linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Đào tạo Điều dưỡng tại Nhật

Đội ngũ “BÁC SĨ” là những đội quân chỉ huy trong trận chiến, cùng hợp lực với đội ngũ “nhân viên y tế” thực hiện công việc cứu người. Đội “điều dưỡng” là đội quân hùng mạnh nhất của đội ngũ “nhân viên y tế”. HÀNH XỬ của đội ngũ này là chìa khóa để "nâng cao dịch vụ khách hàng và người bệnh", là đội ngũ quyết định sự hài lòng của người bệnh. Người bệnh có được trải nghiệm tốt hay không đều phụ thuộc vào các điều dưỡng.

Xin cảm ơn tất cả các anh chị, các bạn đã luôn theo dõi và chia sẻ những bài viết của Huệ trên diễn đàn. Hôm nay Huệ xin phép tiếp tục chia sẻ một chủ đề : Đào tạo điều dưỡng tại Nhật.

Nếu tính số lượng bác sĩ tỷ lệ theo trên dân số thì các nước Âu, Bắc âu vẫn chiếm vị trí cao nhưng điều dưỡng lại không đồng đều. Số liệu cụ thể tính trên 1000 dân như sau (số liệu 2019).
- Canada: 2,7 / 10,0
- Mỹ: 2,6 / 11,7
- Nhật: 2,4 / 11,3
 
💐 Có nghĩa 3 nước trên là tương đương trên tổng thể. Ở Nhật bảo hiểm toàn dân phủ sóng vì thế nguời dân có thể tự do lựa chọn bệnh viện, bác sĩ để điều trị vì vậy mà “kinh doanh bệnh viện” có mức cạnh tranh cao và phải làm “thực sự” mới tồn tại được. Giống như các ngành khác “Cải tiến” rất được đề cao và các bệnh viện rất tích cực hỗ trợ việc đào tạo. Họ coi đào tạo thế hệ trẻ để tiếp nối là nhiệm vụ vô cùng cần thiết và quan trọng.
 
💐 Nói về hệ thống đào tạo điều dưỡng tại Nhật nhìn chung có 4 hệ bao gồm các trường đạo tạo và chung quy lại sau khi tốt nghiệp thì thi 1 trong 2 chứng chỉ là cấp tỉnh và cấp Quốc gia.
Cấp tỉnh có tổ chức năm 1 lần ở các tỉnh, vì thế sinh viên có thể tham gia thi một số tỉnh nếu ngày thi không trùng. Phòng trường hợp thi trượt, nên thường đăng ký thi một vài tỉnh, vì thế có thể nói gần 100% có thể thi lấy chứng chỉ điều dưỡng cấp tỉnh.
- Trường trung cấp hệ 2 năm là mức tối thiểu để tham gia chứng chỉ cấp tỉnh.
Hệ thi bằng hành nghề chứng chỉ quốc gia tổ chức năm 1 lần vào đầu tháng 3 đối với sinh viên các trường:
-Trường liên thông điều dưỡng từ cấp 3 kết hợp đào tạo 5 năm
-Trường cao đẳng hệ 3 năm
-Trường đại học hệ 4 năm
Các học sinh học trên 3 năm có thể thi bằng chứng chỉ cấp tỉnh để phòng thi trượt thì vẫn có thể đi làm với vai trò điều dưỡng.
Theo thống kê, trong năm 2019 có 65427 sinh viên trong đó sinh viên nam chiếm 10,3% ; hệ liên thông 5 năm chiếm 5,7%, hệ 2 năm chiếm 11,6%, hệ 3 năm chiếm 43,5%, hệ đại học 4 năm chiếm 39,2%.
Tổng số các trường đào tạo:
-Hệ đào tạo 2 năm: 170 trường.
-Hệ liên thông 5 năm: 70 trường.
-Hệ đào tạo 3 năm: 71 trường.
-Hệ đào tạo 4 năm: khoa điều dưỡng trực thuộc các trường đại học, 2019 có 288 trường.
 
 
Tỷ lệ tốt nghiệp
 
💐 Có đến 95% sinh viên đại học có thể tốt nghiệp được, hệ đào tạo 2 năm chỉ có 90,4%, hệ đào tạo 3 năm là 88,6% và hệ đào tạo liên thông từ cấp ba 5 năm thì con số dừng lại ở mức 82,9%. Lựa chọn làm điều dưỡng ngay từ khi cấp hai liệu có sớm quá chăng?
Hiện nay các trường đào tạo hệ 2 năm, 3 năm và liên thông 5 năm đang có xu hướng đóng cửa dần. Theo thống kê, có 12 trường đào tại hệ 2 năm, 4 trường đào tạo hệ liên thông 5 năm và 1 trường đào tạo hệ 3 năm đã đóng cửa. Ngược lại, các trường đại học có khoa điều dưỡng có xu hướng tăng rất mạnh. Cụ thể là năm 2017 chỉ có 158 trường đại học có khoa điều dưỡng và con số này đã tăng lên thành 288 trường vào năm 2019, nghĩa là đã tăng thêm 130 trường trong vòng 2 năm.

