linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Người thứ 3 biết phải làm sao?

Có một bác sĩ ở Mỹ nói: "khi tôi trong phòng khám bệnh với bệnh nhân, lúc nào cũng có người thứ ba hiện diện - đó là BHYT". Nếu theo phân loại của Facebook thì mối quan hệ tay ba này ở Việt Nam chắc chắn được xếp vào dạng: "It's Complicated" (Phức Tạp).
Điểm tin báo chí Việt Nam tuần qua ta thấy: BHYT thì sợ "bị trục lợi - lạm dụng". Người dân thì than BHYT "mập mờ chi trả thuốc". Bác sĩ thì "rướm nước mắt" vì BHYT "can thiệp vào chuyên môn".
 
 
ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG
 
Và như nhiều mối quan hệ cơm không lành canh không ngọt khác, những người có liên quan bắt đầu thắc mắc: "liệu tôi sẽ có hạnh phúc hơn với ai khác?"
 
Có bác sĩ Việt Nam mơ BHYT kiểu Mỹ, nơi lương nhân viên y tế cao ngất ngưỡng và một ca mổ ruột thừa có giá 55 ngàn USD. http://vnexpress.net/…/lam-gi-de-y-te-viet-nam-phat-trien-2…
 
Bệnh nhân Việt lại xốn xang với tít bài "Nhật Bản đang đau đầu vì chất lượng bảo hiểm y tế... quá tốt" - nơi mà BHYT trả tiền cho mọi dịch vụ y tế, còn thuốc và chụp hình MRI/CT thì thả ga. http://cafef.vn/nhat-ban-dang-dau-dau-vi-chat-luong-bao-hie…
 
CON ĐƯỜNG GẬP GỀNH
 
Việt Nam đang trên con đường thực hiện chính sách Bảo Hiểm Y Tế Toàn Dân (Universal Health Coverage) - đây là hướng đi mà đã được Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO) và gần như tất cả người làm chuyên môn chính sách công nhận là đúng.  
 
Bước chuyển mình lớn và khó khăn này, từ môi trường hiện hữu với nhiều "lỗi hệ thống" sang cấu trúc mới của ngành y tế, chắc chắn sẽ có nhiều vấp váp.
 
Tất cả các "nhóm lợi ích" - NVYT, bệnh nhân, nhà cung cấp dược phẩm, v.v. đều sẽ dùng truyền thông để "vận động chính sách" (lobby) có lợi cho phe mình.
 
BHYT, là người nắm túi tiền và phải quyết định thu chi, sẽ luôn là cái bia cho búa rìu dư luận.
 
AN ỦI CUỐI TUẦN
 
Trong cuốn sách best-seller "Healing of America: A Global Quest for Better, Cheaper, and Fairer Health Care" (Chữa Bệnh cho Nước Mỹ: Đi Tìm Khắp Thế Giới Lời Giải cho Một Hệ Thống Y Tế Tốt Hơn, Rẻ Hơn, và Công Bằng Hơn), tác giả TR Reed có chia sẻ ba "ĐỊNH LUẬT BẤT BIẾN VỀ CÁC HỆ THỐNG Y TẾ":
1. Bất chấp hệ thống y tế của một đất nước có tốt đến đâu, người dân sẽ luôn than phiền về nó.
2. Bất chấp có bao nhiêu tiền được chi cho ngành y tế, các bác sĩ và bệnh viện vẫn than là không đủ.
3. Chương trình cải cách y tế hiện tại, dù là gì đi nữa, sẽ bị coi thất bại.
 
Hệ thống y tế Việt Nam cần lắm những khuyến nghị xây dựng để cải tiến và thích ứng. Nhưng mong sao các bên có cái nhìn cảm thông và bao dung hơn với nhau - bệnh nhân, NVYT và cả BHYT đều có cái khó, cái khổ riêng.
 
