linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Phần 5: Xác minh dữ liệu chỉ số chất lượng (Data Validation)

Một chương trình cải tiến chất lượng chỉ có giá trị khi chương trình đó được xây dựng dựa trên việc thu thập dữ liệu. Vậy nếu dữ liệu không được thu thập chính xác, các nỗ lực cải tiến chất lượng sẽ không hiệu quả, làm rất nhiều nhưng không cải thiện được gì vì dựa vào dữ liệu sai mà đặt vấn đề. Do đó, độ tin cậy và tính hợp lệ của các dữ liệu đo lường là điều cốt lõi của tất cả các cải tiến. Để đảm bảo dữ liệu đã được thu thập là hữu ích, chính xác, chúng ta cần phải thực hiện quy trình xác minh dữ liệu (nội bộ tự làm hoặc bên ngoài thực hiện).
Vậy khi nào cần thực hiện quy trình xác minh dữ liệu ?
 
- Trường hợp 1: Một chỉ số mới được triển khai lần đầu
 
- Trường hợp 2: Dữ liệu được công khai trên website của bệnh viện hoặc theo hình thức khác (ví dụ như bảng tin chất lượng của khoa/ phòng)
 
- Trường hợp 3: Các biện pháp đo lường hiện tại có sự thay đổi, ví dụ như công cụ thu thập đã thay đổi hoặc quy trình trích xuất dữ liệu từ hồ sơ bệnh án đã thay đổi hay người thu thập dữ liệu đã thay đổi
 
- Trường hợp 4: Kết quả đo lường thay đổi nhưng không lý giải được lý do.
 
Chẳng hạn như tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay tháng 6/2020 đạt 60%, tháng 7/2020 đạt 58% đến tháng 8/2020 đạt 95% nhưng không lý giải được vì sao lại tăng (Ví dụ như không có tổ chức tập huấn nhắc lại kiến thức về vệ sinh tay, cũng không nhắc nhở gì nhân viên, không tăng cường giám sát, không có sự cố gì xảy ra liên quan đến việc không tuân thủ vệ sinh tay, cũng chẳng gắn thêm bồn rửa tay hay các chai dung dịch vệ sinh tay nhanh,… Tóm lại là không có biện pháp can thiệp nào đã được áp dụng để cải thiện tỷ lệ vệ sinh tay nhưng tỷ lệ này vẫn tăng đáng kể, không thể lý giải được)
 
- Trường hợp 5: Nguồn dữ liệu thay đổi.
 
Ví dụ trước giờ thu thập dữ liệu từ nguồn là hồ sơ bệnh án giấy, nay chuyển sang nguồn dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử hoặc kết hợp cả 2 nguồn này
 
- Trường hợp 6: Chủ đề của việc thu thập dữ liệu đã thay đổi, ví dụ thay đổi độ tuổi của BN trong thời gian khảo sát
 
Quy trình xác minh dữ liệu
 
1. Thu thập lại dữ liệu bởi người thứ 2, người không có vai trò trong việc thu thập dữ liệu gốc ban đầu
2. Phân tích lại dữ liệu vừa thu thập được.
3. So sánh dữ liệu vừa thu thập được với dữ liệu gốc ban đầu
4. Độ chính xác phải là 90% khi so sánh 2 dữ liệu này. (mức độ chính xác có thể được điều chỉnh theo mức độ mà BV mong muốn)
5. Khi các thành phần trong dữ liệu không giống nhau, độ chính xác không đạt thì phải ghi nhận lý do và có kế hoạch khắc phục
6. Tiến hành kế hoạch khắc phục xong, dữ liệu được thu thập lại để đảm bảo độ chính xác theo mong muốn.
 
Lưu ý:
 
- Tất cả các bước trên đều phải được ghi nhận lại lưu hồ sơ.
 
- Một chỉ số có thể được xác minh dữ liệu nhiều hơn 1 lần vì có thể rơi vào nhiều trường hợp yêu cầu cần được xác minh như đã nêu trên tại các thời điểm khác nhau.
 
Ví dụ về quy trình xác minh dữ liệu vệ sinh tay (nội bộ tự thực hiện)
 
Giả sử chỉ số chất lượng “Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay” được tiến hành giám sát lần đầu tiên vào tháng 7/2020 với kết quả Tỷ lệ tuân thủ chung của toàn viện đạt 80%. Chỉ số này được quản lý dưới sự giám sát của khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Các thành viên trong mạng lưới KSNK là người trực tiếp giám sát các cơ hội cần vệ sinh tay tại các khoa bằng bảng kiểm vệ sinh tay với số cơ hội quan sát tối thiểu là 30 cơ hội/ tháng/ khoa.
 
