linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Tư duy Thiết kê dành cho Bác sĩ và Điều Dưỡng

Một tư duy mới cho cải tiến chất lượng. Mời xem bản dịch của bài này bên dưới - Tuan Huynh
 
Khu vực cấp cứu ở bệnh viện của tôi cũng giống như hàng ngàn bệnh viện khác. Khi một bệnh nhân bị bắn hoặc một tai nạn mô-tô được chuyển đến, giường phải được khiêng đến, những thiết bị hỗ trợ thích hợp phải được sẵn sàng và đến khoảng 20 y tá, chuyên viên chuyên khoa hô hấp và các bác sĩ phải trong tư thế sẵn sàng làm việc.
 
Tuy nhiên có một sự khác biệt, đó là: Người chỉ huy của nhóm cấp cứu mặc một chiếc áo khoác cam.
 
Với trang phục nổi bật – áo khoác nhận diện của trưởng nhóm cấp cứu, chúng tôi dễ dàng nhận biết được ai là người chỉ huy. Đó là một sự cải tiến tuy đơn giản nhưng sáng tạo được đề xuất bởi một y tá sau một ca cấp cứu hỗn loạn cho một vụ đấu súng, khi các nhân viên y tế trong không khí căng thẳng cao độ ra lệnh cho nhau và không còn những vai trò rõ ràng giữa các cá nhân. Đặc biệt là họ còn không biết rõ ai là người đang chỉ huy ca cấp cứu đó. Vậy là kể từ đầu năm nay, chiếc áo khoác cam trở thành một phần quan trọng của phòng cấp cứu, các nhân viên báo cáo rằng chiếc áo khoác đó đã giúp họ biết rằng ai là người đang điều phối và sự giao tiếp giữa mọi người cũng được trở nên dễ dàng hơn.
 
Sự cải tiến trên chỉ ra tại sao các bệnh viện nên ủng hộ những ý tưởng sáng tạo, cải tiến từ đội ngũ nhân viên y tế. Họ chính là những người sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn vì họ trực tiếp làm việc ở bệnh viện và thông thạo với những quy trình chăm sóc sức khoẻ được bố trí đặc biệt để mang lại những giải pháp tức thời cho các vấn đề sức khoẻ.
 
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ mạnh dạn đưa ra những cải tiến bằng cách áp dụng “tư duy thiết kế” – một lối tiếp cận sự cải tiến lấy con người làm trung tâm, mà ban đầu đã được phát triển trong lĩnh vực kinh doanh để tạo ra sản phẩm mới. Theo truyền thống, bệnh viện được thiết kế với những thông tin đầu vào từ nhà quản lý cấp cao. Tuy nhiên, với tư duy thiết kế, những sự cải tiến sẽ bắt nguồn từ những người đang làm việc trực tiếp ở đó, và cung cấp những phản hồi cho nhân viên thiết kế để họ có thể cải thiện sản phẩm/dịch vụ cuối cùng.
 
Một báo cáo năm 2016 nghiên cứu về cách các hệ thống chăm sóc sức khoẻ áp dụng tư duy thiết kế đã chỉ ra 3 nhân tố quan trọng: sự đồng cảm với người sử dụng, trong trường hợp này là bệnh nhân, bác sĩ và các nhân viên y tế khác; sự tương tác giữa một đội ngũ nhân viên liên ngành; và sự ra đời nhanh chóng của ý tưởng. Để phát triển một sản phẩm thực sự hữu dụng, sự thông hiểu cặn kẽ về vấn đề, và mục đích cải tiến là hết sức quan trọng.
 
“Tư duy thiết kế là vô cùng hữu ích khi chúng ta cần sự thay đổi, chẳng hạn như khi một thiết bị đang vận hành bỗng hỏng hóc ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ”-Thomas Fisher, một trong những tác giả của bài báo cáo và đồng thời là giám đốc Trung tâm Thiết kế Minnestosa, thuộc trường đại học Minnestosa. “Tư duy thiết kế còn giúp thúc đẩy phát triển tư duy sáng tạo và ứng dụng liên ngành trong việc giải quyết vấn đề”.
 
Tại trường Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia, tiến sĩ Bon Ku – giám đốc phòng nghiên cứu Thiết kế sức khoẻ Jefferson và các sinh viên y khoa, y bác sĩ và các nhân viên y tế khác đã được cho phép tự do thiết kế, sáng tạo, thử nghiệm các ý tưởng và sau đó tuyên truyền, phổ biến cho các bệnh viện. Một trong những cải tiến đáng chú ý của phòng nghiên cứu này là CareCube –hệ thống đo lường mức độ đau đớn ở bệnh nhi (pediatric pain scoring system).
 
