linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

ONBOARDING CHO NHÂN VIÊN Y TẾ MỚI VỀ CÔNG TÁC DƯỢC

Tiếp theo chuỗi bài viết của Bs Linh Phan về quy trình Onboarding cho NVYT mới, em xin chia sẻ một số nội dung về vấn đề Onboarding liên quan đến Công tác Dược.
1. Onboarding về Công tác Dược cho NVYT mới (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên…)

Vì sao cần onboarding cho NVYT mới về Công tác Dược? Công tác Dược trong bệnh viện là một lĩnh vực mang đặc thù vừa chuyên môn vừa hành chính. Hầu như mọi NVYT trong bệnh viện đều ít nhiều có liên quan đến hoạt động của khoa Dược, từ kê đơn, ra y lệnh, đến lĩnh thuốc, cấp phát, giao nhận, sử dụng thuốc trên bệnh nhân, giám sát sau sử dụng thuốc, cho đến các quy định, quy chế về sử dụng thuốc và BHYT, hoạt động Dược lâm sàng…Vì vậy, onboarding cho NVYT mới về công tác Dược là một việc cần thiết để NVYT mới được biết, hiểu rõ và tuân thủ các quy chế, quy định của Bộ Y tế, BHXH nói chung và của từng bệnh viện nói riêng về sử dụng thuốc, tránh mắc các sai sót và cũng tránh nguy cơ xuất toán BHYT cho bệnh viện.

Các nội dung onboarding về Công tác Dược cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có thể bao gồm:

  • - Giới thiệu về Khoa Dược, các bộ phận trong Khoa Dược (nhiệm vụ, chức năng)

  • - Quy định, quy chế về sử dụng thuốc: sử dụng thuốc trong nội trú (thông tư 23/2011/TT-BYT), kê đơn ở ngoại trú (thông tư 52/2107/TT-BYT, 18/2018/TT-BYT), thuốc kiểm soát đặc biệt (thông tư 20/2017/TT-BYT), thuốc YHCT,…

  • - Quy định liên quan đến thanh toán BHYT: danh mục thuốc, vật tư y tế cùng điều kiện được thanh toán BHYT (thông tư 30/2018/TT-BYT, 04/2017/TT-BYT, 05/2015/TT-BYT)

  • - Quy trình nhận thuốc ngoại trú (BHYT, viện phí)

  • - Quy trình chỉ định y lệnh, lĩnh thuốc, cấp phát, sử dụng thuốc ở nội trú

  • - Quy trình bổ sung, đề xuất, phê duyệt thuốc – vật tư mới: hình thức như thế nào, ai tiếp nhận thông tin…

  • - Quy trình theo dõi sai sót trong sử dụng thuốc, theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR),…

  • - Quy định, quy trình về sử dụng kháng sinh…

  • - Nhu cầu cần giải đáp câu hỏi về thuốc & hoạt động Dược lâm sàng: liên hệ bộ phận Dược lâm sàng như thế nào, hình thức hỏi và trả lời…

  • - Các chú ý trong danh mục thuốc của bệnh viện, các ký hiệu riêng trên phần mềm BV (nếu có, ví dụ ký hiệu thuốc nguy cơ cao, thuốc look-alike sound-alike…)

Nội dung onboarding biên soạn trên word hoặc powerpoint có thể gửi đến các NVYT để tra cứu, tham khảo khi cần thiết.

2. Onboarding cho nhân viên mới tại Khoa Dược

Vì sao cần onboarding cho dược sĩ mới tại bệnh viện?

Khác với bác sĩ, điều dưỡng hay kỹ thuật viên, vốn từ khi còn trên ghế giảng đường đã được tiếp xúc khá nhiều với môi trường bệnh viện, chương trình đào tạo dược sĩ tại Việt Nam hiện nay là chương trình đào tạo đa ngành, sinh viên được học từ bào chế, sản xuất, kiểm nghiệm, dược liệu, dược cổ truyền cho đến quản lý dược, dược bệnh viện (dược lâm sàng)…trong đó, thời lượng sinh viên tiếp cận thực tế ở bệnh viện là khá ít, nhiều nơi cách tổ chức còn mang tính hình thức; do đó, dược sĩ mới ra trường bước vào môi trường bệnh viện sẽ có cảm giác khá lạ lẫm, bỡ ngỡ, mới mẻ và không dễ để thích nghi ngay. Vì vậy, cần có sự quan tâm, hướng dẫn của người đi trước với một chương trình onboarding cụ thể để các bạn dược sĩ trẻ sớm làm quen với công việc.

Một quy trình onboarding cho dược sĩ mới với thời lượng khoảng 2 tháng có thể bao gồm các nội dung sau (từ trải nghiệm thực tế tại nơi công tác của người viết):

  • - Một buổi giới thiệu tổng quan về bệnh viện và khoa Dược, giới thiệu các phòng ban, tổ chức, giá trị cốt lõi, quy định, quy chế làm việc chung. Nội dung này do trưởng khoa trực tiếp hướng dẫn. Trước buổi giới thiệu này, có thể cho NV mới làm một bài test để lượng giá hiểu biết của NV mới về Dược bệnh viện.

  • - Sau đó NV mới sẽ lần lượt đi qua các bộ phận trong Khoa Dược. Đầu tiên là Kho chính (kho chẵn): 1-2 tuần, Kho lẻ nội trú: 2 tuần, Kho lẻ ngoại trú: 1-2 tuần, Bộ phận thống kê dược: 1 tuần, Bộ phận Nghiệp vụ Dược: 1 tuần, Bộ phận Dược lâm sàng: 1 tuần. Lý do NV mới được bắt đầu tại Kho chính (Kho chẵn) bởi vì đây là đầu vào tiếp nhận thuốc – vật tư y tế từ nhà cung cấp, chưa tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; NV mới có thời gian làm quen với tên gọi, quy cách và bao bì của sản phẩm trước khi đưa đến các bộ phận có thể tiếp xúc trực tiếp với người bệnh để giảm thiểu sai sót; các sai sót (nếu có) trong giai đoạn này cũng chưa ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

    - Tại mỗi bộ phận, NV mới sẽ được giới thiệu các công việc của bộ phận đó, các quy định, quy chế, SOPs liên quan, các lưu ý trong quá trình làm việc. Mục đích là để nhân viên hình dung tổng quan về các công việc của các bộ phận trong Khoa Dược.

  • - Sau khoảng 2 tháng, sẽ có đánh giá của từng bộ phận. Sau đó, tùy theo nhu cầu tuyển dụng NV vào vị trí nào thì sẽ đào tạo chuyên biệt các công việc ở vị trí đó.

Quy trình onboarding như trên đòi hỏi nhân viên phụ trách ở mỗi bộ phận phải chuẩn bị các quy trình, tài liệu, nội dung để đào tạo; có những nội dung có thể hướng dẫn bằng lời nói, nhưng cũng có những nội dung phải soạn ra văn bản hoặc bản trình chiếu để hướng dẫn cụ thể từng bước.

Thực tế, do nhu cầu của công việc và các phát sinh khác, NV có thể được luân chuyển giữa các bộ phận. Việc có một chương trình onboarding đầy đủ ngay từ đầu sẽ giúp cho việc luân chuyển trở nên thuận tiện hơn, NV được luân chuyển đến bộ phận mới có thể làm quen với công việc ngay và rút ngắn quá trình đào tạo lại.

Ds. Phạm Công Khanh

 

THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team