Thi đầu vào khối điều dưỡng có gì khác ?
 
- Điều khác với các sinh viên khác là tổ chức phỏng vấn đối với học sinh đã vượt qua kỳ thi văn hóa. Tại đây, ban giám hiệu nhà trường sẽ tiến hành phỏng vấn từng học sinh để đánh giá sự thích hợp của học sinh đối với ngành nghề ( tố chất, sức khoẻ, nguyện vọng… những yếu tố mà thi viết không thể đánh giá). Vòng thi này thường có 50% học sinh bị đánh trượt, nhà trường cố gắng chọn lọc các thí sinh phù hợp cho công việc liên quan đến tính mệnh con người.
Thực tập trong quá trình học.
 
💐 Học sinh các trường đều phải đảm bảo số trình học, số giờ thực tập tại bệnh viện mới được phép thi chứng chỉ quốc gia. Khoảng 1 năm cuối hầu hết thời gian học là thực tập ở các khoa của các bệnh viện cụ thể như. Thực tập tại: khoa người già, khoa nội, khoa ngoại, khoa sản, khoa nhi, khoa tim mạch, khoa chăm sóc tại nhà, khoa tâm thần. Sinh viên sẽ chia nhóm 5-7 bạn / nhóm, mỗi nhóm đến 1 khoa thực tập vào giờ hành chính tư thứ 2- đến thứ 6. Mỗi sinh viên phụ trách 1-2 bệnh nhân cụ thể và lên kế hoạch hỗ trợ, phân tích giúp đỡ dưới sự giám sát của thầy cô và điều dưỡng phụ trách học sinh.
 
💐 Trong mắt sinh viên thì người điều dưỡng phụ trách hướng dẫn sinh viên là các “bà cô khó tính”, chuyên đặt các câu hỏi sắc bén, học sinh ít trả lời được vì kiến thức non, và cách xử lý tình huống kém. Khoa ngoại là khoa khó khăn để lên kế hoạch chăm sóc vì tiến triển bệnh quá nhanh. Khi thực tập sinh viên sẽ không thực hiện thủ thuật như tiêm, truyền chỉ xem và hỗ trợ đời sống cho bệnh nhân, trò chuyện cùng bệnh nhân. Đây là cơ hội học nhiều nhất về giao tiếp ứng xử để trở thành nhân viên y tế.
 
Sau tốt nghiệp làm việc ở đâu
 
💐 Tháng 3 năm 2019 có 58185 sinh viên tốt nghiệp, 49% sinh viên làm việc tại các bệnh viện đã thực tập, 48,5% làm việc tại những bệnh viện không phải nơi đã thực tập, khoảng 2,8% còn lại làm việc tại các phòng khám, cơ sở y tế hay viện dưỡng lão.
Chứng chỉ hành nghề Quốc gia là kì thi cấp chứng chỉ được tổ chức mỗi năm một lần vào khoảng tháng 3 hàng năm và kết quả được công bố sau đó khoảng 1 tháng. Tỉ lệ đỗ chứng chỉ này dao động trong khoảng trên dưới 90% hàng năm.
Năm 2018 trên toàn nước Nhật có khoảng 1,220,000 80%điều dưỡng bằng Quốc gia, 30,000 điều dưỡng có chứng chỉ cấp tỉnh đang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn nước nhật. Hiện tại Nhật Bản còn thiếu khoảng 300-400 ngàn điều dưỡng do tình hình dân số già hoá, do số lượng bệnh viện cơ sở y tế dày đặc nên cần nhiều nhân lực. Thiếu nhân lực đặc biệt là đội ngũ nhân viên chăm sóc là lý do khiến Nhật Bản không ngừng chiêu mộ nhân lực nước ngoài đến làm việc, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Philipin.
 
Sinh viên nước ngoài học ở Nhật!
 
💐 Mình qua Nhật vào năm 2000 ở thời điểm Nhật vẫn chưa có sinh viên hay nhân viên điều dưỡng người nước ngoài đang học tập, làm việc. Luật pháp và các qui định thi cử cũng gặp khá nhiều khó khăn. Cụ thể là nếu không học tập tại các trường đào tạo điều dưỡng tại Nhật thì sẽ không đủ điều kiện thi chứng chỉ Quốc gia. Do đó những bạn như mình đã học tiếng Nhật ở Việt Nam và sang Nhật tham gia thi đầu vào vào các trường cao đẳng và đại học cùng với học sinh Nhật.
 
