linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Tổng Kết Hội thảo ONLINE về NGHIÊN CỨU KHOA HỌC -

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 15 tháng 2 năm 2020 tại Diễn đàn CLB Quản lý chất lượng - An toàn người bệnh, CHIR - Trung Tâm Nghiên Cứu Cải Tiến Y Tế đã tổ chức hội thảo Online về Kỹ năng nghiên cứu khoa học, buổi hội thảo có sự góp mặt của những Anh Em đồng nghiệp thật sự tâm huyết và có kinh nghiệm thực tiễn với hoạt động nghiên cứu khoa học.
I/ Các diễn giả, họ là ai?
 
- Các diễn giả đến từ các vị trí công việc, đơn vị công tác khác nhau:
 
+ Một bác sĩ mới tốt nghiệp đã bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
 
+ Một trưởng nhóm nghiên cứu khoa học của một bệnh viện công có khát vọng vươn lên trong lĩnh vực NCKH.
 
+ Một phó chủ nghiệm bộ môn liên quan chặt chẽ đến NCKH của một trường đại học danh giá.
 
+ Một trưởng đơn vị nghiên cứu và cũng là một chuyên gia phân tích dữ liệu ở một đơn vị nghiên cứu quốc tế.
 
+ Một bác sĩ lâm sàng, giảng viên, chủ nhiệm một đơn vị hỗ trợ sinh sản hàng đầu của cả nước bắt đầu tham gia NCKH.
 
Qua đó có thể cung cấp cho anh em y tế nhiều trải nghiệm, góc nhìn một cách đa chiều và khách quan.
 
II/ Các chủ đề được thảo luận
 
A/ Vấn đề liên quan đến quá trình NCKH
 
1/ Tư duy
 
- Rào cản:
 
+ Truyền thống của hành nghề y là truyền nghề ("cầm tay chỉ việc"), do đó các BS lâm sàng dễ có suy nghĩ chấp nhận những gì người thầy truyền đạt là đúng, ít khi đặt ngược lại vấn đề (ví dụ như: liệu cách điều trị này có thật sự hiệu quả không?).
 
+ Các nhà khoa học Việt Nam vì được đào tạo ở trong nước nên thường có góc nhìn địa phương, giải quyết các vấn đề ở Việt Nam trong khi yêu cầu của một công bố quốc tế là kết quả nghiên cứu cần phải trả lời những câu hỏi lớn hơn, liên quan đến nhiều lĩnh vực và dân số khác nữa.
 
=> Có thể mở rộng góc nhìn thông qua việc đi báo cáo, trao đổi với đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác, làm việc dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia nổi tiếng (research supervisor).
 
- Thế giới hiện nay là thế giới phẳng, thông tin có thể được tiếp cận dễ dàng hơn. Điều quan trọng là cần rèn luyện cách tư duy, tiếp cận, giải quyết vấn đề.
 
2/ Quản lý thời gian
 
- Anh em y tế khá bận rộn với các trách nhiệm ở cơ quan (công tác lâm sàng, giảng dạy) và gia đình, tiến hành NCKH như một công việc thêm bên cạnh việc làm chính hàng ngày.
 
- Vòng đời của một nghiên cứu có thể kéo dài đến vài năm, giai đoạn nước rút khi trả lời phản biện chỉ gói gọn trong vòng 48 giờ.
 
=> Người làm NCKH cần có sự cam kết với công việc cao, đặt ra thời hạn phù hợp (vì phần lớn công việc NCKH là làm bán thời gian chứ không phải toàn thời gian, kĩ năng này có thể được trui rèn theo thời gian, thời hạn thường do bản thân tự đặt ra), chuẩn bị tốt mọi thứ ngay từ ban đầu để tránh bị động về sau này (nhất là trong thời gian nước rút trả lời phản biện), tối đa hóa thời gian ở cơ quan để tránh mang việc về gia đình (đi làm sớm, tận dụng thời gian nghỉ trưa, ở lại sau giờ làm việc) để có thể quản lý thời gian được tốt nhất.
 