Mong sao giới truyền thông nhận thức được vai trò giáo dục xã hội của mình: Xây dựng thiện chí giữa các bên. Bớt "giật" những tít nóng câu like trong vài ngày, nhưng lại dẫn đến những hiểu lầm cực đoan lâu dài về hệ thống y tế.
=> TRẢ LỜI COMMENT:
 
BA ĐỊNH LUẬT
 
Về ba định luật mà mình có nhắc đến trong bài viết. Ba định luật này là do nhà kinh tế học y tế (health economist) Tsung-Mei Cheng người Đài Loan, làm việc ở đại học Princeton ở Mỹ viết ra. Cô Cheng chuyên về một lĩnh vực gọi là "comparative health system" - so sánh các hệ thống y tế với nhau. http://www.worldcongress.com/speakerBio.cfm?speakerID=2682
 
Sau khi khảo sát hàng chục nước, từ giàu tới nghèo, từ xếp hạng chất lượng cao đến thấp, cô rút ra ba nhận xét như trên:
1. Bất chấp hệ thống y tế của một đất nước có tốt đến đâu, người dân sẽ luôn than phiền về nó.
2. Bất chấp có bao nhiêu tiền được chi cho ngành y tế, các bác sĩ và bệnh viện vẫn than là không đủ.
3. Chương trình cải cách y tế hiện tại, dù là gì đi nữa, sẽ bị coi thất bại.
 
Ba nhận xét này thể hiện rằng hệ thống y tế rất phức tạp vì nó có nhiều nhóm lợi ích (stakeholders - NVYT, người bệnh, người chi trả (BHYT), chính phủ, các nhà cung cấp (dược, dụng cụ), v.v.). Việc cân bằng các lợi ích này rất khó, cho nên dù tốt đến đâu vẫn sẽ có người than phiền.
 
Nói vậy không phải để bao biện là hệ thống y tế Việt Nam không cần những đóng góp ý kiến để cải thiện. Nhưng mình mong khi NVYT và người bệnh thấy tình hình thật sự ở các nước khác, sẽ có cái nhìn bao dung hơn với BHYT và người làm chính sách y tế ở Việt Nam.
 
 
CHUYỆN CÁI CHĂN
 
Nói về giải pháp cho Việt Nam thì mình chưa đủ kiến thức để lạm bàn, nhưng xin chia sẻ ví dụ ở các nước như sau:
Mối quan hệ tay ba - NVYT, BHYT và bệnh nhân - như chúng ta đang bàn, tương tự như cảnh trời rét, ba người nằm trên giường nhưng chỉ có một cái chăn.
 
Nếu cả ba, ai lo thân nấy, đều tìm cách giật chăn về phía mình, thì cả ba đều bị lạnh.
 
Ví dụ như nước Mỹ giàu có và ngân sách y tế đến 18% GDP (có cái chăn rất to). Nhưng vì quá nhiều lãng phí và bất cập trong hệ thống, các nhóm lợi ích liên tục đấu đá nhau, nên chất lượng y tế thường xếp chót bảng các nước phát triển (BHYT chi rất cao, bệnh nhân có tỉ lệ tử vong tránh được cao, BS có thu nhập cao nhưng tốn nhiều thời gian và chi phí để tránh bị xuất toán và bệnh nhân kiện cáo).
 
Trong khi đó Pháp chỉ chi có 10% GDP cho y tế nhưng luôn xếp nhất bảng về chất lượng vì hệ thống y tế toàn dân rất tiết kiệm (vd. như lương bác sĩ chỉ bằng 1/3 ở Mỹ, mọi người đều có hồ sơ điện tử).
 
Việt Nam mình hiện đang chi khoảng 7% GDP cho y tế - cái chăn tuy còn nhỏ so với các nước phát triển, nhưng đã là to nhất trong khối các nước ASEAN (Singapore: 4,9%, Thailand: 4,1%) http://data.worldbank.org/indicator/SH.XPD.TOTL.ZS
 
CÂU HỎI
 
Làm sao để quan hệ tay ba ở Việt Nam - BHYT, NVYT và bệnh nhân - sẽ có cảm thông và thiện chí, để cùng tìm giải pháp cho các vấn đề hiện nay , thay vì cùng "giành chăn" trên truyền thông??
 
Rất mong được nghe ý kiến của các bạn trong CLB.
 
Dimitry Tran
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team