💐 Để vào được trường thì là cả một quá trình, chuyện bị cho rớt ở vòng phỏng vấn là thường vì ban giám hiệu lo học sinh nước ngoài không theo được. Một số trường có thầy hiệu trưởng là bác sĩ là những học sinh đã từng du học nghành y ở Mỹ, Đức hay Châu âu sẵn sàng lên tiếng ủng hộ giúp đỡ để cho phép nhập học. Vì thế có trường được thầy hiệu trưởng tin tụi học sinh nước ngoài theo học thì tụi mình không bị đánh trượt ở kỳ phỏng vấn. Thời kỳ đó quả là khó khăn luật cho phéo nhận 5% du học sinh . Thi lý thuyết thế hệ mình, với các sinh viên vốn đã có đủ năng lực học các trường y dược của VN thì kỳ thi của khối điều dưỡng lại Nhật không phải là khó. Thông thường tụi mình thời đó điểm toán, hóa, sinh, anh văn đạt 95-100 còn quốc ngữ thì lại chỉ 35-50 điểm nhưng không phải điểm chết nên vẫn đủ điểm đỗ. Nói vậy thôi nhưng hàng tháng từ khi học tiếng Nhật đã có thi đánh giá và loại, nen để theo đến cùng thì quá trình học ở VN đã rớt rất nhiều, khóa mình chỉ có 1/15 theo được đến cùng.
 
Nhật mở cửa nới rộng khung luật pháp với người nước ngoài.
 
Thời của mình thì sau khi lấy chứng chỉ quốc gia chỉ có luật cấp visa 4 năm làm việc sau khi có chứng chỉ, sau đó cục xuất nhập cảnh không biết sử lý sao. Không thể phủ nhận sự cố gắng của điều dưỡng Việt như tụi mình đã chứng tỏ được năng lực làm việc làm Quốc hội Nhật sớm đổi luật bỏ visa 4 năm nên 7 năm và điều đó có nghĩa là có thể lấy VISA vĩnh trú. Điều kiện lấy VISA vĩnh trú là ở Nhật 10 năm có đóng thuế đầy đủ 3-5 năm.
 
💐 Hiện tại sinh viên nước ngoài không học ở Nhật vẫn thi chứng chỉ Quốc gia và nếu đỗ thì có thể làm việc với chế độ như người Nhật. Tuy nhiên, điều đó không đơn giản. Không học ở Nhật ít nhiều nếu có đỗ chứng chỉ vẫn còn phải cố gắng rất nhiều trong 5 năm đầu làm việc. Mốc 5 năm là thời gian giao thoa văn hóa khác biệt và qua thời gian này thì đã quen cả với cuộc sống và công việc.
Nhật bản ký kết đón nhận nhiều sinh viên nước ngoài, đón nhận nhiều lao động ngành chăm sóc và có nhiều khung VISA hơn. Khi điều dưỡng người nước ngoài có đủ tự tin đi xin việc ở bất cứ bệnh viện nào tại Nhật, lúc đó có thể đánh giá bạn “không khác người Nhật”, thậm chí nhiều bệnh viện có nhiều người nước ngoài tới “du lịch chữa bệnh” lại chiêu mộ những người năng động như thế. Ít nhiều so với điều dưỡng Nhật thì điều dưỡng người nước ngoài tốt hơn về mặt ngoại ngữ, thấu hiểu văn hóa nên thích ứng với các bệnh nhân từ nước ngoài tới “khám chữa bệnh”.
 
Huệ rất mong trong thời gian tới có thể chia sẻ những thông tin hay và có ích về ngành điều dưỡng, mong muốn mang những điều hay ở nuớc bạn đóng góp thêm để điều dưỡng của VN phát triển, vững mạnh. Chúng ta hãy cùng nhau yêu nghề và tự hào về màu áo mà chúng ta đang khoác trên người, cùng nhau phát huy sức mạnh truyền thống kết hợp những điều mới, hiện đại, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cứu người.
Rất cảm ơn mọi ngừơi đã đọc hết bài viết của Huệ.
 
Hy vọng đón nhận được những bình luận, đóng góp và ý kiến chia sẻ của mọi người!
 
Tokyo đã chính thức vào hè, nắng chói chang nhưng có lẽ vẫn dễ chịu hơn cái nóng của VN.
Mong một ngày sớm về VN và không phải cách ly.
07/08/2020 Hayashi Huệ
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team