3/ Kinh phí
 
- Kinh phí có thể đến từ các cơ sở đào tạo như trường Đại học, các tổ chức như Nofosted, chương trình ở từng địa phương (hướng nghiên cứu [NC] cần phù hợp với nhu cầu địa phương), một dự án đang cần tìm nhân sự phù hợp, sử dụng tiền của bản thân (phần nào gia tăng cam kết phải thực hiện cho xong dự án).
 
- Một số cách làm gia tăng khả năng xin được kinh phí như: chia sẻ khó khăn, nhu cầu với mạng lưới có được thông qua các dự án làm chung, báo cáo hội nghị, sử dụng sản phẩm để thuyết phục nhà đầu tư, các nghiên cứu viên trẻ có thể liên kết với những người có kinh nghiệm.
 
- Có thể giảm bớt chi phí đầu tư cho nhân sự bằng cách tìm những người có đam mê, kết nối giữa những người có nhu cầu (ví dụ như bác sĩ lâm sàng và nhà phân tích số liệu).
 
4/ Kĩ năng mềm
 
- Các nghiên cứu viên thường thiếu các kĩ năng mềm liên quan đến NCKH (ý tưởng, kiến thức cơ bản về NCKH, thống kê). Có thể khắc phục bằng cách tham gia các khóa học (online/offline) trước khi tham gia NCKH hoặc sau khi hoàn thành một dự án và biết bản thân còn thiếu kiến thức nào.
 
- Có thể làm các nghiên cứu dạng bắt chước các nghiên cứu trước để rèn luyện kĩ năng, tốt hơn nữa là có thể nghiên cứu về một vấn đề đặc thù của địa phương (như u xơ cơ tử cung trên bệnh nhân Việt Nam hiếm muộn đã trải qua nhiều điều trị trước đây) để tăng khả năng được đăng báo quốc tế.
 
5/ Nhân sự
 
- Nên tìm kiếm những người có cùng đam mê, sở thích NCKH tại nơi làm việc. Nếu nghiên cứu phù hợp với mối quan tâm của nhiều đồng nghiệp thì sẽ có nhiều cơ may được hỗ trợ hơn.
 
- Các nhân viên y tế công tác tại trường Đại học, trung tâm nghiên cứu sẽ có lợi thế về nhân lực vì có sẵn nhiều bộ môn liên quan (ví dụ như thống kê, dịch tễ) , các bộ phận chuyên sâu khác nhau (như hành chánh, phân tích số liệu,…) và người hướng dẫn (supervisor).
 
- Có thể tham gia vào một dự án NC sẵn có khác, diễn đàn online (như Online Research Club), đây cũng là NCKH chứ không nhất thiết phải là đề tài do mình thực hiện mới gọi là NCKH.
 
- Làm việc nhóm trong NCKH sẽ giúp cho công việc được hoàn thành (vì rất khó có 1 cá nhân có thể tự mình thực hiện mọi thứ), phản biện trong quá trình làm để tránh thiên kiến (ngoài ra nghiên cứu viên nên đọc tổng quan y văn, cả các quan điểm trái ngược với mình để có góc nhìn đa chiều), học hỏi chia sẻ kinh nghiệm kiến thức lẫn nhau, tập hợp ý kiến của mọi người để lường trước hết các khó khăn có thể gặp phải (ví dụ như tính khả thi của NC trong trường hợp dữ liệu NC trong các bệnh án không toàn vẹn và đầy đủ).
 
- Bác sĩ lâm sàng và nhà phân tích dữ liệu nên có mối quan hệ tốt, tích cực trao đổi để có thể thống nhất và chia sẻ mục tiêu chung, không nên phó mặc hết cho nhà phân tích dữ liệu.
 
6/ Quản lý dự án
 
- Có 2 trường phái khác nhau:
 
+ Một bên là bác sĩ lâm sàng cầu toàn, chỉnh chu đến từng chi tiết nên có xu hướng ôm đồm, ít chịu giao việc cho người khác trong khi bản thân lại bận rộn.
 