Thông thường, bệnh nhân được yêu cầu đánh giá mức độ đau đớn của mình trên thang đo từ 1 đến 10. Nhưng những nhân viên chăm sóc sức khoẻ ở đây phát hiện ra rằng một đồ vật trông giống đồ chơi sẽ vừa đồng thời mang tính mời gọi và hiệu quả hơn với trẻ nhỏ. Mỗi mặt của khối lập phương sẽ có một biểu cảm khác nhau, chẳng hạn như vẻ mặt cau có hoặc nhăn nhó, sẽ giúp nhận biết mức độ đau đớn của bệnh nhân. Khi được hỏi về mức độ cơn đau của mình, các trẻ em trong bệnh viện chỉ việc sử dụng khối lập phương và chọn một gương mặt biểu cảm, qua đó các y tá sẽ biết được liệu rằng mức độ đau đớn của bệnh nhân có đang được khống chế tốt không.
 
Cũng trong năm nay, tiến sĩ Ku - bác sĩ phòng cấp cứu cùng các đồng sự vừa giới thiệu một chương trình bắt cặp các sinh viên y khoa và sinh viên kiến trúc. Nhóm này hiện đang ứng dụng tư duy thiết kế để phát triển công cụ lập bản đồ kỹ thuật số sử dụng GPS, giống như một phần mềm, nó sẽ giúp hiểu thêm về cách thức các bệnh nhân, bác sĩ và y tá di chuyển, tương tác với nhau trong phòng cấp cứu. Mục đích của dự án là nhằm cải thiện cách thức giao tiếp trong phòng cấp cứu đồng thời giảm thiểu thời gian chờ.
 
Ứng dụng lối tiếp cận bằng tư duy thiết kế, một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học McGrill, Montreal nhận thấy rằng những bệnh nhân đang nhiễm khuẩn Clostridium (một loại bệnh dễ truyền nhiễm khó trị) mà càng ở gần bồn rửa tay, thì càng nhiều khả năng các nhân viên y tế sẽ rửa tay sau khi thấy bệnh nhân đó. Đứng đầu nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Yves Longtin phát biểu rằng: Để tăng tỉ lệ rửa tay, hầu hết các khu vực chăm sóc lâm sàng ở các bệnh viện được nghiên cứu đều được chuyển đến những khu vực mới xây dựng, nơi có những bồn rửa tay mới được lắp đặt trong tầm nhìn.
 
Những nhân viên chăm sóc sức khoẻ cũng có thể mời các bệnh nhân của mình tham gia vào quá trình cải tiến (health innovation table). Tại trường đại học Michagan, tiến sĩ – bác sĩ Joyce Lee, trước đó từng là một nhà thiết kế, đồng thời cũng là đồng chủ nhiệm dự án hợp tác nghiên cứu liên ngành – Health Design By Us (tạm dịch Thiết kế cải thiện sức khoẻ của chúng tôi). Nhóm của bà hỗ trợ phát triển hệ thống kiểm soát di động (patient-designed mobile system) dùng trong kiểm soát bệnh tiểu đường, bắt nguồn từ mong muốn của một người cha của một bệnh nhân tiểu đường đang cố tìm ra cách thức dễ dàng hơn để kiểm soát nồng độ glucose trong máu con mình. Nightscout, tên gọi của hệ thống này, sẽ truy cập vào máy giám sát nồng độ glucose của bệnh nhân, lấy và truyền dữ liệu này đến đám mây lưu trữ, và nhờ đó mà những thông tin này có thể dễ dàng được truy cập từ điện thoại, máy tính bảng hay đồng hồ thông minh để giúp có được những quyết định lâm sàng kịp thời.
 
Những cộng đồng online ủng hộ cải tiến trong chăm sóc sức khoẻ cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Tiến sĩ Diana Anderson, một kiến trúc sư đã tiếp tục học lên chuyên ngành y, đồng thời là người đồng sáng lập Clinicians for Design (tạm dịch Cộng đồng những bác sĩ vì các thiết kế cải tiến) vào năm 2016, một mạng lưới quốc tế của những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Cộng đồng này tổ chức những cuộc thảo luận online cũng như những buổi workshop và cung cấp các nguồn dữ liệu với mục đích tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và cách thức bố trí cơ sở vật chất trong bệnh viện.
 
Khi nghĩ về những thứ cơ bản như là một chiếc áo khoác cam, nó thật sự làm tôi rất ngạc nhiên. Một ý tưởng vừa đơn giản vừa ít tốn kém của một y tá giàu kinh nghiệm lại có thể mang lại sự cải thiện hiệu quả trong việc điều phối những ca cấp cứu hỗn loạn. Bằng cách khích lệ những cải tiến đơn giản trong các bệnh viện thông qua tư duy thiết kế, giờ đây chúng ta có thể giải quyết các khó khăn trong bệnh viện theo hướng mới, vừa tiết kiệm tiền bạc vừa cứu sống được nhiều người hơn.
 
(Người dịch: Kim Hảo)
 
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team