linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Khi nhà chuyên môn chuyển sang làm nhà quản lý

Bài viết này được viết nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Khoa Quản lý công nghiệp (SIM) - ĐH Bách Khoa TPHCM, nơi tôi gắng bó được gần 15 năm.
Sự ra đời và sứ mệnh của SIM ban đầu chính là sự trăn trở như Tựa đề bài viết này. 25 năm-1/4 thế kỷ trải nghiệm cho một tầm nhìn mà các thế hệ các trưởng bối gốc kỹ thuật như Thầy Phạm Phụ-Thầy Nguyễn Thiện Nhân-Thầy Bùi Nguyên Hùng-Thầy Cao Hào Thi-Thầy Lê Nguyễn Hậu-Thầy Nguyễn Hoàng Chí Đức đã dày công xây dựng.
 
"Small is beautiful" có lẽ là câu ngắn nhất có thể mô tả được những gì mà SIM đã làm được trong suốt 25 năm nay. Và có thế nói SIM đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.
 
Với những trải nghiệm như một người trong cuộc trong 15 năm nay, tôi viết ra đây những rào cản tư duy thường gặp khi một nhà chuyên môn chuyển sang làm nhà quản lý. Mong góp 1 vài lưu ý cho những nhà chuyên môn quyết định dấn thân vào con đường quản lý và kinh doanh.
 
Nhà chuyên môn: được hiểu là những người không được đào tạo chuyên ngành về quản lý hoặc quản trị kinh doanh. Họ có thể là anh kỹ sư, nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ...mà trong quá trình làm việc họ được đề bạt vào vị trí quản lý hay mở ra những công ty riêng do mình kinh doanh và làm chủ.
 
>> 1. Chuyên môn của tôi là số một
 
Dày công khổ luyện cho một chuyên ngành hẹp nào đó luôn làm cho chúng ta tự tôn về nó. Ta có xu hướng hứng thú với những gì liên quan đến chuyên môn của mình, còn những lĩnh vực khác ta không muốn nghe, và cũng không có hứng thú tìm hiểu. Chính vì vậy ta không dành thời gian cho những việc khác, và có cảm giác bị làm phiền khi phải nghe, phải hiểu, phải xử lý những chuyện không phải chuyên môn của mình.
 
Sẽ hết sức khó khăn khi 1 anh Tiến sĩ sinh học ngồi nghe và xử lý các vấn đề về tài chính hay kế toán, mà anh phải là người ra quyết định. Khi trong đầu anh xem đó là điều vớ vẫn, anh không dành thời gian cho nó, và cái giá phải trả cho cuộc đời anh đôi khi đến từ một vài sai sót trong khâu kế toán của tổ chức mình.
 
Những bài học thực tế không phải là ít để minh học cho điều này.
Làm nhà quản lý cần đòi hỏi mở rộng hiểu biết sang nhiều lĩnh vực, bao quát hơn, một tầm nhìn rộng hơn. Nếu đã quyết định dấn thân thì phải chấp nhận đánh đổi thời gian, tạm gác lại những đam mê về chuyên môn. Còn nếu cảm thấy không thể đánh đổi được thì tốt nhất nên là nhà chuyên môn cho giỏi, còn không khi anh làm quản lý sẽ dẫn đến cái gì cũng dở dở ương ương.
 
>> 2. Xem thường khoa học về con người
 
Einstein từng nói 1 câu: "tôi có thể tiên đoán cả vũ trụ, nhưng không thể tiên đoán nổi sự điên rồ của con người". Nghiên cứu về con người không dễ như ta tưởng. Các nhà khoa học tự nhiên có thể tìm kiếm được những thứ gì đó rất cách xa trái đất hàng trăm triệu năm ánh sáng. Nhưng có cái ngay trên đầu ta mà hàng trăm năm nay chưa thể được giải thích một cách rõ ràng, như cách con người suy nghĩ, cách con người buồn vui, tính cách của con người có từ đâu. Và tại sao cũng bao nhiêu con người đó làm nên những điều vĩ đại, còn bao nhiêu con người khác lại ngày càng lụn bại.
 