+ Một bên là làm nghiên cứu theo góc độ quản lý nhiều hơn, nghĩa là có trách nhiệm điều phối, tin tưởng giao việc cho người khác, do đó thường có hiệu suất khoa học cao dù sản phẩm có thể không hoàn hảo bằng trường phái trước.
 
7/ Tính ứng dụng của nghiên cứu
 
- Có một thực tế rằng những nghiên cứu có tính ứng dụng cao (như cải tiến chất lượng tại khoa) thì có tính ứng dụng cao nhưng lại khó được xuất bản (do thiếu tính khái quát hóa cho dân số khác) và ngược lại. Tuy nhiên, những người làm nghiên cứu và kể cả nhà quản lý nên có một cái nhìn "thoáng" hơn là làm NCKH để tạo ra tri thức cho nhiều người khác sử dụng (những đơn vị khác có đủ điều kiện) chứ không hẳn chỉ là để chính người làm NC sử dụng.
 
- Sự thiếu tính ứng dụng cũng có thể đến từ sai sót trong quá trình làm nghiên cứu, vấn đề này cần được họp để rút kinh nghiệm, khắc phục lỗ hổng để làm tốt hơn những nghiên cứu sau.
 
- Câu hỏi nghiên cứu nếu xuất phát từ nhu cầu của đơn vị (như dự định triển khai một kĩ thuật mới) thì có thể sẽ mang tính ứng dụng cao hơn, được nhiều đồng nghiệp hỗ trợ hơn trong quá trình tiến hành nghiên cứu và sau này là ứng dụng kết quả có được.
 
8/ Thủ tục hành chính
 
- Bên cạnh những khó khăn trong quá trình làm NC thì thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, mất thời gian cũng là một lí do chính làm nản lòng các nhà khoa học.
 
- Chúng ta nên chấp nhận sự thật, và đừng kì vọng quá nhiều vào sự thay đổi của chính sách trong thời gian ngắn, mà thay vào đó là tìm cách để vượt qua, ví dụ như là tiến hành 4 – 5 NC cùng lúc thay vì 1 dự án để đề phòng trường hợp trục trặc một trong các dự án thì chúng ta vẫn có sản phẩm.
 
9/ Công trạng/Quyền lợi khoa học
 
- Nên thảo luận về quyền lợi khoa học cũng như trách nhiệm công việc của các nghiên cứu viên/ trung tâm (trong trường hợp NC đa trung tâm) ngay từ đầu.
 
- Nên có tinh thần win – win trong hợp tác NC, ví dụ như một đơn vị có ý tưởng phối hợp với địa phương có chính sách phù hợp có thể hỗ trợ cho đề tài, hoặc đôi khi để người khác đứng tên chủ nhiệm, nghiên cứu viên chính đứng tên thư kí (vì lí do hành chánh) để đề tài được nghiệm thu.
 
B/ Lợi ích khác khi làm NCKH
 
- Bên cạnh các kĩ năng về NC, quá trình thực hiện NCKH cũng mang lại một số lợi ích, rèn luyện một số đức tính, kĩ năng mềm khác như:
 
+ Tự tin: do biết rõ bối cảnh tạo ra thông tin bản thân đang sử dụng.
 
+ Khiêm tốn: do thấy được vị trí của bản thân so với tri thức nhân loại.
 
+ Kĩ năng quản lý thời gian, nhẫn nại thuyết phục người khác, nhất là những người đến từ các quốc gia và vùng văn hóa khác nhau.
 
+ Cơ hội đại diện cho tổ chức đi báo cáo, làm việc với các trung tâm khác.
 
+ Biết NCKH cũng là một điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng.
 
Anh/Chị có thể theo dõi lại buổi hội thảo tại đây:  https://bit.ly/3b34mjb
 
BS. Châu Uy Bằng
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team