linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

First, do no harm

Nếu là bệnh nhân, câu nói nào bạn hay gặp nhất khi đi khám? Tuy chưa có một thống kê đáng tin cậy, nhưng qua tìm hiểu và từ kinh nghiệm bản thân, Zi thấy có hai câu hay gặp nhất với tỷ lệ tương đương nhau.
Ở thái cực đầu, để trả lời cho mọi thắc mắc liên quan đến bệnh tật một cách nhanh gọn, thầy thuốc chỉ cần ba tiếng gọn gàng: “Không sao đâu”. Hệ lụy từ cách trả lời như vậy thì vô kể, có lẽ không cần phải dẫn chứng. Zi dám chắc đa số các bạn trong y giới đang đọc những giòng này đều đã gặp rắc rối vì câu trả lời đó, ít nhất là một lần trong cuộc đời hành nghề.
 
Ở câu nói này, thầy thuốc khám bệnh là người chịu trách nhiệm trực tiếp cho tiên lượng của mình về tình hình diễn biến của bệnh tật. Vì vậy, anh ta sẽ là người gánh chịu mọi hệ lụy xảy ra khi tiên lượng không chính xác. Những hệ lụy đó đến từ việc cẩu thả trong thăm khám và chẩn đoán, thiếu kiến thức chuyên môn về case bệnh đang gặp, và quan trọng nhất là thái độ thiếu tôn trọng bệnh nhân.
 
Nhưng câu trả lời như vậy, xét về mức độ vô đạo đức, có lẽ còn thua xa câu nửa trách móc nửa hỏi han: “Sao đến muộn thế?”, “Sao để đến bây giờ mới đến?” hoặc một số biến thể của nó: “Sao để đến giai đoạn này mới chuyển?”, “Sao không để ở dưới đó trị luôn đi?”.
 
Nó vô đạo đức và khốn nạn hơn câu trên rất nhiều lần, bởi ở chủ thể chịu trách nhiệm và gánh chịu hệ lụy đến từ câu nói không còn là người nói, mà là một đồng nghiệp bất hạnh nào đó. Ngay từ phút đầu tiếp xúc với bệnh, nhân cách bệnh hoạn của người nói đã thể hiện rõ bằng câu nói mang rõ tính chối bỏ trách nhiệm, đồng thời tự đề cao mình một cách kín đáo và ăn chặn phần vinh quang nếu thắng lợi xảy ra. Chối bỏ trách nhiệm vì anh ta đã định hình cho người bệnh và thân nhân ngay từ đầu rằng bệnh đã đến ở giai đoạn quá nặng, và trách nhiệm cho tình trạng này là do cá nhân khác chứ không phải anh ta. Thông qua việc định hình tư duy thành kiến cho người bệnh và người nhà như vậy, anh ta đã tự đề cao chuyên môn của mình hoặc cơ sở nơi mình đang làm lên một bậc. Khi việc điều trị thành công, đương nhiên trong tâm trí người bệnh chỉ còn có anh ta hoặc cơ sở mà anh ta đại diện chứ không còn chỗ cho bất cứ một cá nhân hoặc cơ sở nào khác.
 
Những sự cố y khoa thường nằm ở hai khâu chính là chuyên môn và giao tiếp. Sự cố chuyên môn lại chia làm hai, đó là những sự cố nằm ngoài tiên liệu và sự cố do sai lầm trong nhận định hoặc trong điều trị. Y khoa, cho đến giờ, vẫn là một ngành khoa học dựa trên quá trình thử và sai. Một kiến thức chuyên môn có thể đúng cho đến thời điểm có những dữ liệu nghiên cứu lâm sàng cho thấy nó không còn đúng nữa. Vì vậy, khi chưa có đầy đủ toàn bộ những dữ kiện của quá trình diễn biến bệnh lý trước đó, những nhận định theo kiểu nói như trên là quá sức hấp tấp. Những quy định hiện nay về bảo mật hồ sơ bệnh án khiến việc liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế hết sức sơ sài, cũng là một trong những lý do khiến cho câu phát biểu như trên có cơ hội tồn tại.
 
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà cả xã hội đang được định hướng bằng một cái nhìn hằn học, xem ngành y như một dạng osin công cộng phải phục vụ toàn tâm toàn ý nhưng không được quyền kêu ca, kiểu xử sự của một bộ phận người hành nghề y như vậy đã là một trong những nguyên nhân khiến cho nạn bạo hành y tế càng lúc càng lan rộng.
 
Đừng nghĩ rằng câu nói đó chỉ gặp ở những cơ sơ y tế tuyến cuối. Nó có mặt nhan nhản ở mọi nơi mọi chỗ trong ngành y. Cấp trung ương chê tỉnh, tỉnh chê huyện, huyện chê xã phường, công lập chê tư nhân, tư nhân chê công lập, tư nhân này chê tư nhân khác, công lập này chê công lập khác. Loạn cào cào cả lên.
 
Chúng ta đang hô hào rất hăng về quy tắc giao tiếp ứng xử. Nhưng dường như những quy tắc ứng xử đó chỉ nhằm làm đẹp lòng người bệnh theo kiểu ve vuốt bên ngoài chứ chưa đi vào cốt lõi của vấn đề là sự tôn trọng thật sự. Và quan trọng hơn, chúng ta chưa thật sự ứng xử với nhau một cách chuyên nghiệp. Chỉ cầu mong một sự ứng xử chuyên nghiệp, chứ chưa cần tới ứng xử văn minh nhẹ nhàng lịch sự.
 
Có lẽ không thừa khi nhắc lại nguyên tắc cơ bản nhất của ngành y có tự thời Hippocrates, “Primum non nocere” hoặc “First, do no harm”, nên có cách hiểu rộng hơn những gì chúng ta vẫn hiểu hiện nay. Điều trước tiên, không gây hại không những chỉ cho bệnh nhân mà còn cho đồng nghiệp và cho cả chính chúng ta.
 
Có đề ra hàng trăm quy tắc, rồi người ta vẫn sẵn sàng gạt qua một bên để đối xử với đồng nghiệp một cách man rợ, nếu như không có những nền tảng được xây dựng từ những ngày đầu chập chững vào nghề. Môn Đạo đức Y khoa, nên chăng được xây dựng và giảng dạy một cách nghiêm túc từ lúc bước chân vào trường, để thay thế cho những môn học chẳng có ứng dụng gì trong suốt cuộc đời hành nghề?
 
Võ Phạm Trọng Nhân
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team