Mình đang theo học tài liệu của chương trình An Toàn Người Bệnh và Quản Lý Chất Lượng của ĐH Y số 1 Hoa Kỳ - Johns Hopkins. Trong bài giảng của Giáo Sư Albert Wu, người đã nghiên cứu lĩnh vực này từ năm 1988, có một câu khiến mình suy nghĩ mãi:
"Administrative chaos may indicate poor quality, but administrative excellent does not assure good quality. Challenge: assure adequate administrative compliance - but don’t put all resources into perfecting compliance”
Tạm dịch là:
"Sự hỗn loạn về thủ tục hành chính cho thấy chất lượng kém nhưng sự xuất sắc về thủ tục hành chính không đảm bảo chất lượng là tốt.
Vì vậy thách thức của chúng ta làm sao đảm bảo làm đủ các thủ tục hành chính - nhưng không đầu tư hết tất cả nguồn lực chỉ để làm hoàn hảo việc tuân thủ hành chính."
Trong bối cảnh Việt Nam, mình hiểu rằng những báo cáo sơ sài, lung tung thì chứng tỏ chất lượng kém rồi, nhưng những báo cáo thành tích đẹp như mơ thì chưa hẳn chât lượng đã tốt.
Đọc xong và liên tưởng tới hoạt động quản lý chất lượng ở Việt Nam, lòng mình trăn trở mãi... Nhớ cái hình bảng giá thu viện phí ở một bệnh viện nào đấy, to ơi là to, được treo cao ơi là cao mà chữ thì nhỏ ơi là nhỏ... trẻ trẻ như mình đọc còn không nỗi, bao người khác thì sẽ thế nào…
Mình nhớ có lần anh Từ Thanh chia sẻ về 4L trong hoạt động Quản lý chất lượng, nó có nghĩa là "LÀM LẸ LẤY LỆ", anh tếu táo nói cho vui nhưng nó phản ánh đúng sự thật đắng lòng tại các bệnh viện... Liệu bao giấy tờ, hồ sơ, sổ sách đẹp như mơ khi đoàn kiểm tra đi giám sát có phản ánh thật chất lượng y tế tại cơ sở?
Liệu bao công trình chúng ta làm theo tiêu chuẩn 4L cho nhanh, cho kịp rồi sau đó bẽ bàng vì không phù hợp, không hướng tới người sử dụng nên đành phải tháo ra, làm lại hoặc...đợi mùa sau?
Liệu những con điểm đánh giá chất lượng cuối năm nói lên đúng chất lượng bệnh viện một cách tự hào? Hay ẩn trong đó là sự tất bật, túi bụi và bao công sức của nguyên một hệ thống cũng làm một "lâu đài chất lượng" trên cát đẹp như mơ, bỗng chốc tan biến sau cơn sóng của đợt kiểm tra cuối năm?
Gần đây khi có dịp tiếp cận các tài liệu nước ngoài, mình học được là các nước tiên tiến, cũng gặp những thách thức như Việt Nam trong vấn đền ATNB & QLCL. Ở Hoa Kỳ, ở Úc cũng có vấn đề BV nghe ngóng khi nào “bị” kiểm định, sẽ dọn dẹp sạch sẽ, cho người bệnh xuất viện sớm, tống các vật tư bừa bộn vào kho. Để rồi khi cơ quan kiểm định đi qua, mọi chuyện sẽ quay về “vũ như cẩn”.
Mong sao việc làm Cải Tiến Chất Lượng tại Việt Nam sẽ ngày càng đi vào thực chất. Mong sao các cấp quản lý sẽ cùng NVYT làm thật - tinh giảm các yêu cầu hành chính, chấp nhận nghe những con số, những báo cáo thực, tuy chưa “hoàn hảo” như mong đợi.
Được như vậy thì NVYT sẽ “dám” làm thật, thay vì phải đầu tư hết nguồn lực “chăm sóc bộ máy”, như Giáo Sư Albert Wu miêu tả.
BS Phan Thị Lan Viên