn phải nhấn mạnh cho học viên: Lựa chọn ngôn ngữ phù hợp khi nói. Đơn giản là ĐỐI TƯỢNG mình đang truyền đạt thông tin là ai, thì HÃY NÓI THEO NGÔN NGỮ CỦA HỌ. Nhiều học viên mà nói chuyện với bệnh nhân dùng các thuật ngữ y khoa (Medical Terms) nhiều là sẽ được phản hồi ngay vì bệnh nhân không có hiểu. Nhưng khi nói chuyện với đồng nghiệp hay nhân viên y tế với nhau mà nói như kiểu nói cho người nhà (Lay terms) thì bị gọi là dài dòng. Nên cần nhớ mình đang nói với ai. Nếu em học bác sĩ, y khoa thì em nói những khái niệm đó ai cũng hiểu, nhưng e nói với bác nông dân không biết gì về y khoa thì e phải nói sao cho người không biết gì cũng phải hiểu vấn đề.
Nhớ là KISS (Keep it short and simple) nói một cách ngắn gọn nhưng dễ hiểu. Điều này thì mình thấy các bệnh viện Singapore làm cực tốt. Họ luôn có hình ảnh, poster, thậm chí các đoạn video rất ngắn, chỉ cho bệnh nhân hình ảnh giải phẫu. Treo ngay cái hình giải phẫu trong phòng khám, đây là cột sống của bác, và đoạn cột sống bị thoái hóa là đoạn này, tương ứng với phần ngực. Cho họ xem hình ảnh, chỉ vào các bộ phận và bảo: đây là khí quản, nó như một cái ống dẫn khí đi từ mũi vào phổi, rồi chỉ vào phế nang, đây được coi là các túi khí, tận cùng ở phổi, kèm hình ảnh phóng to phế nang. Vấn đề của bác là các túi khí này đang chứa dịch, và nó gây ra tình trạng khó thở... ví dụ là như vậy. Thậm chí khi không có sẵn hình ảnh ở đó, một bác sĩ tiêu hóa ngồi vẽ rất nhanh và ngắn gọn cái hình giải phẫu tiêu hóa cho bệnh nhân hiểu. Đoạn này tôi vẽ đó là tá tràng của anh chị thì bình thường, dạ dày ở đây có bị viêm nhưng nhẹ, nhưng có phần trực tràng (phân đi qua đoạn này rồi dẫn đến hậu môn đi ra ngoài), Phần anh chị đang bị loét do đó anh chị có thể sẽ thấy máu tươi trong phân. Tôi sẽ kê thuốc đặt để anh chị đặt ở vùng này. Kiểu kiểu là vậy. Thì thêm 1 vài phút nhưng đi ra bệnh nhân hiểu ngay, không cần phải về hỏi lại anh hàng xóm hay các bệnh nhân đi khám. Có một điều lạ là họ thích hỏi và tin tưởng các người đi khám hơn chứ lại ngại hỏi bác sĩ là sao.
Như vậy thì mình cần thông cảm cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo, nông thôn cũng nhiều, từ quê ra khám, rất ngại và đôi khi là sợ khi hỏi lại bác sĩ. Mình cũng thông cảm là bác sĩ ở VN có rất nhiều bệnh nhân nên nhiều khi không có thời gian để mà nói thêm được câu nào thì bệnh nhân khác lại tới. Nhưng DỪNG LẠI 1 PHÚT nghĩ là: Liệu mình giải thích như này bệnh nhân đã hiểu chưa, liệu có cách nói nào dễ hiểu hơn không, hiểu rồi đã làm đúng chưa. Nếu bác sĩ làm như vậy thì bệnh nhân sẽ rất hài lòng và biết ơn BS đã dành 1 vài phút để giải thích thêm về tình trạng bệnh cho họ, thay vì chỉ nói 1 câu kết luận.
Chúc cho bác sĩ và bệnh nhân đều giao tiếp tốt và hiệu quả điều trị là tốt nhất.
FB Dung Le