Khi anh không hiểu về con người, anh không biết cách nào gắn kết họ lại, anh không biết cách nào để cho họ làm việc, để đạt những mục tiêu đã đề ra. Cuối cùng, bao nhiêu kỳ vọng, bao nhiêu hoạch định của anh cũng chỉ nằm lại trên giấy.
Khách hàng cũng là con người, anh không hiểu khách hàng, không nghĩ được những điều tiềm ẩn trong suy nghĩ và hành động của họ. Hậu quả, cái anh làm ra (sản phẩm, dịch vụ) không ai muốn có.
 
Khoa học quản lý là khoa học về con người và xã hội. Nó rất khác với khoa học tự nhiên. Mang tư duy của khoa học tự nhiên vào quản lý là sai lầm phổ biến của các nhà quản trị gốc chuyên môn về tự nhiên, kỹ thuật.
 
Hãy bắt đầu tìm hiểu về quản lý và kinh doanh bằng cách tìm hiểu về con người. Đó là việc cần được ưu tiên. Nếu anh cảm thấy nó quá khó với anh, thì tôi khuyên anh nên làm một nhà chuyên môn cho tốt. Vì anh càng dấn vào quản lý và kinh doanh thì anh càng chết.
 
>> 3. Lấn cấn giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khoa học hành vi
 
Những nhà chuyên môn có gốc khoa học tự nhiên khi bắt đầu tìm hiểu về quản lý và kinh doanh rất khó chịu với các lý thuyết của nó. Tôi thường bị hỏi, "vậy túm lại là cái gì đúng và cái gì sai, và các bước để làm là như thế nào".
 
Và câu trả lời thường là "trong quản lý không có khái niệm đúng và sai, càng không có một công thức thành công được áp dụng cho tất cả". Đây là điều thường làm các nhà chuyên môn khi đi học và quản lý không hài lòng.
 
Mọi thứ bắt đầu bằng quán tính trong suy nghĩ mà các nhà chuyên môn có gốc từ khoa học tự nhiên được cài đặt. Đối với khoa học tự nhiên, tính bất biến và khả năng phổ quát của một lý thuyết là rất cao. và thường được xây dựng thành những công thức hoặc thuật toán mà ở đó đúng và sai được phân định một cách rõ ràng. Trong khi khoa học xã hội và khoa học hành vi có tính phổ quát là rất hẹp. Mỗi học thuyết, lý thuyết chỉ đúng trong 1 vài bối cảnh cụ thể. Và có nhiều thứ không "chứng minh" được một cách dễ dàng, nên nó thường tồn tại ở dạng thuyết với rất nhiều giả định về bối cảnh đi kèm.
 
Những điều này làm người học về quản lý thường cảm thấy rối ren, và học xong không dùng được gì là tâm trạng thường gặp.
 
Trong khoa học xã hội và hành vi, người ta cũng cố gắng đi tìm những lý thuyết có tính phổ quát cao hơn theo dạng "theory of everything" nhưng rất tiếc là đến gì này vẫn chưa có.
 
Do đó, khi học về quản lý, hết sức lưu ý đến các giả định và bối cảnh của một lý thuyết. Cuối cùng luôn nhớ trong đầu " không có cái gì là best practice, chỉ có best fit mà thôi", nghĩa là mọi thứ phải hết sức linh hoạt tùy theo bối cảnh.
 
>> Tóm lại
 
Nếu không thích nghi được những điều vừa nêu thì tốt nhất hãy là một nhà chuyên môn cho giỏi.
 
ThS. Huỳnh Bảo Tuân
Giảng viên Khoa Quản lý Công Nghiệp - ĐHBK TpHCM
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team