Vì đây là chỉ số mới lần đầu tiên được áp dụng và các chỉ số chất lượng sẽ được công khai trên các bảng tin chất lượng tại các khoa nên dữ liệu vệ sinh tay sẽ được xác minh lại độ chính xác.
 
 
Quy trình xác minh như sau:
 
Người thực hiện xác minh: nhân viên phòng QLCL
- Là người độc lập và đã không tham gia vào việc thu thập dữ liệu gốc ban đầu (không phải là thành viên của mạng lưới KSNK để tham gia giám sát các khoa)
- Nhiệm vụ của quan sát viên là quan sát NVYT trong quá trình hoạt động chăm sóc điều trị thông thường có tuân thủ các chỉ định về vệ sinh tay như đã được khuyến cáo hay không. Vậy để hoàn thành được nhiệm vụ này, người quan sát phải có khả năng hiểu được khi nào cần vệ sinh tay, vệ sinh tay như thế nào là đúng, TH nào cần vệ sinh tay với nước và xà phòng, TH nào được sử dụng dung dịch sát khuẩn nhanh,… (tóm lại là phải nắm các kiến thức về quy tắc vệ sinh tay)
- Người này được đào tạo, hướng dẫn về phương pháp giám sát vệ sinh tay và hiểu cách sử dụng phiếu giám sát vệ sinh tay
 
Xác định phạm vi giám sát:
 
- Khu vực giám sát: tất cả các khoa/ phòng (toàn viện). (Phiếu thông tin chỉ số chất lượng đã xác định sẽ giám sát những khu vực nào thì khi tiến hành xác minh dữ liệu cũng sẽ giám sát đúng những khu vực đó. Không loại trừ khả năng phiếu thông tin chỉ số ghi chỉ giám sát khoa lâm sàng mà kết quả giám sát thì bao gồm cả luôn kết quả giám sát của khoa cận lâm sàng dẫn đến sự sai lệch)
- Thời gian sẽ giám sát
- Đối tượng sẽ giám sát
- Cỡ mẫu: 30 cơ hội/ tháng/ khoa
- Tiến hành giám sát: dựa trên những kiến thức đã được đào tạo về cách giám sát và phiếu giám sát vệ sinh tay. Nhân viên phòng QLCL thực hiện giám sát vệ sinh tay.
- Phân tích dữ liệu thu thập được, kết quả ra tỷ lệ vệ sinh tay chỉ đạt 55%.
 
Mức độ chính xác (so sánh giữa dữ liệu gốc và dữ liệu vừa mới được thu thập để xác minh): 55/80 = 68% --> Không đạt (vì mức độ chính xác mong muốn là 90%)
 
Như vậy kết quả tỷ lệ vệ sinh tay do các thành viên trong mạng lưới KSNK giám sát cho kết quả tuân thủ đạt 80%; còn do nhân viên phòng QLCL giám sát thì cho kết quả tuân thủ đạt 55% toàn viện. Do đó, việc phân tích nguyên nhân, tìm lý do tại sao có sự khác biệt đáng kể này phải được thực hiện, có thể sử dụng biểu đồ xương cá để phân tích nguyên nhân sau đó có giải pháp khắc phục để việc thu thập dữ liệu được chính xác
 
Sau khi đã có hành động khắc phục, thành viên mạng lưới KSNK tiếp tục giám sát VST tháng tiếp theo, phòng QLCL thực hiện lại việc xác minh dữ liệu cho đến khi kết quả xác minh có độ chính xác như mong muốn.
 
TH này có thể xác minh dữ liệu bằng phương pháp quan sát lại camera các cơ hội vệ sinh tay, nhưng sẽ có hạn chế một số khu vực chăm sóc bệnh nhân không có camera để quan sát, cần cân nhắc lựa chọn phương pháp phù hợp, quan sát trực tiếp thì có thể bị ảnh hưởng hiệu ứng Hawthorne.
 
Mỗi chỉ số chất lượng sẽ có 1 đặc thù riêng, có chỉ số thì xác minh lại bằng cách giám sát trực tiếp, có chỉ số thì phải xuất dữ liệu từ HIS, từ việc kiểm tra hồ sơ bệnh án,… Nói chung phụ thuộc vào cách thu thập dữ liệu của chỉ số đó thì khi xác minh dữ liệu của chỉ số cũng sẽ làm như vậy. Không có cách làm nào có thể áp dụng cho tất cả các chỉ số, nhưng về nguyên tắc, trình tự cách làm thì như nhau.
 
Tài liệu tham khảo:
1. JCI Standard – QPS chapter – QPS6
2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK144028/
3. Data Validation of Hand Hygiene Compliance (Infection Control Program, Department of Veterans Affairs New Jersey Healthcare System, East Orange, NJ, USA)
 
Trân trọng,
FB Linh Ngoc Khanh Nguyen
 
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team